Văn Nghệ

Vẻ đẹp của nghệ thuật Hát Chèo (kỳ 1)

Friday, 03/11/2017 - 08:33:22

Giáo sư Nguyễn Châu cho biết âm nhạc của chèo biểu thị qua ba hình thức: hát, hát - nói và nói. Ngoài ra còn có thêm những trạng thái không lời khác.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt, chèo là một loại hình kịch hát dân gian của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ mang tính dân tộc thuần Việt sâu đậm. Chèo là một nghệ thuật sân khấu tổng hợp, với các làn điệu cổ, càng nghe càng say, kết hợp hài hòa với lối múa, kỹ thuật trình diễn điêu luyện tinh tế, đạt đến sự nghiêm ngặt, tinh tế, hào hoa, nhưng vẫn hài hước, dân dã giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc mang đậm chất trữ tình, đằm thắm, sâu sắc.
Dù là một người gốc miền Nam, nhưng giáo sư Nguyễn Châu (Nguyễn Văn Châu) [là một trong những người sáng lập và là giám đốc nghệ thuật Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng từ năm 1989 đến nay] rất thích vẻ đẹp của chèo. Nhờ theo học nhạc dân tộc, chuyên ngành đàn kìm, đàn nhị (đờn cò), đàn bầu tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và kịch nghệ Sài Gòn từ lúc 7 tuổi đến khi tốt nghiệp ra trường lúc 16 tuổi, giáo sư Nguyễn Châu còn được học bài bản âm nhạc dân tộc của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Gồm có chèo, hát bội, cải lương, ca trù, ca Huế, Quan Họ…nên ông đã tích lũy được những kiến thức âm nhạc dân tộc Việt khá vững vàng. Bài viết này xin gửi đến quý độc giả những chia sẻ của giáo sư Nguyễn Châu về cái hay của nghệ thuật chèo.

Chèo là gì?
Giáo sư Nguyễn Châu nói, những thầy dạy của ông tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Kịch Nghệ Sài Gòn gồm có Ngô Nhật Thanh, Đoàn Văn Thanh, cụ Hòe… là những nghệ sĩ chèo sống ở miền Bắc, năm 1954 đã di cư vào Nam, có giải thích, chèo là phát xuất từ chữ trào, tức trào lộng. Những tuồng chèo thường bình dân, dân giã, sử dụng những tích truyện dân gian, truyện Nôm, miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn, đả kích những thói hư tật xấu của người đời, bọn cường hào ác bá, tính trào lộng cười ra nước mắt, được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Song song đó, chèo luôn gắn với chất trữ tình, thể hiện những tình cảm cá nhân của con người như tình yêu, tình bạn, tình người… Những vở chèo nổi tiếng thường được trình diễn như: Quan Âm Thị Kính, Xúy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Trinh Nguyên, Trương Viên, Tấm Cám...


Giáo sư Nguyễn Châu (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vẻ đẹp của âm nhạc chèo
Âm nhạc chèo là một trong những nét độc đáo của nghệ thuật sân khấu chèo, gồm có hát và đàn.
Trong đó, phần hát bao gồm hơn một trăm làn điệu được chia thành các hệ thống khác nhau. Còn phần đàn, phải kể đến vai trò của dàn nhạc trong việc đệm cho hát, làm nền cho cảnh diễn, tạo tình huống kịch, mở màn cho vở diễn… Sự kết hợp giữa đàn và hát tạo nên nét đặc trưng cho nghệ thuật sân khấu chèo.
Theo giáo sư Nguyễn Châu, chèo, tuồng (hát bội), cải lương có đặc điểm giống nhau với hệ thống các loại hát nói, ngâm vỉa, diễn kể không có nhịp, sau đó hát vào làn điệu bài bản riêng theo nhịp. Nhưng tuồng và cải lương có hai hệ thống làn và bài bản độc lập, còn chèo cùng chung hai hệ thống làn, điệu, còn thêm hệ thống thứ ba loại cấu trúc nửa làn nửa điệu làm phong phú tình huống sân khấu, mang tính dân gian ngay trong một điệu hát.

Chèo có rất nhiều làn điệu, như hệ thống Sắp (có Sắp Cổ Phong, Sắp Dựng, Sắp Mưa Ngâu, Sắp Qua Cầu, Sắp Song Loan…) hệ thống Sa lệch (có Sa Lệch Bằng, vai Thị Màu hát, Sa Lệch Bằng Chuyển Cung Bắc, Sa Lệch Chênh 1, Sa Lệch Chênh 2…), hệ thống Đường trường (Có Đường Trường Phải Chiều, Đường Trường Tiếng Đàn,

Ca sĩ Thúy Anh hát Chèo "Đường Trường Tiếng Đàn", dàn nhạc đệm cho tiếng hát của Thúy Anh do các em thanh thiếu niên của ban nhạc Lạc Hồng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đường Trường Bắn Thước,
Đường Trường Vị Thủy...), hệ thống Sử (có Sử Xuân 1 cho Nam, Sử Xuân 2 cho Nữ…), hệ thống Hề (có Hề Tiểu, Hề Gậy Nói Vỉa…), hệ thống Vãn (có Vãn Canh 2- vai Súy Vân hát…), hệ thống Hát cách (có Hát Cách Gối Hạc…), hệ thống Bài ca lẻ, hệ thống làn điệu Huế...
Hát Chèo được hình thành bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, lời hát Chèo được lấy từ các sáng tác văn học dân gian ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là chính. Ngoài ra các làn điệu Chèo còn chịu những ảnh hưởng từ Dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xẩm, hát Ca trù, hát Chầu...

Nội dung làn điệu chèo tập trung diễn tả, biểu hiện tình cảm âm nhạc, phản ánh tâm trạng, tình huồng, tính kịch của vở diễn trên sân khấu.

Những làn điệu vui của chèo, với cấu trúc giai điệu diễn tả niềm vui tình cảm bộc lộ nhiều cung bậc. Mỗi làn điệu diễn tả qua cấu trúc giai điệu âm nhạc nói về sắc độ niềm vui. Những làn vui có loại vui hài, vui và hài hước là tiếng cười sâu sắc, thể hiện cái thông minh hóm hỉnh, mục đích phê phán nhẹ nhàng thói hư tật xấu, giúp mọi người hướng thiện. Cười vui châm biếm phê phán quan lại, những người dân thường lấy làm điều để khuyên răn. Đây là nội dung làn điệu vui hài trở thành tiếng cười bất hủ nghệ thuật chèo, lưu lại niềm vui vào lòng khán giả.

Còn những làn điệu buồn của chèo với nhiều cung bậc, có thể thấy trong các điệu Hát nói Rỉ vong, Hát nói hạnh, Làn thảm, Hát Vãn, Con gà rừng… thể hiện phong phú giai điệu âm nhạc làn điệu chèo, diễn tả sâu sắc con người, môi trường xã hội.

Những làn điệu trữ tình của chèo là những làn điệu phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội, tâm trạng tình cảm con người thông qua cảm xúc cá nhân trước diễn biến cuộc sống. Loại làn điệu trữ tình diễn tả nhiều cung bậc tình cảm, cảm tác các nhân vật trong từng vở chèo. Những làn trữ tình như Quân tử vô địch, Chinh phụ, Ngâm sổng, Ngâm bốn mùa, Vỉa vỡ nước… thể hiện cảm xúc vui buồn, hờn dỗi…

Hát, hát-nói và nói trong chèo
Giáo sư Nguyễn Châu cho biết âm nhạc của chèo biểu thị qua ba hình thức: hát, hát - nói và nói. Ngoài ra còn có thêm những trạng thái không lời khác.

Riêng về Hát, được thể hiện qua các điệu như Sa lệch, Đường trường, Vãn, Sắp… với những giai điệu và tiết tấu được định hình thành những bài bản cố định nhằm mô tả một trạng thái tâm lý, một tình huống nào đó mang những sắc thái riêng biệt. Lời ca trong các làn điệu Chèo hầu hết là các thể loại thơ, phổ biến như: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn... Tuy nhiên thể lục bát và song thất lục bát là phổ biến hơn cả.
Do yêu cầu về nội dung và phong cách khi trình diễn, những luật thơ thường bị phá thể, thêm vào đó là những từ như: dẫu mà, thời này, này a, ấy mấy...được bắt nối với lời hát làm thuận miệng để giai điệu trở nên chuẩn mực. Đặc biệt, ngoài lời hát có nội dung nhất định, còn thấy có nhiều nguyên âm như: a, i, ư, ơ, ô được xuất hiện sau câu hát, được nhấn đi nhấn lại, luyến lên, vuốt xuống, ngắt, nẩy sinh động, tạo nên nét độc đáo riêng, mang đậm tính trữ tình, trong sáng của nghệ thuật Chèo. Trong làn điệu "Lới lơ" hay ở bất kỳ làn điệu chèo nào người nghe cũng dễ nghe thấy những tiếng đệm này.

Về loại Hát - nói, thể hiện qua các làn như vỉa, ngâm, nói sử, nói chênh, nói lệch, nói lối… là những phương tiện tạo nên nét riêng của Chèo. Loại này thường không định hình nghiêm ngặt như các điệu hát, mà tiến hành giai điệu một cách tự do về tiết tấu dựa trên sự dẫn dắt của lời thơ, thường dùng trong những trường hợp: đối cảnh sinh tình, suy tư, gợi cảm hoặc bắc cầu nối vào những điệu hát mang tính chất riêng biệt.
Cách biểu hiện thứ ba của âm nhạc chèo là Nói. Nói trong Chèo là một phương tiện biểu hiện rất phong phú và đa dạng, gồm cách nói của người trung, kẻ nịnh, của vai chín, vai hề, lão say, tiên ông, mục đồng, tiểu tốt, nịnh… Có cả cái trang trọng của vua, thâm trầm của hiền sĩ, yểu điệu của thục nữ, dân dã của người dân quê, oai phong của tướng sĩ… Cộng với một sắc thái âm nhạc tinh tế, tạo nên lối nói chèo, đủ cả những thành tố của ngôn ngữ âm nhạc như độ cao thấp (cao độ), độ dài ngắn (trường độ), độ mạnh nhẹ (cường độ) và độ tối sáng, thuận nghịch mang tính kịch rõ nét.

Điểm khác biệt lớn giữa nói trong chèo với thể loại kịch nói đó là nếu cách nói của kịch gần với lối nói thông thường trong đời sống. Thì văn trong chèo lại là văn biền ngẫu có cấu trúc vần điệu cân đối cùng với văn vần, lục bát và các biến thể thơ khác đã tạo nên một sự cách điệu mang tính âm nhạc trong sự diễn đạt lời nói thông thường trong quá trình kể chuyện của chèo, đậm đà chất nhạc, chất thơ. Nói trong chèo gồm có nói sử xuân, nói sử rầu, nói sử gối hạc, nói lửng, nói lệch, nói hạnh, nói rỉ vong…vân vân…

Vì chèo là nghệ thuật của ca kịch, nên lối nói chèo lúc ẩn hiện trong câu vỉa, câu ngâm, khi thâm trầm, khi bay bổng. Một người nghệ sĩ hát chèo thành công không thể chỉ chú trọng tới các điệu hát mà còn phải chăm lo tới lối nói chèo.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT