Đạo và Đời

Vị sư thầm lặng trên phố Bolsa

Thursday, 27/01/2022 - 09:16:33

Sáng nay có chút sương mù, bên kia tấm kiếng xe loáng thoáng bóng hai khất sĩ băng qua đại lộ Bolsa...


Hình chụp Sư Thiện Đăng sáng ngày 4 tháng 7, 2021 tại khu chợ ABC ở góc đường Bolsa Avenue / Magnolia Street, Westminster. (Tinh Tấn Magazine)


Bài PHÚC QUỲNH

(Trích đoạn từ bài viết đăng trên báo Tinh Tấn Magazine số 6 mùa Xuân 2022)

Sáng nay có chút sương mù, bên kia tấm kiếng xe loáng thoáng bóng hai khất sĩ băng qua đại lộ Bolsa trong bộ áo cam vàng đã xuống màu. Hai sư rảo bước thật nhanh cho kịp thời gian được phép băng qua đường. Họ đi chân đất, hướng về một khu chợ mà chốc lát đây sẽ huyên náo với những người tay cầm những bao bịch, những thùng thức ăn chất vào xe. Các sư cũng tìm thức ăn bỏ bụng, ôm bình bát giữa hai bàn tay cháy nắng. Họ đi khất thực. Góc chợ đây đông người qua lại vào buổi sáng. Ai cũng phải nuôi thân. Có khác chăng là nuôi dưỡng cái thân người để làm gì, cho mục đích nào. Mình sống để làm chi?

Bên này tấm kiếng, tôi chợt nhớ tới Sư. Sư cũng từng quấn bộ áo vàng trong nhiều năm như hai vị sư đang sắp bước lên lề đường hướng tới cửa chợ kia. Giờ thì Sư khoác bộ áo đỏ, màu đậm thắm của miền đất cao nguyên Việt Nam, màu của vỏ trái măng-cụt. Đèn bật xanh, tôi rẽ xe hướng về nhà, xa dần góc chợ nhưng vẫn nghĩ tới Sư. Vẫn gần Sư trong tâm tưởng. Mô Phật.

Màu áo đỏ, đỏ như vỏ trái măng-cụt, ẩn hiện giữa những màu áo đa sắc trong dòng người qua lại. Có lúc mơ hồ như trong một giấc mơ, có lúc rõ như giữa nắng trưa, ngay trước mắt. Mà ngay cả khi hiển hiện trong nắng cũng chỉ là ảo ảnh. Sư là ảo ảnh. Có lúc tôi nghĩ vậy, khi tưởng đến vị tỳ kheo đang rảo bước chầm chậm, mắt nhìn xuống mặt đất trong một khu thương xá quen thuộc ở phố Bolsa.

Đời sống, công việc của tôi trong ba thập niên qua đã buộc tôi quanh quẩn ở phố Bolsa đây, nên hầu như ngày nào tôi cũng đi ngang qua góc thương xá quen thuộc ấy, nơi có một cây xăng, một siêu thị, mấy tiệm ăn, dăm ba tiệm bánh, thịt quay, hớt tóc, hoa trái, dụng cụ làm móng tay, một nhà băng, và một bến đậu xe đò. Từ sáng đến chiều, góc phố ấy là nơi nhộn nhịp nhất nhì ở Bolsa. Trong mùa bầu cử, thỉnh thoảng người ta còn tụ tập để hô hào những khẩu hiệu chính trị nóng bỏng giữa nắng trưa. Thường thì khi chiều về, bãi vắng bóng người, từng bầy chim hoang dại xà xuống mót thức ăn, đuổi theo những tấm giấy bay nhảy theo gió trôi lăn trong giấc cuối ngày.

Sư không có ở đó vào giấc trưa hay chiều, chỉ đến vào buổi sáng suốt bảy ngày trong tuần, năm này qua năm kia, chính xác như kim đồng hồ từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, ngày mưa cũng như ngày nắng. Sau này tôi mới hiểu các sư Nam Tông phải ăn xong trước giờ ngọ mỗi ngày theo qui luật đã có từ ngàn xưa, nên việc trì bình cần phải chấm dứt sớm trước 12 giờ trưa.

Lần đầu tôi biết Sư đi bát ở trước chợ ABC là khoảng hơn mười năm trước. Tôi thường ghé góc chợ này mỗi khi cần chụp ảnh sinh hoạt đời thường cho nhật báo. Sư đã xuất hiện trong vài tấm ảnh mà tôi đã bấm ngẫu hứng. Sư nhấc từng bàn chân trần đi chậm rãi từng bước, tay ôm bát, mắt nhìn xuống mặt đất trước mặt, chăm chú theo dõi từng bước chân của mình. Đi chừng vài chục bước từ cửa chợ đến tiệm bánh thì sư quay lại, trở về khoảng trống trước chợ, xong lại xoay người đi tiếp tới tiệm bánh, cứ như vậy suốt hơn hai tiếng đồng hồ, dưới nắng chói chang mà trên đầu không có nón che.

Có lúc Sư đi giữa đám đông qua lại, bị che lấp giữa những bộ áo tạp sắc. Cũng có lúc mọi người dường như cùng biến mất trong các cửa tiệm, để lại Sư đi thiền hành một mình trên bãi hắc ín nóng bỏng, mà Sư lại đi chân đất. Hai bàn chân chai lì chịu đựng nền nhựa nắng cháy. Đến thời gian trước đại dịch, Sư không còn đi thiền hành, chỉ đứng một chỗ bên ngoài cửa siêu thị, nép qua một bên phía trước bức tường ngăn lối ra vào. Sau này tôi được biết “người ta” không cho Sư cũng như mấy vị tăng khác ôm bình đi qua đi lại trong khu thương xá, chỉ được đứng yên một chỗ, để nhận tiền hay thức ăn bố thí. Thế nên mỗi vị tăng chọn một vị trí. Sư luôn đứng trước cửa siêu thị, nép qua một bên. Mấy vị kia lúc có mặt lúc không, thường đứng ở một góc chiến lược của bãi đậu xe, nơi có nhiều người qua lại hướng vào chợ hay trở lại xe.

Thỉnh thoảng có người ghé đến trước Sư, cung kính chào, xong để chút tiền hay gói thức ăn vào bát. Phần lớn người cúng dường là phụ nữ đứng tuổi, hiếm khi có đàn ông. Lần đầu cúng dường Sư, tôi không biết nói năng chi lúc đến gần trước mặt, chỉ bỏ tờ tiền giấy vào bát khi thấy Sư đưa tay mở nắp. Mấy lần sau, tôi nói thêm, “Mô Phật, con xin cúng dường thầy.” Sư nói lại gì đó mà tôi đoán là câu chúc lành bằng tiếng Pali. Hầu như không bao giờ Sư ngước lên để nhìn người đối diện, luôn chú tâm nhìn đến khoảng trống trước mặt, mặc dù vẫn biết có người đang nhìn mình.

Đến giữa mùa dịch, khu chợ ABC vắng bớt người, nhưng dân mình vẫn lái xe, chen chân đến chợ mua thức ăn. Tôi cũng vậy, cũng săn lùng mấy món cho người thân ở nhà. Và Sư vẫn có mặt ở đó mỗi buổi sáng, có lúc chỉ một mình Sư với tấm vải đỏ phủ kín thân giữa bãi nắng. Mùa hè 2020, dịch Covid đe dọa mạng sống của mấy tỷ người trên Trái Đất, từng ngày lấy đi hơi thở của cả vạn người, mà Sư vẫn đứng trước chợ ôm bình bát, không mang khẩu trang như không hề biết đang có hàng triệu triệu con vi khuẩn bay trong không khí. Rồi mùa thu đến, dịch cúm giết nhiều hơn nữa, chợ không đông như ngày trước, nhưng Sư vẫn có mặt ở chợ trước giờ ngọ, đứng yên suốt hơn hai tiếng, có khi mang mặt nạ màu đen hay màu đỏ. Một thân hình sạm nắng vận chiếc áo màu đỏ măng cụt, bình thản ôm bát trước chợ như không hề biết những gì đang xảy ra ở chung quanh.

Một lần kia, sau khi tôi cúng dường, Sư trao cho tôi hai tấm giấy cứng kèm theo lời chúc lành. Vào xe tôi ngồi đọc hai tấm giấy in màu láng, một tấm ghi Bài Kệ An Lành, Niệm Rải Tâm Từ Cho Mình, Từ Bi Quán, Thập Nguyện, và Năm Điều Quán Tưởng, một tấm chép lời giảng của Thiền Sư Thái Lan Ajahn Chah mà trong đó có đoạn:

“Hãy cố gắng vượt đến chân lý của những lời dạy mà Ðức Phật đã ban truyền, ngay trong ngày hôm nay. Bây giờ, để chấm dứt thời Pháp hôm nay, Sư nhắc lại một bài ca dao của người Lào, đại ý như sau: Nhiều cuộc vui đã tàn, nhiều lạc thú đã trôi vào dĩ vãng. Trời sắp xế chiều và màn đêm sẽ nhanh chóng rủ xuống. Giờ đây, đang say sưa với những dòng lệ tuôn rơi, hãy ngừng nghỉ và nhìn xem, không bao lâu nữa sẽ quá muộn để viên mãn hoàn tất cuộc hành trình.”

Tôi cất hai tấm giấy trong xe, thỉnh thoảng mang ra đọc, ngẫm nghĩ đến cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn của thế gian này và hành trình còn quá xa của chính mình.

Mặc dù nơi đây vẫn có một số sư khác đi bát, nhưng Sư vẫn là người có mặt lâu nhất, kiên trì nhất, luôn tỏa ra một ấn tượng oai nghi lạ thường qua sự im lặng và ánh mắt nhìn xuống, nhẫn nại chịu đựng thời tiết cũng như sự hoài nghi của những người qua lại. Có lẽ điều đó đã thu hút tôi, nên một bữa kia tôi đánh liều làm quen với Sư, mong học hỏi thêm về Phật pháp, dù biết rằng việc gần gũi một người tu hành chuyên cần như Sư không dễ chút nào. Đã nhiều lần tôi phải quay về với lời từ chối của các vị tăng, vị ni, vì họ không muốn nói chuyện tu hành của họ với một người sống bằng nghề viết. Tôi đoán Sư cũng sẽ từ chối như vậy.

Buổi sáng hôm đó tôi đến chợ khá sớm, trước giờ mở cửa và chắc chắn trước cả Sư. Nếu có đủ duyên thì Sư sẽ cho mình hỏi chuyện, còn không thì thôi, tôi tư lự trong lúc ngồi trong xe chờ Sư xuất hiện. Gần 9 giờ Sư đến trong một chiếc xe cũng màu đỏ như màu áo của Sư, nhưng cũ, rất cũ, đắp vá với sơn không hợp màu ở cốp phía sau. Tôi đến gần lúc Sư mở cốp, chắp tay chào Sư “Mô Phật!” Sư cũng chào lại “Mô Phật” với giọng ôn tồn của người miền Nam.

Tôi tự giới thiệu, tặng Sư tờ Tinh Tấn Magazine mới nhất, nói rằng mong có dịp được thưa chuyện với Sư nhiều hơn. Sư có vẻ ngần ngại, cất tờ báo vào trong cốp xe, nhưng có lẽ chợt nhận ra tôi đã từng cúng dường vài lần, từng nhận của Sư mấy tấm giấy nhắc nhở chuyện tu hành, nên Sư nói để Sư về nhà xem tờ Tinh Tấn rồi sẽ liên lạc sau. Nghe vậy tôi cũng mừng mặc dù không có hy vọng Sư sẽ gọi. Khi Sư chậm rãi bước đi hướng đến trước cửa chợ để bắt đầu một buổi trì bình, tôi vội chạy theo vì chợt nhớ mình chưa cúng dường. Sư nói khẽ, “Cám ơn chú.”

Vài ngày trôi qua, một chiều nọ Sư gọi tôi qua số điện thoại đăng trên báo…

(Mời đọc tiếp trên báo Tinh Tấn Magazine số 6 mùa Xuân 2022 được tặng miễn phí. Muốn nhận báo xin cho tên và địa chỉ qua email: tinhtan2018@yahoo.com, hoặc qua tin nhắn text ở số điện thoại 714-290-7747.)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT