Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Vẻ đẹp của Đờn Ca Tài Tử (Kỳ 3)

Saturday, 22/03/2014 - 01:42:26

Đàn Tranh là một loại nhạc cụ khá phổ biến trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam, và cũng là một trong những loại nhạc cụ tiêu biểu của dòng âm nhạc tài tử - cải lương. Với tính năng phong phú, nên đàn Tranh có thể tạo hiệu quả đặc biệt và góp phần quan trọng trong hòa âm hòa tấu, không chỉ trong âm nhạc tài tử

Băng Huyền/Viễn Đông



Một buổi hòa đờn ca tài tử tại Tổ Đình Sân Khấu của Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam tại Quận Cam.





Sự đa diện của đàn Tranh Việt Nam trong Đờn Ca Tài Tử

Đàn Tranh là một loại nhạc cụ khá phổ biến trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam, và cũng là một trong những loại nhạc cụ tiêu biểu của dòng âm nhạc tài tử - cải lương. Với tính năng phong phú, nên đàn Tranh có thể tạo hiệu quả đặc biệt và góp phần quan trọng trong hòa âm hòa tấu, không chỉ trong âm nhạc tài tử - cải lương, đàn Tranh còn hòa điệu cùng nhiều dòng âm nhạc khác nhau một các tương đồng.

Giới thiệu nét độc đáo của đàn Tranh Việt Nam trong âm nhạc Tài Tử Cải Lương, nghệ sĩ cổ nhạc Huy Thanh cho biết: “Những thủ pháp rất quan trọng của đàn Tranh Việt Nam là thủ pháp của bàn tay trái. Những thủ pháp đó là ngón rung, ngón mổ, ngón nhấn… Ngón đàn của người nghệ sĩ đàn Tranh đàn hay hoặc dở phần lớn là nhờ ở bàn tay trái của người đàn. Khi người đàn Tranh đàn một bản nhạc, bàn tay phải gẩy lên giai điệu của bản nhạc, diễn tả tiếng đàn mạnh, nhẹ, to, nhỏ và nhờ vào bàn tay trái, người nghệ sĩ đó sẽ tạo ra những cung đàn buồn, vui, ai oán, dịu dàng, v.v..”

“Riêng về kỹ thuật rung của bàn tay trái, người đàn phải dùng hai ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay trái để rung dây đàn. Rung có nghĩa là sau khi đã gảy dây bằng tay phải rồi, tay trái mới rung rung sợi dây đàn một cách nhẹ nhàng để tạo nên một âm thanh liên tục. Tiếng rung càng dài, tiếng đàn càng đẹp. Dùng ngón rung diễn tả nét vui mà cũng để diễn tả cái buồn. Với kỹ thuật rung nhẹ nhàng có thể áp dụng cho các bản nhạc vui, các bản trong điệu Bắc, nhạc Quảng của nhạc Tài Tử miền Nam.”

Nét độc đáo của ngón Á

Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh khẳng định, ngón Á của đàn Tranh Việt Nam độc đáo vì không chỉ với bản Vọng Cổ, hầu hết các bài bản Xuân, Ai, Bắc, Oán, Ngự, Hạ cho đến Hò, Ngâm không một giai điệu nào có thể thiếu được ngón Á.

“Ngón Á là một lối gảy rất phổ biến của đàn Tranh, là cách gảy lướt trên hàng dây xen kẽ các câu nhạc, thường ngón Á hay ở vào phách yếu để chuẩn bị vào một phách mạnh đầu hay cuối câu nhạc. Đây là cách đàn liên tục và đều đặn một chuỗi cung nhạc liền nhau tạo thành một chuỗi âm thanh liên tục, không đứt quãng. Trong bản đàn vui, chữ Á có thể dùng để diễn tả niềm vui. Trong bản nhạc buồn, nó có thể tạo nên tiếng than thở. Thí dụ, trong bản Lưu Thủy Trường, người nghệ sĩ đàn Tranh có thể đàn chữ Á để diễn tả tiếng nước chảy. Tùy vào tâm tình diễn tả mà người đàn có thể tạo ra tiếng thác đổ hay tiếng nước róc rách. Tiếng Á buồn hay vui tùy thuộc vào cách lên dây đàn . Đàn tranh có nhiều cách lên dây, dây để đàn bản vui khác với dây lên cho bản buồn. Thường thì bài nào dây đó.

“Với một nét Á dài, ngắn, mà có thể diễn tả nhiều hình tượng cảm xúc như vui nhộn, mượt mà, trong trẻo, thanh tao… của bản nhạc. Thông thường khi bắt đầu một bản nhạc, ngón Á phải là ngón mở đầu cho bản nhạc và đàn Tranh giữ vai trò làm nền cho hơi điệu (gamme của bản nhạc) trong dàn nhạc đờn ca tài tử. Vì sao ngón Á có thể giữ vững được hơi điệu bài nhạc? Đó chính là hệ ngũ cung của đàn Tranh, do cách sắp xếp chữ nhạc của năm âm dây đàn liên tục tạo nên đặc trưng cho hơi điệu.

“Hệ thống thông thường của đàn Tranh khi lên dây Bắc, Hạ, Bắc Ngự là Hò Xự Xang Xê Cống thì ngón Á sẽ trở thành nét nhạc vui tươi, trang nghiêm…

“Nếu như những bản thể hiện nét nhạc trầm buồn sâu lắng thì hệ ngũ cung sẽ trở thành Hò Y Xang Xê Phan để sử dụng cho các bản như Nam Ai, Oán, Oán Ngự.

“Với hệ thống ngũ cung Hò Y Xang Xê Phan có hệ thống ngũ cung Hò Y Xang Xê Cống, để thể hiện những bản nhạc với âm điệu mac mác buồn như Lý Cái Mơn, Lý Chiều Chiều, Lý Con Sáo, và bài Vọng Cổ. Với những bài Nam Xuân, Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung), với nét nhạc trang nghiêm, phóng khoáng, hệ ngũ cung để sử dụng là Hò Xự Xang Xê Phan.

“Với từng hơi điệu của bản nhạc hệ thống ngũ cung của đàn Tranh có đến 4 cách lên dây:

1. Hò Xự Xang Xê Cống
2. Hò Y Xang Xê Cống
3. Hò Y Xang Xê Phan
4. Hò Xự Xang Xê Phan

“Do hơi điệu của bài nhạc thể hiện mà có từng cách lên dây tương ứng, không thể vì lý do nào đó mà có thể lẫn lộn hoặc cố tình không thay đổi hệ thống dây cho phù hợp.

“Ngoài ra, ngón Á còn có những kiểu như: Á xuống là cách gảy liền các âm liền bậc, từ một âm cao xuống các âm thấp, tức là sử dụng ngón cái của tay phải lướt nhanh và đều qua các hàng dây, từ cao xuống thấp.

“Á lên: là kỹ thuật lướt qua hàng dây, nhưng vuốt bằng ngón 2 hoặc ngón 3 từ một âm thấp lên các âm cao.

“Á vòng: kết hợp Á lên và Á xuống, Á vòng thường chuẩn bị cho mở đầu hoặc kết thúc một câu nhạc, có trường hợp nó được sử dụng để tả cảnh sóng nước, gió thổi, mưa rơi và có thể sử dụng ngón Á vòng liên tiếp với nhiều âm hơn.

“Trong nhạc Truyền Thống Việt Nam chỉ có Chữ Á bắt đầu từ cung cao nhất (dây thứ 17 trên đàn tranh 17 dây), tức là cung Liu hay cung Sol, rồi từ từ đàn xuống các dây kế tiếp là 16, 15, 14 , 13 … và ngừng lại ở cung đứng đằng trước cung nhạc kế tiếp chữ Á. Nếu trên bản đàn, có chữ Á rồi cung đứng đằng sau chữ Á là cung Hò (dây số 2) thì đàn chữ Á bắt đầu từ dây số 17, sang các giây 16, 15, 14, 13, 12, 11, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3 .

“Nhiều người đặt tên cho chữ Á này là ‘Chữ Á Xuống’ bởi chữ Á bắt đầu từ cung cao nhất rồi từ từ xuống thấp. Trong nhạc Truyền Thống Việt Nam, nhiều người gọi vỏn vẹn là ‘Chữ Á’ bởi không có chữ Á nào khác.

“Ngày nay còn xuất hiện thêm hai ‘Chữ Á’ nữa là ‘Chữ Á Lên,’ đàn từ thấp lên cao và ‘Chữ Á Vòng,’ đàn từ cao xuống thấp rồi từ thấp lên cao.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT