Văn Nghệ

Vẻ đẹp của Tây Ban Cầm qua chương trình "Dương Kim Dũng và Bạn Hữu"

Friday, 18/11/2016 - 11:16:43

Đây là một chương trình âm nhạc thật đặc biệt, hiếm có, với sự góp mặt của bốn nhạc sĩ guitar tài năng gốc Việt biểu diễn cùng nhau trên một sân khấu.

Bài BĂNG HUYỀN

Có lẽ lâu lắm rồi, người viết mới được dự một bữa tiệc âm nhạc guitare thịnh soạn, độc đáo và thành công như chương trình “Dương Kim Dũng và Bạn Hữu” do Hội Guitar Cổ Điển Nam California, đài truyền hình Vstar và nhật báo Người Việt đồng tổ chức, diễn ra tại hội trường nhật báo Người Việt vào tối thứ Sáu, ngày 11 tháng 11, 2016 tuần qua.

Đây là một chương trình âm nhạc thật đặc biệt, hiếm có, với sự góp mặt của bốn nhạc sĩ guitar tài năng gốc Việt biểu diễn cùng nhau trên một sân khấu.

Nhân vật chính là nhạc sĩ guitar Dương Kim Dũng từ Việt Nam (Anh đã được đồng nghiệp trong nước mệnh danh là “Hoàng Tử guitar.” Không chỉ là nhạc sĩ guitar rất “đắt show” ở trong nước, anh còn là trưởng bộ môn Guitar tại Nhạc Viện Sài Gòn và đào tạo được rất nhiều lứa học trò là những nhạc sĩ guitar đã thành danh).

Các nhạc sĩ chào khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Bạn hữu tham gia cùng nhạc sĩ Dương Kim Dũng còn có nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, nhạc sĩ Nguyễn Phương Thảo (từng là học trò của nhạc sĩ Dương Kim Dũng khi chị theo học tại Nhạc Viện Sài Gòn lúc tuổi còn nhỏ), và nhạc sĩ Nguyễn Thái Minh, cả ba đều đang sống tại Quận Cam.

Chương trình “Dương Kim Dũng và Bạn Hữu” còn đặc biệt, bởi 22 tác phẩm được trình tấu trong đêm nhạc, dẫu không có tiếng hát lời ca, mà chỉ bằng nhạc cụ guitar khi thì độc tấu, lúc thì song tấu và kết buổi diễn là tứ tấu. Nhưng với tài năng tuyệt diệu của mình, với những ngón đàn khác biệt, độc đáo, “mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười” của bốn nhạc sĩ, đã khiến các khán giả ngồi kín các dãy ghế trong hội trường đều chìm say trong thế giới âm nhạc quyến rũ, mê hoặc của guitar.

Bốn nhạc sĩ đã đưa khán giả đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác qua từng phím đàn điêu luyện, đã thả vào tĩnh không của khán phòng những âm giai lúc mượt mà, sâu lắng, lúc tiết tấu sinh động như thôi thúc đôi chân đôi tay của người nghe bắt nhịp theo, nhún nhảy theo. Bốn nhạc sĩ đã giới thiệu đến người nghe một bức tranh âm nhạc trải dài qua nhiều thời kỳ, từ tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, hiện đại, đương đại, flamenco, nhạc Việt Nam chuyển soạn cho guitar.

Các nhạc sĩ cùng tứ tấu khép lại đêm nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Góp thêm thành công cho buổi diễn là phần âm thanh tuyệt vời do Vũ & Quốc đảm nhận, đã chuyển đến người nghe đủ đầy sự sâu lắng, sống động của âm nhạc qua phần diễn tấu của các nhạc sĩ; Và những lời giới thiệu khá chi tiết của hai MC Thomas Ngô và Uyển Diễm đã giúp khán giả hiểu rõ hơn các tác phẩm được trình tấu, về tác giả và các nhạc sĩ biểu diễn.

Phần song tấu của các nhạc sĩ

Phần I của chương trình mở đầu với tác phẩm Romance (tác giả khuyết danh) qua hai tiếng đàn, thầy Dương Kim Dũng cùng trò Nguyễn Phương Thảo song tấu, tạo sự mới lạ cho tác phẩm vốn thường được quen nghe độc tấu. Vẻ đẹp du dương, da diết, thuần khiết đầy cảm xúc của Romance càng thêm thăng hoa qua sự uốn quyện của hai tiếng đàn tài hoa Dương Kim Dũng và Phương Thảo, khiến người nghe ai ai cũng miên man xao động con tim.

Trong phần hai của chương trình, cả hai thầy trò tiếp tục đem đến thích thú cho khán giả khi cùng song tấu Dark Eyes (David Moreno), đưa khán giả thả hồn phiêu du theo tiếng đàn, khiến không một ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của bản nhạc ngọt ngào, tha thiết và nóng bỏng ấy qua màn song tấu thật tinh tế, nhịp nhàng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thái Minh độc tấu. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Màn song tấu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Thái Minh cũng thành công không kém khi thể hiện hai tác phẩm Sounds of Bells (Joao Pernambuco) và Giọt Nước Mắt Ngà (Ngô Thụy Miên). Cả hai đã thể hiện ngón đàn mượt mà, bay bướm, dày dặn và sâu lắng, cùng tạo nên nét trữ tình lôi cuốn, tuyệt đẹp cho phần dio của cả hai.

Nhạc sĩ Dương Kim Dũng độc tấu. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vẻ đẹp của những tiết mục độc tấu

Là nhạc sĩ khách mời được chọn để mở đầu cho phần độc tấu trong phần 1 và phần 2 của chương trình “Dương Kim Dũng và Bạn Hữu,” nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt đã chinh phục khán giả bằng sự đa cảm của tiếng đàn, sự tinh tế dịu dàng, lúc réo rắt, buông lơi, khi thì đượm nồng cảm xúc qua ba tác phẩm Vals No. 4 (Agustin Barrios), Hòn Vọng Phu 1 & 2 (của nhạc sĩ Lê Thương được nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt chuyển soạn cho guitar).

Khi độc tấu Vals No. 4, kỹ thuật vững vàng, những nốt trầm bổng, réo rắt, những ngón tay khảy dây đàn vừa trên vừa dưới, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt đã cuốn người nghe theo mạch cảm xúc và sự đam mê của anh với tác phẩm.

Đặc biệt qua Hòn Vọng Phu 1 & 2, những tiếng nắn nót buông rơi vào thinh lặng, những tiếng reo xoáy sâu vào hồn người, những thanh âm vốn đa sắc của cây guitar gỗ, dưới ngón đàn tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt đã thủ thỉ lời tự tình của câu chuyện dân gian Việt Nam về tình yêu bền chặt của vợ chồng trong thời chiến, nỗi lòng và sự thủy chung của người chinh phụ Việt Nam ôm con chờ chồng mà hóa đá.

Cùng một cây đàn guitare, anh đã mô phỏng nhiều nhạc cụ dân tộc Việt Nam thông qua việc biến đổi âm thanh, màu sắc, thể hiện tính năng đa dạng, phong phú của cây đàn,đã khéo léo tạo được độ ngân, âm sắc mỏng, dày, đanh, ấm... như tiếng đàn tranh, đàn nhị, tiếng trống rung của đoàn quân ra trận, tiếng vó ngựa, tiếng ngựa hí.

Phần độc tấu của Nguyễn Thái Minh qua bốn tác phẩm Variations on a Theme by Sor (Miguel Llobet), Asturias (Isaac Albeniz), Catalunya (Isaac Albeniz) và Turegano (Federico Moreno Torroba) cho thấy sự biến hóa trong tiếng đàn của anh với những tác phẩm có kỹ thuật khó, đòi hỏi sự điêu luyện của người trình tấu đã được Nguyễn Thái Mình thể hiện thật xuất sắc.

Qua các tác phẩm này, Thái Minh đã phô diễn kỹ thuật của cả hai tay cho thấy chúng đóng vai trò bằng nhau trong việc thể hiện âm thanh, và tất cả mười ngón tay đều đã góp phần sáng tạo tối đa suối nhạc tuôn trào khi êm ái, ngưng đọng, khi ào ào như thác đổ tạo thành một tổng thể quyến rũ, tưởng như không thể nào có thể tỏa ra được từ một cây đàn tây ban cầm duy nhất.

Nhạc sĩ Phương Thảo độc tấu. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Anh thật tinh tế khi xử lí giai điệu, tiết tấu và điêu luyện trong việc điều khiển âm sắc, âm lượng, cùng sự truyền cảm trong từng nốt, từng bè của tác phẩm với kỹ thuật chạy ngón rất nhanh, tạo nên tiết tấu dồn dập, và khi kết câu nhạc vẫn đầy đủ vẻ mượt mà, gãy gọn, truyền cảm.

Là người nữ duy nhất trong đêm diễn, nhạc sĩ Phương Thảo đã tạo một điểm nhấn thật duyên dáng cho đêm diễn qua phần độc tấu Judea (Danza Oriental) của Luis Maravilla & Francisco Merenciano, Canon in D (Johann Pachelbel) đã được Phương Thảo giao cảm với người nghe bằng tiếng đàn kỹ thuật tuyệt vời và giàu cảm xúc của mình, tạo nên những dòng thanh âm uyển chuyển, sống động, biểu cảm, đem lại ảo giác cho người nghe dòng nhạc ngân vang, làm say đắm thính giác người nghe vô cùng.

 

Nhạc sĩ Dương Kim Dũng gửi lời chào khán giả và cám ơn ban tổ chức, những nơi bảo trợ cho chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Còn với chương 1 Concerto D major của A Vivaldi được Phương Thảo solo tiếng guitar trên nền nhạc giao hưởng thu sẵn phát ra từ CD. Tiếng guitar solo và dàn nhạc giao hưởng hòa quyện vào nhau, tìm được nhịp thở chung, vô cùng quyến rũ. Tiết mục này đã vẽ nên bức tranh âm nhạc tuyệt đẹp đầy lôi cuốn, gợi tả một không khí lễ hội tươi vui tràn ngập tiếng cười, niềm vui, yên bình, đưa tâm hồn người nghe bay bổng, thả lỏng cảm xúc theo sự mượt mà, độ ngân rung cũng như sức truyền cảm của tiếng đàn, Phương Thảo đã chinh phục người nghe thật ngọt ngào.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt độc tấu. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tiếng đàn đẹp, lạ, cảm xúc

Các nhạc sĩ khách mời đã phô diễn tài năng của mình trong từng tiết mục và tạo được nhiều thích thú cho khán giả, đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen ngân dài từ các khán giả, nhưng người tạo nên điểm son của buổi diễn và nhận được những tiếng trầm trồ xuýt xoa nhiều nhất từ các khán giả vẫn là nhân vật chính của buổi diễn, nhạc sĩ Dương Kim Dũng. 8 tác phẩm được anh chọn để độc tấu đã tạo cho khán giả từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác với tài biến hóa đa dạng của ngón đàn có kỹ thuật tuyệt kỹ, cảm xúc sâu sắc.

Những thanh âm phong phú và sống động mà nhạc sĩ Dương Kim Dũng đã tạo ra khi độc tấu Tango (Francisco Tarrega) được Dương Kim Dũng biên soạn lại, Los Sitios de Zaragoza (Cristobal Oudrid), Bulerias No. 2 (Juan Martin), El Colibri (Julio Sagreras), Farruca Y Rumba 9Pepe Romero) được Dương Kim Dũng biên soạn lại và ba tác phẩm Việt Nam là Riêng Một Góc Trời (Ngô Thụy Miên), Biển Nhớ (Trịnh Công Sơn), Thu Ca (Phạm Mạnh Cương) đều được Dương Kim Dũng chuyển soạn cho đàn guitar.

Kỹ thuật Flamenco của nhạc sĩ Dương Kim Dũng với những nét chạy nốt với tốc độ nhanh được thể hiện một cách dễ dàng, thoải mái tạo nên sự giòn giã, sắc nét. Những đoạn sử dụng kỹ thuật rải nốt hợp âm tạo cao trào đã được anh thể hiện rất rộn rã, tưng bừng mang đậm phong cách Flamenco, thể hiện được cá tính sôi nổi, cuồng nhiệt, đầy lãng tử, phóng khoáng. Dù là độc tấu nhưng với cách anh thể hiện thật thành thạo những kỹ thuật phức tạp của Flamenco, sử dụng hết tính năng của đôi tay, vừa tạo ra giai điệu chính, vừa đập gõ trên thân đàn để giả lập tiếng trống khiến phần trình diễn của anh vô cùng sống động, anh khiến khán giả ngất ngây với cách búng ngón tay phải tròn đều, tốc độ nhanh rất điệu nghệ.
Người xem như đang được thưởng thức một bản hòa tấu của nhiều nhạc cụ. Những ngón tay của nhạc sĩ Dương Kim Dũng múa trên dây đàn tựa như những vũ công nhún nhảy sôi động với nhịp gõ giày trên sàn cùng điệu Flamenco lả lướt.

Phần song tấu của thầy Dương Kim Dũng- trò Phương Thảo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Ba nhạc phẩm Việt Nam đã được nhạc sĩ Dương Kim Dũng chuyển soạn với những kỹ thuật cao của cổ điển và flamenco, tạo nên những màu sắc hòa thanh phong phú, mới lạ cho các tác phẩm vốn rất nồng nàn của âm nhạc trữ tình Việt Nam nay càng thêm quyến rũ vô ngần. Mỗi bản nhạc mà anh trình tấu từ chiếc đàn Tây Ban Cầm như mê hoặc người nghe, khiến cả khán phòng chìm trong im lặng và sau mỗi tác phẩm kết thúc là những tràng pháo tay, reo lên thích thú không ngớt của người xem.

Tác phẩm Recuerdos De La Alhambra của Francisco Tárrega với màn tứ tấu của bốn nhạc sĩ tài năng, với kỹ thuật tremolo điêu luyện khi cùng tứ tấu tác phẩm này đã tạo ra một chuỗi âm thanh kéo dài liên tiếp nhau, làm nền cho âm bass nổi lên, đưa người nghe đến các cung bậc cảm xúc khác nhau, khi trầm bổng, khi nhanh nhẹn, khi khoan thai, sâu lắng. Tựa như những dòng nước chảy hay như một làn gió đang nhẹ qua, nghe thật ma mị, mờ ảo, cuốn hút vô cùng. Đây cũng là tác phẩm được chọn để kết thúc chương trình, đã để lại dấu ấn tuyệt đẹp cho mọi người.

Danh cầm, nhạc sĩ Đỗ Đình Phương có mặt trong buổi diễn với vai trò khán giả, đã bày tỏ sự thích thú với người viết khi ông được xem chương trình có giá trị này. Ông đã dành những lời khen tặng cho bốn nhạc sĩ, “Mỗi người có lối trình diễn riêng, nhất là Dương Kim Dũng rất đa tài, vừa đàn được nhạc cổ điển, nhạc Việt Nam lồng vào kỹ thuật flamenco và những hợp âm của nhạc jazz, nên có sắc thái rất đặc biệt, những nghệ sĩ khác như Thái Minh chuyên trình diễn với các nhạc sĩ quốc tế, nên chọn trình diễn tác phẩm hơi cao hơn, khó thưởng thức hơn, nhưng rất hay. Nguyễn Đức Đạt có khả năng thiên phú, rất giỏi, đàn rất say mê, tình cảm.Cô Phương Thảo đàn rất hay. Buổi diễn này rất ấm cúng, hay lắm. Đã lâu lắm không có nhiều nhạc sĩ guitar trình diễn như đêm hôm nay, một không khí rất vui vẻ và đông đúc.”
Mong sao sẽ có thêm nhiều buổi diễn như thế này nữa để tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu đối với âm nhạc cho người nghệ sĩ, và đông đảo những khách nghe tri âm!
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT