Văn Nghệ

Vẻ đẹp âm nhạc và những cảm xúc từ chương trình Góc Nhìn Qua Thời Gian

Friday, 30/03/2018 - 08:00:18

Veronica Jensen đã sống hoàn toàn với nỗi đau của Thị Kính, hình ảnh nàng chới với trong nỗi oan ức tày trời, nỗi đau tình vợ chồng tan vỡ cộng thêm nỗi nhục nhã, đau đớn trước cảnh cha già mà nàng rất mực kính yêu bị chính cha chồng khinh khi, hành hạ.

Bài BĂNG HUYỀN

Tuần qua, vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 25 tháng Ba, 2018 hội nghệ thuật bất vụ lợi VASCAM đã tiếp tục trở lại với khán giả quận Cam tại đại hí viện Musco Center For The Arts, kỳ này với tư cách là một thành viên liên kết nghệ thuật (Artistic Affiliate) của MUSCO, cùng với LA OPERA và Philharmonic Society of Orange County, trong chương trình hòa nhạc mang tên “Góc Nhìn qua Thời Gian” (Of Times & Perspectives). Người nghe như lạc vào “mê trận” của âm thanh, của sự thăng hoa trong âm nhạc. Cảm giác mới mẻ, cuồng nhiệt, hấp dẫn và bay bổng, là những điều còn đọng lại trong lòng mỗi khán giả sau khi thưởng thức các tác phẩm trong chương trình.


Soạn nhạc gia P.Q. Phan (vest trắng, bên trái) cùng hai ca sĩ Bích Vân, Tâm Đan Belinda Gonzales gửi lời chúc mừng sinh nhật và hát vang bài Happy Birthday tặng Giáo sư Lê Văn Khoa (người đứng bên phải). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nét độc đáo của năm tác giả gốc Việt

Phần một của chương trình dành để giới thiệu các tác phẩm của năm tác giả gốc Việt thuộc thế hệ khác nhau, tuổi từ 25 tới 85, gồm Việt Cường, Khôi Đặng, P.Q. Phan, Tôn Thất Tiết, Lê Văn Khoa. Mỗi người có một góc nhìn cuộc sống khác nhau do số tuổi và kinh nghiệm cuộc đời khác nhau.

Các tác phẩm của năm tác giả được diễn ra nối tiếp nhau, tạo thành mạch thăng hoa cho cả người biểu diễn lẫn người xem. Bên cạnh những khán giả trung niên người Việt, còn có những khán giả thuộc những sắc dân khác, và có cả những người trẻ. Tất cả đã dành những tràng pháo tay vang dài để tưởng thưởng cho các nghệ sĩ sau những cao trào, những phần trình tấu đặc sắc ở mỗi tác phẩm.


Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trong hậu trường.

Ngay từ bài mở đầu, “Sky Nocturne” sáng tác năm 2014 của Khôi Đặng qua tiếng kèn Clarinet của Gleb Kanasevich, đã tạo nên những tiết điệu, âm sắc, âm lượng khác nhau, rất phong phú, độc đáo, đã khiến cả khán phòng không chỉ bị hút chặt vào giai điệu âm nhạc mà còn bị cuốn hút bởi giọng đọc truyền cảm của Bích Vân diễn đạt bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ, một tuyệt phẩm thi ca của Hàn Mặc Tử.


Tác phẩm My Way (lời Samuel Becket, từ Songs of Solitude) do P.Q. Phan sáng tác năm 2007, được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát, do dàn nhạc VASCAM trình tấu, nhạc trưởng Cơ Bội Nguyễn điều khiển. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Tiếng kèn của Gleb Kanasevich và giọng đọc của Bích Vân như đưa người nghe vào một không gian huyền diệu của non sông Đà Lạt với trăng, nước hồ, sương nhạt, ý thơ, tơ liễu, hàng thông, ngân hà, sao băng... mối giao cảm thiêng liêng giữa con người và tạo vật nảy nở hoà điệu.

Khán giả như cảm được tiếng của đất trời, như tựa vào lưng đồi để ngắm cảnh hoàng hôn, cảm nhận hơi nước lành lạnh từ Hồ Xuân Hương, thưởng thức được cái trong veo trong vắt của một ngày lành và cùng trời đi giải nghĩa yêu.

Sau đó, vẻ đẹp như pha lê, nhưng cũng thật đầy đặn, ấm áp, mềm mại, căng tràn nội lực ở quãng cao trào của giọng hát ca sĩ Bích Vân cùng với dàn nhạc VASCAM do Nhạc Trưởng Cơ Bội Nguyễn điều khiển, đã đưa người nghe thả mình vào những giai điệu sâu lắng, du dương. Lúc xuống trầm lên bổng, lúc nhẹ nhàng lắng đọng. Từng nốt nhạc vô cùng tinh tế qua tác phẩm Thu Điếu, được tác giả Việt Cường sáng tác năm 2017.
Việt Cường là tác giả gốc Việt trẻ nhất trong chương trình, sinh năm 1990, sinh ra và lớn lên ở Mỹ) phổ nhạc bài thơ Thu Điếu của Nguyễn Khuyến (sinh năm 1835, mất năm 1909). Âm nhạc và lời thơ hòa quyện. Gợi tả không gian động mà tĩnh, có âm thanh mà vẫn vô thanh. Một bầu trời mùa thu cao trong vời vợi có một màu xanh ngắt, cái sóng ấy của mặt ao thu, cái tiếng lá bay ấy, chỉ như xao động lên, âm vang lên trong cõi lòng nhà thơ. Một cõi lòng lạnh lẽo, trong veo. Tĩnh lặng như làng quê. Khiến người nghe cảm nhận về một nỗi cô đơn, man mác buồn, nhiều uẩn khúc trong cõi lòng thi nhân trước thời cuộc: nước mất nhà tan.
Trong phần một của chương trình, khán giả còn được khoản đãi những tác phẩm đặc sắc, như tác phẩm Waking của soạn nhạc gia P.Q. Phan sáng tác năm 2018 do Yuri Inoo trình diễn trên bộ Cồng. Tác phẩm My Way (lời Samuel Becket, từ Songs of Solitude) do P.Q. Phan sáng tác năm 2007, được Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát, do dàn nhạc VASCAM trình tấu, nhạc trưởng Cơ Bội Nguyễn điều khiển.

Tác phẩm Bao La được soạn nhạc gia Tôn Thất Tiết sáng tác năm 1978 qua tiếng kèn Clarinet của Gleb Kanasevich. Tác phẩm The Last Time của giáo sư Lê Văn Khoa sáng tác năm 2012 được giọng ca Tâm Đan Belinda Gonzales hát trên nền nhạc của dàn nhạc VASCAM trình tấu, Nhạc trưởng Cơ Bội Nguyễn điều khiển.Tác phẩm Enlingtenment- Percussion Concerto được P.Q.Phan sáng tác năm 1994, Yuri Inoo trình tấu trên bộ gõ cùng với dàn nhạc VASCAM, Nhạc trưởng Cơ Bội Nguyễn điều khiển.

Những tác phẩm trên lúc khoan lúc nhặt, làm nên tiết tấu xao động hồn người, tạo nên sự hấp dẫn với nhiều cao trào, đã đưa khán giả viễn du vào miền đất sáng tạo tuyệt vời của các sáng tác gia.

Khi thì là tiếng kèn Clarinet của Gleb Kanasevich đầy ma mị. Lúc thì là bộ Cồng đậm màu sử thi, là bộ gõ với âm sắc cuốn hút được Yuri Inoo trình diễn cùng dàn nhạc VASCAM giàu kịch tính, hấp dẫn vô cùng. Là sự hòa trộn của các loại nhạc cụ của dàn nhạc VASCAM tạo nên những cung nhạc sống động mà gần gũi, mộc mạc nhưng giàu chất nghệ thuật, chất thơ khi hòa thanh cho Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, cho tiếng hát Tâm Đan Belinda Gonzales tung bay. Đó còn là vẻ đẹp hòa quyện các giọng ca của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, là âm sắc lộng lẫy của tiếng hát Tâm Đan Belinda Gonzales, chỉ tiếc là khi hát nhạc phẩm The Last Time của Lê Văn Khoa, cô đã vào nhịp trễ, mất đi vài từ của ca khúc, làm giảm đi vẻ đẹp vốn có của tác phẩm.


Lớp diễn Thị Mầu (Angela Yoon đóng, thứ nhì từ trái) và hai người bạn trên ghẹo Tiểu Kính Tâm (bên trái). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trích đoạn Câu Chuyện Bà Thị Kính

Mở màn phần 2 là những trích đoạn tiêu biểu của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính), là điểm nhấn chính của buổi hòa nhạc và cũng là điều đã giữ chân các khán giả ở lại đến cuối buổi diễn. Là vở diễn đã được nhà soạn nhạc P.Q. Phan dựa trên cốt truyện Việt Nam kể về “quá trình thăng hoa của một người đàn bà để trở thành Phật trong lòng quần chúng. Đó là một thông điệp về tình yêu nhân loại, lòng độ lượng và sự hy sinh không giới hạn”, nhưng đã được sáng tạo đầy mới mẻ theo hình thức sân khấu opera phương Tây và được dàn dựng cho đối tượng khán giả người bản xứ.


Bài mở đầu, “Sky Nocturne” sáng tác năm 2014 của Khôi Đặng qua tiếng kèn Clarinet của Gleb Kanasevich và phần diễn đọc thi phẩm “Đà Lạt Trăng Mờ” (Hàn Mặc Tử) của ca sĩ Bích Vân. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các giọng ca của các nghệ sĩ Veronica Jensen vai Thị Kính. Brian Arreola vai Thiện Sĩ, Nô. Angela Yoon vai Thị Mầu. Bích Vân vai Sùng Bà, bạn của Thị Mầu, Mẹ Mõ. Carl DuPont vai Mãng Ông, Lý Trưởng, Sư Cụ. Sean Buhr vai Sùng Ông. Tâm Đan Belinda Gonzales vai bạn của Thị Mầu và 27 thành viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trong phần hát đồng ca trong vai người dân.

Tất cả đã xuất sắc trong vai trò của mình khi hóa thân vào các nhân vật, tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ của nghệ thuật hát opera, từ những kỹ thuật đỉnh cao của hát solo, sự hòa quyện giữa các bè của hát song ca, vừa hát vừa nói vừa diễn và sự tổng hòa của nghệ thuật hợp xướng…, giúp người xem hiểu rõ hơn chất trữ tình của câu chuyện, những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh nội tâm của từng nhân vật cũng như mối quan tâm chung của nhân loại về tình yêu, tình bạn, tình thương nhân loại.

Tài tình của nghệ sĩ qua từng vai diễn

Sự nhập vai tài tình của các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ Veronica Jensen vai Thị Kính, không chỉ riêng người viết, mà nhiều khán giả trong buổi diễn đã rơi nước mắt xúc động, cảm thông với nỗi đau tột cùng của nhân vật, trước khả năng hóa thân tuyệt vời Veronica Jensen, một Thị Kính với nỗi oan tột cùng mang tội giết chồng, dù phải giả trai tìm đến chốn thiền môn tu hành vẫn bị tiếng có con với Thị Mầu.

Chương trình lần này không diễn lại lớp diễn Thị Kính bị Sùng Bà đánh chửi vì nỗi oan giết chồng như năm ngoái, mà là lớp diễn Sùng Ông, cha Thiện Sĩ (Sean Buhr đóng) chửi đánh Mãng Ông (Carl DuPont đóng), cha của Thị Kính. Cảnh hai cha con Mãng Ông, Thị Kính ôm nhau khóc đã khiến không ít khán giả phải nghẹn ngào còn nhiều hơn cả lớp diễn Thị Kính bị Sùng Bà đánh chửi (đã diễn vào năm ngoái). Vì lớp diễn này đã đẩy nỗi đau của Thị Kính lên đến cực điểm của bi kịch.


Tác phẩm Waking của soạn nhạc gia P.Q. Phan sáng tác năm 2018 do Yuri Inoo trình diễn trên bộ Cồng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Veronica Jensen đã sống hoàn toàn với nỗi đau của Thị Kính, hình ảnh nàng chới với trong nỗi oan ức tày trời, nỗi đau tình vợ chồng tan vỡ cộng thêm nỗi nhục nhã, đau đớn trước cảnh cha già mà nàng rất mực kính yêu bị chính cha chồng khinh khi, hành hạ.

Cảnh hai cha con Thị Kính- Mãng Ông ôm nhau than khóc gợi trong lòng người xem hình ảnh của những người nghèo khổ chịu oan ức mà hoàn toàn bất lực.

Nghệ sĩ Angela Yoon khiến khán giả không khỏi mê mẩn cái nét lẳng lơ rất ngây thơ của cô Thị Mầu, mê cách đưa đẩy, những cái liếc mắt đưa tình duyên dáng, phần rình rập, tỏ tình với Tiểu Kính Tâm… Cách Thị Mầu tung tăng, hoạt náo liên tục trên sàn diễn trong lớp diễn Thị Mầu và hai người bạn (Bích Vân và Tâm Đan Belinda Gonzales) lên chùa gặp Tiểu Kính Tâm, lớp diễn Thị Màu tư thông với người đầy tớ Nô (nghệ sĩ Brian Arreola đóng) trong nhà đến mang thai và bị làng phạt vạ, vừa đối thoại, vừa hát, vừa diễn, Angela Yoon đã “lột tả” được thần thái, tính cách của Thị Mầu ở trong một hoàn cảnh “trớ trêu” nhất, một Thị Mầu muốn tự do yêu đương, thoát vòng lễ giáo của xã hội quá nhiều ràng buộc người đàn bà.

Các nghệ sĩ Brian Arreola, Carl DuPont, Sean Buhr, Bích Vân, Tâm Đan Belinda Gonzales đã diễn khá “ngọt” các vai Thiện Sĩ, Nô, Mãng Ông, Lý Trưởng, Sư Cụ, Sùng Ông, Sùng Bà, Mẹ Mõ, bạn của Thị Mầu… Trong đó, Bích Vân nổi bật với vai diễn Mẹ Mõ- người đàn bà “bụng mang dạ chửa”, chuyên đi đánh mõ và báo cáo các việc cho dân làng, đại diện cho tầng lớp được xem là tầng lớp hạ lưu của xã hội bấy giờ là “nghề mõ”. Nhưng thông qua sự đối đáp hết sức thông minh, sắc sảo, dí dỏm và có phần chua cay với Lý Trưởng, Mẹ Mõ đã lên án, vạch trần sự ngu si mà hợm hĩnh của Lý Trưởng - nhân vật đại diện “quyền uy” cho cái làng xã phong kiến.

Kết thúc buổi diễn là lớp diễn Sư Cụ dù thương xót Tiểu Kính Tâm, nhưng vì sợ ô danh chốn thiền môn nên sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở ngoài mái tam quan. Thị Mầu sanh con trai, đem đứa bé bỏ trước cổng chùa. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và quyết định sẽ chăm lo nuôi nấng đứa trẻ hết lòng. Lớp diễn này lại một lần nữa khiến không ít khán giả phải rưng rưng vì hạnh từ bi của Tiểu Kính Tâm.


Đối đáp khôn lanh của Mẹ Mõ (Bích Vân) với Lý Trưởng (Carl DuPont đóng). (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Là người đàn bà, Tiểu Kính Tâm hiểu được cuộc sống và tình cảm của Thị Màu có những uẩn khúc. “Không chồng mà chửa” của Thị Mầu đối với đạo đức nghiệt ngã của xã hội bấy giờ là một tội trạng tày trời. Tiểu Kính Tâm đã chấp nhận chịu oan, chịu khổ thay Thị Mầu khi cuộc đời đang còn tràn đầy bất công nghiệt ngã với người đàn bà, dù đó là Thị Kính, hay Thị Mầu con của Phú Ông, thì cũng đều là thân phận thiệt thòi trong xã hội “trọng nam khinh nữ”.


Các nghệ sĩ, soạn nhạc gia P.Q. Phan, Nhạc Trưởng Cơ Bội Nguyễn cùng cúi chào khán giả kết thúc buổi diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khi mà “Duyên phận của phụ nữ phụ thuộc vào chánh nam. Vợ hiền phải theo chồng, tuân lời và cặm cụi ngày đêm…” (Trích phần hát lời tiếng Việt duy nhất trong lớp diễn lễ cưới của Thị Kính với Thiện Sĩ)
Sức mạnh của nhạc điệu và sự hòa nhịp của âm thanh điêu luyện, diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ, nhạc sĩ trong dàn nhạc đã làm nên vẻ đẹp sang trọng và hấp dẫn của âm nhạc sân khấu cho tác phẩm này. khi được thưởng thức live những trích đoạn của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính tại thính đường Musco Center for The Arts – Orange, đã để lại dấu ấn tuyệt đẹp trong cảm xúc của khán giả với vẻ đẹp của âm nhạc nhiều màu sắc, đầy sức sống, kích thích tai nghe và khuấy động tâm hồn.
Buổi diễn kết thúc với rất nhiều dư âm, dư âm về một chương trình tuyệt vời mà ở đó âm nhạc đã nói lên rất nhiều điều. Những điều cảm nhận và suy tư về sự giản dị và bí ẩn của tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Và trong lẽ tự nhiên của nghệ thuật, đã chứa đựng một sức mạnh sâu lắng tiềm ẩn, rất đỗi tự hào từ những người con mang dòng máu Lạc Hồng nơi xứ người.
(bh)

 


Lớp diễn cuối của chương trình: Tiểu Kính Tâm ôm con của Thị Mầu bỏ lại, hứa sẽ chăm sóc đứa trẻ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Nỗi đau của Thị Kính khi thấy cha già (Mãng Ông- Carl DuPont đóng) bị Sùng Ông (Sean Buhr đóng) mắng chửi, đánh ngã vì cho là Thị Kính mưu giết chồng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT