Tiêu Thụ

Vay tiền: Đến thẳng ngân hàng hay nhờ văn phòng làm “loan”?

Eric Trần/Viễn Đông Saturday, 27/10/2012 - 10:26:05

Bây giờ, nếu đã tìm được căn nhà ưng ý, và đang cần vay tiền để mua nhà, thì chúng ta làm gì? Nên đến với các văn phòng dịch vụ để làm “loan”? Hay chạy thẳng đến nhà băng mình quen biết để xin vay tiền trực tiếp?

Eric Trần/Viễn Đông

Người Việt ở Mỹ nói riêng và ở ngoại quốc nói chung, có nhiều cơ hôi thực hiện ước mơ “an cư lạc nghiệp” hơn so với người còn ở trong nước. Vì sao? Ở Việt Nam, bạn phải tìm ra đủ tiền trước khi nghĩ tới căn nhà. Trong khi đó, ở Mỹ bạn chỉ cần có một số tiền tương đương 1/5 trị giá căn nhà là đủ, phần còn lại có thể vay mượn ngân hàng rồi trả góp trong 30 năm, 40 năm. Đó là một thuận lớn, không thể phủ nhận được. Ngân hàng thì chẳng ai còn lạ: Đó chính là nơi bạn đã mở một trương mục gửi tiền, và cũng là nơi bạn có thể đến để vay tiền. Ngoài ra, chúng ta lại có nhiều văn phòng dịch vụ làm trung gian, giúp bạn làm giấy tờ vay mượn với một ngân hàng thích hợp, gọi là những văn phòng làm “loan”, hoặc “mortgage broker”.
Bây giờ, nếu đã tìm được căn nhà ưng ý, và đang cần vay tiền để mua nhà, thì chúng ta làm gì? Nên đến với các văn phòng dịch vụ để làm “loan”? Hay chạy thẳng đến nhà băng mình quen biết để xin vay tiền trực tiếp?

Tiến thoái lưỡng nan
Trước tiên, xin mời bạn nghe ý kiến của một chuyên viên trong ngành, ông Mike Stoffer, “Nếu bạn muốn bị bóc lột, xin đến với văn phòng trung gian “mortgage broker”. Nếu bạn muốn tỏ ra sự ngơ ngác thiếu hiểu biết của mình, xin đi thẳng tới nhà băng!” Khuyên như vậy cũng như không, ông Stoffer này là ai mà lại nói nước đôi, tiến thoái lưỡng nan như vậy? Xin thưa: Mike Stoffer chính là một Mortgage Broker, tức là chủ một văn phòng trung gian làm giấy tờ cho mượn nợ.
Thực ra, lời nhận xét của ông Stoffer không phải là vô bổ. Nó nói lên một thực tế: Chúng ta, những người tiêu thụ, chẳng hiểu biết gì hoặc hiểu biết rất ít về tiến trình vay mượn đến nỗi nhờ văn phòng dịch vụ thì bị người trung gian lợi dụng bóc lột, mà đến thẳng ngân hàng thì lại không biết cách mở lời ra sao?
Khó khăn khi đi trực tiếp với ngân hàng
Quả thực, hoàn tất hồ sơ vay mượn là một chuyện khá phức tạp vượt quá tầm hiểu biết của một người bình dân. Nhất là ngân hàng bây giờ, họ thường xuyên thay đổi luật lệ cho vay, đến nỗi những văn phòng dịch vụ cũng phải kêu trời. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng lại không đủ nhân viên để giải quyết các hồ sơ xin vay mượn đã tồn ứ quá nhiều do giới tiêu thụ ai cũng muốn tận dụng tình trạng phân lời hiện đang rất thấp.
Trong hoàn cảnh ấy, lẽ ra sự hiện diện của các văn phòng dịch vụ phải được coi là cần thiết. Nhưng thực tế diễn biến ngược lại. Nhiều nhà băng lớn có một thời đã không muốn nhận hồ sơ do văn phòng trung gian chuyển tới. Bởi vì, theo họ, các văn phòng trung gian gây cho họ nhiều phiền toái hơn là thuận lợi. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có một cái nhìn không thiện cảm với giới trung gian, vì cho rằng những người này chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình mà sẵn sàng dẫn dụ khách hàng của họ chấp nhận những điều kiện vay mượn thật nguy hiểm. Và để bảo vệ người tiêu thụ, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một số điều khoản chi tiết nhằm hạn chế sự “bóc lột” của các văn phòng trung gian.

Sự thực “đau lòng” nơi các văn phòng trung gian
Thực ra, sự cảnh giác của các nhà lập pháp đối với giới trung gian không phải là vô lý. Các mortgage brokers làm được việc, nhưng họ cũng đóng góp vào cơn khủng hoảng địa ốc hiện nay, vì lợi lộc của mình mà đẩy nhiều người vào những chương trình vay mượn vô lý đến mức không còn có khả năng trả nổi và phải “bỏ của chạy lấy người”.
Bản thân Eric có một người bạn khá hiểu biết, nhưng vì quá tin người trung gian là bạn thân của mình mà anh đã làm một hành động dại dột đến nỗi rốt cuộc phải trả lại nhà cho ngân hàng. “Trả lại cho ngân hàng” là một kiểu nói vớt vát danh dự, chứ thực ra nhà của anh bị kéo, bị xiết, bị “foreclosure”, vì tiền trả nợ hàng tháng lên quá cao, vượt sức gánh vác của anh. Thiết tưởng đây cũng là một câu chuyện để chúng ta cùng rút kinh nghiệm, vậy xin kể hầu các bạn như sau:
Anh X, hãy tạm gọi như thế mặc dầu X là một nhân vật có thật, mua được một căn nhà cách đây khoảng 10 năm, tức là trong thời điểm thị trường còn nguội và… sắp nóng! Ngay khi anh mua xong, giá nhà cửa lập tức bốc lên tới trời (thị trường địa ốc Little Saigon, Quận Cam mà!). Cứ mỗi năm, căn nhà của anh tăng giá được khoảng 100.000 Mỹ kim. Sau 3 năm, người chủ nhà đã thấy mình giầu hẳn ra với số tích sản (equity) trong căn nhà vào khoảng 300.000 Mỹ kim. “Xác chết ở đâu là diều hâu ở đấy!”. Ông bà mình đã nói thế, và anh bạn X đương nhiên nhận được rất nhiều lời chào mời Refinance (đổi nợ) để lấy một phân lời thấp hơn, hoặc để lấy số tiền tích sản trong căn nhà ra xài. Trong số những lời chào mời được gửi tới, anh chấp thuận tiến tới với… một người bạn gái. Không phải vì cô còn độc thân, nhưng vì tính nể bạn, và cũng vì muốn giúp bạn có cơ hội làm ăn. Nhưng tiếc rằng, cái con đường mà cô bạn dẫn anh vào là một chương trình vay nợ cực kỳ nguy hiểm được gọi là Options ARM. Người trong nghề đều hiểu Options ARM là gì, ở đây chúng tôi chỉ xin nói vắn tắt: Trái với các chương trình vay mượn bình thường, phân lời thường là cố định trong suốt thời gian trả nợ, phân lời Options ARM của người bạn Eric thì thay đổi, không phải thay đổi từng năm, từng 2 năm, hoặc 5 năm một lần, mà từng tháng! Đây là một chương trình vay mượn bất trắc nhất trong tất cả những gì được gọi là bất trắc mà cô gái đã dẫn dụ người bạn của mình bước vào… Chỉ cần sau 8 tháng, liên tục mất ngủ hằng đêm sau khi ký giấy tờ, người chủ nhà “giầu có” trước kia đã thấy hoàn cảnh mình sa sút hẳn, với phân lời bốc lên tới 8% (so với phân lời hiện nay là 3%). Cầm cự thêm ít thời gian nữa, anh phải cắn răng chịu phạt (vì chưa đủ thời gian ôm “loan” tối thiểu 3 năm) để đổi nợ một lần nữa… Nhưng bây giờ số nợ đã lên quá cao, cộng thêm hoàn cảnh làm ăn sa sút, anh không còn có khả năng trả góp hàng tháng, và đành phải ngậm ngùi rời căn nhà “home sweet home” trong một ngày gần đây!
Không phải ai cũng gặp cái kết cục buồn như vậy. Nhưng một điều chắc chắn là đa số những văn phòng trung gian (mortgage broker) làm việc vì lợi ích của họ, chứ không phải vì người khách. Họ không mất giờ để sưu tra, tìm hiểu tất cả những biện pháp có lợi nhất cho bạn, và nếu gặp một chương trình nào có lợi cho họ hơn, chắc chắn họ sẽ bị “cám dỗ” để đưa bạn vào đó.
Vậy, làm sao để tận dụng được dịch vụ của các văn phòng trung gian và không sa vào “lưới” của họ? Chúng ta sẽ đề cập trong bài lần sau.

Erictran15751@gmail.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT