Văn Nghệ

Vài chuyện về buổi nhạc "Góc Nhìn Qua Thời Gian" và vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" (tiếp theo)

Friday, 16/03/2018 - 08:50:49

Dùng hình thức opera và tiếng Anh để viết lại vở chèo này, tác giả hy vọng giới trẻ Mỹ gốc Việt hải ngoại sẽ có cơ hội nhìn về gia tài văn hóa mình được thừa hưởng từ bậc cha ông và cảm thấy hãnh diện về nền văn hóa này.

Bài NHƯ AN

Tiếp theo bài viết hôm qua, xin đề cập đến vài chi tiết thú vị về vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính", sẽ được trình diễn qua 6 trích đoạn trong một buổi nhạc diễn ra vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 25 tháng 3. Đó là buổi nhạc "Góc Nhìn Qua Thời Gian" (Of Times and Perspectives) sẽ được diễn ra tại rạp hát sang trọng và mới tinh "MUSCO Center for The Arts" thuộc Đại Học Chapman, thành phố Orange của quận Cam (địa chỉ One University Drive, Orange, CA 92866). Đây là chương trình nhạc do hội VASCAM (Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc của Người Mỹ Gốc Việt) tổ chức để trình diễn những sáng tác âm nhạc của người gốc Việt tại hải ngoại.


Sùng Bà (mẹ Thiện Sĩ đang mắng đuổi Thị Kính)

Năm ngoái hội VASCAM đã tổ chức buổi nhạc "Cuộc Đời" (On Life) cũng tại rạp MUSCO. Người ta có thể nhầm lẫn cho rằng chương trình năm nay cũng giống chương trình năm ngoái vì đều có trình diễn một số màn của vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính". Xin nói rõ là chương trình năm nay hoàn toàn khác biệt, công phu hơn, nhiều người trình diễn hơn và sẽ hay hơn năm ngoái. Vì theo lời giáo sư P. Q. Phan, tác giả của vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính", thì năm thứ hai phải hay hơn năm thứ nhất để không phụ lòng khán giả.

Xin nhắc lại, phần một của chương trình nhạc Góc Nhìn Qua Thời Gian trình bày sáng tác của 5 tác giả thuộc 5 thế hệ khác nhau từ 25 tới 85 tuổi với những góc nhìn âm nhạc và cuộc đời khác nhau. Phần hai của chương trình là 6 trích đoạn của vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính" trong đó có 4 trích đoạn mới hoàn toàn. Xem những trích đoạn này, khán giả sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của những nhân vật tiêu biểu trong vở chèo cổ: Thị Kính thương người, Mẹ Mõ khôn lanh, Thị Mầu đầy sức sống, Sư Cụ đắn đo… Vở opera nói lên một câu chuyện táo bạo vượt thời gian khiến chúng ta không khỏi khâm phục sự khôn ngoan, sâu sắc của tầng lớp dân gian Việt Nam.


Thị Mầu đang tán tỉnh Thị Kính

Tại sao phải viết thành vở opera thay vì trình diễn dưới hình thức chèo cổ nguyên thủy?

Vài người cũng đã đặt câu hỏi này cho người viết. Qua nhiều buổi thuyết trình và "talk show" của tác giả P.Q. Phan cũng như quyển sách nhỏ "Hình Trình Một Vở Opera" của Anvi Hoàng, người viết có thể thay lời giáo sư Phan trả lời như sau:

- Vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính" khởi nguồn từ vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính", một sáng tác của dân gian, một câu chuyện đã có hơn ngàn năm tuổi. Từ nhỏ, tác giả P.Q. Phan đã rất thú vị và tâm đắc với vở chèo này. Theo ông, cốt truyện của vở chèo này là hoàn toàn Việt Nam, không một chút lai căng phương Bắc như nhiều tích truyện khác. Ông muốn đem câu chuyện đẹp đẽ này giới thiệu với thế giới, một việc mà ông sẽ tiếp tục làm trong suốt cuộc đời sáng tác của ông với nhiều tích truyện dân gian Việt Nam khác nữa.
-Nếu đem vở chèo cổ đi diễn trên đất Mỹ hay Âu châu thì cũng giống như đem một món đồ cổ từ viện bảo tàng đi trình làng, cũng có nhiều ý nghĩa nhưng có lẽ sẽ không được thưởng thức trọn vẹn vì người Âu Mỹ khó hiểu được nội dung. Vả lại, khó có thể tìm đủ tài năng hải ngoại để hát được vở chèo cổ này cho hay.
-Opera là một hình thức nghệ thuật cao và quen thuộc với người Âu Mỹ. Trình bày câu chuyện đẹp đẽ và nhân bản này dưới hình thức opera sẽ dễ được họ thưởng thức hơn. Vả lại, sáng tác nhạc "cổ điển đương đại" là nghề nghiệp của P.Q. Phan nên viết opera đối với ông là một chuyện tự nhiên. Sau nhiều năm nghiền ngẫm cốt truyện và tuần bản (lời kịch và hát) của vở chèo, ông đã tìm ra cách viết nhạc và thêm vào những đoạn nhạc và lời khác cốt để người Âu Mỹ có thể hiểu được cốt truyện một cách sâu xa. Ông đã đặt lại tên cho vở opera này là "Câu Chuyện Bà Thị Kính" thay vì Quan Âm, là một cái tên từ phương Bắc.
-Khán giả chưa từng xem vở chèo cổ này bao giờ sẽ rất thích thú với cách đặt tên nhân vật của các tác giả dân gian, vốn không có nhiều chữ Hán để đặt những cái tên thật kêu. Họ dùng tính cách nhân vật để làm tên, thí dụ Thị Kính là người con gái đáng kính, Thị Mầu là người con gái mầu mè, Mẹ Mõ là vợ thằng Mõ làng, Thiện Sĩ là người học trò hiền lành, Sùng Ông Sùng Bà (cha của Thiện Sĩ) là người "dễ nổi sùng", Sư Cụ là… sư cụ, Nô là người đầy tớ…


Đám cưới Thiện Sĩ và Thị Kính

-Dùng hình thức opera và tiếng Anh để viết lại vở chèo này, tác giả hy vọng giới trẻ Mỹ gốc Việt hải ngoại sẽ có cơ hội nhìn về gia tài văn hóa mình được thừa hưởng từ bậc cha ông và cảm thấy hãnh diện về nền văn hóa này.

Hy vọng người Việt hải ngoại, nhất là giới trẻ sẽ đến nghe và xem buổi nhạc. Vé đi nghe buổi nhạc độc đáo này được bán tại báo Viễn Đông (714-379-2851) và nhà sách Tú Quỳnh (714-531-4284). Đặc biệt để khuyến khích giới trẻ đi nghe buổi nhạc này, vé hạng $40 sẽ được bán với giá $20 cho sinh viên đại học và $15 cho học sinh trung học, và quý khán giả cao niên sẽ được bớt $5 cho mỗi vé, nhưng phải mua on line tại địa chỉ www.muscocenter.org.


Một cảnh trong vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính" trên poster buổi nhạc.

Mong sẽ được gặp đông đủ những khán thính giả quan tâm đến âm nhạc sáng tác nơi xứ người của những tác giả gốc Việt, đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc của các quốc gia cưu mang chúng ta. Năm ngoái, khán giả đi nghe buổi nhạc "Cuộc Đời" đã làm sáng rực thính đường Musco khiến người bản xứ được ấn tượng bởi những chiếc áo dài đầy mấu sắc quá đẹp đẽ. Mong năm nay chúng ta tiếp tục "truyền thống" này để cho đời thêm đẹp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT