Phóng Sự

Viện dưỡng lão, thiên đường của người bệnh và người già? (kỳ 3)

Sunday, 01/06/2014 - 10:44:10

Một trong những tiêu chuẩn cần có của một viện dưỡng lão (VDL) đúng tiêu chuẩn là phải có một giám đốc chuyên lo về sinh hoạt hàng ngày (activity director) và phải có thời khóa biểu sinh hoạt lành mạnh gồm giờ tập thể dục, sinh hoạt chung, và giải trí. Giải trí không có nghĩa là chỉ mở tivi nơi phòng sinh hoạt

Băng Huyền/ Viễn Đông



Nhóm “Quỳnh Hoa và thân hữu” mang văn nghệ đến các bệnh nhân tại Garden Grove Convalescent Hospital trong dịp lễ Giáng Sinh.
 
Một trong những tiêu chuẩn cần có của một viện dưỡng lão (VDL) đúng tiêu chuẩn là phải có một giám đốc chuyên lo về sinh hoạt hàng ngày (activity director) và phải có thời khóa biểu sinh hoạt lành mạnh gồm giờ tập thể dục, sinh hoạt chung, và giải trí. Giải trí không có nghĩa là chỉ mở tivi nơi phòng sinh hoạt chung cho các cụ xem, mà còn bao gồm các mục trình diễn văn nghệ, game, sinh hoạt tâm linh...

Theo An Lê là một activity director của Mission Palms Healthcare center cho biết thông thường những VDL có bệnh nhân Việt Nam đông như Mission Palms Healthcare Center, thì chủ nhân của trung tâm thường chọn người Việt làm activity director và các nhân viên dưới quyền của activity director hầu hết là người Việt để lập ra thời khóa biểu sinh hoạt với những chương trình gần gũi với các bệnh nhân, để các bệnh nhân xem viện dưỡng lão là mái nhà chung nơi người già có thể gặp gỡ và sinh hoạt cùng với những người đồng thế hệ để giảm đi nỗi cô đơn vào tuổi xế chiều. Chị cho biết mỗi sáng các cụ được nhân viên nơi đây đưa đến phòng sinh hoạt chung để tập thể dục, rồi được xem tivi, xem tin tức đài Việt Nam, chương trình ca nhạc của trung tâm Thúy Nga, Asia… có giờ sinh hoạt tâm linh theo tín ngưỡng phật giáo, công giáo, tin lành. Có chương trình văn nghệ của một số nhóm nhạc người Việt chuyên đi hát phục vụ tại các VDL quanh Quận Cam như nhóm Vui Sống, nhóm hát Quỳnh Hoa và thân hữu, nhóm của Kim Yến…

Chị An Lê nói, “Nhiều người trong cộng đồng của mình tốt lắm, đến VDL để xin được phục vụ những sinh hoạt từ văn nghệ đến tâm linh vào các buổi sáng tại VDL để giúp các cụ vui vẻ, chúng tôi rất vui vì nhận được những trợ giúp hoàn toàn thiện nguyện và tận tụy của các ân nhân này, hầu như không bao giờ các ân nhân này vắng mặt trong những ngày đã được ấn định tại VDL, dầu là trời mưa gió. Còn vào các buổi chiều, sau khi các cụ nghỉ trưa 1 tiếng, sẽ được đưa đến phòng sinh hoạt chung để cùng nhau chơi game như bingo… Phòng sinh hoạt có quỹ, trích tiền ra làm phần thưởng cho các cụ trong các trò chơi, mỗi game trúng 5- 10 xu, hoặc 50 xu là cao nhất. Các cụ không cần bỏ tiền ra chơi, nhưng chơi thì có thể thắng được tiền. Mấy bà, mấy ông thích lắm, chơi vừa vui, hoạt động trí não tránh bị quên lãng, lại còn có cơ hội thắng tiền, nhiều cụ để giành tiền thắng được gửi nhân viên đổi ra tiền giấy, để đi mua sắm khi đi chơi bên ngoài.”

Chị An Lê cho biết mỗi ba tháng trung tâm có chương trình đưa các cụ còn khỏe, không phải nằm một chổ, đi ra ngoài chơi như mua sắm (đi vào ngày thường trong tuần), ai muốn đi thì ghi danh “chúng tôi sẽ đặt xe bus để đưa các cụ đi, mỗi một cụ sẽ có một nhân viên của trung tâm đi theo để chăm sóc. Thường thì những nơi được chọn để đi là những trung tâm thương mại lớn như Phước Lộc Thọ, Walmart, Target… Ngoài ra vào mỗi thứ Sáu, chúng tôi cho các bác gái làm các nữ trang bằng những hạt đá giả, các bác còn được sơn móng tay. Những buổi tiệc thường được tổ chức trong năm (ví dụ như: Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh, Năm mới, Tết Nguyên đán, Lễ Vu Lan, rằm Trung Thu…) nhằm quy tụ tất cả các bệnh nhân trong trung tâm và thân nhân của họ đến chung vui, giúp không khí viện dưỡng lão trở nên rộn ràng, ấm áp hơn. Chưa kể những dịp này, có nhiều người con, cháu đón cha mẹ, ông bà họ về chơi với gia đình vài tiếng, hoặc ngày cuối tuần (dành cho các bệnh nhân sức khỏe tốt, được sự đồng ý của bác sĩ cho phép rời trung tâm ngắn ngày) rồi quay trở lại.”

Tâm sự của các thiện nguyện viên tại các VDL

Ông Lê Phát thuộc nhóm Vui Sống OC và chị Quỳnh Hoa thuộc nhóm nhóm hát Quỳnh Hoa và thân hữu bày tỏ rằng việc đem tiếng hát, lời ca của mình đến phục vụ các cụ cao niên trong các VDL, là niềm vui của các thành viên, với họ, âm nhạc chính là phương thuốc kỳ diệu giúp các cụ trong các VDL luôn cảm thấy vui vẻ, là một cách xoa dịu tinh thần rất tốt. Ông Lê Phát nói: “ấn tượng của tôi khi đi hát trong các nursing home, nhìn các cụ ca theo khi nghe chúng tôi ca, hoặc gõ nhịp theo rất vui nhộn, những lúc như vậy, chính các cụ đem lại cho chúng tôi niềm hạnh phúc, vì chúng tôi thấy việc mình làm có ý nghĩa”

Trong một lần ghé thăm Mission Palms Healthcare Center nhằm vào giờ sinh hoạt tâm linh dành cho các cụ cao niên theo tín ngưỡng Phật giáo do sư cô Thích Nữ Chân Phụng ở tịnh thất Phổ Quang (thành phố Huntington Beach) và các Phật tử thực hiện, người viết bài đã được sư cô chia sẻ, “Ước nguyện của tôi là đi giúp các bệnh nhân, các cụ già tại Nursing home, để sao cho các cụ đang bệnh, vẫn nghe được những câu kinh, vẫn được niệm Phật để tinh thần an lạc, cho nên tôi đã phát tâm đi đến các nursing home dành cho người Việt trong quận Cam từ năm 2003.

“Trước tôi, thì có những sư cô khác như sư cô Hiền Lương, hoặc các bác Phật tử đã đến đây từ năm 2000. Tôi thấy sinh hoạt tâm linh này rất ý nghĩa, mình vui và đem lại niềm vui cho các cụ. Tuần nào cũng vào ngày thứ năm, từ 10 giờ đến 11 giờ 30. Sau thời kinh, có khi là kinh sám hối 108 lạy (nhằm 14, 15 hay 30 mồng 1), còn ngày thường thì sám hối đơn giản hơn, rồi tôi kể chuyện Phật pháp cho các cụ nghe.

“Sau giờ tụng kinh, có sinh hoạt văn nghệ, các phật tử đi cùng tôi sẽ hát những bài ca Phật giáo… Ngoài ra những dịp lễ như Giáng Sinh, tôi mua những món quà nhỏ đem đến tặng các cụ, các các phật tử thì mua những thức ăn đến để mời các cụ ăn. Các phật tử đi cùng với tôi đến đây thường là các vị của nhiều chùa khác nhau. Chúng tôi không chỉ đến Mission Palms Healthcare center, mà còn đến 5 nursing home có người Việt nhiều trong cả tuần, chia đều ra mỗi ngày đi 1 nơi theo giờ sinh hoạt do trung tâm ấn định.”

Sư cô Thích Nữ Chân Phụng nói thêm, “Là một tu sĩ, đem được niềm vui an lạc được cho ai, thì đó là niềm an lạc của tôi. Đức Phật có nói phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật, nên mình lấy đó làm niềm an lạc cho mình. Hơn 10 năm qua đến thăm các cụ hằng tuần tại năm VDL, tôi thấy tinh thần rất là thoải mái. Vì thấy các cụ rất hoan hỉ thấy phái đoàn Phật giáo vào. Ban giám đốc tại các VDL rất quý trọng và tạo điều kiện cho phần phục vụ tâm linh của chúng tôi. Nên tôi ước mong phát triển thêm và kêu gọi các Phật tử ai có thời gian rảnh, hãy cùng tham gia cho đông. Khi vào đây, trước tiên mình phát tâm vào phục vụ. Và là một sự chuẩn bị cho mình, vì không ai tránh khỏi việc đau ốm, già lão, nếu phải vào đây sống vào cuối đời, thì mình cũng không sợ hãi vì đã hiểu VDL ra sao.”

Bên cạnh sinh hoạt tâm linh của Phật tử, người viết cũng có dịp trò chuyện với nhóm bên Công Giáo gồm các cô Trần Bạch Mai thuộc nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cô Khổng Thị Nhan, chú Bùi Đăng (nhà thờ Barbara), Lý Minh- Phạm Ngọc Anh (Đức Mẹ La Vang) Nguey64n Văn Sang (Nhà thờ Tam Biên) Trần Bạch Mai nói về thăm viếng tại Viện Dưỡng Lão (bên công giáo) tại Garden Park Care Cente.

Cô Trần Bạch Mai đại diện cho nhóm kể rằng vào mỗi thứ Tư, nhóm đến đây từ 10 giờ sáng, để dâng mình Thánh Chúa cho các cụ tại đây. “Bác Phúc (nay đã mất) và chị Ngọc Anh và tôi đã hình thành nhóm cầu nguyện này đến các viện dưỡng lão trên 5 năm rồi. Thứ Tư nào, chúng tôi cũng đến đây, dù mưa, dù nắng. Phải nói rằng việc chúng tôi đến các nursing home là do ơn chúa cho, chứ không phải ai cũng đến được.

“Chúng tôi đến đây là niềm vui của chúng tôi an ủi các cụ, tôi xem các cụ ở đây như cha mẹ tôi vậy, bản thân tôi cha mẹ mất lâu rồi. Vì vậy đến đây, nhìn thấy các cụ, tôi lại nhớ đến bố mẹ mình. Các cụ ở trong này được săn sóc kỹ lưỡng về sức khỏe, chúng tôi muốn săn sóc các cụ về phần hồn, sinh hoạt tâm linh. Chúng tôi có an ủi là chia sẻ tình thương đến với các cụ, đem chúa đến các cụ, nếu các cụ nào cần cha đến, thì chúng tôi mời cha đến để các cụ gặp cha.

“Chúng tôi đến để cầu nguyện, có chia sẻ lời Chúa, rước lễ, cám ơn, chúc lành… Với những cụ nào yếu không vào phòng sinh hoạt chung được thì các thành viên trong nhóm sẽ đến từng phòng để cầu nguyện, để các cụ rước lễ. Khi hát ca ngợi Chúa và đọc những bài kinh cầu nguyện, chúng tôi sử dụng 3 ngôn ngữ Anh- Tây Ban Nha, Việt để giúp các bệnh nhân không phải Việt Nam cùng tham dự được thánh lễ hằng tuần.”

Cô cho biết không chỉ đi thăm các VDL, nhóm còn đến các tư gia, có những cụ già không thể đi lễ nhà thờ được. Gíang sinh nhóm luôn có quà tặng cho các cụ là phần qua do chúng tôi bỏ tiền túi và xin các nhà hảo tâm, với ước mong đem đến niềm ấm áp để các cụ không cô đơn, nhất là những cụ không có thân nhân thăm viếng thường xuyên hoặc cô độc một mình.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT