Hoa Kỳ

Việc phóng viên đưa tin giữa mưa bão gây tranh cãi

Sunday, 17/09/2017 - 10:57:56

Việc ra hiện trường đưa tin bão đã được các phóng viên thực hiện từ nhiều thập kỷ qua. Công chúng cũng nhiều lần tranh luận việc đưa tin nguy hiểm như vậy có đáng hay không? Trong thời đại của mạng xã hội, các cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt hơn.


Một phóng viên gần như bị gió thổi bay.


FLORIDA – Trong thời gian gần đây, nhiều cơn bão lớn đã đổ bộ vào các tiểu bang Hoa Kỳ, gây tổn thất nghiêm trọng. Sự chú ý của dư luận, ngoài tập trung vào tình trạng những nơi bị thiên tai, cũng quan tâm đến các phóng viên đưa tin. Vào ngày 10 tháng 9, khi bão Irma đổ bộ vào Florida, ông Bill Weir, phóng viên đài CNN, có mặt tại Key Largo trên đảo để đưa tin về bão. Qua tin truyền hình trực tiếp, khán giả có thể thấy ông Weir gần như không thể đứng vững trước các đợt gió mạnh, thậm chí, có lúc ông bị gió quật ngã.

Hình ảnh đó gây ra một đợt tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người chất vấn rằng, liệu phóng viên có cần phải đứng giữa trời mưa to gió lớn như vậy để đưa tin hay không? "Tại sao các hãng tin phải cử phóng viên ra nơi nguy hiểm như vậy?” một người viết trên mạng xã hội Twitter. "Việc này không an toàn và tạo gương xấu", một người khác chỉ trích.

Nhiều người chỉ ra rằng phóng viên đứng ở những địa điểm mà chính quyền khuyên người dân "không được tới.” Và chính biên tập viên của CNN cũng phải thừa nhận rằng, "công chúng đã đưa ra lập luận rất có lý để cho thấy đứng giữa trời bão không phải là một việc làm thông minh.”

Ông Bill Weir không phải là phóng viên duy nhất đi vào giữa tâm bão Irma để đưa tin. Chỉ vài giờ sau đó, phóng viên thường trú của MSNBC, Mariana Atencio, đứng trên một đại lộ ở thành phố Miami và chỉ về phía một cái cây lớn gần đó đã bị gió bão quật đổ. Người xem TV không khỏi lo lắng cho cả phóng viên và người quay phim. Trong bản tin cùng ngày, phóng viên Kyung Lah, tường thuật từ Miami Beach, cho biết nếu không bám vào hàng rào sắt, cô đã bị thổi bay.

Việc ra hiện trường đưa tin bão đã được các phóng viên thực hiện từ nhiều thập kỷ qua. Công chúng cũng nhiều lần tranh luận việc đưa tin nguy hiểm như vậy có đáng hay không? Trong thời đại của mạng xã hội, các cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt hơn.

Bên phản đối cho rằng, để phóng viên vật lộn với mưa to gió lớn là điều không cần thiết. Trong khi đó, các phóng viên thời tiết cho rằng, những hình ảnh thật về sức mạnh của bão sẽ tạo ấn tượng mạnh với công chúng. Các phóng viên cho rằng, nhiều người dân sẽ chưa chịu rời khỏi nơi nguy hiểm, cho đến khi họ thấy được sức tàn phá của cơn bão qua TV. Ngoài ra, nhiều phóng viên còn chấp nhận ra hiện trường, vì muốn chứng kiến tận mắt một sự kiện lớn và có tầm ảnh hưởng cấp quốc gia.

Cô Whitney Burbank, phóng viên địa phương của đài ABC ở West Palm Beach, Florida, cho biết, ban giám đốc của đài không bắt buộc cô phải đối mặt với tình huống nguy hiểm. "Các cấp trên của tôi rất cẩn thận với những trường hợp không an toàn", Burbank nói. " Nếu gió giật quá mạnh, họ sẽ bảo 'đừng ra ngoài đưa tin.”



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT