Người Việt Khắp Nơi

Vĩnh biệt nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng

Saturday, 13/09/2014 - 09:02:48

Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”


 

Vĩnh biệt nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng

 

SAN JOSE, Bắc California – Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”

Theo lời của gia đình dành cho báo chí và thân hữu tại Bắc California, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã ra đi rất thanh thản, nhẹ nhàng trước sự chứng kiến của gia đình gồm vợ là bà Trương Gia Vy, con trai và ba người con gái cùng các cháu nội ngoại từ xa về kịp. Một số thân hữu cũng đã có mặt trong phòng tại Viện Dưỡng Lão Mission De La Casa vào sáng thứ Bảy. Ông đã được đưa đến viện dưỡng lão này hơn một tuần sau một thời gian dài đối phó với một bệnh ưng thư xương hiếm có. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 10 giờ 45 phút sáng thứ Bảy, 13 tháng Chín, 2014, hưởng thọ 75 tuổi.

Không chỉ là một nhà văn có uy tín trong giới viết lách từ trước năm 1975 cho đến sau này tại hải ngoại, ông Nguyễn Xuân Hoàng còn là một nhà báo kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm, từng giữ vai trò Tổng Thư Ký của nhật báo Người Việt trong nhiều năm, và ông cũng giữ trách nhiệm tương tự khi cộng tác với cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong thời kỳ phôi thai của nhật báo Viễn Đông.

Vào năm 1998, ông lên San Jose và trong những năm cuối đời, ông và vợ Trương Gia Vy đã trông coi, chăm sóc tuần báo Việt Tribune ở San Jose. Trong cả hai lãnh vực viết văn và viết báo tại Nam và Bắc California, có lẽ ông trân quý và ưng ý nhất là vai trò chủ bút tờ Văn - một trong ba nguyệt san văn chương một thời được đánh giá cao ở hải ngoại, hai tờ kia là Văn Học và Thế Kỷ 21.

Theo trang Wikipedia, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, viết nhiều tác phẩm mà tác phẩm nổi bật là “Ý Nghĩ Trên Cỏ.”

Thời niên thiếu, ông học ở trường Võ Tánh, Nha Trang, trường Petrus Ký, Sài Gòn.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Lạt, khoa Triết (1958-1961), rồi giảng dạy môn Triết tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa (1961-1962), tại trường Pétrus Ký ở Sài Gòn (1962-1975). Ngoài ra, ông còn làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).

 Năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose. Năm 1986-1997, ông làm tổng thư ký báo Người Việt Daily News, Nam California. Năm 1989- 1994, ông còn là tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21.

Từ năm 1996, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn, đồng thời ông làm tổng thư ký cho báo Việt Mercury trực thuộc nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ từ năm 1998 đến năm 2005. Trong những năm sau đó cho đến ngày qua đời, với sự trợ giúp của vợ, ông điều hành tờ Việt Tribune, một tuần báo có uy tín tại Bắc California

Ông đã xuất bản những tập truyện ngắn Mù Sương (1966), Sinh Nhật (1968), những truyện dài

Khu Rừng Hực Lửa (1972), Kẻ Tà Đạo (1973), Người Đi Trên Mây (1987), Sa Mạc (1989),

và Bụi và Rác (1996). Trong các thể loại khác, ông viết Ý Nghĩ Trên Cỏ (tiểu luận, 1971), Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu (tùy bút, 1974), Căn Nhà Ngói Đỏ (tạp ghi, 1989).

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là người vui tính, bặt thiệp, nói chuyện dễ dàng với bất cứ ai và lôi cuốn họ vào những câu chuyện lý thú từ chuyện đời thường đến triết lý, văn chương. Đối với những người thân quen, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hầu như lúc nào cũng nói chuyện rất vui vẻ, dáng dấp trẻ trung. Ông từng nói với các bạn rằng ông cảm thấy thoải mái nhất khi mặc quần jeans, áo chemise, và không thích mặc những bộ đồ vét trong quá trịnh trọng. Tiểu sử của ông có nơi ghi là sanh ngày 7 tháng Bảy, 1937, có nơi ghi sanh năm 1940.

Trong một cuộc phỏng vấn do Lê Quỳnh Mai thực hiện và in sách năm 2004, trước một câu hỏii về “danh vọng và tuổi trẻ, ông chọn điều nào? Và nếu cho làm lại từ đầu, ông sẽ đi theo con đường nào?” nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: “Tôi thích tuổi trẻ và tôi không cần danh vọng. Mặc dù tuổi trẻ và danh vọng cũng là những thứ sẽ qua đi, như bóng mây. Nhưng tuổi trẻ là điều tôi thích thú, bởi vì mới ngày nào… và bây giờ … Nếu cho làm lại từ đầu, tôi sẽ chọn việc viết văn. Tôi yêu chữ nghĩa hơn những thứ khác.”

Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, khi nói về sự khác biệt giữa hai lãnh vực viết văn và làm báo, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: “Làm báo đôi khi giết chết công việc viết văn. Nhất là làm báo tin tức, thời sự. Thời sự – actualité – là cái sẽ qua đi. Còn tác phẩm văn chương là cái còn lại. Người làm báo chạy theo thời gian, người viết văn đôi khi có thể nhẩn nhơ. Làm báo là ăn fastfood, làm văn là ngồi vào bàn ăn từ từ thưởng thức nghệ thuật nấu nướng.”

Trong hơn một năm nằm ở nhà vì cơn bệnh trầm kha, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã được rất nhiều bạn bè ở gần cũng như từ xa đến thăm hỏi. Đặc biệt là những cựu học sinh của hai trường Ngô Quyền và Petrus Ký. Họ đã theo dõi bệnh tình của ông, đến viếng thăm tại nhà, thường xuyên báo tin cho nhau biết về tình trạng của người mà họ luôn gọi một cách kính mến là “Thầy.”

Một trong các cựu học sinh Ngô Quyền là cô Tưởng Dung, trưởng ban biên tập của web Ngô Quyền và đảm trách việc thành lập 'rang “Thư quán Nguyễn Xuân Hoàng”' nhằm thu thập tất cả những hình ảnh, bài viết, tài liệu về nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.”

Sau khi hay tin nhà văn đã ra đi vĩnh viễn, Tưởng Dung sống ở Nam California nói với báo Viễn Đông: “Dù biết tình trạng sức khỏe của Thầy Nguyễn Xuân Hoàng từ hơn một năm nay đang được tính từng giờ, từng ngày theo lời chuẩn đoán của bác sĩ nhưng sáng nay được tin Thầy mất tôi vẫn thảng thốt, lặng người.

“Sinh ký tử quy là định luật của đất trời. Nơi ‘cõi tạm’ Thầy đã sống xứng đáng với vai trò là một Nhà Văn, Nhà Giáo bằng nhân cách và những cống hiến của mình cho văn học Việt Nam thì  trên đường đến ''cõi về'' hôm nay tôi tin rằng Thầy cũng sẽ thanh thản, an nhiên như lần tôi cùng một số Thầy trò Ngô Quyền đến thăm thầy hồi đầu tháng 7 vừa qua qua để báo tin ''Thư quán Nguyễn Xuân Hoàng'' đã được thành lập trên trang web NQ.”

Một trong những người thường xuyên đến thăm “Thầy Hoàng” là cô Nguyễn Trần Diệu Hương, một cựu học sinh trường Ngô Quyền sống ở San Jose. Diệu Hương là một trong những người đã có mặt ở viện dưỡng lão sáng thứ Bảy. Cô kể lại với báo Viễn Đông như sau:

“Sáng nay một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được lẽ vô thường của đời sống khi vào thăm Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy dạy Triết của các đàn anh đàn chị Ngô Quyền, Thầy dạy văn chương của tôi. Tôi đến Mission De La Casa vào lúc 11 giờ, giờ cho visitors vào thăm.

"Hình như tôi là người khách đầu tiên sign up cho ngày 13 tháng 9, vậy mà vẫn không kịp chào Thầy lần cuối.

“Cũng phòng số 115  ở Mission De La Casa, anh chị em chúng tôi đã đến thăm Thầy và từng người đã cúi xuống chào Thầy lần cuối Chủ Nhật tuần rồi. Hôm nay (13 tháng 9) chỉ có Cô Vy (người bạn đời) của Thầy và 3 cô con gái của Thầy Cô ngồi quanh giường, Thầy nằm đó mền đắp đến cằm, mắt nhắm nghiền, bình thản như đang ngủ.

“Tôi chạm (tay vào) trán Thầy, vầng trán hãy còn ấm, thì thầm trong đầu, ‘Thầy ơi em biết Thầy vẫn còn ở quanh đây, em đến thăm Thầy lần cuối.’

“Ngoài Cô Vy, các con và các cháu ngoại của Thầy còn có vài học trò của Thầy ở Ngô Quyền, ở Petrus Ký, vài người bạn trong giới viết văn làm báo của Thầy.

“Chúng tôi dưới sự hướng dẫn của Thầy Pháp Chân trụ trì Chùa Liễu Quán đọc kinh tiếp dẫn cho Thầy, Nhà Văn Nhà Giáo Nguyễn Xuân Hoàng, Phật tử Nguyên Tâm.

“Đầu óc tôi lùng bùng chỉ nhớ loáng thoáng ‘đạo hữu Nguyễn Xuân Hoàng, Phật tử  Nguyên Tâm yên lòng về bờ bến mới, không còn khổ đau bệnh tật...’ để an ủi tang quyến, và tự an ủi mình là Thầy đã được giải thoát.

“Ai đó đã kịp đưa cho Cô hai cái hoa hồng tươi màu đỏ để cài theo Thầy về OakHill. Chúng tôi(TH và DH), hai CHS Ngô Quyền đi theo sau "chiếc giường dài có bánh xe đẩy" được hai người Mỹ cao lớn đẩy, đi sau Thầy Pháp Chân cùng Cô Vy, và vài người thân ra chuyến xe cuối cùng của đời người do một người Mỹ cầm lái, Thầy nằm phía sau trong túi nylon có cài hai hoa hồng đỏ (quà tặng tình yêu cuối đời Cô tặng cho Thầy).

“Hai người Mỹ đến đưa Thầy về đồi OakHill rất lịch sự chắp tay chào cô Vỵ và chúng tôi. Cô khóc nghẹn ngào....”

Lễ hỏa thiêu sẽ được thực hiện theo ước nguyện của người quá cố vào cuối tuần sau. (vđ)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT