Người Việt Khắp Nơi

Vĩnh biệt bà Nguyễn Ánh Tuyết, người trợ giúp cộng đồng Việt, đã ra đi vì Covid-19

Thursday, 11/06/2020 - 05:07:21

Tính đến ngày thứ Năm, 11 tháng 6, Hoa Kỳ đã có hơn 116,000 người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19, cao nhất thế giới và có lẽ Hoa Kỳ sẽ giữ vị trí này cho đến ngày đại dịch chấm dứt. Trong số người qua đời vì Covid-19 thì có một số người Mỹ gốc Việt.


Bà Nguyễn Ánh Tuyết với anh Timothy Trần, chủ nhân của tiệm Đi Ăn Đi. (Photo: Courtesy of Timothy Tran)

NEW YORK - Tính đến ngày thứ Năm, 11 tháng 6, Hoa Kỳ đã có hơn 116,000 người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19, cao nhất thế giới và có lẽ Hoa Kỳ sẽ giữ vị trí này cho đến ngày đại dịch chấm dứt. Trong số người qua đời vì Covid-19 thì có một số người Mỹ gốc Việt. Dựa trên các tin địa phương và trang xã hội Facebook, một trong những người gốc Việt đó là bà Nguyễn Ánh Tuyết, 64 tuổi, một vị ân nhân của nhiều nhà hàng tại New York.

Bà Tuyết bị nhiễm bệnh và đã xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng bệnh viện đã cho bà về nhà để bà tự cách ly, uống thuốc. Đến khi bà bị bệnh quá nặng, nguy kịch, họ mới cho bà nhập viện và rồi bà đã không qua khỏi.

Dưới đây là trích đoạn từ một bài viết đăng trên mạng Grub Street của tác giả Chris Crowley đăng ngày 8 tháng 6, cho thấy một phần về cuộc đời đẹp và đầy ý nghĩa của bà Ánh Tuyết.
*
Bà Nguyễn Ánh Tuyết không là một trưởng bếp. Bà cũng không là chủ nhân của một nhà hàng, một quản lý, một người rửa chén, hay một tiếp viên. Bà cũng không phải là người sống lâu năm trong nghề bán thức ăn, giữ vững một cơ sở giữa cơn sóng của tiền thuê nhà tăng giá vùn vụt, bà cũng không là chủ nhân của một hệ thống tiệm ăn tạo ảnh hưởng trên thị trường ẩm thực tại thành phố New York. Bà sẽ không được biết tới như một người từng tạo một món ăn hay một thức uống nổi tiếng, hay một phong cách nhà hàng tại năm quận ở New York. Nhưng đối với những ai từng quen biết, bà Nguyễn Ánh Tuyết là một người mẹ, một người dẫn dắt chuyên giúp những di dân gốc Việt được nối kết vào văn hóa của người Mỹ. Bà còn là một sợi dây nối liền các thế hệ người Mỹ gốc Việt với nhau. Vào ngày 7 tháng Tư, họ đã mất bà vĩnh viễn, khi bà qua đời vì Covid-19, hưởng thọ 64 tuổi.

Cô Helen Nguyễn, chủ nhân của tiệm Saigon Social tại Lower East Side và không có liên hệ bà con với bà Tuyết, đã nói về bà như sau, “Đối với cộng đồng người Việt tại New York đây, tôi phải nói rằng chúng tôi xem bà là một trong những nhân vật lãnh đạo nổi bật nhất của cộng đồng. Hầu như không có một chủ nhà hàng hay một chủ tiệm nào ở New York mà bà không quen biết và có liên hệ tốt với họ.”

Bà Nguyễn Ánh Tuyết chào đời ngày 29 tháng Hai, 1956 tại Gia Định thuộc vùng phụ cận Sài Gòn. Khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, gia đình bà thoát khỏi Việt Nam và tị nạn tại San Antonio, Texas. Khi đó bà được 19 tuổi. Bà rời Texas để đến Wisconsin năm 1976 vì sự đe dọa của một ông đồng hương lớn tuổi và có cảm tình với bà. Ông ta đã trở nên hung dữ khi bà từ chối kết hôn với ông. Gia đình bà cũng bị cái ông này hăm dọa. (Câu chuyện này được một cháu gái của bà kể thêm trong một bài báo khác.) Vào năm 1981, bà kết hôn với ông Robert B. Pollock tại Minnesota, người làm chung sở với bà. Họ dọn nhà đến New York năm 1999 khi ông được thăng chức. Sau một thời gian thì bà về hưu, tham gia các hội hoạt động về nghệ thuật, văn hóa, và từ thiện, như Film Forum, Dance to Unite, Vietnamese Heritage Center, và Joyce Theater. Vợ chồng bà có nhà ở Tribeca, New York và gần Lake Tahoe, California, nơi bà đã bị nhiễm bệnh.

Anh John Nguyễn, cháu trai gọi bà bằng cô nói rằng ban đầu nhà thương đã từ chối cho bà nhập viện, khuyên bà hãy ở nhà vì nơi đó an toàn hơn.

Ông Corbin Nguyễn, em út trong gia đình, cho biết, “Chị tôi đã có vài triệu chứng như ho và mệt, Chị du lịch nhiều và rất bận rộn, và rồi thử nghiệm với kết quả dương tính khoảng một tuần trước khi từ trần. Qua một đêm thì chị cảm thấy khó thở và rồi sức khỏe sa sút mau chóng.”

Anh John cho biết bà chỉ được nhập viện sau khi ngưng thở. Một máy bay trực thăng đã chở bà khẩn cấp từ Lake Tahoe đến thành phố Reno, Nevada ở gần đó.

John Nguyễn kể rằng bà Tuyết đã giữ vai trò một người mẹ đối với các em và gia đình của họ. “Bà rất thương các cháu trai, cháu gái, cung cấp cho các cháu rất nhiều thứ.”

Không chỉ người trong gia đình, những người khác từng gặp bà Nguyễn Ánh Tuyết cũng nhận thấy bà rất thương người và lo cho mọi người, luôn tìm cách nối kết mọi người trong cộng đồng Việt Nam lại với nhau, có khi mời họ đến ăn tối ở nhà bà.

Anh Timothy Trần, tổng quản lý của nhà hàng Di An Di (Đi Ăn Đi) trong khu vực Greenpoint kể, “Tôi cảm thấy một mất mát rất lớn. Bà từng gặp tôi và hỏi mục tiêu của tôi sống ở New York là gì. Tôi có nói với bà rằng tôi muốn tạo một cộng đồng người Việt tại New York City, như là tạo một khu phố gọi là V-Town. Tôi nhận thấy bà là người rất giỏi cho mục tiêu đó, vì bà có thể kết nối một thế hệ người Việt lớn tuổi với thế hệ của chúng tôi, tạo dựng những điều tốt về văn hóa, nhà hàng tại New York City.”

Một người khác cũng nhớ ơn bà Tuyết là cô Tôn Nhu, người đến Mỹ khi đã trên 20 tuổi. Cô gặp bà khoảng năm năm trước, khi một người bạn mời cô dự tiệc sinh nhật của bà Tuyết. Qua lần gặp gỡ đó, cô được bà giới thiệu đến các bảo tàng viện, những người bạn Mỹ, những nhà hàng ngon mà lúc bấy giờ Tôn Nhu không có đủ khả năng để trả tiền. Giờ đây Tôn Nhu là đồng chủ nhân của nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều trong quận Bronx. Bà Tuyết và chồng đã cho Tôn Nhu mượn $10,000 không lấy tiền lời để hùn vốn với John Nguyễn và mở tiệm cơm tấm. Cô nói về bà Tuyết, “Bà đã giúp tôi hiểu được cách kinh doanh nhà hàng. Tôi không thể nào có được như hiện nay nếu không được bà giúp đỡ.”

Một cô chủ tiệm khác cũng mang ơn bà Tuyết là My Sophie Nguyễn, chủ nhân của tiệm bán thức ăn nhanh Vietspot tại Tribeca. Cô Sophie nhận xét, “Bà Tuyết sẵn sàng đón nhận bất cứ ai mà không tìm cách sửa đổi họ, nhưng chỉ dẫn cho họ có một hướng đi tốt hơn.”

Anh Matt Lê-Khắc, người mới mở nhà hàng Bolero ở Williamsburg trước khi phải tạm đóng cửa vì đại dịch, nói, “Tôi cảm thấy bà Tuyết là một người mẹ nuôi của cộng đồng người Việt tại New York, vì bà biết cách đưa mọi người đến gần với nhau.”

Anh Matt từng nấu ăn tại tiệm An Choi (Ăn Chơi) trong phố Lower East Side, nơi anh được gặp bà Tuyết khi bà đến tiệm và hỏi nơi đây có thể tổ chức một buổi Vấn-Đáp về phim tài liệu Last Days in Vietnam. Anh Matt kể, “Tôi gặp bà sau khi mẹ tôi mới qua đời, nên tôi xem bà như mẹ nuôi của mình. Bà là người mà tôi cảm thấy rất cần lúc bấy giờ.”

Cô Helen Nguyễn, chủ tiệm Saigon Social, kể thêm, “Tôi thường gọi bà là Cô A.T., xem bà như một người cô ruột, mẹ ruột của tôi. Không chỉ giúp chuyện lập nhà hàng, Cô A.T. còn chia sẻ với tôi bất cứ chuyện gì mà tôi muốn chia sẻ.”

Helen nói chuyện lần cuối với bà Tuyết vào ngày 1 tháng Tư, chỉ một tuần trước khi bà ra đi vĩnh viễn. Cô còn nhớ bà nói qua điện thoại rằng khi trở về New York thì bà sẽ ghé tiệm của Helen để ăn món cơm thịt nướng khá nổi tiếng của tiệm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT