Sức Khỏe

Vài thắc mắc về sức khỏe trẻ em

Friday, 31/08/2018 - 11:29:46

Trẻ em có thể bị các biến chứng nếu chơi thể thao và các hoạt động khác trước khi chấn động não lành. Một cú đấm vào đầu trong khi chấn động ban đầu đang hồi phục đôi khi có thể dẫn đến những triệu chứng kéo dài hoặc thiệt hại cố định.

BS Nguyễn Thị Nhuận

1. Làm sao tránh say xe ở trẻ em

Hỏi: Con tôi năm nay 6 tuổi. Mỗi lần cháu ngồi trong xe là bị ói mửa, khó chịu, từ lúc 1, 2 tuổi. Vậy nguyên nhân gì gây bệnh say xe hơi ở trẻ em và làm thế nào để ngăn chặn nó?

Đáp: Say xe hơi là một bệnh về chuyển động. Say xe xảy ra khi óc  nhận những thông tin mâu thuẫn từ tai trong, mắt và thần kinh ở tay chân.
Tưởng tượng một đứa trẻ ngồi ở ghế sau, thấp quá nên không thể nhìn ra cửa sổ - hoặc một đứa trẻ lớn hơn ngồi đọc sách trong xe. Tai trong của đứa trẻ cảm nhận được chuyển động, nhưng đôi mắt và khớp xương của chúng sẽ không nhận được cảm giác chuyển động đó. Kết quả là đứa bé bị  rối loạn dạ dày, toát mồ hôi lạnh, mệt mỏi và chán ăn hoặc nôn mửa.
Một số trẻ em dễ bị say xe hơn những trẻ khác nhưng người ta chưa biết được lý do tại sao. Trong khi đó, hầu hết các trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không bị say xe. Trẻ em lứa tuổi 2-12 lại đặc biệt nhạy cảm, dễ say xe.

Để ngăn ngừa say xe ở trẻ em, chúng ta có thể:
- Giảm cảm giác vào óc. Khuyến khích các em nhìn những thứ bên ngoài xe thay vì tập trung vào sách, trò chơi hay phim ảnh. Nếu em hay ngủ trưa, di chuyển trong thời gian em ngủ thì tốt hơn.
- Tính toán cho bữa ăn trước chuyến đi. Không nên cho trẻ ăn thức ăn nhiều gia vị hay dầu mỡ, hoặc một bữa ăn lớn ngay trước hoặc trong khi đi xe. Nếu thời gian đi xe khá ngắn, không cho ăn. Nếu chuyến đi dài hoặc trẻ cần phải ăn, nên cho ăn một ít thức ăn nhạt như bánh lạt và uống một ít nước trước khi lên xe đi.
- Giữ xe thoáng, thông hơi. Thông hơi tốt có thể giúp ngăn ngừa say xe. Giữ cho xe không có những mùi quá nồng.
- Gây chú ý vào chuyện khác. Nếu em dễ bị say xe, cố gắng giúp em nghĩ đến chuyện khác trong các chuyến đi xe bằng cách nói chuyện, nghe nhạc hoặc hát.
- Sử dụng thuốc. Nếu trẻ lớn hơn 2 tuổi và bạn đang định đi một chuyến đi dài bằng xe, nên hỏi bác sĩ về một loại thuốc tự mua để ngăn ngừa say xe. Dimenhydrinate (Dramamine) được phép dùng cho trẻ em 2 tuổi trở lên, và diphenhydramine (Benadryl) có thể được sử dụng cho trẻ em 6 tuổi trở lên. Đọc nhãn chai thuốc một cách cẩn thận để xác định liều lượng và chuẩn bị cho các tác dụng phụ có thể xảy ra, thí dụ như buồn ngủ. Loại thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ không có hiệu quả trong việc điều trị say xe.
Nếu em bắt đầu bị say xe, dừng xe càng sớm càng tốt và cho em ra ngoài  đi bộ một chút - hoặc nằm ngửa trong vài phút, mắt khép kín. Đặt một miếng vải mát trên trán của em cũng tốt.
Nếu những chỉ dẫn trên đây không giúp ích khiến đi du lịch rất khó hoặc không thể, hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn khác.

Siêu vi trùng EV-D68

Hỏi: Gần đây tôi hay nghe nói về siêu vi trùng Enterovirus D68 gây bệnh ở trẻ em khiến các em bị khó thở. Vậy Enterovirus D68 là gì và làm thế nào để bảo vệ con tôi khỏi con vi trùng này?

Đáp: Enterovirus D68 (EV-D68) là một loại virus có thể gây nhiễm trùng tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường. Trong một số trường hợp, nó có thể gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng.
Mặc dù người lớn có thể bị nhiễm, enterovirus D68 thường ảnh hưởng đến trẻ em. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ có thể bao gồm:
- Sốt
- Sổ mũi
- Hắt xì
- Ho
- Thân thể và bắp thịt đau nhức
Các dấu hiệu và triệu chứng nặng có thể bao gồm:
- Thở khò khè
- Khó thở
Trẻ em bị bệnh hen suyễn khi nhiễm bệnh có thể có nguy cơ bị những vấn đề về hô hấp nghiêm trọng.
Trong vài trường hợp hiếm hoi, trẻ em nhiễm siêu vi này có thể bị vấn đề với bắp thịt. Bắp thịt các em có thể trở nên yếu hoặc ngừng hoạt động tạm thời (liệt cấp tính). Các chuyên gia không biết chắc Enterovirus D68 có liên kết với chuyện bắp thịt bị yếu không, nhưng khuyên cha mẹ nên liên lạc với bác sĩ nếu đứa trẻ đi đứng yếu bất thường, hoặc bị yếu đột ngột ở tay hay chân.
Nếu bạn nghi ngờ con bạn có thể bị nhiễm Enterovirus D68, nên gọi bác sĩ.  Bác sĩ  có thể cho lời khuyên để làm giảm bớt các triệu chứng của em. Gọi cho bác sĩ ngay nếu trẻ bị khó thở, hoặc các triệu chứng không tốt lên hoặc tồi tệ hơn.
Không có thuốc chính ngừa Enterovirus D68. Tuy nhiên, các bước sau đây có thể giúp bảo vệ con bạn và ngăn chặn sự lây lan:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
- Che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy hoặc tay áo.
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm đến chẳng hạn như tay nắm cửa, thanh vịn cầu thang và đồ chtrạm
- Nghỉ ở nhà, đừng đến nhà trường, nơi làm việc hoặc nơi chăm sóc trẻ nếu bạn bị bệnh.
Nếu trẻ từng bị hen suyễn, nên coi kỹ lại kế hoạch hành động cho bệnh suyễn xem có cập nhật không và trẻ có dùng thuốc đầy đủ không. Đi khám ngay nếu trẻ thở khò khè hoặc khó thở, không bớt sau khi dùng thuốc theo chỉ dẫn. Chích ngừa cúm ngay khi có thuốc.

Nguy hại của chấn thương khi chơi thể thao

Hỏi: Gần đây tôi có xem một phim về những nguy hại từ chấn thương ở đầu gây ra chấn động não khi trẻ em chơi những môn thể thao đụng chạm nhiều như football, soccer... Xin kể ra những tác động nguy hiểm có thể có của chấn động não (concussion) nơi trẻ em?

Đáp: Chấn động não là một loại chấn thương đầu gây ra bởi một cú đấm vào đầu hoặc cơ thể, một cú ngã, hoặc do não bị lắc trong hộp sọ (thí dụ như em bé bị lắc mạnh ở đầu). Nơi đầu hay mặt có thể không có một dấu hiệu nào của chấn thương não.

Không cần phải bất tỉnh  mới là bị chấn động não. Một số người có triệu chứng rõ ràng của chấn động não như bị bất tỉnh hoặc quên những gì đã xảy ra ngay trước khi chấn thương. Nhưng có người thì có thể không có triệu chứng gì cả. Sau khi nghỉ ngơi, hầu hết mọi người hồi phục hoàn toàn. Một số người hồi phục trong vòng một vài giờ. Những người khác phải mất một vài tuần để hồi phục.

Điều quan trọng cần biết là sau khi bị chấn động, não sẽ dễ bị thương hơn. Vì vậy, trong khi đang hồi phục, phải tránh tất cả các hoạt động có thể làm tổn thương não một lần nữa.

Trong trường hợp hiếm hoi, chấn động não có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Bị đi bị lại hoặc bị chấn động nặng có thể gây ra những vấn đề lâu dài với chuyển động, học tập, hay nói.
Chấn thương đầu cần thời gian để phục hồi. Trẻ em cần có thời gian nghỉ ngơi cho đến khi hết các triệu chứng, thường mất vài ngày đến vài tuần. Trẻ em cần nghỉ ngơi, không hoạt động cả về thể chất vàsuy nghĩ (nhận thức) một hoặc hai ngày sau khi bị chấn động não và sau đó dần trở lại hoạt động khi các triệu chứng hết đi.

Trẻ em đi học trở lại sau khi bị chấn động não có thể cần một số điều chỉnh trong lớp học, như giảm số lượng bài vở hoặc rút ngắn ngày học. Nếu một hoạt động như đọc sách hoặc chạy bộ gây ra các triệu chứng như đau đầu, các em nên nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục hoạt động trong thời gian ngắn hơn và dần dần hoạt động tăng lên đến mức trước khi bệnh nếu các triệu chứng hết đi.

Trẻ em có thể bị các biến chứng nếu chơi thể thao và các hoạt động khác trước khi chấn động não lành. Một cú đấm vào đầu trong khi chấn động ban đầu đang hồi phục đôi khi có thể dẫn đến những triệu chứng kéo dài hoặc thiệt hại cố định.

Ngoài ra, một người đang bị chấn động có nguy cơ bị hội chứng hậu chấn động. Hội chứng gồm những triệu chứng kéo dài liên tục như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu và khó khăn khi suy nghĩ, chẳng hạn như bộ nhớ và sự chú ý. Bị chấn động lặp lại sẽ làm tăng nguy cơ bị hội chứng hậu chấn động.
Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu ảnh hưởng lâu dài có thể của chấn động não. Đã bị một chấn động làm trẻ em có nguy cơ bị một lần nữa. Những ảnh hưởng của chấn động não lặp lại có thể tăng lên trong những năm sau đó.

Để bảo vệ con bạn khỏi bị chấn thương đầu, cần chú ýcho em đeo những thiết bị bảo hộ thích hợp vàvừa vặn - chẳng hạn như một chiếc mũ bảo hiểm – khi chơi thể thao và các hoạt động khác. Tuy nhiên, ngay cả những thiết bị bảo vệ tốt nhất cũng không thể ngăn chặn tất cả các chấn động.

Các em có thể bị chấn động não dù không bị bất tỉnh. Ngoài ra, cú giáng mạnh vào thân thể mà làm rung động mạnh chiếc đầu cũng có thể dẫn đến chấn động não. Hãy chắc chắn rằng huấn luyện viên của con bạn biết nếu con bạn bị chấn động. Con bạn không nên chơi lại cho đến được khám nghiệm bởi một chuyên gia y tế.

Các dấu hiệu và triệu chứng của một chấn động có thể bao gồm:
- Nhức đầu hoặc cảm giác có sức ép ở đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Có vấn đề về thăng bằng hoặc chóng mặt
- Nhìn thấy hai hình hoặc nhìn mờ
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn
- Cảm thấy chậm chạp, chệnh choạng hoặc choáng váng
- Khó chú ý
- Có vấn đề về trí nhớ
- Lẫn lộn
- Tê hoặc  ran
- Khó ngủ
- Thay đổi tâm trạng
- Thay đổi hành vi
Nếu bạn nghĩ rằng em bị chấn động não, phải tìm trợ giúp y tế ngay lập tức. Bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của chấn động và lúc nào là an toàn để trở lại chơi thể thao, trường học hoặc các hoạt động khác.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT