Phóng Sự

Việc hậu sự của đời người (kỳ 3)

Monday, 22/09/2014 - 01:42:29

Dược sĩ Mai. T. Nguyễn cho biết với những bệnh nhân cao niên được thân nhân gửi đến sống tại ngôi nhà “Loving Care Senior Home' - Ngôi Nhà Yêu Thương (mà chị và một đồng sự khác mở ra để chăm sóc các vị cao niên khi họ không còn khả năng độc lập trong những sinh hoạt hằng ngày), chị luôn khuyên gia đình người bệnh nên hỏi ý kiến của bệnh nhân lập trước văn bản này.

Băng Huyền/ Viễn Đông

Nên chuẩn bị trước văn bản chỉ thị săn sóc sức khỏe

“Chúng ta không thể hoàn toàn đoan chắc rằng người già sẽ chết trước và người trẻ sẽ có cả đời sống dài phía sau. Thái độ thực tế nhất mà ta có thể nuôi dưỡng là còn sống ngày nào trên thế gian này, chúng ta hãy cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho người, cho mình, để thấy cuộc sống này có ý nghĩa và nên chuẩn bị điều tồi tệ nhất. Nếu điều xấu nhất không xảy ra thì mọi sự đều tốt đẹp, nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ không tấn công chúng ta bất ngờ.”
Đây là điều mà dược sĩ Mai. T. Nguyễn luôn tâm niệm và theo chị một trong những chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất chính là “Chỉ thị trước về chăm sóc sức khỏe.” Đây là văn bản pháp luật mô tả về những chọn lựa chăm sóc sức khỏe nếu người đó có bệnh nghiêm trọng hoặc bị thương nặng tình trạng đang hôn mê không thể tự mình phát biểu mong muốn của bản thân. Với văn bản này, mỗi người khi điền trước lúc bản thân còn minh mẫn, rồi gửi lại cho thân nhân trong gia đình, bạn bè và các nhân viên chăm sóc sức khỏe (ví dụ bác sĩ gia đình của mình) biết những ý muốn hoặc không muốn của người đó. Theo dược sĩ Mai. T. Nguyễn chuyện “ra đi” bất ngờ có thể xảy ra bất kỳ tuổi nào, vì vậy với bất cứ ai trên 18 tuổi cũng nên chuẩn bị văn bản chỉ thị trước này.
Dược sĩ Mai. T. Nguyễn cho biết với những bệnh nhân cao niên được thân nhân gửi đến sống tại ngôi nhà “Loving Care Senior Home' - Ngôi Nhà Yêu Thương (mà chị và một đồng sự khác mở ra để chăm sóc các vị cao niên khi họ không còn khả năng độc lập trong những sinh hoạt hằng ngày), chị luôn khuyên gia đình người bệnh nên hỏi ý kiến của bệnh nhân lập trước văn bản này.



Ông Nguyễn Văn Chà bên người bạn đời tại Garden Grove Convalescent Hospital. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nói về lợi ích của việc lập trước văn bản “Chỉ thị trước về chăm sóc sức khỏe,” dược sĩ Mai. T. Nguyễn giải thích: Văn bản này sẽ giúp giảm sự nhầm lẫn hoặc bất đồng giữa các thành viên trong gia đình và các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe. Gia đình và các bác sĩ của bệnh nhân sẽ thi hành theo pháp luật về các hướng dẫn chỉ thị trước của người bệnh nếu người bệnh không thể tự mình bày tỏ mong muốn. Còn nếu không lập trước văn bản này, khi có việc không hay đến với bệnh nhân, thì vợ chồng, hoặc người sống chung hợp pháp, các con cái trưởng thành, và những anh chị em người lớn (theo thứ tự) điều được quyền quyết định chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Vì vậy, mỗi người nên có giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng nếu muốn chọn người khác để quyết định cho mình.
Được biết văn bản này sẽ có những điều được ghi ra tuân theo ý muốn của người bệnh như:
- Lọc thận để lọc nước tiểu nếu thận của bệnh nhân ngưng làm việc
- Máy thở (Máy hô hấp) nếu phổi của bệnh nhân ngưng làm việc
- Cứu sống lại (chấp thuận Hô Hấp Nhân Tạo) nếu bệnh nhân ngưng thở hoặc tim ngưng đập
- Dùng ống truyền thức ăn nếu bệnh nhân không thể tự mình ăn uống được
- Tặng bộ phận hoặc các mô cơ thể của bệnh nhân sau khi chết
Mỗi người khi lập văn bản này người bệnh có thể yêu cầu:
- Điều trị để kéo dài đời sống của quý vị bất kỳ trường hợp nào?
- Chỉ điều trị nếu có thể chửa hết bệnh?
- Chăm sóc thoải mái? Đây là chăm sóc để giảm đau và giảm khó chịu nhưng không phải điều trị bệnh. Thường điều trị để chăm sóc cho kỳ cuối của cuộc sống khi không thể trị khỏi bệnh.
Khi lập ra văn bản này, mỗi người vẫn có thể thay đổi những mong muốn mới, nhưng sau khi sửa đổi, thì phải giao lại văn bản sửa đổi lại cho người mà mình ủy quyền.
Dược sĩ Mai. T. Nguyễn cũng nói thêm về chương trình y tế Hospice là chương trình của chính phủ tài trợ miễn phí cho những bệnh nhân bệnh nan y, bệnh nhân đã hết hy vọng chữa trị chỉ còn vài tháng hoặc 2 năm sống cuối đời. Chương trình này cung cấp Bác Sĩ, Y tá, cán sự xã hội, tư vấn và thuốc men, dụng cụ giúp cho thể xác người bệnh không bị đau đớn của bệnh tật hành hạ, giúp những ngày cuối đời của người bệnh nhẹ nhàng thoải mái hơn. Khi ghi danh vào chương trình này, bệnh nhân và gia đình có thể ở lại với nhau trong sự thoải mái tại nhà riêng của mình, và được nhận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất. Hoặc bệnh nhân quyết định được chăm sóc cuối đời tại bệnh viện, hoặc viện dưỡng lão. Hiện nay ngôi nhà “Loving Care Senior Home' - Ngôi Nhà Yêu Thương của dược sĩ Mai. T. Nguyễn có nhận chăm sóc 1- 2 bệnh nhân chương trình này. Chị cho biết mục tiêu của chương trình “hospice” để chăm sóc cho bệnh nhân chứ không phải để chữa bệnh cho bệnh nhân, khi ghi danh vào chương trình này, bệnh nhân có quyền sử dụng “Luật Quyền Được Tự Kết Liễu Sinh Mạng,” nói nôm na là cái chết êm, chứ không tiếp tục duy trì sự sống trong bệnh tật nữa. Tuy nhiên riêng cá nhân chị, vì là người Công giáo, chị cho rằng sự sống là Chúa Trời ban cho, thì khi chết đi cũng sẽ do Chúa Trời quyết định, chứ không nên tự kết liễu sinh mạng mình.

Có nên sống bằng máy móc trợ sinh?

Chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Chà (nay đã 76 tuổi) hơn 7 năm qua, ngày nào cũng vào săn sóc vợ đang sống tại Garden Grove Convalescent Hospital (thành phố Garden Grove) kể rằng khoảng hơn 3 năm nay, vợ ông phải dùng ống truyền thức ăn vì không thể tự mình ăn uống được, trí não hầu như không còn hoạt động, không nói năng được, và chỉ nằm một chỗ. Ông Nguyễn Chà tâm sự, “Tôi không biết bản thân bà xã tôi có chấp nhận cuộc sống như hiện nay hay không? Vì khi bà còn minh mẫn, chúng tôi đã không nghĩ đến hoàn cảnh xảy đến như hiện nay. Thành ra tôi không biết bà có chấp nhận cuộc sống như hiện nay không? Về lý thì tôi vẫn thấy rằng những bệnh nhân không còn biết gì, như trường hợp bà xã tôi, mà cứ giữ sống trên giường bệnh bằng ống truyền thức ăn, thì hành xác quá, không tự ăn uống gì được, không thể hưởng thụ được cái gì, không biết gì hết, chỉ nằm đó với cái xác mà thôi. Tuy nhiên, vì tình cảm với vợ, tôi không thể quyết định ngưng sự sống của bà bằng cách ngưng ống truyền thức ăn, bởi bà chẳng có bệnh gì hết, chỉ bị thoái hóa não và do trước đây bị mổ đầu gối, không đi đứng được, phải nằm một chỗ thôi. Suốt 3 năm qua, sống bằng ống truyền thức ăn, gương mặt bà vẫn hồng hào.”
Ông Nguyễn Chà bày tỏ thêm, “Theo sự quan sát của tôi suốt 7 năm qua tại đây, thường những bệnh nhân khi bệnh đến trường hợp không còn biết gì hết, con cháu vì bận rộn gia đình riêng, vì mưu sinh, không có thời gian thăm viếng, săn sóc, thường là 70 phần trăm đồng ý cho người bệnh “ra đi.” Riêng tôi, vì có thời gian săn sóc bà xã, nên tôi không để cho bà xã ra đi được. Vì tôi nghĩ “còn nước còn tát,” nhất là những kỷ niệm sống với nhau có 6 mặt con, cùng trải qua biết bao thăng trầm vẫn thủy chung yêu thương nhau, nên tôi không thể để bà xã tôi ra đi. Chỉ trường hợp tôi chết trước khi bà chết, thì tùy duyên, chứ tôi vẫn hy vọng một ngày bà sẽ hồi phục lại.”
Với ước mong sẽ có phép lạ xảy ra, vợ mình sẽ hồi phục, nên mấy năm qua ông được người quen giới thiệu về ban trợ niệm Tâm Đạo, thường mỗi tuần 2 lần vào dưỡng đường để tụng kinh cho vợ ông. Bản thân ông cũng ghi danh là thành viên của ban trợ niệm. Theo ông công việc trợ niệm vô cùng quan trọng. Đây là việc thay chư Phật, chư Tổ cứu độ chúng sanh. Vì thế việc này đòi hỏi người trợ niệm phải có tín tâm sâu sắc với Tam bảo, có lòng hy sinh để cứu giúp tất cả chúng sanh vãng sanh về cõi Phật, thoát khỏi biển khổ luân hồi sanh tử. Ban trợ niệm Tâm Đạo thường đến tụng kinh cho người bệnh, đã từng có trường hợp sau khi tụng niệm một thời gian, người bệnh đã hồi phục lại, còn nếu những người sắp lâm chung, việc trợ niệm sẽ giúp khơi dậy câu Phật hiệu, hướng tâm cầu sinh về cõi Phật, tức là giúp cho chúng sanh đó thành Phật.
Ông Nguyễn Chà nói thêm, “Ban tụng niệm Tâm Đạo toàn là những người tuổi từ 60 trở lên, nhiều nhất là 70 tuổi, chúng tôi nhận lời đi trợ niệm cho thân nhân của đồng hương mà không nhận bất kỳ thù lao hay quà cáp gì, chúng tôi tự túc đi xe đến nơi mà đồng hương cần chúng tôi đến, như nhà riêng, viện dưỡng lão, bệnh viện, nhà quàn khi tang gia xảy đến. Tuy nhiên chúng tôi là người lớn tuổi, nên chỉ nhận đi trong khu vực quận Cam thôi, chứ không thể đi xa hơn. Khi cần chúng tôi đến trợ niệm, đồng hương hãy báo trước cho chúng tôi vài ngày, hoặc ít nhất một ngày, để chúng tôi gọi điện thông báo cho nhau. Mỗi lần đi như vậy khoảng 9- 10 người, có lúc đông nhất lên đến hơn 20 người. Trưởng ban trợ niệm Tâm Đạo là cô Tắc Nữ, số điện thoại 714-989-9263. Hoặc gọi cho tôi số điện thoại 714-468-0418.”
Dù luôn hy vọng điều huyền diệu sẽ đến với vợ, nhưng bản thân ông cho biết chính từ việc bệnh tật của vợ, mà khoảng 4 năm nay, ông đã thực hiện văn bản “Chỉ thị trước về chăm sóc sức khỏe” và đã gửi cho bác sĩ gia đình của ông, bày tỏ ước muốn khi sức khỏe không cho phép duy trì sự sống tự nhiên thì cho ông “ra đi” chứ không chấp nhận sống bằng máy móc trợ sinh, để không khỏi bận lòng con cháu của mình.
Nói về việc chuẩn bị trước văn bản “Chỉ thị trước về chăm sóc sức khỏe,” chị Phương Đặng bày tỏ, “Tôi nghĩ chính bản thân cha mẹ, ông bà của chúng ta phải nên tự quyết định trước việc lập ra văn bản này và nêu ý muốn cần làm như thế nào, vì như thế sẽ dễ hơn cho con cháu trong nhà. Vì theo phong tục Việt Nam của chúng ta, con cái phải hiếu thảo, săn sóc cha mẹ khi già yếu, sẽ rất khó mà tự ý nói lên ý muốn chọn hoạch định việc “ra đi” của cha mẹ, vì như thế sẽ mang tiếng bất hiếu. Sẽ tốt hơn nếu bậc cha mẹ tự quyết định điều này khi còn mình mẫn, khỏe mạnh, để các con làm theo ước nguyện của họ khi chuyện không hay xảy đến!” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT