Người Việt Khắp Nơi

Tỷ lệ béo phì nơi trẻ em Việt có phải điều đáng ngại?

Monday, 26/09/2011 - 07:55:29

Tuần lễ cuối của tháng Chín, theo một quyết nghị do Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đệ trình và được thông qua hồi năm 2010, là Tuần Lễ Thể Dục và Ngăn Ngừa Béo Phì nơi Trẻ Em.

Vanessa White/Viễn Đông


Các em vận động nhiều, tập thể dục, thể thao, võ thuật, ít bị béo phì hơn
các em không hề tập thể dục - ảnh: Vi Lang/Viễn Đông.

QUẬN CAM - Tuần lễ cuối của tháng Chín, theo một quyết nghị do Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đệ trình và được thông qua hồi năm 2010, là Tuần Lễ Thể Dục và Ngăn Ngừa Béo Phì nơi Trẻ Em. Sự ấn định này có thể giúp cho nhiều người ý thức hơn và làm ảnh hưởng tới lối sống của trẻ em Mỹ gốc Việt.

Một người được xem là béo phì khi có quá nhiều mỡ trong người, nhưng không nhất thiết là một người quá nặng cân. Một người nặng cân có thể do có cơ bắp nhiều hơn, có nước nhiều trong người, hoặc cũng có thể do lượng mỡ. Do đó, một người nặng cân cũng có thể là một người béo phì.

Một bản thông cáo báo chí trong năm 2010 trích lời của TNS Correa: “Trong cộng đồng, chúng ta cần phải đoàn kết để vượt qua nạn dịch này. Chúng ta cần phải tranh đấu như thể cuộc sống của con em chúng ta đang gặp rủi ro, vì thực sự là vậy. Trẻ em béo phì sẽ dễ lớn lên thành những người béo phì, khiến cho họ có nhiều nguy cơ bị các bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ, và các chứng bệnh tật khác”. Ông nói thêm rằng trẻ em béo phì cũng có thể cảm thấy mất tự tin và có những triệu chứng trầm cảm, cũng như phán đoán không đúng đắn và dễ trở nên cáu bẳn, phá phách.

Quyết nghị Thượng Viện số 77 (SCR 77) của TNS Correa tập trung năng lực của các nhà lập pháp vào các chương trình giúp giảm thiểu chứng béo phì nơi trẻ em, đồng thời làm gia tăng các sinh hoạt thể dục của trẻ em và các chương trình giáo dục trẻ em ăn uống lành mạnh.

Trẻ em Mỹ gốc Việt ở Quận Cam, tuổi từ 3 đến 17, được liệt vào hạng béo phì cao hơn so với các nhóm sắc dân khác cùng tuổi, theo một bản phúc trình Lượng Định Nhu Cầu Sức Khỏe Quận Cam năm 2010 (OCHNA). Bản phúc trình này có tựa đề “Nhìn về Sức Khỏe trong Cộng Đồng Việt Nam ở Quận Cam” và sử dụng các dữ kiện thu thập từ năm 2007.

Khuynh hướng béo phì nơi các trẻ em Việt Nam ở Quận Cam lại khác biệt đáng kể so với khuynh hướng của người Việt Nam trưởng thành tại đây, vốn là nhóm người ít béo phì nhất khi so sánh với các nhóm sắc dân khác, cũng theo bản phúc trình cho biết.

Cộng đồng Việt Nam có thể làm gì và cần làm gì để giúp xoay chiều khuynh hướng béo phì nơi trẻ em?

* Một vài con số thống kê về trẻ em béo phì ở Quận Cam
Trong tất cả các trẻ em béo phì tại Quận Cam, 22 phần trăm là trẻ Việt Nam, tỷ lệ cao nhất trong các nhóm trẻ em thuộc những sắc dân khác nhau, bản phúc trình OCHNA cho hay.

Trẻ em Latino và da đen theo sau nhóm trẻ em Việt Nam ở mức tỷ lệ 21,2 phần trăm và 20,7 phần trăm mỗi nhóm; trong khi trẻ em thuộc các sắc dân Á Châu Thái Bình Dương gộp chung lại ở mức 16,3 phần trăm. Trẻ em da trắng có tỷ lệ 11,3 phần trăm béo phì, và trẻ em thuộc về các sắc dân khác ở mức 3,9 phần trăm.

Tuy nhiên, phụ huynh hoặc người giám hộ các em Việt Nam nặng cân lại không nghĩ rằng sức khỏe của con em họ là yếu kém hay trung bình, mà có đến 70,4 phần trăm cha mẹ và người giám hộ các em nặng cân cho rằng con em mình rất khỏe mạnh hoặc có sức khỏe rất tốt. Bản phúc trình OCHNA giải thích điều này là, có thể theo truyền thống Việt Nam, khỏe mạnh tức là không bị đau ốm hay khó chịu trong người, cho nên có thể vì vậy mà khi các vị phụ huynh được hỏi, họ trả lời theo kết quả như trên. Nhưng khi các gia đình Việt Nam chưa ý thức được rằng mức độ béo phì nơi con em mình là điều gì đó không được khỏe mạnh cho lắm hoặc cần thay đổi, ngăn chặn, thì có lẽ điều này sẽ cản trở việc ngăn ngừa béo phì trong cộng đồng.

* Vài nguyên nhân gây béo phì nơi trẻ em
Xã hội Hoa Kỳ thường được cho là có khuynh hướng ăn uống những khẩu phần to, thích ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, và không chịu tập thể dục, như Trung Tâm Ngăn Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC) nhận định.

Theo bản phúc trình OCHNA, trong số tất cả trẻ em ở California, tuổi từ 5-11, không hề tập thể dục trong tuần, thì 22 phần trăm là người Á Châu. Tỷ lệ trẻ em Á Châu béo phì, theo đó, cao hơn tỷ lệ của người Latino, với 16,2 phần trăm không hề tập thể dục, và người da trắng, với 5,4 phần trăm không tập thể dục. Trẻ vị thành niên Á Châu, tuổi từ 12 đến 17, chiếm 17,4 phần trăm trong tổng số các thiếu niên ở California không hề tập thể dục trong tuần. Tỷ lệ thiếu niên Á Châu béo phì, cũng theo đó, cao hơn tỷ lệ của người Latino không tập thể dục, ở mức 10,6 phần trăm, và người da trắng, ở mức 5 phần trăm.  

Cũng có những lý do mang tính cách văn hóa đằng sau những con số về tỷ lệ trẻ em béo phì Việt Nam ở Quận Cam. Theo bà Jacqueline Trần, giám đốc tổ chức Liên Kết Cộng Đồng Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương ở Quận Cam, và Tiến Sĩ Tâm Lý Học Xuyến Đông-Matsuda, yếu tố “biểu tượng quan trọng” về cuộc sống ở Hoa Kỳ có thể góp phần vào tỷ lệ béo phì cao hơn trong số trẻ em Việt Nam tại Quận Cam. Khả năng chu cấp thức ăn đầy đủ và nhà cửa cho con em mình khiến cho phụ huynh cảm thấy đời sống khá hơn, tiến bộ hơn.

Ngoài ra, TS. Xuyến Đông-Matsuda, trưởng khối Á Châu Thái Bình Dương trong chương trình phục vụ y tế tâm thần thuộc Sở Y Tế Quận Cam (OCHCA), liên hệ tỷ lệ béo phì cao với việc cha mẹ và con cái không nói chuyện được với nhau, không đạt được sự cảm thông, vì sự gò bó, khắt khe của phụ huynh cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm lý của trẻ em. Những trẻ em đó nhiều khi tìm tới thức ăn để tự an ủi.

Như vậy cộng đồng Việt Nam có thực sự cảm thấy nạn béo phì là một vấn đề trong cộng đồng? Nếu có thì làm sao giải quyết? Nếu không thì có những vấn đề sức khỏe nào khác liên quan đến trẻ em mà cộng đồng cho là quan trọng hơn? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT