Bình Luận

Úc đổi bạn

Wednesday, 12/06/2019 - 07:04:33

Để làm nhẹ bớt tính đột ngột của việc đổi bạn, Thủ Tướng Úc Scott Morrison nói như giải thích, “Cuộc thăm viếng đã được ấn định trước; chiến hạm Tầu đến thăm Úc để đáp lễ cuộc thăm viếng Trung Quốc trước đây của chiến hạm Úc.”


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Giáo sư hồi hưu Hugh White chuyên về khoa Nghiên Cứu Chiến Lược tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc- Australian National University- nhận xét, “Không chính phủ Úc nào lại dại dột đến mức công khai tỏ thái độ thân Mỹ quá đáng để làm phật lòng Trung Quốc.”
Ông White nói như vậy nhân việc ba chiến hạm Trung Quốc viếng thăm thiện chí Úc hôm mùng 2 tháng Sáu, 2019.


Ba chiếc chiến hạm Trung Quốc di chuyển từ Bắc xuống Nam Biển Đông để viếng thăm Úc. Ba chiếc này cập cảng hải quân Garden Island tại Sydney trong hình chụp ngày 3 tháng 6, 2019. (Getty Images)


Để làm nhẹ bớt tính đột ngột của việc đổi bạn, Thủ Tướng Úc Scott Morrison nói như giải thích, “Cuộc thăm viếng đã được ấn định trước; chiến hạm Tầu đến thăm Úc để đáp lễ cuộc thăm viếng Trung Quốc trước đây của chiến hạm Úc.”

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Úc, tiếp lời giải thích, “Việc chiến hạm ngoại quốc thăm viếng Úc là việc khá thông thường; hải quân Trung Quốc lại đang tham gia chiến dịch truy lùng hải tặc tại Vịnh Aden.”
Nói cách khác, Úc cố đặt nhẹ việc chiến hạm Trung Quốc lần thứ nhất cặp bến Úc, trong lúc Trung Quốc dụng ý nhấn mạnh sự hiện diện của họ bằng số đông -ba chiếc, thay vì một chiếc chiến hạm- có mặt tại Sydney cùng với 700 thủy thủ.

Họ muốn đặt đúng tầm quan trọng thái độ thân Tầu của Úc, một cường quốc Á Châu có truyền thống đồng minh quân sự với Mỹ; Úc tham dự mọi cuộc chiến tranh của Mỹ, kể cả chiến tranh Vịệt Nam, và quân lực Úc có một giá trị tác chiến rất cao. Giai thoại lính Úc đi cà khệu vượt rừng chồi vào mật khu tấn công Việt Cộng vẫn còn được truyền tụng trong hàng ngũ Quân Lực VNCH sau 60 năm họ tham chiến tại Bà Rịa.
Một giáo sư khác -ông Rory Medcalf - cũng phục vụ tại ANU (The Australian National University)- nói ông không tin mục đích của Trung Quốc chỉ là gửi chiến hạm tới để viếng thăm thiện chí Úc.

Medcalf nói, “Giải thích là sau khi tham dự cuộc hành quân lùng hải tặc tại vịnh Aden về, ba chiến hạm Tầu ghé thăm Úc, là che dấu; Sydney không nằm trên lộ trình của họ. Sự thật là gì?"
Câu hỏi đặt ra, tác giả không trả lời nhưng ai cũng hiểu ông muốn nhấn mạnh vào sự đổi thay quan trọng của Úc: đổi bạn.

Cả giáo sư White lẫn giáo sư Medcalf cùng phục vụ tại ANU -một trường đại học đặc biệt chuyên về nghiên cứu- do quốc hội Úc thành lập năm 1946; chỉ 14 năm sau, năm 1960, ANU mới nhận thêm trách nhiệm giảng huấn cùng với sự sát nhập của Canberra University College. Uy tín về nghiên cứu của trường rất lớn, nên việc hai giáo sư ANU nêu lên sự thay đổi của Úc được nhiều người quan tâm.

Ông White còn nói, “Thái độ kình chống giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi ngày một rõ rệt hơn, và lòng tin của Úc vào tình thân giữa Úc và Mỹ mỗi ngày một giảm bớt, kể từ ngày Tổng Thống Trump cầm quyền với chính sách America First. Giai thoại Trump toan đánh thuế tariff lên số nhôm nhập cảng từ Úc, và chỉ ngừng tay khi cả bộ trưởng quốc phòng lẫn bộ trưởng ngoại giao can gián, đã trở thành chuyện không người Úc nào không biết.
Trong quyển sách vừa xuất bản How to Defend Australia, ông White viết, “Mỹ chưa bao giờ yếu nhược như bây giờ, mặc dù Tổng Thống Trump rất mạnh miệng, và Mỹ cũng chưa bao giờ phải đối đầu với một địch thủ mạnh như Trung Quốc.” Ông dẫn chứng bằng thái độ Mỹ buông bỏ Đông Nam Á và Biển Đông.
Thái độ đổi bạn của Úc vẫn còn ngập ngừng, chưa ra mặt, chưa dứt khoát, qua việc Thủ Tướng Úc, ông Scott Morrison, không có mặt tại Úc trong lúc tầu Trung Quốc cặp bến Sydney Harbor; ông đi thăm đảo quốc Solomon, chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông từ ngày đắc cử.

Solomon là một trong sáu đảo quốc Thái Bình Dương có liên hệ ngoại giao với Đài Loan, quốc gia tùy thuộc Trung Quốc, nhưng quyết liệt chống Trung Quốc. Sự kiện đó cũng bị diễn dịch nhiều cách, nhưng Trung Quốc -trong thế chưa thật mạnh- vẫn chấp nhận điều bất ưng ý để bành trướng thanh thế ngoại giao.
Trong lúc đó Mỹ làm áp lực với Thủ Tướng Morrison, nhưng ông này tuyên bố ông sẽ không khuyến cáo Solomons giữ lập trường thân Đài Loan. Chính phủ Trump tuyên bố họ sẽ bán thêm cho Đài Loan $2 tỉ vũ khí nữa để tự vệ.

Thủ tướng Úc cũng tuyên bố Úc không can dự vào cuộc chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, một thái độ khôn ngoan để duy trì tình trạng xuất nhập cảng của Úc không bị thiệt thòi.
Trung Quốc ra mặt ve vãn Úc -một trong vài cường quốc Á Châu- nhưng Úc vẫn chống lại thái độ cưỡng chiếm Biển Đông của họ, dù Úc không đủ sức chống.

Hải Quân Úc chỉ có 20 chiến hạm, nhưng lực lượng tí hon đó vẫn gửi tầu vào Biển Đông thử thách mức tự do hàng hải tại đó; Trung Quốc để họ đi lại tự do nhưng vẫn cắt một chiến hạm theo sau cho có bạn; phi công của hai chiếc khu trục cơ bay theo bảo vệ chiến hạm báo cáo là một tia sáng laser bám theo máy bay, dù nhiều lần họ đổi hướng bay.

Hải Quân Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới về số lượng: họ có nhiều chiến hạm nhất, mặc dù không chiếc nào tốt và có giá trị chiến đấu bằng chiến hạm Mỹ.
Nhưng vấn đề của Úc là họ không tin tưởng Mỹ còn đủ ý chí để đối đầu với một lực lượng hải quân yếu kém hơn họ. Sau cuộc tháo chạy khỏi Việt Nam, quân đội Mỹ chưa thắng được một trận chiến tranh nào cả.
Giáo sư White viết, “Người Úc chưa bao giờ dám hình dung đến giả thuyết họ tham dự một cuộc chiến tranh mà không có sự đồng minh của Mỹ, nhưng giờ này thật tế có thể phũ phàng bắt họ phải một mình đối diện với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.”
Việc ba chiếc chiến hạm Trung Quốc cột đỏi trong Sydney Harbor có là câu trả lời đủ rõ cho ưu tư của Úc chưa? Và liệu tuần sau, tháng tới, Mỹ có gửi chiến hạm đến cột đỏi tại Sydney hay không? Dù chiến hạm Mỹ có khả năng tác chiến cao hơn chiến hạm Trung Quốc.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT