Thế Giới

Viên chức Ả Rập bị sốc khi nghe đoạn ghi âm vụ giết ký giả Khashoggi

Tuesday, 13/11/2018 - 07:53:02

"Chúng tôi đã bật đoạn ghi âm liên quan đến vụ giết Khashoggi cho tất cả những người muốn nghe, bao gồm lãnh đạo các nước Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi, Pháp, Canada, Đức và Anh. Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu bất cứ điều gì,” Tổng Thống Erdogan nói.

ANKARA – Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm thứ Ba cho biết, một viên chức tình báo của Ả Rập Saudi đã bị sốc sau khi nghe băng ghi âm về vụ sát hại ký giả Jamal Khashoggi, và cho rằng các hung thủ phải dùng ma túy mới có thể ra tay tàn nhẫn như vậy.
"Chúng tôi đã bật đoạn ghi âm liên quan đến vụ giết Khashoggi cho tất cả những người muốn nghe, bao gồm lãnh đạo các nước Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi, Pháp, Canada, Đức và Anh. Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu bất cứ điều gì,” Tổng Thống Erdogan nói.
"Các đoạn ghi âm thực sự rất khủng khiếp. Khi một viên chức tình báo Ả Rập Saudi nghe, anh ta bị sốc và nói: 'Kẻ này chắc phải dùng heroin, chỉ những ai dùng ma túy mới làm được việc đó,” ông Erdogan kể lại.
Theo vị tổng thống, vụ giết người rõ ràng đã được lên kế hoạch trước và được cấp cao nhất trong chính quyền Saudi ra lệnh, nhưng ông tin rằng Vua Salman, người mà ông "vô cùng kính trọng,” không liên quan đến sự việc. "Thái tử Saudi nói sẽ làm những điều cần thiết. Chúng tôi đang kiên nhẫn chờ đợi,” ông Erdogan nói, và thêm rằng thủ phạm giết ông Khashoggi là 1 trong 18 nghi can mà Ả Rập Saudi đã bắt.
Ông Erdogan không cho biết chi tiết nội dung các đoạn ghi âm, nhưng một số nguồn tin nói rằng các đoạn ghi âm ghi lại diễn biến vụ giết người và cuộc nói chuyện trước khi nhóm sát thủ ra tay. Ký giả Khashoggi biến mất từ hôm 2 tháng 10 sau khi vào lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục kết hôn. Riyadh thừa nhận ký giả 60 tuổi chết trong lãnh sự quán và vụ sát hại được lên kế hoạch trước, nhưng từ chối dẫn độ 18 nghi can tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng hồ cổ được bán giá kỷ lục $3.9 triệu
GENEVA – Một chiếc đồng hồ đeo tay cổ đã được bán với giá $3.88 triệu Mỹ kim tại Geneva, Thụy Sỹ, vào hôm thứ Ba, theo hãng đấu giá Sothebys cho biết, lập nên kỷ lục thế giới mới về giá cho đồng hồ. Được sản xuất năm 1952 bởi hãng Patek Philippe và được mua vào 4 năm sau đó tại cửa hàng của hãng bán lẻ Asprey, chiếc đồng hồ Thụy Sỹ này là loại đồng hồ nhiều kim có niên lịch vĩnh viễn. Chiếc đồng hồ, được đặt tên là “The Asprey,” là ngôi sao của buổi bán đấu giá, vốn bao gồm 250 đồng hồ đeo tay và đồng hồ bỏ túi, đến từ các nhãn hiệu như Cartier, Rolex, và Vacheron Constantin.
Người bán ẩn danh hôm thứ Ba đã mua chiếc đồng hồ “The Asprey” vào năm 2006, với giá kỷ lục khi đó là $2.21 triệu Mỹ kim. Danh tính chủ mới của chiếc đồng hồ hiện chưa được rõ, nhưng người đấu giá thành công là một phụ nữ châu Á mặc quần jean rách ngồi ở hàng cuối của phòng đấu giá, và nói chuyện điện thoại bằng tiếng Trung Quốc với người nào đó trong giai đoạn trả giá. Theo Sothebys, người chủ ban đầu của đồng hồ “The Asprey,” có tên tắt là R.C. được khắc vào mặt sau của vỏ đồng hồ bằng vàng, có lẽ đã nhận được đồng hồ vào ngày sinh nhật 21 tuổi của anh ta. Danh tính người này cũng không được xác định. Đồng hồ “The Asprey” có dây da màu nâu, có đồng hồ bấm giờ, ngày tháng, và chu kỳ mặt trăng.


Anh đồng ý thỏa thuận Brexit với EU
LONDON – Anh quốc đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về việc rời khỏi Liên Âu sau hơn 1 năm đàm phán. Sắp tới, Thủ Tướng Theresa May sẽ cần phải thuyết phục nội các của bà và cả quốc hội về quá trình Brexit, vốn sẽ định hình lại sự phát triển của quốc gia trong nhiều thế hệ tới. Những người ủng hộ Brexit trong đảng của bà May cho rằng nữ thủ tướng đã nhượng bộ EU quá nhiều, và nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để phản đối thỏa thuận. Trong khi đó, đảng Northern Irish, một đảng trong chính phủ thiểu số của bà May, cũng nghi ngờ không biết bà May có thể vận động được sự ủng hộ của quốc hội hay không.
Nếu nội các của bà May phê chuẩn bản thỏa thuận Brexit, các lãnh đạo EU sẽ gặp nhau vào ngày 25 tháng 11 để chính thức ký kết thỏa thuận này. Anh quốc và EU đã đồng ý sẽ tạo điều kiện để việc giao thương giữa hai bên vẫn diễn ra suôn sẻ.

WHO: Dịch Ebola tại Congo sẽ dài thêm ít nhất 6 tháng
GENEVA – Dịch Ebola tại vùng đông bắc nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo, vốn đã khiến hơn 200 người thiệt mạng, có thể sẽ kéo dài đến giữa năm 2019, theo viên chức của tổ chức Y Tế Thế Giới WHO cho biết hôm thứ Ba. “Rất khó để dự đoán thời gian cho đợt dịch bệnh phức tạp như lần này, do có quá nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phải chờ thêm ít nhất 6 tháng trước khi có thể tuyên bố rằng dịch bệnh đã chấm dứt hoàn toàn,” theo lời ông Peter Salama, lãnh đạo cơ quan đáp ứng khẩn cấp của WHO.
Dịch Ebola tại tỉnh North Kivu của Congo đã khiến 333 người ngã bệnh, bao gồm cả những ca đã xác nhận và bị nghi ngờ, và hiện đang là dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử Congo. Theo ông Salama, việc khống chế bệnh là rất khó khăn, do khu vực tỉnh North Kivu có dân số đông, người dân di chuyển nhiều, và nhiều địa phương mất an ninh do có sự hiện diện của 2 nhóm phiến quân. Đồng thời, bệnh cũng lây lan mạnh tại các cơ sở y tế nhỏ, không được quản lý và không đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

NATO: Hỏa tiễn TQ vi phạm hiệp ước vũ khí hạt nhân
BERLIN - Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các hỏa tiễn tầm trung của Nga và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh gia nhập hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế INF. Lên tiếng trong một chương trình của đài truyền hình Đức, ông Stoltenberg nói, Bắc Kinh đang đầu tư rất nhiều để phát triển vũ khí mới, bao gồm cả hỏa tiễn, và phân nửa số hỏa tiễn của nước này sẽ vi phạm hiệp ước INF nếu Trung Quốc tham gia hiệp ước trước đây. Do đó, NATO ủng hộ việc mở rộng INF để Trung Quốc cũng bị ràng buộc bởi hiệp ước này.
Tổng Thống Donald Trump vào tháng trước đã đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung INF ký năm 1987, để đáp trả việc Nga điều động một hệ thống hỏa tiễn mà Washington cho rằng đã vi phạm thỏa thuận. Tổng Thống Nga Vladimir Putin sau đó khuyến cáo rằng, việc Washington rút khỏi INF có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, đồng thời, lãnh đạo Nga cũng tuyên bố Moscow sẽ có hành động tương ứng nếu Hoa Kỳ điều động thêm hỏa tiễn tới khu vực châu Âu.
Trong bài nói chuyện hôm thứ Ba, ông Stoltenberg cũng cho biết NATO không muốn xảy ra chạy đua vũ trang, nhưng tổ chức này rất lo ngại về các hỏa tiễn mới của Nga, vốn là các hệ thống hỏa tiễn di động, có năng lực mang theo đầu đạn hạt nhân, và có thể bắn đến các thành phố lớn của châu Âu. Ông Stoltenberg nói: “Hiệp ước INF đang gặp nguy cơ và Nga cần tôn trọng hiệp ước này.”

Gaza, Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời
JERUSALEM – Phiến quân Palestine và Israel đã tạm đình chiến vào tối thứ Ba nhờ nỗ lực hòa giải của Ai Cập, đem lại sự yên ổn tạm thời cho Gaza sau đợt tấn công bằng rocket và không kích dữ dội nhất tính từ cuộc chiến năm 2014 đến nay. Cả hai phe đều nói rằng đây là một đợt ngừng bắn tạm thời và không phải là một thỏa thuận dài hạn.
Từ thứ Hai đến thứ Ba, quân đội Israel đã liên tục không kích, giết chết 7 người Palestine – với ít nhất 5 trong số những người này là các tay súng, đồng thời phá hủy một số tòa nhà của tổ chức Hồi giáo Hamas, nhóm đang cầm quyền tại Gaza. Ngoài ra, đạn rocket từ Gaza cũng khiến cư dân tại miền nam Israel phải tìm nơi trú ẩn, làm bị thương hàng chục người, và khiến một người lao động Palestine thiệt mạng.
Chiến sự bùng phát sau một vụ tấn công thất bại của lực lượng đặc nhiệm Israel vào Chủ Nhật. Tuy nhiên, làn sóng bạo động đã âm ỉ từ lâu do khủng hoảng kinh tế tại Gaza, nơi đang bị Israel phong tỏa kể cô lập nhóm Hamas, tổ chức Hồi giáo bị phương tây cho là khủng bố. Đây là đợt giao tranh dữ dội nhất kể từ cuộc chiến Gaza năm 2014, và là đợt đụng độ thứ 3 giữa Israel và Hamas trong vòng 1 thập niên qua.

Trung Quốc nói không ai có thể cản đường ở Thái Bình Dương
BẮC KINH – Vào thứ Ba, một viên chức Trung Quốc đã lên tiếng khuyến cáo các nước khác không nên can thiệp vào các mối quan hệ của họ tại Thái Bình Dương, giữa lúc Bắc Kinh đang tranh giành ảnh hưởng với Úc. "Các quốc gia khác không nên ngăn cản việc trao đổi và hợp tác thân thiện của Trung Quốc với các quốc đảo. Tất nhiên, họ không có cách nào để cản trở việc này,” phụ tá Ngoại Trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói, nhắc tới các nước ở khu vực Thái Bình Dương.
Bình luận của ông Trịnh được đưa ra ngay trước hội nghị giữa Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương tại Papua New Guinea. Ông Trịnh nói thêm rằng, ông Tập sẽ đưa ra "các biện pháp quan trọng" để thắt chặt sự hợp tác. Trung Quốc và Úc đang tranh giành ảnh hưởng tại các đảo thưa dân ở Thái Bình Dương, nơi có nhiều nguồn tài nguyên. Thủ Tướng Úc Scott Morrison cuối tuần trước tuyên bố Canberra sẽ cung cấp cho khu vực này tổng cộng $2.18 tỷ Mỹ kim viện trợ và cho vay ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong cuộc gặp giữa viên chức Úc và Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tuần trước, ông Trịnh đã nói với phía Úc rằng, hai bên nên hợp tác tại nam Thái Bình Dương và không nên đối đầu. Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia tại đây và giúp họ đạt được sự phát triển bền vững. Trung Quốc đã chi $1.3 tỷ Mỹ kim tại các nước Thái Bình Dương kể từ năm 2011 và trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai tại khu vực này sau Úc. Điều này khiến phương Tây lo ngại rằng một số quốc gia nhỏ có thể vỡ nợ và bị lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Lãnh đạo đối lập Nga bị cấm xuất cảnh
MOSCOW - Lãnh đạo đảng đối lập Liên minh nhân dân Nga Alexei Navalny hôm thứ Ba cho biết, nhân viên quan thuế đã chặn ông tại khu vực kiểm tra hộ chiếu ở phi trường Domodedovo, Moscow, và nói rằng ông không thể rời đi theo quy định của cơ quan liên bang. Công dân Nga có thể bị cấm rời khỏi đất nước nếu họ mắc nợ. Tuy nhiên, ông Navalny khẳng định rằng ông không có vấn đề tài chính nào chưa được giải quyết. Lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Navalny không nêu lý do rõ ràng và cũng không có ngày hết hạn.
Ông Navalny đang định bay đến Frankfurt, Đức, từ đó bay sang Strasbourg, Pháp để dự buổi phán quyết tại Tòa Nhân Quyền Châu Âu, nơi thẩm phán sẽ quyết định việc cảnh sát Nga bắt ông có động cơ chính trị hay không. Ông Navalny cho rằng lệnh cấm xuất cảnh là nhằm ngăn cản ông dự phiên tòa. Ông Navalny, 42 tuổi, là một luật sư, nhà hoạt động tài chính và chính trị, thường xuyên chỉ trích Tổng Thống Vladimir Putin. Ông thu hút nhiều người ủng hộ qua mạng xã hội và đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Nga. Ông Navalny được trả tự do hôm 14 tháng 6, sau khi phải ngồi tù 1 tháng vì tội tổ chức biểu tình bất hợp pháp trước lễ nhậm chức của Tổng Thống Putin.
Năm ngoái, ông Navalny phải ngồi tù 3 lần vì vi phạm quy định tổ chức biểu tình, và phải tới Tây Ban Nha phẫu thuật sau một vụ tấn công trên đường khiến ông gần như bị mù một mắt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT