Phóng Sự

Viện Dưỡng Lão- thiên đường của người bệnh và người già? (kỳ cuối)

Sunday, 15/06/2014 - 11:53:12

Ông Trịnh Văn Hữu (93 tuổi) từng có thời gian ngắn vào nursing home vì đột quỵ liệt nửa người, cho biết ông không thích sống cuối đời trong nursing home, khi bị đột quỵ, phải vào nursing home để được chăm sóc và tập vật lý trị liệu, là người Công giáo, ông không ngừng cầu nguyện, và may sao lời nguyện cầu của ông linh nghiệm

Băng Huyền/ Viễn Đông



Nhạc sĩ tài từ Trần Văn Trọng tại phòng riêng ở Mission Palms Healthcare Center xem đây là ngôi nhà ấm áp để ông lưu trú đến cuối đời.


 
Ông Trịnh Văn Hữu (93 tuổi) từng có thời gian ngắn vào nursing home vì đột quỵ liệt nửa người, cho biết ông không thích sống cuối đời trong nursing home, khi bị đột quỵ, phải vào nursing home để được chăm sóc và tập vật lý trị liệu, là người Công giáo, ông không ngừng cầu nguyện, và may sao lời nguyện cầu của ông linh nghiệm, ông đã hồi phục về lại với gia đình và tiếp tục đến sinh hoạt tại Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe & An Sinh Cao Niên ABC, là nơi trung tâm chăm sóc người cao niên vào ban ngày, mà ông đã gắn bó hơn 12 năm. Ông nói, “Tôi rất cám ơn trung tâm này, đây là trung tâm có đầy đủ những phương tiện săn sóc sức khỏe cho người già rất tốt. Tôi chỉ muốn sống tại gia đình với con gái và vào trung tâm này mỗi ngày, thay cho việc phải vô sống trong nursing home.”

Ông Lê Trí (80 tuổi) gắn bó với trung tâm này kể từ ngày đầu thành lập khi còn ở địa điểm trên đường Magnolia cho đến nay dời về Hospital Circle và cô Khánh Nguyễn từng bị bệnh trầm cảm nặng sinh hoạt tại trung tâm 6 năm nay đều cho rằng đây chính là nơi rất hữu ích cho người cao niên. Các cụ cao niên đến sinh hoạt tại đây, sẽ có xe của trung tâm đến tận nhà để đón từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều thì đưa về nhà.

Tại trung tâm ABC có y tá để chăm sóc sức khỏe mỗi ngày như đo máu, thử đường, cho uống thuốc, và có cán sự xã hội để giúp đỡ bệnh nhân về mặt tâm lý, chia xẻ những vấn đề gia đình, con cái… Ngoài việc các cụ cao niên đến đây được lo bữa sáng, bữa trưa, chăm sóc y tế, trung tâm còn tổ chức rất nhiều sinh hoạt hữu ích cho người cao niên.

Ông Lê Trí cho biết, “Chúng tôi được tập Taichi chung với huấn luyện viên. Có phòng tập thể dục buổi sáng. Có chuyên viên vật lý trị liệu tập đi cho các bệnh nhân bị đột quỵ. Những sinh hoạt thường nhật ở đây được tổ chức đa dạng, phong phú, với mục đích giúp cho ch1ung tôi vui tươi, có dịp động não, vận dụng trí nhớ… Chúng tôi chơi lotto, bingo với mục đích tập chú ý theo dõi và nhớ những con số. Có phòng nhạc để chúng tôi hát và nhớ lại những kỷ niệm thời son trẻ. Rồi còn những sinh hoạt như garage sale, đấu giá… nhưng không phải mục đích vì tiền, mà chỉ để giúp các bác tập thể dục trí não.”

Bà Khánh Nguyễn bổ túc thêm, “Tại trung tâm này cứ mỗi tháng sẽ dành một ngày để tổ chức sinh nhật cho những ai sinh trong tháng đó, có quà tặng cho chúng tôi, ngoài ra đến ngày Valentine Day, chúng tôi tham gia cuộc thi viết thư tình, có giải thưởng hẳn hòi. Ngày Mother Day thì các bà mặc áo dài. Ngày Father Day thì các ông thi cà vạt đẹp. Lễ lạc trong năm đều có tổ chức những chương trình vui nhộn. Giúp tinh thần chúng tôi luôn vui vẻ, nếu không có trung tâm nay, tôi sẽ cô độc khi ở nhà đối diện với 4 bức tường, bệnh tật sẽ càng nặng hơn, nhất là khi tôi từng bị bệnh trầm cảm phải đi chữa trị mấy năm trời.”

Chị Diane Trần là giám đốc của ABC cho biết, “ABC là trung tâm chăm sóc người cao niên vào ban ngày (ADHC) đầu tiên của người Việt ở Quận Cam, được thành lập cách đây đã hơn 14 năm. những người đang có Medi Cal (hoặc có cả Medi-Medi) sẽ có điều kiện để được chăm sóc tại ABC. Khách hàng của ABC thường là các vị cao niên, hoặc những người bị những căn bệnh lâu dài mà không thể tự chăm sóc mình được. Bệnh nhân bị cao máu, tiểu đường… mà lại hay quên, không nhớ tự uống thuốc, ở nhà không có ai nhắc, cho nên bệnh trở nặng phải đi cấp cứu. Đặc biệt khi được nhận vào đây, các người đó không bị mất tiền già, tiền SSI đang hưởng nếu người đó có Medical hay Medicare thì không ảnh hưởng gì về tiền bạc.”

Tâm tình của những người phải sống trong viện dưỡng lão

Sống trong xã hội hiện đại như tại Hoa Kỳ, hầu hết mọi người đều phải đối mặt với áp lực của công việc, những gia đình người Việt tại đây càng không ngoại lệ, áp lực của vòng xoáy mưu sinh càng trở nên khó khăn hơn so với những người dân bản xứ vốn đã ổn định nhiều thế hệ. Vì lẽ này mà việc chăm sóc cho người bệnh sẽ trở thành một gánh nặng thực sự cho gia đình có người đau bệnh.

Một người bệnh lâu ngày và phải nằm ở viện xa gia đình, người thân trong nhà thì đều tất bật với công việc cùng với biết bao nhiêu áp lực. Khi nằm viện, khi ốm đau thì hơn ai hết chính người bệnh sẽ không muốn mình trở thành nỗi vất vả cho gia đình. Vì những người bệnh hiểu rằng việc chăm sóc cho họ sẽ trở thành một gánh nặng thật sự cho gia đình.

Đây cũng chính là những điều mà người viết bài đã được nghe tâm sự từ một số bệnh nhân sống tại một vài viện dưỡng lão có bệnh nhân người Việt đông ngay tại quận Cam. Một số bệnh nhân tại đây cho biết chính viện dưỡng lão là nơi chốn để họ cậy nhờ khi chính họ không còn đủ khả năng chăm sóc cho bản thân. Chính sự tận tụy của các bác sĩ, y tá, các điều dưỡng viên cùng các kỹ năng chuyên môn thành thạo, tuân theo chế độ sinh hoạt và tập luyện điều độ, khoa học giúp họ duy trì và hồi phục sức khỏe, và những sinh hoạt giải trí tại đây giúp họ vơi bớt những nỗi buồn do sức khỏe không còn như trước.


Bà Lưu Nói, ông Lâm Khánh, ông Nguyễn Charles bệnh nhân tại Mission Palms Healthcare Center chụp lưu niệm cùng thân nhân người bệnh tại đây và ban giám đốc của Mission Palms Healthcare Center.



Họa sĩ Tony Nguyễn vẽ tranh bằng miệng nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam tại Nam California, anh vốn là một thanh niên giàu sức sống với rất nhiều hoài bão của tuổi trẻ, nhưng năm 19 tuổi, anh bị đụng xe, tai nạn đó đã làm gẫy cột sống, toàn thân bại liệt và anh đã phải nằm trên giường bệnh hơn 16 năm qua, anh là bệnh nhân tại Garden Park Care Center (thành phố Garden Grove), chịu hoàn toàn sự chăm sóc bởi những y tá, bác sĩ, trợ lý y tá (điều dưỡng, hộ lý).

Anh bảo rằng đối với anh nursing home không phải là một nơi đáng sợ như quan niệm của nhiều người, mà nursing home mà anh đang sống là một ngôi nhà ấm áp, anh rất yêu ngôi nhà này, chính những ân cần của các nhân viên cùng tình thương mến của các bệnh nhân sống tại đây đã giúp anh vượt qua những buồn tủi mà số phận đã an bày cho anh. Tình yêu thương đó đã giúp anh nghị lực và tìm niềm vui trong nổi bất hạnh của mình, anh đã học vẽ bằng miệng khi sống tại đây và đã có nhiều triễn lãm cá nhân thành công.

Ngay chính ban giám đốc của Garden Park Care Center luôn tạo điều kiện giúp anh tổ chức triển lãm tranh ngay tại đây, cô giáo Elizabeth Thu Hải là nhân viên của phòng sinh hoạt của nơi này luôn trợ giúp anh pha màu mỗi khi anh muốn thực hiện một tác phẩm.

Còn với nhạc sĩ tài tử Trần Văn Trọng, đã từng tham gia trong ban nhạc Sao Băng, sống tại viện dưỡng lão Mission Palms Healthcare Center (thành phố Westminster) hơn 11 năm rồi. Ông đã bị trúng miển của đạn pháo vào tết Mậu Thân 1968, và bị liệt phải ngồi xe lăn khi ông mới tròn 18 tuổi. Năm 1975 mất nước, ông được vị cha cố từng nuôi dưỡng anh và một số bệnh nhân tàn tật ngay tại Sài Gòn đưa sang Mỹ. Khoảng hơn 11 năm nay, khi sức khỏe kém, ông không thể tự săn sóc cho mình, nên ông phải vào sống trong viện dưỡng lão.

Ông kể, trước khi chuyển vào Mission Palms Healthcare Center, ông có ở tại một nursing home thành phố Long Beach vài tháng, nhưng vào đó, ông buồn quá, vì không có thức ăn Việt Nam, không có nhân viên và người bệnh Việt Nam ở cùng, nên không có những sinh hoạt giải trí gắn với văn hóa Việt, anh thấy việc mình phải vào sống trong viện dưỡng lão là một ác mộng, nhưng may mắn là ông đã chuyển về Mission Palms Healthcare Center, tinh thần của ông hồi phục lại, ông rất yêu nơi ở này, vì vậy ông không muốn chuyển đi nơi khác nữa, vì có thể nơi mới sẽ không bằng nơi đây.

Ông Nguyễn Charles (94 tuổi) là bệnh nhân ở tạm thời tại Mission Palms Healthcare Center do chân bị yếu không đi được, phải vào đây ở vài tháng để tập vật lý trị liệu và khi sức khỏe hồi phục, ông được cho về nhà. Ông cho biết ông đang sống cùng gia đình người con trai thứ nhì, vì tuổi cao, nên gia đình có mướn người “bán thời gian” đến lo cho ông vài giờ mỗi ngày, giúp ông ăn uống, tắm rửa, thuốc men …

Vào nursing home này ông thấy vui vì có bạn đồng tuổi, có những sinh hoạt giải trí cả ngày giúp ông vui vẻ, thức ăn Việt, nếu sau này ông buột phải vào sống cuối đời tại Viện Dưỡng Lão thì ông sẽ chọn nơi này, đây là một địa chỉ đáng tin cậy. Tuy nhiên, ông rất vui khi sức khỏe hồi phục, ông lại được về nhà với con.

Ông Lâm Khánh (83 tuổi) cho biết dù có 3 con, nhưng ông vẫn muốn sống độc lập một mình, không phiền hà con, cháu, trước khi vào Mission Palms Healthcare Center, ông ở housing một mình, hơn hai năm nay do ông bị thoái hóa xương, phải ngồi xe lăn, ông phải vào đây để được săn sóc, ông không muốn về ở cô độc một mình nữa, vì nhân viên ở đây đối đãi rất thân tình, từ ăn uống, chỗ ở, lại có bạn bè đồng cảnh ngộ, giúp ông đỡ cô đơn hơn.

Bà Lưu Nói (79 tuổi) có 7 người con, trước đây sống ở San Jose, ở housing 1 mình, hơn 2 năm trước, bà bị đau vai, phải mổ, chân yếu, phải ngồi xe lăn, không tự chăm sóc bản thân, nên phải vào nursing home, bà kể, “Khi tôi ở trong nursing home tại San Jose, tôi không hài lòng, con rể tôi sống ở vùng Nam California tìm được VDL này, giới thiệu tôi vào đây. Khi vô đây sống, tôi rất hài lòng. Mấy cô điều dưỡng trong này rất vui vẻ, chăm sóc chúng tôi tốt, làm cái gì cũng mau mắn lẹ làng. Mấy đứa con tôi, ai cũng có gia đình hết rồi, nếu ở với con trai, thì không hợp với con dâu, còn ở với con gái, thì có con rể cũng không hợp. Tôi vào ở trong này vậy mà lại khỏe hơn. Cuối tuần, dịp lễ các con vào thăm, tình cảm gắn bó hơn, chứ còn ở chung, nhiều khi không hạp, tình cảm dễ sứt mẻ. Nhất là khi mình thấy gì không vừa ý, la rầy con, cháu, thì nó giận, nó hờn, thôi thà mình ở một mình, nó đến thăm tình cảm vẫn vui vẻ.”

Ký giả Lê Thụy vốn là một phóng viên kỳ cựu của nhật báo Người Việt, khoảng hơn hai năm trước bị đột quỵ phải vào điều trị tại Nursing home tâm sự rằng, vốn là một người ưa thích hoạt động, thường đi săn tin viết bài… nay phải nằm một chỗ, ông rất buồn. Ông Thụy nói, “Vào đây sống, tôi buồn lắm, phải xa bạn bè, xa gia đình, tôi chỉ mong mình sớm hồi phục sức khỏe để về lại với gia đình. Tôi nghĩ không ai muốn vào nơi này cả, chỉ vì bất đắc dĩ mới phải vào đây thôi.”

Để kết thúc bài viết này, người viết xin được mượn lời tâm sự của nghệ sĩ Thành Lễ, là sáng lập viên của hội từ thiện Ngọc Trong Tim, anh thường dành thời gian đến các viện dưỡng lão để thăm các bệnh nhân tại đây. Anh nói, “Có lần nhìn thấy một cụ bà lớn tuổi không biết nói tiếng Anh nói với người hộ lý đang bận rộn với một bệnh nhân khác là bà vừa lỡ đi bậy ra quần, xin cô thay giùm, bà vừa nói vừa cười tỏ vẻ như hối lỗi, cô hộ lý người Mexican hỏi lại bằng tiếng Anh, bà tiếp tục giải thích bằng tiếng Việt. Lúc ấy, tôi cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến người con, người cháu của cụ bà vì bận rộn mưu sinh mà đành để mẹ, bà mình trong viện dưỡng lão và phải đối diện với những khó khăn của tuổi già, bệnh tật cũng như sự cô đơn.

“Không chỉ ở nursing home, tôi nghĩ ít có ai vào nhà thương mà không cảm thấy chạnh lòng cho người thân của mình, cho những bệnh nhân đang nằm bên cạnh. Họ rên khi bị đau. Tôi rất thường vào các viện dưỡng lão có người Việt ở đông, để thăm các cụ cao niên trong này. Với tôi những cụ này chính là các ân nhân của các hội từ thiện, khi các cụ chưa vào các viện dưỡng lão, nhiều cụ thường gửi số tiền ít ỏi mình có đến những tổ chức từ thiện để giúp đỡ những người nghèo khổ, kém may mắn, nay các cụ vào trong viện dưỡng lão, tôi thấy mình có bổn phận vào viếng thăm, nhiều cụ già rồi rất thích kể chuyện và muốn có người lắng nghe.

“Những dịp như lễ tạ ơn, giáng sinh, tết, nếu không bận đi show, tôi luôn dành thời gian vào viện dưỡng lão, dịp lễ thường các cụ trong viện dưỡng lão dễ cảm thấy cô đơn nhiều hơn, vì đây là thời gian để sum họp gia đình, nhưng với những cụ không có thân nhân vào thăm viếng thường xuyên, thời gian này các cụ rất buồn. Nếu những ai muốn làm việc thiện nguyện, không cần làm gì to lớn, chỉ cần dành thời gian đến thăm các cụ trong viện dưỡng lão, ngồi nghe các cụ nói chuyện, đó cũng đủ rồi.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT