Văn Nghệ

Vẻ Đẹp của Đàn Nhị (kỳ 3 và hết)

Friday, 16/02/2018 - 08:29:10

Tác giả bài viết khẳng định, “Cũng như trong các dàn nhạc khác, từ Tuồng, Chèo,… và đến đờn ca tài tử, đàn Cò không chỉ hiện diện một cách đơn thuần mà còn khẳng định là một nhân tố chính trong các dàn nhạc.”

Bài BĂNG HUYỀN

Tiếng đàn êm ái du dương, nghe nhẹ như tơ của đàn Nhị (đờn Cò), có thể diễn tả đủ tâm trạng vui, buồn, êm ái. Âm thanh của đàn Nhị hơi giống âm thanh của Violon nhưng nghe thanh hơn tiếng Violon. Hình dáng của đàn Nhị cũng nhỏ, gọn hơn đàn Violon. Vì hai cây đàn này có vài nét tương đồng với nhau, nên nhiều người gọi đàn Nhị (đờn Cò) là Cò ta, còn đàn Violon là cò Tây.

Chất liệu để làm đờn Cò

Có hai loại là đàn Nhị làm bằng tre và đàn Nhị làm bằng gỗ.
Loại đàn Nhị làm bằng tre, thân đàn (cần đàn) được làm bằng ống trúc hay cật của cây tre già dài khoảng 75,5 cm, loa đàn làm bằng gáo dừa (một nửa quả dừa khô), mặt đàn bịt bằng da trăn hay da kỳ đà, trục lên dây bằng tre, dây đàn bằng tơ se hay nilon, cung kéo bằng tre được uốn cong.

Còn với đàn Nhị làm bằng gỗ: Thân đàn (cần đàn) làm bằng gỗ cứng và chắc tiện theo hình khối tròn hay khối lục giác, dài khoảng 75.5 cm, có thể để trơn hay khảm trai.

Ưu điểm của đờn Cò (Đàn Nhị)
Giáo sư Nguyễn Châu (Giám đốc nghệ thuật đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng từ năm 1989 đến nay) cho biết, trong các loại nhạc cụ cổ truyền Việt Nam nằm trong “bộ kéo” như: đờn Líu, đờn Gáo, đờn Hồ…vân vân… thì đờn Cò (đàn Nhị) có nhiều ưu điểm hơn hẳn.


Giáo sư Nguyễn Châu với cây đờn Cò (đàn Nhị) và các em đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trong buổi học nhạc tại trụ sở của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Sở sĩ đờn Cò được sử dụng rộng rãi hơn các loại như đờn Líu, đờn Gáo, đờn Hồ… vì đờn Cò có thể chơi nhiều bài bản như ba Nam, sáu Bắc, Hạ, Oán và các bản vắn, nhỏ trong cải lương. Đờn Cò còn được dùng để chơi nhạc lễ, hát bội, ca tài tử, cải lương và dân ca. Âm thanh đờn Cò có thể êm dịu, trữ tình, nhưng cũng có thể rất não nuột, bi thương, đặc biệt là khi được chơi các bản như Xuân nữ, Nam ai…khiến người nghe phải bồi hồi, ray rức. Còn khi hoà vào các điệu nhạc hào hùng, mạnh mẽ, đờn Cò làm người nghe phấn chấn, vui tươi.

Vai trò của đờn Cò trong nhạc Lễ

Nhạc Lễ của Việt Nam, là nhạc dùng trong các buổi hội hè, đình đám, tấn phong, tế thần, ma chay. Các nhạc cụ trong dàn nhạc Lễ gồm có: Kìm, Cò (Nhị), Gáo, Sến, Đoản, “bộ hơi” như Sáo, Tiêu, Kèn và bộ Gõ, Trống chiên, Phèng la, Chập choã. Đàn Cò đóng vai trò chủ lực trong dàn nhạc Lễ. Dàn nhạc Lễ có thể thiếu đờn Kìm, đờn Sến nhưng không thể thiếu đờn Cò. Vì đờn Cò là nhạc cụ khởi tấu trong nhạc Lễ. Khi có đờn Cò, bài bản chơi trong nhạc Lễ sẽ sinh động và réo rắt hơn.

Vai trò của đàn Nhị trong Hát Bội

Với dàn nhạc của Hát Bội, gồm các loại đàn: Kìm, Cò, Tranh, Độc (đàn bầu), Sến, Guitar phím lõm (còn gọi là đàn lục huyền cầm). Nhưng chủ lực vẫn là bộ tứ “Kìm, Cò, Tranh, Độc”.

Vai trò của đàn Nhị trong Cải Lương

Còn với Cải Lương, ngay từ khi mới ra đời, đờn Cò đã trở thành cây đờn kéo chính cho cải lương. Trải qua một thế kỷ, đến nay đờn Cò với cải lương vẫn gắn bó mật thiết. Cùng là nhạc cụ thuộc bộ kéo nhưng âm thanh đờn Cò “kim pha thổ” chứ không rặt âm “thổ” như đờn Gáo. Còn khi diễn tấu, đờn Cò có thể giả tiếng nước chảy, suối reo, sóng vỗ, gió thổi rì rào, chim kêu, ngựa hí, chó tru, gà gáy…v…v…


Giáo sư Nguyễn Châu với cây đờn Cò (đàn Nhị) và các em đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, thầy và trò cùng hòa đàn với nhau. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vai trò của đàn Nhị trong Đờn Ca Tài Tử

Đờn Ca Tài Tử là loại nhạc giúp vui trong các buổi ca hát ngẫu hứng, tiệc cưới hỏi… Vì vậy, người chơi thường chọn những bài bản tình cảm nhẹ nhàng như Bắc, Nam, Hạ, Oán, Vọng cổ trong 20 bản tổ và một số bài khác. Đờn Cò góp phần quan trọng trong các buổi Đờn Ca Tài Tử.
Trong bài viết về vai trò của đàn Nhị (đờn Cò) trong dàn nhạc Đờn Ca Tài Tử của tác giả Bùi Thiên Hoàng Quân có ghi rằng, “nền tảng của Đờn Ca Tài Tử vốn là nhạc Lễ (còn gọi là nhạc ngũ âm), một loại nhạc chủ yếu phục vụ cho các lễ hội tại địa phương được phát triển vào thế kỷ thứ 17 và thịnh hành ở miền Nam vào cuối thế kỷ 19. Dàn nhạc của Đờn Ca Tài Tử được chia làm hai nhóm, gọi là phe Văn và phe Võ. Phe Võ chủ yếu là các nhạc cụ Gõ và Kèn. Phe Văn chủ yếu là bộ trống nhạc Lễ và các nhạc cụ dây kéo vĩ. Vì nhu cầu phục vụ đòi hỏi các ban nhạc Lễ cần được tổ chức một cách gọn nhẹ hơn, bộ trống nhạc Lễ trong phe Văn đã được thay bằng song loan, còn các nhạc cụ dây kéo vĩ cũng được bỏ bớt để chỉ còn có đờn Cò (đàn Nhị). Ngoài ra, phe Văn còn kết hợp với ca hát, khởi đầu bằng việc đặt lời ca vào một số bài bản của nhạc Lễ, thêm một số nhạc cụ dây gảy,… Từ đó những ban nhạc Lễ còn có tên gọi khác là nhóm “Đờn cây” (tên gọi để phân biệt phe Văn với dàn nhạc gồm các nhạc khí dây khác với phe Võ, dàn nhạc gồm các nhạc khí kèn và trống).

“Song song với các ban nhạc Lễ và nhạc Hát Bội đang thịnh hành, kể từ năm 1875 trở đi, các nhóm đờn cây phát triển mạnh trong dân chúng, bài bản được bổ sung và chuyển hướng vào phong cách thính phòng, nhóm đờn cây được thay tên là “Đờn Ca Tài Tử”. Có thể nói nền âm nhạc thính phòng Việt Nam, ngoài Ca Trù, Ca Huế, nay đã được bổ sung thêm một loại hình nghệ thuật nữa, đó là “Đờn ca tài tử”- loại hình nghệ thuật phát triển mạnh từ đầu thế kỷ thứ 20.”

Cũng trong bài viết được nhắc ở trên, sau khi sơ lược quá trình hình thành nhạc Tài Tử miền Nam, tác giả Hoàng Quân cho rằng sự thích ứng của phe Văn dựa theo yêu cầu của xã hội là sự ra đời của những nhóm đờn cây và kết quả cuối cùng của sự thích ứng đó là sự ra đời của những ban Đờn Ca Tài Tử.

Tác giả bài viết khẳng định, “Cũng như trong các dàn nhạc khác, từ Tuồng, Chèo,… và đến đờn ca tài tử, đàn Cò không chỉ hiện diện một cách đơn thuần mà còn khẳng định là một nhân tố chính trong các dàn nhạc.”

Vì theo tác giả Hoàng Quân,“Khó có thể tưởng tượng trong các dàn nhạc ấy lại có thể thiếu vắng tiếng đàn Cò. Những âm thanh gãy gọn của các loại nhạc cụ dây khảy sẽ được kết nối lại với nhau qua tiếng đàn dây kéo. Sự réo rắt của tiếng đàn Tranh, đĩnh đạc của tiếng đàn Kìm hay liến thoắng của đàn Guitar phím lõm,... sẽ được hòa quyện lại với nhau bằng sự mượt mà, ẻo lả của tiếng đàn Cò. Trong hầu hết các hình thức hòa đàn của đờn ca tài tử, từ song tấu đến tam tấu, tứ tấu,… đâu đâu ta cũng thấy có hiện diện của đàn Cò. Với tính năng độc đáo của mình, ngân dài, vang xa,… đàn Cò như làm nhiệm vụ kết dính các nhạc cụ lại với nhau, đó là điều có thể nói khó có nhạc cụ nào làm được.”

Tác giả Bùi Thiên Hoàng Quân cho rằng khi ban nhạc trình tấu những bài có tính chất vui trong các bản Bắc, những người chơi nhạc cụ dây gảy liên tục phô diễn kỹ thuật, thể hiện sự nhanh nhạy của mình bằng cách đàn nhiều chữ, qua đó chứng minh những tính năng ưu việt của nhạc cụ cũng như kỹ năng điêu luyện của mình. Người chơi đàn Cò cũng không hề chịu kém, lúc khoan, lúc nhặt, lúc chầm chậm ở âm vực thấp rồi bỗng chợt vút bay bổng lên âm vực cao, để rồi hòa cùng những nhạc cụ khác tạo nên một bức tranh âm thanh sinh động.

“Đối với các bản Oán hay Ai, cùng với tiếng đàn Kìm thổn thức, tiếng đàn Tranh rì rào,… Còn tiếng đàn Cò, nhờ vào đặc tính ngân dài âm thanh, bằng những ngón nhấn, ngón rung, vừa sâu vừa chậm, mỗi khi đàn Cò vang lên, nó đã làm cho biết bao người phải nao lòng vì sự nỉ non, u buồn của nó, và có thể khẳng định rằng đàn Cò đã nâng một bước trong việc tạo cảm xúc cho người nghe khi thưởng thức một bản đàn hơi ai, hơi oán một cách trọn vẹn.

“Trong hơi Lễ, đàn Cò xuất hiện như một nhân vật chính. Đàn Cò luôn hiện diện trong các ban nhạc từ ban nhạc Lễ đến nhóm đờn cây và sau đó đến nay là các ban đờn ca tài tử. Các bài bản của nhạc Lễ cũng đã được dùng khi chơi đờn ca tài tử, chính vì thế, việc trình tấu những bài bản thuộc hơi Lễ được xem như một sở trường đối với đàn Cò. Việc không còn bộ trống Lễ trong dàn nhạc, phần nào đã làm nhẹ hơi Lễ trong khi trình tấu những bài bản trong Thất Chánh, thậm chí có những ban đờn ca tài tử, khi trình tấu luân phiên những bài bản Lễ cùng các bài bản Bắc mà chưa có sự xuất hiện của đàn Cò thì sự khác nhau giữa Lễ và Bắc dường như chỉ là tên bài hay giai điệu, còn sự khác nhau giữa hơi thì không rõ nét. Tuy nhiên, nhờ có sự xuất hiện của đàn Cò, trình tấu cái “hơi” sở trường của mình thì các bài bản Lễ đã nghe “Lễ” hơn.
Theo tác giả Bùi Thiên Hoàng Quân, sự xuất hiện của đàn Violon vào khoảng năm 1930 trở đi, phần nào đã làm ảnh hưởng đến vị trí đờn Cò (đàn Nhị) trong dàn nhạc Đờn Ca Tài Tử. Đàn Violon với nhiều thuận lợi về cấu tạo, có âm vực rộng hơn, có âm sắc ấm hơn và đặc biệt là hình dáng trông “Tây” hơn đã tạo cho mình có được vị trí vững chắc trong các ban đờn ca tài tử và làm cho đàn Nhị bị lu mờ. Tuy nhiên trong tiềm thức của người Việt Nam, tiếng đàn Cò vẫn là một âm thanh đã và đang vang vọng. Người ta không thể quên được tiếng đàn Cò trang nghiêm khi trình tấu những bài nhạc Lễ, não nuột trong những bản oán, ai và vui tươi, linh hoạt trong các bài bản Bắc. Đàn Cò vẫn đứng vững với vị trí của mình trong các ban Đờn Ca Tài Tử.”

Mặc dù đàn Nhị (đờn Cò) vốn xuất xứ từ cây đàn Erhu (Nhị Hồ) hay còn gọi là Huqin (Hồ cầm) của Trung Quốc, nhưng qua khối óc và trái tim của những nghệ nhân Việt Nam, nó đã thành cây đàn Nhị (đàn Cò) Việt Nam, với âm sắc và điệu đàn rất riêng, rất Việt Nam, không hề lẫn lộn nếu đem so sánh ngược lại với cây đàn Erhu (hay Huqin). Điều đó đã chứng minh sự sáng tạo và tình yêu âm nhạc của ông cha ta, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ những người vô danh đến hữu danh…, để cây đàn Nhị (đờn Cò) có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc, đời sống xã hội. Thế nhưng, ngày nay, trước sự giao thoa văn hóa ngày càng lớn, trước vô vàn các trường phái, các dòng âm nhạc, thì âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung và cây đàn Nhị (đờn Cò) nói riêng đang lâm vào tình thế khó khăn, vì ngay ở trong nước, những người theo học đàn Nhị rất ít ỏi, còn ở hải ngoại thì lại càng hiếm hoi hơn.

Đối với những người tâm huyết với âm nhạc dân tộc nói chung, với riêng đờn Cò (đàn Nhị) như giáo sư Nguyễn Châu, thì quan trọng là làm sao để phát huy được cây đờn Cò trong đời sống âm nhạc hiện nay. Đó mới là điều cốt lõi giúp cây đờn Cò vẫn giữ được vị trí của nó kể từ khi có mặt tại Việt Nam hơn 10 thế kỷ qua!
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT