Tiêu Thụ

Vẫn chuyện mua rồi trả lại hàng

Friday, 03/03/2017 - 07:33:02

Việc này chắc chắn không thể có ở Việt Nam hay trong những quốc gia Á Châu, là nơi mà dân trí bị đánh giá là không cao.

Bài ERIC TRẦN

Lần trước chúng ta đã đề cập chuyện mua hàng rồi trả lại, một “sáng kiến” của người bán để khuyến khích tiêu thụ. Sáng kiến này chỉ có thể thành công nếu người mua tỏ ra “thành thực và trách nhiệm,” cụ thể là người tiêu thụ phải hành xử “ưu quyền” này với một chút lương tâm đạo đức.

Không thiếu những người có ý lạm dụng hoặc cố tình đuổi “lương tâm đi chỗ khác chơi” khi mua sắm. Chẳng hạn, mua một bộ áo quần thời trang để chưng diện trong một party, hết party đem trả để lấy tiền lại thì rõ ràng là một sự lạm dụng. Việc này chắc chắn không thể có ở Việt Nam hay trong những quốc gia Á Châu, là nơi mà dân trí bị đánh giá là không cao.


Barnes& Nobles, cửa hàng bán sách và các sản phẩm giáo dục lớn nhất nước Mỹ.

Hiểu được tâm lý này của những người “đồng hương,” nhiều cửa hàng do dân Á Châu làm chủ, mặc dầu sinh hoạt trên thị trường Hoa Kỳ, cũng không bao giờ có “Return Policy.” Vì thế, “ưu quyền” trả hàng cần được hành xử với sự thận trọng để góp phần nuôi dưỡng một thị trường thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán.
Lần trước chúng ta đã nói tới một vài cửa hàng tiêu biểu với những “return policy” rộng rãi. Sau đây, xin kể những cửa hàng trên phố (chưa nói tới những cửa hàng trên mạng) có luật “return” khắt khe hơn, theo đánh giá của tạp chí Consumer Reports:


Forever 21, cửa hàng quần áo thời trang xuất phát từ Mỹ lan sang Hong Kong và toàn thế giới

1. Forever 21

Forever 21 là một hệ thống cửa hàng chuyên bán lẻ quần áo thời trang ra đời tại Los Angeles, California từ năm 1984. Kể từ đó đến nay, mới sau hơn 30 năm, khởi đầu với một tiệm bán lẻ rộng 900 square feet, Forever 21 đã phát triển thành nhiều danh hiệu khác, như XXI Forever, Love 21, và Heritage trong 600 cửa hàng chi nhánh trên toàn quốc Hoa Kỳ, Á Châu, Trung Đông và Anh Quốc. Hiện nay, Forever 21 là hệ thống bán lẻ lớn hàng thứ 5 trên toàn quốc Hoa Kỳ.
Để nhận lại hàng, Forever đòi hỏi khách hàng phải có biên nhận (receipt) trong thời hạn 30 ngày sau khi mua. Nhưng khách hàng cũng chỉ có thể đổi lấy món hàng khác, hoặc nhận được “store credit” (thẻ mua sắm chỉ có giá trị tại nơi cấp thẻ mà thôi), chứ không được nhận lại tiền. Tuy nhiên, khách hàng mua sắm trên mạng thì được ưu tiên hơn: Có thể nhận lại tiền, nhưng khách hàng phải chịu cước phí gửi hàng về.

2. Barnes & Noble, Inc.

Vốn là một công ty bán sách lớn nhất Hoa Kỳ, trụ sở chính đặt tại 122 Fifth Ave ở Manhattan, New York. Thành lập từ trên 100 năm nay (1873), có tên trong danh sách Fortune 500. Hiện nay Barnes & Noble vẫn là một hệ thống hàng đầu, bán các sản phẩm giáo dục như sách vở, CD, DVD, với 638 cửa hàng trong 50 tiểu bang hoa Kỳ.



Muốn trả lại hàng để lấy lại tiền, khách phải trả lại sản phẩm trong vòng hai tuần lễ, với hai điều kiện: Có biên nhận và hàng chưa bóc tem (còn trong hộp nguyên thủy). Điều kiện này tuy có khắt khe nhưng cũng hợp lý, vì sách vở đã xem mà trả lại thì cửa hàng buộc phải bán theo giá hàng cũ. Cản phẩm digital như CD, DVD, nếu đã khui hộp thì ai có thể nói chắc rằng nội dung chưa được sao chép “lậu”? Nếu là quà tặng của ai đó, sản phẩm có thể trả lại trong vòng 60 ngày với receipt, và khách hàng nhận store credit.

3. GameStop (đừng lầm với Gamespot)

Là một hệ thống cửa hàng chuyên bán đồ chơi Video, sản phẩm điện tử và các dịch vụ vô tuyến. Có nguồn gốc lâu đời, nhưng chính thức mang danh xưng này từ năm 2004. Tổng hành dinh đặt tại Grapevine, Texas, Gamestop hiện có tới 7,117 cửa hàng bán lẻ trên khắp Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan và Âu Châu.
Hàng Gamestop được trả lại trong vòng 30 ngày, kèm theo biên nhận. Hàng pre-owned, second-hand (hàng cũ) không vừa ý phải trả lại trong vòng 7 ngày. Nếu là quà tặng, sản phẩm còn receipt chỉ có thể đổi, hoặc trả lại với store credit.

4. Sears

Tên đầy đủ là Sears, Roebuck & Company, một hệ thống cửa hàng bách hóa, thành lập từ năm 1886 tại Chicago. Lúc đầu Sears chỉ bán hàng qua Catolog và gửi tới khách hàng qua đường bưu điện, tới năm 1925 mới bắt đầu mở các cửa hàng trên phố. Vốn là hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cho tới năm 1989 thì bị Walmart qua mặt. Hiện nay, Sears đã sát nhập chung p với Kmart, và trở thành cửa hàng bách hóa lớn hàng thứ 5 trên toàn nước Mỹ.

Hàng hóa của Sears phải được trả lại trong vòng 30 ngày cùng với receipt. Quà tặng được phép đổi hoặc lấy gift card. Một số mặt hàng được phép trả lại, nhưng bị tính 15% lệ phí đóng gói (restocking fee).
*

Nhìn chung, đa số cửa hàng cho phép trả lại sản phẩm trong thời hạn 30 ngày cùng với receipt. Những cơ sở nới rộng tới 60 ngày, 90 ngày, thậm chí vô giới hạn…. chỉ là số ít. Là người tiêu thụ, chúng ta có thể góp phần làm tăng thêm số cửa hàng “rộng lượng” này nếu chúng ta có thể tạo ra sự tín nhiệm hỗ tương qua cách hành xử với lương tâm và trách nhiệm mỗi khi cần trả lại hàng.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT