Văn Nghệ

Vẻ đẹp nghệ thuật múa dân gian đương đại Việt Nam qua chương trình Hương Việt

Friday, 06/05/2016 - 10:56:11

Đây là chương trình ca vũ nhạc để gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam. Buổi diễn còn được đài truyền hình VNA-TV trực tiếp thu hình và phát hình trên băng tần 57.3 ngay tối Chủ Nhật để khán giả gần xa thưởng thức.

Bài BĂNG HUYỀN

Tối Chủ Nhật, ngày 1 tháng 5, 2016 tuần qua, sân khấu ngoài trời của rạp hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater (thành phố Garden Grove) tuy không chật kín khán giả, có khoảng nửa rạp ghế còn trống, nhưng tất cả những khán giả có mặt đều cùng ngồi lại đến phút chót, đã nối dài những tràng pháo tay không ngớt, kèm theo những tiếng reo, xuýt xoa ngợi khen, trầm trồ thích thú dành tặng cho các thành viên của vũ đoàn Việt Cầm, vũ sư Nguyễn Đình Luân (là người trực tiếp hướng dẫn và biên đạo các tiết mục cho vũ đoàn) cùng các ca sĩ khách mời tham gia trong chương trình Hương Việt (Scent of Vietnam). Đây là chương trình ca vũ nhạc để gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam. Buổi diễn còn được đài truyền hình VNA-TV trực tiếp thu hình và phát hình trên băng tần 57.3 ngay tối Chủ Nhật để khán giả gần xa thưởng thức.

MC Nguyễn Hoàng Dũng cùng các vũ công của vũ đoàn Việt Cầm trong tiết mục mở đầu chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Những tràng pháo tay, những tiếng reo ngợi khen từ hàng ghế khán giả không phải vì lịch sự, vì muốn khích lệ tinh thần của người biểu diễn, mà thật sự những nghệ sĩ tham gia trong chương trình đã đem lại thích thú, rất hấp dẫn với người xem qua những màn trình diễn tuyệt vời, được đầu tư, luyện tập rất công phu, để lại những dấu ấn sâu sắc đối với các khán giả.

Dẫu rằng trong cả tổng thể buổi diễn, chưa thể nói chương trình Hương Việt hoàn hảo một cách tuyệt đối, vẫn còn vài sơ sót trên sân khấu. Chẳng hạn trong khi Đình Khôi hát bài Biển Cạn (sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Kim Tuấn) phải tạm ngưng và sau đó anh hát lại vì đĩa CD nhạc nền bị trục trặc. Ca sĩ đã hát xong, nhưng nhạc nền cứ tiếp tục không dứt, khiến Đình Khôi đứng bối rối trên sân khấu đợi người phụ trách âm thanh tắt đi, để anh nói lời chào khán giả.


Em bé đứng tuốt phía sau không có trống. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Trong tiết mục múa Vỗ Cái Trống Cơm (nhạc sĩ Nguyên Nghị - trích từ CD của ca sĩ Ái Vân) 12 em thiếu nhi và thiếu niên của Vũ đoàn Việt Cầm trong trang phục áo the (áo dài vải the), trước bụng đeo cái trống nhỏ để vừa múa vừa vỗ. Nhưng có một em lại thiếu trống.

Hay trong tiết mục múa trên nền nhạc phát ra từ CD bài “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” (Nhạc sĩ Thanh Sơn, tiếng hát Mai Quyên ), bài múa chỉ mới bắt đầu vài giây, một em nữ trong đội hình múa đã bị tuột váy xà rông (trang phục truyền thống của người Khmer Nam bộ), khiến em lúng túng, không thể múa tiếp tục, đành phải chạy vào bên trong. Sau khi chỉnh trang xong em đã xoay xoay theo điệu nhạc tiến ra từ phía cánh gà rồi nhập vào cùng các bạn để tiếp tục hoàn thành bài vũ. Tiết mục kết thúc, các khán giả đã dành tràng pháo tay để khen tặng em cùng các em khác vì đã có một bài múa thật dễ thương, duyên dáng.


Bài múa Con Rồng Cháu Tiên (nhạc sĩ Trúc Hồ, trích từ CD Đoàn Phi, Y Phương)kết thúc đêm diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đây cũng là điều mà luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, đảm nhận vai trò MC trong chương trình rất xúc động, đã chia sẻ với người viết sau buổi diễn, “Khi em bị tuột váy trong lúc múa, em đã chạy vào bên trong và khóc vì quê. Mẹ em giúp em mặc lại váy, kêu em đi ra múa tiếp với các bạn. Tôi cũng nói em ra đi, nhưng em cứ chần chờ không chịu, vì đội hình đang múa theo nhạc. Lúc đó thầy Luân nói em ra đi, thì em nghe lời thầy nên mới ra.

“Khi em ra, em còn biết cách xoay xoay theo nhạc và điệu múa sao cho nhịp nhàng rồi nhập vào đội hình múa để cùng múa với các bạn đến hết bài. Qua chi tiết này, có một điều quan trọng mà tôi muốn chia sẻ, đó là khi các em sinh hoạt trong vũ đoàn Việt Cầm, các em không chỉ được thầy Luân chỉ dẫn cho vũ điệu Việt Nam, nói tiếng Việt, văn hóa Việt mà còn dạy cho các em kinh nghiệm sống.

“Cái mình sợ đây không phải sợ mình bị té ngã, mà làm sao té rồi mà vẫn biết đứng dậy, để mà mình hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi nghĩ em bé này sẽ học được bài học đó. Vì khi em ra lại sân khấu, mọi người vẫn vỗ tay, vẫn đón chào em, đâu có gì quê đâu! Té thì không ai muốn té rồi. Nhưng chắc chắn trong đời sống, lúc nào mình cũng sẽ té. Làm sao mình té mà vẫn đứng dậy được.”

Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng bày tỏ thêm, “Tôi thấy các em tập luyện rất công phu, nhưng hơi thất vọng là không có đông khán giả, nên hơi buồn, bởi công sức tập luyện của cả vũ đoàn, cũng như những ca sĩ khách mời hát trong chương trình, nếu có đông khán giả cổ vũ, thì các nghệ sĩ càng hồ hởi hơn trong lúc biểu diễn. Cũng may là có những người bên truyền thông đi xem, đài truyền hình VNA trực tiếp thu hình, quay hình lưu lại chứ không bị uổng cả một chương trình công phu.

                         Bài múa trên nền nhạc Nhành dương cứu khổ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Khi có đông các em như vậy, tôi mới thấy thương anh Luân ở chỗ, anh không chỉ là thầy giáo, là người anh hay là bố của các em trong vũ đoàn, là người quản lý, lo luôn cả phần thiết kế trang phục, đạo cụ cho các em. Chưa nói đến tiền bạc, nhưng riêng về nhân lực, thì không có đủ nhân lực để sắp xếp khi chương trình diễn ra. Vì vậy trong bài múa Vỗ Cái Trống Cơm, có một em bị thiếu trống. Đây là một sơ xuất khó chấp nhận với chương trình chuyên nghiệp, nhưng mọi người đều thông cảm, vẫn dành tình thương cho vũ đoàn Việt Cầm, một tổ chức bất vụ lợi, nhằm mục đích văn hóa, gìn giữ văn hóa dân tộc qua những điệu múa.”

Vẻ đẹp lộng lẫy và quyến rũ của chương trình

Sân khấu ngoài trời của rạp hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater (thành phố Garden Grove) tuy hơi lạnh khi chương trình diễn ra trong mùa xuân, nhưng là một sân khấu thật lý tưởng với chương trình múa. Hàng ghế khán giả bao quanh sân khấu rộng, thoáng, tầm nhìn của các khán giả dễ dàng bao quát được cả sân khấu, đã được dàn dựng thật bắt mắt với ánh sáng, cảnh trí phù hợp với nội dung buổi diễn.

                             Hai bạn trẻ trong bài múa Gọi Đò. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các giọng ca Đình Khôi (hát ca khúc Biển Cạn), Triệu Mỹ Ngân (hát bài Về Phương Nam), Đài Trang, Mai Vy và Thanh Thảo (xướng ngôn viên đài Việt Face) đã thể hiện trọn vẹn và đầy tình cảm những tình ca đầy thơ mộng và bay bổng của các nhạc sĩ. Đặc biệt là nhiều khán giả đã không kìm được cảm xúc nhớ về thân mẫu của mình khi nghe giọng hát thiết tha, truyền cảm của Mai Vy hát Bông Hồng Cài Áo (Bông Hồng Cài Áo, thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ).

Giọng hát ngọt ngào của Đài Trang đã mang đến những khoảnh khắc âm nhạc giàu cảm xúc khi nghe cô hát Đêm Dài Chiến Tuyến (nhạc sĩ Lam Phương). Giọng ca lảnh lót đầy truyền cảm của Thanh Thảo đưa khán giả đắm chìm vào vẻ đẹp trữ trình, tuyệt đẹp từ ca từ đến giai điệu của ca khúc Bến Xuân (của nhạc sĩ Văn Cao).

Nét đẹp của các vũ điệu

Tuy các giọng hát rất hay, nhưng các điệu vũ mới chính là điểm hấp dẫn xuyên suốt chương trình với các khán giả đến xem Hương Việt.

Người xem cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy và quyến rũ của nghệ thuật múa với những tạo hình sinh động tái hiện qua từng động tác của các vũ công vũ đoàn Việt Cầm trên nền nhạc Việt Nam. Cả chương trình có 18 tiết mục, nhưng có đến 15 tiết mục có múa, các vũ công từ thiếu nữ, thanh niên, cho đến các em thanh thiếu niên và thiếu nhi đã thể hiện những tạo hình tuyệt đẹp của ngôn ngữ cơ thể thật uyển chuyển.




Vũ sư Vũ Đình Luân (đeo kiếng) nhận hoa của học trò tặng sau buổi diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Ngay từ tiết mục mở màn, khán giả đã bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp thanh xuân của những cô thiếu nữ Bắc Bộ trong trang phục áo yếm tứ thân, đầu quấn khăn, tay cầm quạt, thật duyên dáng, mềm mại, thể hiện nhịp nhàng những động tác múa khoan thai, uốn lượn trên nền nhạc cd, ca khúc Giấc Mơ Trưa (tiếng hát Thùy Chi, nhạc sĩ Giáng Son).

Suốt cả buổi diễn, khán giả được đắm mình vào không gian âm nhạc hết sức đa dạng và phong phú: có những cô sơn nữ vùng cao nguyên Trung phần (bài múa trên nền nhạc ca khúc Thị Trấn Mù Sương của nhạc sĩ Thanh Sơn với tiếng hát Hương Thủy trích từ CD của trung Tâm Thúy Nga), có cái trống cơm của người dân Bắc Bộ (Vỗ Cái Trống Cơm nhạc sĩ Nguyên Nghị, trích từ CD của ca sĩ Ái Vân) điệu múa của người Khmer Nam Bộ (bài múa trên nền nhạc ca khúc Sóc Sờ Bai Sóc Trăng (nhạc sĩ Thanh Sơn, tiếng hát Mai Quyên), âm hưởng vọng cổ cải lương miền Nam (Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang, trích từ CD qua tiếng hát Quang Thành).

Qua mỗi bài múa, khán giả có thể cảm nhận được không gian đặc trưng vùng miền từng địa phương và nét duyên dáng của chiều sâu văn hóa Việt Nam từ trang phục, đạo cụ, cho đến những tạo hình của động tác múa trên nền nhạc có lời ca được phát ra từ các CD. Với hai bài múa Nhành Dương Cứu Khổ qua hình ảnh các em thiếu nữ trong trang phục Phật Bà Quan Âm và bài Kinh Pháp Hoa (trích từ CD Triệu Mỹ Ngân) đem lại nét đẹp tâm linh tuyệt đẹp trong tạo hình.

Vẻ đẹp múa đôi của hai diễn viên trong tiết mục Gọi Đò (trích từ CD của ca sĩ Trọng Hải) đã khắc họa rõ nét cảm xúc mà lời ca được phát ra. Độ vấn vít của những bàn tay của đôi nam nữ, những đường nét lượn sóng được thể hiện qua nhiều động tác múa, làm tôn nên sắc thái văn hoá lúa nước và nét duyên dáng, tinh tế, kín đáo của người Việt.

Hai thanh tre của diễn viên tượng trưng cho mái dầm khi cả hai dùng nó để thực hiện những động tác múa đầy biểu cảm, với những di chuyển như đang chèo thuyền lướt nhẹ trên sông. Hay phần múa đôi minh họa của 2 bạn trẻ cho ca khúc Bến Xuân khi Thanh Thảo hát, tả lại mối tình không thành của chàng nhạc sĩ với thiếu nữ tên Oanh, qua lời hát truyền cảm cộng thêm phần múa giàu cảm xúc đã giúp tác phẩm thêm phần thăng hoa.

Các tiết mục múa trong chương trình không thuần túy là múa dân gian Việt Nam, những bài múa đều dựa trên nền nhạc hiện đại Việt Nam, đã được vũ sư Vũ Đình Luân biên đạo dựa trên vẻ đẹp tạo hình của múa dân gian Việt Nam, phản ảnh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc, hài hoà cân đối trong đội hình múa, các bước chuyển động của các vũ công theo kiểu truyền thống cân bằng - đối xứng. Thể hiện ở sự tinh tế, nhuần nhuyễn trong động tác múa, đặc biệt là những động tác múa tay uyển chuyển, khoan thai kết hợp với ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây với những động tác múa nhanh, mạnh hòa quyện trong những tiết tấu âm thanh nhạc mới, đã tạo được sự lôi cuốn, dấu ấn tươi mới cho những bài múa, nhưng vẫn không mất đi “hồn cốt” dân tộc.

Góp thêm thành công cho chương trình, không thể không nhắc đến tài dẫn chuyện lôi cuốn của MC Nguyễn Hoàng Dũng. Dù anh xuất hiện không nhiều và anh khiêm tốn nhận rằng vai trò của mình chỉ là “câu giờ” trên sân khấu để các vũ công kịp thời gian thay đổi trang phục. Kiến thức Đông, Tây, Kim, Cổ sâu rộng của anh cùng cách nói chuyện dí dỏm, đã giúp khán giả hiểu rõ hơn tác phẩm mà nghệ sĩ chuẩn bị trình diễn, phần xuất hiện của MC Nguyễn Hoàng Dũng là một điểm nhấn thật dễ thương cho chương trình.

Khép lại buổi diễn, trên nền nhạc hào hùng, khỏe khoắn của ca khúc Con Rồng Cháu Tiên (nhạc sĩ Trúc Hồ, trích từ CD Đoàn Phi, Y Phương) đã tạo cho người nghe cảm xúc rạo rực, cùng hình ảnh của các vũ công trong trang phục truyền thống với cờ, phướn tung bay và những động tác múa mạnh mẽ, bay bổng, đã khắc hoạ được hình tượng rồng, chim vươn lên tung bay, truyền đi thông điệp ý nghĩa của tác phẩm, là một cái kết thật đẹp cho buổi diễn.

Chương trình Hương Việt không chỉ là cơ hội để các vũ công của vũ đoàn Việt Cầm phô diễn vẻ đẹp của nghệ thuật múa, trogn đó có những em nhỏ mới 5- 6 tuổi và chỉ mới học múa được 8- 9 tháng, nhưng đã trình diễn khá điêu luyện, nhịp nhàng.

Buổi diễn là một món quà tinh thần ý nghĩa mà thầy trò của vũ đoàn Việt Cầm và các ca sĩ khách mời gửi tặng đến công chúng yêu nghệ thuật. Chỉ mong sao những đôi chân biết hát của các vũ công vũ đoàn Việt Cầm sẽ tiếp tục bay nhảy trên các sân khấu và hứa hẹn sẽ đạt được thêm nhiều thành tựu mới, và đưa nghệ thuật múa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, những khán giả đến dự những buổi diễn của Việt Cầm sẽ ngày càng đông hơn. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT