Người Việt Khắp Nơi

Vĩnh biệt nhà văn, nhà giáo dục Đỗ Phương Khanh (1936-2020)

Thursday, 27/08/2020 - 06:43:29

“Mẹ tôi đã ra đi vào trưa ngày hôm qua [thứ Tư] 26 tháng Tám, 2020 với đầy đủ con cháu chung quanh...


Bà Đỗ Phương Khanh trong hình chụp tại tòa soạn tuần báo Thiếu Nhi tại Sài Gòn trước năm 1975. (Hình từ Michael Bui Facebook)


WESTMINSTER - “Mẹ tôi đã ra đi vào trưa ngày hôm qua [thứ Tư] 26 tháng Tám, 2020 với đầy đủ con cháu chung quanh. Mẹ ơi, tối hôm qua lúc xe nhà quàn tới đưa Mẹ đi, tụi con tiễn Mẹ cho tới giờ xe lăn bánh. Kỷ niệm của những năm tháng thời thơ ấu lại trở về đầy ắp trong tâm trí. Bao nhiêu âu yếm ân cần mà Mẹ cho tụi con nay đã trở thành dĩ vãng.”

Đây là những dòng chữ anh Michael Bùi viết trên trang facebook cá nhân đăng hôm thứ Năm, về người mẹ thân yêu của anh, bà Đỗ Phương Khanh, hưởng thọ 84 tuổi. Tuy ít xuất hiện trước công chúng, bà là người hậu thuẫn đằng sau hai nhân vật có tiếng tăm trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Bà Đỗ Phương Khanh chính là vợ của nhà văn Nhật Tiến và mẹ của cô Mai Khanh của hai đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV.

Theo những trang blog thơ văn và của riêng bà, nhà văn Đỗ Phương Khanh sinh ngày 9 tháng 8, 1936 tại Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Bà xuất hiện lần đầu trên lãnh vực văn chương với truyện ngắn Đi Mua Giầy trên Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay của nhà văn Nhất Linh năm 1958). Bà có ba truyện ngắn được Nhất Linh chọn in trên Giai Phẩm này ở các số kế tiếp. Sau khi Văn Hóa Ngày Nay đình bản, bà qua cộng tác với tạp chí Tân Phong của nhà văn Nguyễn Thị Vinh với nhiều truyện ngắn khác, sau xuất bản thành tập truyện Hương Thu do Đông Phương ấn hành.

Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, bà về làm quản lý cơ sở ấn loát Hồng Lam ở Sài Gòn do Linh Mục Cao Văn Luận làm Giám Đốc.

Đầu thập niên 70, bà giữ vai trò quản lý trị sự cho tuần báo Thiếu Nhi đồng thời phụ trách trang Vườn Hồng và sinh họat với Gia Đình Thiếu Nhi là một tập hợp độc giả của tuần báo này cho tới năm 1975.

Cũng trong thời gian này, bà Đỗ Phương Khanh phụ trách trang Nhi đồng cho nhật báo Hòa Bình với bút hiệu Mai Loan và là người phụ trách trang Phụ Nữ của nhật báo Dân Chủ cho tới năm 1975.

Bà cũng là giám đốc vườn trẻ Anh Vũ, một cơ sở mẫu giáo chuyên dạy trẻ em theo phương pháp Montessori từ năm 1973 tới 1975.

Trong bài viết “Mẹ Tôi,” anh Michael Bùi kể rằng sau năm 1975 gia đình anh mất hết tài sản dưới chế độ cộng sản. Anh còn nhớ mẹ anh phải mở quán bán thức ăn, sau dẹp quán và ngày ngày đi xe đạp làm công nhân.
Michael Bùi viết: “Là con người đầy nghị lực, Mẹ tôi lại lăn ra đường kiếm sống cũng như hàng triệu người Miền Nam khác, bằng cách mở quán bán Bánh Tôm Cỗ Ngư tại Hồ Con Rùa trước cửa Viện Đại Học Sài Gòn. Một thời gian sau cũng không xong phải dẹp tiệm vì bị công an rình rập, về nhà bà đi vay mượn rồi lại mở Cơ Sở Sản Xuất Nước Đá. Thấy có vẻ xôm trò, thế là Ủy Ban Nhân Dân Phường bắt phải đưa vào Hợp Tác Xã, tức mình Mẹ tôi dẹp luôn, nhất định không dây dưa gì đến chúng nó.”

Bà đã vay mượn tiền để gia đình vượt biên trong ba lần khác nhau. Michael Bùi cùng một người con đi trước. Đến tháng 4 năm 1980, bà đi đến chót cùng hai ái nữ vượt biển đến Mã Lai và rồi đoàn tụ với chồng con ở Hoa Kỳ vào tháng 10 cùng năm 1980.

Tại nước Mỹ, cũng theo lời của anh Michael, bà Phương Khanh cùng chồng cùng đi học lại và học nghề technician điện, và bà đã làm cho hãng Verifone cho tới ngày về hưu, trong khi các con thành đạt trong các lãnh vực truyền thông, địa ốc, và kinh doanh.

Trong những năm cuối đời, bà Đỗ Phương Khanh chọn cuộc sống an nhàn bên con cháu, dành thời giờ dịch những tài liệu về bảo vệ loài vật và những câu chuyện của nhà tư tưởng J. Krishnamurti dưới những bút hiệu Danny Việt, Vy Khanh, đồng thời biên soạn chương trình Tìm Hiểu Phật Pháp Tuệ Đăng phát thanh hằng tuần trên Little Saigon Radio và Hồn Việt TV với bút hiệu Liên Hương. Bà cũng viết cho báo Sống Mới bằng bút hiệu Thuần Nhã.

Trong bài “Mẹ Tôi” được đăng lại toàn bài trên Viễn Đông Online (Mẹ Tôi / Cảm Niệm Giữa Đời), anh Michael Bùi kể: “Mẹ tôi là người ăn chay trường từ 30 năm nay. Bà sống rất đạm bạc, vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Cách đây vài tuần, bác sĩ phát giác ra Mẹ tôi trở bạo bệnh vào thời kỳ cuối. Không than van, không rên siết, không làm phiền tới ai. Mẹ tôi đã ra đi vào trưa ngày hôm qua [thứ Tư] 26 tháng Tám, 2020 với đầy đủ con cháu chung quanh. [...] Mẹ đã đi thật rồi thì con xin kính chúc Mẹ được thảnh thơi trên cõi Vĩnh Hằng. Đời Mẹ đã hy sinh cho tụi con như thế là quá đủ, Mẹ đừng bận tâm nữa Mẹ nhé.”



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT