Đời Sống Việt

Văn Hóa và Đất Nước

Thursday, 11/12/2014 - 12:44:40

Tiếng đàn của ông nổi tiếng là tiếng đàn của một tâm hồn thanh cao thoát tục. Ông nói trong nhiều cuộc phỏng vấn: “Khi đàn tôi gần với thiền hơn, quên đi bản ngã của chính mình và bằng lòng với cái tối thiểu của cuộc sống đem lại cho mình.”

Cao Thu Cúc
Hình: Cao Thu Cúc

Nói đến nhạc cổ truyền Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến cây đàn tranh với tiếng đàn réo rắt thánh thót của nó. Nhưng nhiều người lại cho rằng đàn tranh là cây đàn mượn của phương Bắc thì có gì đáng tự hào? Nhưng thật sự, cây đàn tranh đúng là niềm tự hào của người Việt Nam, vì nó đã gắn kết với một người nhạc sĩ tài hoa và chính người này đã biến đổi nó thành một cây đàn của Việt Nam nói lên tiếng nói của con người Việt Nam. Người đã có sức sáng tạo lớn đó là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Một đời đam mê âm nhạc

Học đàn từ lúc 5 tuổi, cậu bé Vĩnh Bảo tỏ ra có năng khiếu đặc biệt. Năm 12 tuổi bắt đầu học với nhiều thầy nổi tiếng trong nước. Từ đó ông tiếp tục nghiên cứu học hỏi không ngừng và đến năm 20 tuổi ông đã đàn thành thạo hầu hết các loại đàn cổ truyền, đặc biệt là đàn tranh, và một số cây đàn phương Tây. Ông đã có một chỗ đứng vững vàng trong làng nhạc Tài Tử miền Nam và thường đi trình diễn khắp nơi. Cả cuộc đời ông say mê nghiên cứu học hỏi để hoàn thiện nghệ thuật chơi đàn và làm giàu thêm cho kho tàng âm nhạc dân tộc. Ông nói trong nhiều cuộc phỏng vấn: “Tôi đã học với gần 200 ông thầy nổi tiếng của cả ba miền Trung Nam Bắc. Có khi người nghe đàn cũng là thầy tôi, học trò của tôi cũng là thầy của tôi. Nhưng tôi học của họ để chế ra cái của riêng tôi.” Ông luôn luôn nhấn mạnh đến vấn đề sáng tạo trong nghệ thuật. Tiếng đàn của ông luôn luôn thay đổi, mỗi ngày ông tìm một cách diễn đạt mới, không dừng lại ở kết quả đã đạt được của ngày hôm trước.

Để tiếng đàn trở nên phong phú êm ái réo rắt hơn, ông đã cải tiến cây đàn tranh 16 dây mượn từ phương Bắc đã từ lâu, thành cây đàn 17, 19 ,và 21 dây. Cây đàn có kích thước lớn hơn, âm vực rộng hơn, hình dáng đẹp hơn. Ông nói: cây đàn 16 dây có điểm yếu là mặt đàn tròn, âm thanh yếu, mỗi lần thay dây rất khó, lại nữa phải ngưng đàn sau mỗi bản nhạc để lên dây. Việc cải tiến thêm dây đã làm cho tiếng đàn trở nên huyền hoặc phong phú hơn, diễn tả được nhiều cung bậc tình cảm của con người Việt Nam hơn. Cây đàn tranh được người Việt Nam sử dụng rộng rãi từ những năm 1950 đến nay là cây đàn tranh Nguyễn Vĩnh Bảo.
Ông đã đạt đến trình độ tuyệt đỉnh trong ngón đàn, tiếng đàn của ông mang một sắc thái riêng, nhiều người ca ngợi tiếng đàn của ông đặc biệt thanh tao quý phái, nhạc sĩ Trần Quang Hải cho tiếng đàn của ông “huyền hoặc” và giáo sư Trần Văn Khê ca ngợi tiếng đàn của ông “gợi cảm xoáy sâu vào lòng người”...




Tiếng nhạc vang xa

Tiếng đàn của ông nổi tiếng là tiếng đàn của một tâm hồn thanh cao thoát tục. Ông nói trong nhiều cuộc phỏng vấn: “Khi đàn tôi gần với thiền hơn, quên đi bản ngã của chính mình và bằng lòng với cái tối thiểu của cuộc sống đem lại cho mình.”

Ông là nhạc sư giảng dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn vào những năm 1955, đào tạo nhiều thế hệ học trò nổi tiếng hiện nay. Ông được mời đi diễn thuyết để giới thiệu tiếng đàn tranh Việt Nam, nhạc cổ truyền Việt Nam đến nhiều nơi trên thế giới như Nhật, Pháp, Mỹ. Ông được mời thỉnh giảng đặc biệt dạy đàn tranh tại đại học Southern Illinois (Mỹ) năm 1970-1972, được chính phủ Pháp tặng Huy Chương Văn Hóa Nghệ Thuật (Medaille des Arts et des Lettres) năm 2008), được vinh danh trong số 6 nhạc sư thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc ở Hội Thảo Dân Tộc Nhạc Học ở Honolulu (Hawaii, Mỹ) năm 2006, ở Việt Nam ông được giải thưởng Đào Tấn năm 2005.

Cây đàn Nguyễn Vĩnh Bảo

Không những nghiên cứu sáng tạo trong tiếng đàn, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn nghiên cứu và sáng tạo trong nghệ thuật đóng đàn. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn ông nói: ông đóng đàn theo yêu cầu của từng người, có người thích cây đàn có âm thanh lớn để khi họa đàn với những cây đàn khác tiếng đàn của mình không bị lấn lướt đi; hoặc có người thích tiếng đàn nhỏ để đàn một mình trong phòng nhỏ..., ông đều làm theo đúng yêu cầu của họ. Thật là một kỳ tài. Kỹ thuật đóng đàn của ông cũng được trao đổi khi ông dạy đàn ở trường đại học Illinois ở Mỹ. Tôi nghĩ cây đàn được ký tên Nguyễn Vĩnh Bảo là một cây đàn quý cho những ai có được nó trong tay.

Mời xem cuộc phỏng vấn nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại đây:
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo- Chương trình tuổi vàng.
http://youtu.be/CvqGRccFU5o

Từ năm 1975 đến nay ông vẫn tiếp tục dạy đàn, đóng đàn, viết sách. Sách của ông được viết bằng ba thứ tiếng: Việt Anh Pháp. Ông dạy đàn trực tiếp hoặc dạy qua băng, qua mạng internet. Ông có một nhóm học trò được gọi là Vinh Bao Group. Thật là bất ngờ đầy thú vị. Học trò của ông có mặt khắp nơi trên thế giới như Pháp Bỉ Hòa Lan Thụy Sĩ và nhiều nhất là ở Mỹ, trong khi ông thầy chỉ ngồi yên trong căn nhà nhỏ khiêm tốn của ông ở đường Bùi Hữu Nghĩa quận Bình Thạnh, căn nhà chỉ có ba mét chiều ngang!

Văn hóa và vận mệnh đất nước

Là một nhạc sư có tầm cỡ quốc tế, không màng danh lợi, suốt đời gắn bó với nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc, ông muốn đem tài năng, kiến thức vô tận của mình để giảng dạy cho nhũng ai yêu tiếng đàn dân tộc, ông muốn gìn giữ, truyền bá phát huy nền âm nhạc mà suốt đời ông đã “ôm chầm” lấy nó và xem như là lời nói như hơi thở của tâm hồn. Ông nói trong một lần được phỏng vấn: “Tôi là một nhạc sĩ muốn đem tiếng đàn hâm nóng lại những tâm hồn đã lạnh, đem lại sự sống cho mình và cho người xung quanh.”

Không những thế ông còn có một nhận thức sâu xa về văn hóa và vận mệnh đất nước. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, ông thường lập lại một câu nói mang đầy tâm huyết: “Khi mình còn yêu văn hóa nghệ thuật tiếng nói của nước mình thì mình còn là con người Việt Nam, còn giữ được nước. Khi mình yêu văn hóa của người khác hơn văn hóa nghệ thuật của nước mình thì tất nhiên mình dễ bị mất nước. Tôi nay mong mỏi giới trẻ đừng coi thường nhạc dân tộc, tuy nó không giống với nhạc nào khác nhưng nó là món ăn tinh thần, hợp với khẩu vị người Việt Nam.”

Tâm huyết của một vị nhạc sư 94 tuổi là một gia tài quý để lại cho thế hệ trẻ . Mong rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối làm cho kho tàng nhạc dân tộc phát huy thêm mãi trong thời đại chiến tranh văn hóa càng ngày càng trở nên quan trọng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT