Văn Nghệ

Vài chuyện về buổi nhạc Góc Nhìn Qua Thời Gian và vở opera Chuyện Bà Thị Kính

Thursday, 15/03/2018 - 11:06:57

Xin nói rõ là chương trình năm nay hoàn toàn khác biệt, công phu hơn, nhiều người trình diễn hơn và sẽ hay hơn năm ngoái. Vì theo lời giáo sư P. Q. Phan, tác giả của vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính", thì năm thứ hai phải hay hơn năm thứ nhất để không phụ lòng khán giả.

Bài NHƯ AN

Vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 25 tháng 3, buổi nhạc "Góc Nhìn Qua Thời Gian" (Of Times and Perspectives) sẽ được diễn ra tại rạp hát sang trọng và mới tinh "MUSCO Center for The Arts" thuộc Đại Học Chapman, thành phố Orange của quận Cam (địa chỉ One University Drive, Orange, CA 92866). Đây là chương trình nhạc do hội VASCAM (Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc của Người Mỹ Gốc Việt) tổ chức để trình diễn những sáng tác âm nhạc của người gốc Việt tại hải ngoại.
Năm ngoái hội VASCAM đã tổ chức buổi nhạc "Cuộc Đời" (On Life) cũng tại rạp MUSCO. Người ta có thể nhầm lẫn cho rằng chương trình năm nay cũng giống chương trình năm ngoái vì đều có trình diễn một số màn của vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính". Xin nói rõ là chương trình năm nay hoàn toàn khác biệt, công phu hơn, nhiều người trình diễn hơn và sẽ hay hơn năm ngoái. Vì theo lời giáo sư P. Q. Phan, tác giả của vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính", thì năm thứ hai phải hay hơn năm thứ nhất để không phụ lòng khán giả.

Tại sao tên của buổi nhạc là "Góc Nhìn Qua Thời Gian", nghe có vẻ hơi... bác học?

Một số người đã đặt câu hỏi này cho người viết. Và giáo sư P.Q. Phan đã trả lời như sau:
Phần đầu của chương trình sẽ trình diễn nhạc của 5 tác giả thuộc 5 thế hệ khác nhau, tuổi từ 25 tới 85. Mỗi người có một góc nhìn cuộc sống khác nhau do số tuổi và kinh nghiệm cuộc đời khác nhau. Do đó, buổi nhạc có tên "Góc Nhìn Qua Thời Gian".

- Người trẻ tuổi nhất (25 tuổi) là Việt Cường. Anh đã phổ nhạc một bài thơ cổ hơn số tuổi của anh, bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến. Thoạt nghe điều này, tôi (người viết) rất ngạc nhiên, tuổi 25 ít khi là tuổi có thể cảm thông được tâm sự của cụ Nguyễn Khuyến. Vậy mà anh Việt đã cảm thông được và phổ nhạc bài thơ thất ngôn bát cú ấy. Muốn nghe lại những lời thơ này, mời bạn đến dự buổi nhạc. Được biết anh Việt Cường đang trình luận án tiến sĩ âm nhạc tại Đại Học Princeton. Thật là một niềm hân hoan cho chúng ta.


Khuôn mặt 5 tác giả của "Góc Nhìn Qua Thời Gian" trên poster buổi nhạc.

- Người trẻ tuổi thứ hai (35 tuổi) là Khôi Đặng. Anh đã viết một bài độc tấu clarinet sau một buổi đi chơi trên núi, ngắm cảnh trời trăng mây nước. Vì bài nhạc có không khí huyền hoặc như vậy nên sẽ được đi kèm với bài thơ "Đà Lạt Trăng Mờ" của Hàn Mặc Tử. Tôi rất háo hức mong chờ nghe bài nhạc này qua tiếng kèn clarinet của một nghệ sĩ độc đáo bay từ miền Đông qua. Thật lạ lùng, hai nhà sáng tác trẻ tuổi đều có tâm hồn "ở ẩn" nhiều hơn chúng ta tưởng.

- Người trẻ tuổi thứ ba chính là P.Q. Phan (Phan Quang Phục), trong tuổi 50. Ông sẽ cho chúng ta nghe một nhạc khúc trống dựa trên tiếng trống Tây Sơn của quân đội vua Quang Trung. Theo ông, thời đại Vua Quang Trung là một thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam và tiếng trống Tây Sơn nói lên được nét hào hùng của người chiến sĩ đang chiến đấu bảo vệ đất nước khỏi tay xâm lược. Chúng ta cần nghe lại điệu trống này. Điều độc đáo là nhạc khúc trống này sẽ được một nghệ sĩ trống trình diễn với hơn 40 nhạc cụ bộ gõ khác nhau, trong đó có chiêng, trống, cồng. Cồng là một nhạc khí đặc biệt chỉ có ở vài nước châu Á mà thôi.

- Người kế tiếp chính là nhà sáng tác Tôn Thất Tiết, người đã sống và sáng tác ở Pháp lâu năm và có nhạc được trình diễn tại nhiều nước khác nhau. Nhạc khúc được trình diễn trong chương trình có tên "Bao La", cũng là một nhạc khúc cho clarinet.


Một cảnh trong vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính" trên poster buổi nhạc.

- Người cao niên nhất chính là nhà sáng tác Lê Văn Khoa, một tên tuổi quen thuộc đối với dân quận Cam, nơi ông sinh sống và sáng tác nhiều năm qua, đóng góp không ngừng nghỉ vào những sinh hoạt cộng đồng. Tác phẩm "Lần Cuối" (The Last Time) của ông là một ca khúc tình cảm thật "romantic", với lời tiếng Mỹ do James Banarian viết.

Còn một vài chuyện nữa về buổi nhạc liên quan tới vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính", xin hẹn độc giả ở bài viết ngày mai. Vé đi nghe buổi nhạc độc đáo này được bán tại báo Viễn Đông (714-379-2851) và nhà sách Tú Quỳnh (714-531-4284). Đặc biệt để khuyến khích giới trẻ đi nghe buổi nhạc này, vé hạng $40 sẽ được bán với giá $20 cho sinh viên đại học và $15 cho học sinh trung học, và quý kah1n già cao niên sẽ được bớt $5 cho mỗi vé, nhưng phải mua on line tại địa chỉ www.muscocenter.org.

Mong sẽ được gặp đông đủ những khán thính giả quan tâm đến âm nhạc sáng tác nơi xứ người của những tác giả gốc Việt, đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc của các quốc gia cưu mang chúng ta. Năm ngoái, khán giả đi nghe buổi nhạc "Cuộc Đời" đã làm sáng rực thính đường Musco khiến người bản xứ được ấn tượng bởi những chiếc áo dài đầy mấu sắc quá đẹp đẽ. Mong năm nay chúng ta tiếp tục "truyền thống" này để cho đời thêm đẹp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT