Chuyện Nước Pháp

Vết lăn trầm trên xứ sở nhân quyền

Saturday, 23/07/2016 - 11:01:52

Tình hình chính trị nội bộ căng thẳng, không thấy sự đoàn kết quốc gia như lúc có khủng bố kỳ rồi (13 tháng 11, 2015). Hai phe tả hữu cãi nhau chí choé về điều lệnh khẩn trương thời chiến đã ban hành lúc đó (là cấm tụ họp đông đảo, bắt nghi can ở tại gia, yêu cầu xe cộ và người lưu thông hạn chế, tịch thu đồ đạc trong nhà theo thủ tục hành chính không qua trát quan tòa, v.v.).

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM


                    Chiếc xe vận tải biến thành vũ khí giết người bằng 3 tên cầm súng (ở rạp hát Bataclan)

Qua đến tuần lễ thứ nhì sau ngày khủng bố kinh hoàng mà báo chí đặt tên là “Attentat de Nice” (attentat là danh từ chỉ bọn lưu manh có tổ chức giết hại người ngoài đường hay trong các cơ sở dinh thự) tình hình còn in đậm dấu lăn trầm!

Bài hát của nhạc sĩ danh tiếng một thời ở Việt Nam Cộng Hoà (Trịnh Công Sơn) làm tôi bàng hoàng khi có thể mang nó vào bối cảnh hôm nay tại Pháp. Từ khi qua đây du học rồi tạm trú với thẻ cư dân hàng năm phải khai báo làm lại (carte de séjour, nay đổi là titre de séjour gia hạn 10 năm tức nhiên là quá dễ dàng cho dân ngoại quốc nhập cư tìm việc) sau đó trở thành công dân xứ này tôi cứ tưởng mình đã ở nơi thanh bình.

Không đâu, cuộc phá phách an ninh có giết chóc quái lạ (gần như có thêm nội chiến) từ khi bọn giặc Daech ra đời và tình trạng khẩn cấp ban hành đã được một năm nay lại gia hạn thêm cho tới đầu năm 2017 là bằng chứng. Dù lạc quan cách mấy, càng ngày càng có nhiều nạn nhân khắp nơi trên nước Pháp lãnh đạn khủng bố và chưa hết. Mối ưu phiền tuy có vẻ còn bé nhỏ cho tất cả mọi người nhưng lại chiếm hàng đầu cho giới lãnh đạo quốc gia.

Sự bất mãn gia tăng khiến cho phe tả đang cầm quyền khó mà giữ được ngai vàng cho đến năm tới khi có bầu cử. Chính viên thị trưởng thành phố Nice cũng đứng lên vào phe dân sự tố tụng chính phủ không giữ nỗi an toàn cho dân chúng. Một số người mất mát thân nhân cũng làm vậy.

Biết được yếu điểm này đã có từ các sự kiện trước, Tổng Thống Hollande nay đành phải lên tiếng kêu gọi tăng thêm số người (lính trừ bị và hữu hiệu tại chỗ khi cần đến ngay, réserve opérationnelle) làm việc cho cảnh sát (police) và hiến binh (gendarme) ngay ngày hôm sau khi sự việc đã xảy ra.

Cảnh sát (trực thuộc Bộ Nội Vụ, địa bàn hoạt động tại chỗ) đã có sẵn 3000 dự bị viên là cựu CS đã về hưu nay cho phép tuyển dụng thêm người từ 18 đến 65 tuổi. Họ sẽ được huấn luyện ngắn hạn căn bản về luật pháp và kỹ thuật, lại không mang vũ khí nhưng có áo chắn đạn khi can thiệp ra ngoài.

Riêng về Hiến Binh (trực thuộc Bộ Quốc Phòng, có tính cách quân đội bảo vệ khi bị xâm lấn nhiều hơn) thì lực lượng trừ bị là 25.000 người nhưng chính phủ muốn có thêm 9000 vị nữa. Họ có tuổi tác trẻ trung từ 17 đến 30 mà thôi. Đây cũng là điều đáng chú ý khi vết lăn trầm càng ngày càng lớn thêm và sẽ lan ra toàn quốc nên biện pháp bảo vệ cũng tăng thêm cường độ.

Sau Nice - bài học khủng bố với xe vận tải - chính quyền nhiều nước khác như Ba Tây (sắp có Thế Vận Hội), Hoa Kỳ (vận động tập trung bầu cử vào tháng 11: sẽ có rào cản bằng sắt thép cao 2 mét rưỡi và xe tải hốt tuyết dựng sẵn), Đức, Ý và Tây Ban Nha đều tăng cường thêm lực lượng bảo vệ dân chúng trong những vùng du lịch và nơi có đám đông tụ họp thường xuyên.

Tình hình chính trị nội bộ căng thẳng, không thấy sự đoàn kết quốc gia như lúc có khủng bố kỳ rồi (13 tháng 11, 2015). Hai phe tả hữu cãi nhau chí choé về điều lệnh khẩn trương thời chiến đã ban hành lúc đó (là cấm tụ họp đông đảo, bắt nghi can ở tại gia, yêu cầu xe cộ và người lưu thông hạn chế, tịch thu đồ đạc trong nhà theo thủ tục hành chính không qua trát quan tòa, v.v.).

Cuối cùng họ đã bầu phiếu thông qua Luật Làm Việc và Luật Khẩn Cấp thời chiến gia hạn thêm 3 tháng. Phe hữu có vẻ thắng thế với lời tuyên bố hùng hồn (tuy có tính cách đánh võ mồm) của cựu TT Sarkozy đang nắm lấy thời cơ hầu mong được bầu lên trở lại («Tôi biết rằng tai hoạ nào cũng có thể xảy ra vì lý do chúng ta đang có chiến tranh toàn thể. Địch thủ chẳng sợ gì cả, chẳng có gì hết - biên giới hay nguyên tắc - nên tôi phải dùng những từ ngữ đao to búa lớn: hoặc là chúng nó hay chúng ta mà thôi»).

Tang lễ quốc gia (deuil national) là một quyết định hiếm có ở Pháp và nó kéo dài ba ngày từ hôm Chủ Nhật cho đến thứ Ba (17 –19) tháng này. Trong suốt thế kỷ thứ 20, điều này đã xảy ra chỉ có 4 lần. Năm 1930 đã có tang chung cả nước khi ngập lụt ở vùng Tarn (miền Nam nước Pháp có con sông lớn cùng tên) làm hơn 300 người chết.

Vào những năm 1970, 1974, 1996 có ba ngày tang lễ quốc gia khi ba vị tổng thống qua đời (De Gaulle, Pompidou và Mitterand). Qua thế kỷ thứ 21, tang lễ quốc gia sửa đổi thành ba ngày kể từ hôm có cuộc sát hại ở Bataclan (Paris và ngoại ô Saint Denis). Những lá cờ treo trên dinh thự công sở được xếp rũ xuống trông thật buồn bã và một phút im lặng tưởng niệm được thực hiện long trọng lặng yên khắp nơi.

Chính Tổng Thống ra lịnh này, có thể kèm theo sự đóng cửa hành chánh của một vài nơi công quyền. Vào năm 2001, sau ngày 11 tháng 9 có tang lễ toàn thể các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng tặc dùng máy bay đâm vào 2 toà tháp sinh đôi tại Hoa Kỳ làm hơn 3,000 người chết.

Qua năm 2015, đầu tháng Giêng: một ngày tang lễ cho vụ báo Charlie. Sau đó 10 tháng là tàn sát đẫm máu bằng súng đạn ở Bataclan, quán cà phê ngoài trời và gần sân đá banh khu ngoại ô Saint Denis làm 130 người tử vong và 350 người bị thương tích. Tổng cộng là 7 lần mà thôi, nhưng theo đà khủng bố và sự tổ chức phòng thủ dù chặt chẽ cách mấy đi nữa cũng có kẽ hở cho giặc nhà phá hoại, có thể sẽ còn nhiều vụ khác xảy ra.
Cuốn phim “Bastille Day” (đạo diễn Mỹ thực hiện James Watkins) được nhà phân phối tự động thu hồi về trong sự kính trọng mối đau buồn toàn quốc vì cốt chuyện trùng hợp vô tình (khủng bố vào ngày lễ quốc khánh 14 tháng 7 tại Paris). Sau bốn ngày, với 37,000 vé bán được, 237 rạp xi nê đã ngừng chiếu nó. Từ năm 1982, ở tiểu bang Wisconsin (Hoa Kỳ) có thành phố Milwaukee tổ chức lễ hội Bastilles Days trong vòng 4 ngày để kỷ niệm văn hoá Pháp với lễ quốc khánh 14 tháng 7.

Khu du lịch có bãi biển đã mở cửa trở lại nhưng du khách tương lai có phần sợ hãi nên sẽ không tới vì phân nửa số người trong 84 nạn nhân qua đời thuộc nước khác. Theo nhà chức trách, có 29 quốc tịch trong số 300 người bị nạn (Bỉ, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, các nước thuộc khối Liên Xô cũ). Dân Pháp gốc Á Rập xứ Tunisie của tên sát nhân bị hại đông nhất trong đó.

Mãi đến hôm nay, vị anh hùng phóng xe gắn máy đuổi theo tài xế sát nhân mới xuất hiện: một người cha 40 tuổi đã sẵn sàng tử trận với bầu máu nóng (adrénaline lên đầy) hy sinh vì đồng bào! Anh đã để bà vợ xuống và một mình phóng theo xe tải, luồn lách giữa xác người và kẻ sống để bám vào bờ cửa. Khẩu súng lục chỉ là súng giả nên cuối cùng anh bị tài xế đập báng súng trúng đầu rơi xuống đường.

Kết quả: một xương sườn bị gẫy, vài vết bầm tím trên thân thể... nhưng tính mạng còn nguyên! Nhân chứng này được tìm ra bởi tờ báo Nice Matin.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT