Hôm Nay Ăn Gì

Vịt nướng chao xứ Huế

Monday, 01/11/2021 - 06:39:20

Đến Huế, nói về du lịch ở đây, có lẽ điều khiến người ta hài lòng nhất là thức ăn ngon, bổ, rẻ...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Đến Huế, nói về du lịch ở đây, có lẽ điều khiến người ta hài lòng nhất là thức ăn ngon, bổ, rẻ và các o, các mệ luôn chân thành, nhẹ nhàng, sâu lắng… ngồi nấu món, bán món. Ngoài điều này ra, hình như mọi thứ khác, Huế có thì nơi nào cũng có, thậm chí có những thứ Huế hơi nặng hơn nơi khác một chút, đâm ra du lịch Huế vẫn là lựa chọn gần áp chót của nhiều khách du lịch. Nhưng, chắc chắn một điều, nói tới món độc, lạ và thú vị, chỉ có ở Huế. Món vịt nướng chao xứ Huế là một ví dụ.

Món vịt nướng chao thì xin thưa xứ nào cũng có, nói về đầu tiên chinh có món này, người ta phải nhắc tới Sài Gòn, Chợ Lớn, rồi Vũng Tàu, Đồng Nai, nó không phải là món của người Huế. Nhưng, nói tới món vịt nướng chao xứ Huế, nó cũng giống như bún bò Huế, chỉ có ở xứ Huế. May sao, món này không bị chính quyền cũng như cơ quan văn hóa Huế đăng ký bản quyền, đòi tác quyền như họ đã từng làm với bún bò Huế. Nếu mà họ làm vậy, có lẽ tôi sẽ không dám viết bài này. Và cũng xin nhắc lại để quí vị thông cảm, người Huế rất dễ thương, nhưng người Huế có quyền lực thì rất khó ưa, đó là sự thật. Chính những người Huế có quyền lực hoặc giàu tiền bạc đã nhanh chóng đẩy Huế đến chỗ khó chơi, chứ Huế bình dân thì muôn đời là vậy, nhẹ nhàng, khiêm cung và sâu lắng, ý nhị.

Nói món ăn mà lại nhắc đến tính cách, đặc tính con người thì e rằng vừa mạo muội lại vừa đường đột. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu không nhắc đến các đặc điểm này thì làm sao có thể nói về món ăn của một vùng đất nào đó, nói về văn hóa ẩm thực vùng miền được. Bởi món ăn, văn hóa ẩm thực phụ thuộc rất lớn vào tâm thức, tâm lý và tính cách con người. Một người tính tình nóng nảy, bổ bả, hung hăng thì không thể chọn sống chậm, tinh tế, ăn uống cầu kì, mà nếu có chọn thì sẽ rất khó, bởi anh/chị ta phải thay đổi cách sống, điệu sống… Ngược lại, một người sống nhẹ nhàng, đậm mùi thiền, sống chậm, tinh tế, sâu sắc thì không thể ăn xì xụp theo cách mà người miền Bắc ngồi húp phở trong mô tả của báo Tuổi Trẻ được. Mọi thứ đều có tần số, điện trường tương ứng của nó, ẩm thực cũng không ngoại lệ.

Nói tới vịt nướng chao xứ Huế, là nói tới một món ăn cực kì mâu thuẫn, nó mâu thuẫn bởi đây là món ăn được hình thành, được chế biến và biến tấu bởi những người bình dân xứ này, nhưng nó lại rất cầu kì, nó là gạch nối giữa tinh tế với bổ bả, giữa sống chậm với vồn vập, giữa cục mích với ý nhị… Một món ăn mà khi nói tới nguyên liệu như vịt thì ít ai dám nghĩ nó sẽ thanh được, hơn nữa là vịt nướng chao. Nhưng không đâu, nhờ vào nghệ thuật chế biến, phối ngẫu âm dương ngũ hành mà nó trở thành món ăn rất thanh, cho ra một kiểu ăn tao nhã, tinh tế.

Nhưng, trước khi tao nhã, tinh tế, hãy xem qua nguyên liệu: Thịt vịt, chao, sa tế sả, quế, hồi, tiêu sọ, mật ong, ngũ vị hương, sả, ớt, hành ngò và nước ép thân cây nưa (một loại cây có lá giống với là cà rốt, bẹ dùng chẻ nhỏ để ăn rau sống, cấu trúc bẹ hơi giống với bẹ môn nhưng không gây ngứa mà thơm và ngọt, hình như chỉ có ở các bãi cát ven biển Huế). Với những thứ gia vị cùng nguyên liệu trên, nghe ra rất nặng mùi và khó để thành một món ngon mà thanh, nhẹ được. Thế nhưng, sau cái lần đi đám chạp mả ở Huế về, bà xã tôi kiếm được mấy bẹ nưa và nấu, sau đó không có bẹ nưa, nàng chuyển sang dùng cọng lá cà rốt ép thành nước, hóa ra lại ngon hơn, độc đáo hơn, nhưng dù sao tôi cũng phải gọi món này là vịt nướng chao xứ Huế, vì nó nặng mùi chao, bẹ nưa, mùi chỉ có ở xứ Huế.

Cách nướng cũng đơn giản, không khó lắm đâu, đầu tiên là rửa sạch miếng thịt vịt, có thể là một cái đùi vịt, cũng có thể nửa con hoặc nguyên một con. Rửa xong thì cho một chút rượu vào rửa tiếp và để ráo, sau đó cho tẩm nước ép nưa vào, chừng hai muỗng canh trên mỗi con vịt. Riêng chao thì trộn chung với một muỗng rượu nặng, tẩm vào con vịt, tẩm khi nào dính ướt thôi, không nhất thiết phải tẩm cho hết gia vị này. Đến phần các loại gia vị tạo mùi, đầu tiên là ngũ vị hương, tẩm vào, sau đó cho sả và các thứ khác tẩm quanh đùi vịt hoặc nửa con vịt, ngược lại, nếu nguyên con thì cho các thứ hoa đại hồi, quế, tiêu (đâm dập), sả, ớt, sa tế sả, các thứ đã chuẩn bị vào bụng vịt, khâu lại. Riêng mật ong thì phết bên ngoài da vịt. Bắt đầu quay, chừng mươi phút lại phết một lớp mật ong lên da vịt, cho đến khi nào vịt chín thì thái thịt theo kiểu vịt quay Bắc Kinh. Món này có thể dùng kèm nước chấm đơn giản hoặc cầu kì một chút. Đơn giản thì chỉ cần chút tương ớt quyện chung với nước tương (xì dầu), cầu kì chút thì phi thơm chút dầu phụng với sả, tỏi băm nhỏ, thêm chút nước tương, chút đường và đặc biệt là nước từ bụng vịt sau khi quay. Đun sôi tất cả, nêm mếm vừa rồi cho ra chén, rắc thêm chút mè rang là đã có được chén nước chấm ngon lành!

Một món ăn có thể nói là vừa đơn giản vừa cầu kì, nếu có thời gian quý vị hãy thử món này.

Cầu chúc quý vị có một bữa ăn ngon miệng và ấm áp!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT