Hôm Nay Ăn Gì

Vịt quay Lạng Sơn, món ngon thuần Việt

Thursday, 02/07/2020 - 05:48:48

Chắc nhiều người biết qua món vịt quay Bắc Kinh nhưng không mấy người biết món vịt quay Lạng Sơn.


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM
Chắc nhiều người biết qua món vịt quay Bắc Kinh nhưng không mấy người biết món vịt quay Lạng Sơn. Bởi món ăn này tuy là truyền thống, lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng và cả người Việt trên vùng Đông Bắc Việt Nam. Nhưng mãi về sau, khi du lịch mở cửa, chuyện ngăn sống cấm chợ không còn thì người ta mới nhớ tới món ăn này, tuy hơi muộn màng nhưng dẫu sao, đây cũng là món thuần Việt, món ngon, rất ngon nữa là đằng khác. Và đây cũng là món dễ làm, dễ nhớ và dễ ăn, bởi nó mang khẩu vị, phong vị Việt. Chắc chắn là vậy rồi!

Hồi nhỏ, học mấy câu ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.” Tôi mơ hồ không biết Đồng Đăng ở nơi nào, nhưng nghe có gì đó rất gần, thân thương mà cũng huyền bí, khó nói.
Thế rồi khi lớn lên, lần đầu nghe trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương, mà nghiệt là nghe trong lúc ngồi thiu thiu ngủ trong xe khách Bắc - Nam, lúc đi qua đèo Cả, đoạn giữa đèo Cả và đèo Cổ Mã, nhìn lên ngọn núi phía Đông, thấy một hòn đá hình người mẹ bồng con nhìn ra biển, tự dưng lạnh da gà, một chút buồn thân phận đầu đời thoáng qua… Và cũng từ cái giây phút đó, tôi luôn mơ có một ngày sẽ đến Lạng Sơn để đến Kỳ Lừa, đến thăm nàng Tô Thị, cũng bồng con ngóng chồng trên núi cao.

Thế rồi suốt gần hai mươi năm cơm áo gạo tiền, chẳng có cơ hội nào để đi, cho đến một ngày đưa vợ con đi thăm Hà Nội, ngược Lạng Sơn thì mới biết, bức tượng mẹ bồng con trên đỉnh núi Tô Thị là bức người ta mới đắp bằng xi măng, còn bức tượng đá núi, do thiên nhiên tạo tác đã bị đục nung vôi cách đây vài chục năm. Và, điều làm tôi ngạc nhiên là bức tượng nàng Tô Thị lại nằm trên đỉnh một ngọn núi sát với thành nhà Mạc, một khu quân sự được xây bọc bởi đá tảng, nằm trên một mặt phẵng có bốn bề là đỉnh núi, mặt phẳng này nằm ở lưng chừng núi, ngồi ở các chòi canh trên thành có thể nhìn ra bốn hướng, quan sát được quân địch đang tới…

Thế nhưng, tuy thành kiên cố nhưng lòng người không kiên cố thì mọi chuyện cũng chỉ tạm bợ… Tự dưng, đứng bên thành nhà Mạc, nhìn sang bức tượng Nàng Tô Thị, nhìn ra cánh đồng, thị trấn nhỏ nhoi và mênh mông bên dưới (cảm giác này tôi gặp thêm lần nữa, cũng giống y chang khung cảnh đứng trên thành nhà Mạc, đó là đứng trên đỉnh núi Sam ở Châu Đốc nhìn ra thị trấn và cánh đồng sau khi đi thăm khu tưởng niệm Ba Chúc về…), tự dưng chạm một nỗi buồn mênh mông nào đó.

Hình như nắm bắt được cảm giác của chúng tôi, Hải, tên người tài xế, cũng là hướng dẫn viên du lịch nói, “Thực ra, em ở gần đây, nhưng em cũng thấy chỗ này có gì đó hơi buồn, khó nói. Nhưng mà đây là điểm du lịch, nếu không đưa anh chị tới thì chẳng biết đi đâu, chợ Kỳ Lừa thì mở cửa ban đêm, giờ bán toàn đồ điện tử Trung Quốc, nó là cái chợ đầu mối hàng Trung Quốc, nói chung thì ở đây chỗ nào cũng đẹp nhưng chỗ nào cũng có vấn đề gì đó… Thôi, em giới thiệu anh chị món vịt quay Lạng Sơn nha, món này thuần Việt!”

Hải chở chúng tôi về lại thị trấn Đồng Đăng, một thị trấn nhỏ, nằm cách thành phố Lạng Sơn chừng 15 km, nơi đây là cái chảo lửa của chiến trường Đông Bắc 1979, sau cuộc chiến, toàn bộ thị trấn bị xóa sổ, chỉ còn lại đúng ngôi đền Thánh Mẫu là không bị bắn phá. Và cũng từ đó, người ta siêng đến nhang khói, đặc biệt là các cựu chiến binh từng tham gia đánh Trung Quốc ở đây đến nhang khói thường xuyên và nhiều nhất. Vì nơi đây đã che chở họ thoát chết trong lúc quân thù càn quét bằng xe tăng và súng cối, với chiến thuật biển người man rợ.

Gần Đền Mẫu có một quán cơm, cái quán cơm cũng khá lạ, quán thì nhỏ, chưa đầy 100 thước vuông, bàn ghế sạch sẽ, chủ quán ăn mặc lịch sự, ngồi cầm cái micro hễ thấy khách vào thì đọc: “Quán xin hân hạnh chào đón quí khách, xin mời quí khách vào bên trong, nghỉ ngơi, rửa mặt, uống nước và chọn món!” Nói xong lại đặt micro chừng vài giây, sau đó cầm micro nói tiếp: “Chúng ta có khách miền Nam thân yêu, xin các nhân viên phục vụ chu đáo và tận tình, để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi!”

Nghe thấy câu này tôi hơi ớn, vì ấn tượng “Bắc đểu” trong tôi còn khá nặng, chỉ sợ họ chơi chiêu “ngọt mật chết ruồi,” giờ họ chào mời, chút họ chặt chém “anh chị miền Nam” không đẹp không ăn tiền.

Quán không có menu, tôi lại càng phát lo, chỉ có các món ăn bày trong tủ kính, khách muốn chọn món thì tới đó chỉ cho người làm món, người này sẽ hâm nóng món ăn cho khách. Chúng tôi chọn một con vịt quay Lạng Sơn. Người bán hàng hỏi chúng tôi có ăn cơm, rau cải ngồng xào và canh không, chúng tôi nói có thì chị này lắc đầu nguây nguẩy khuyên chúng tôi chỉ nên gọi nửa con thôi, chứ cả một con thì ăn không hết, tốn kém vô ích.


(Tom/ Viễn Đông)

Cuối cùng, tôi thở phào, không phải vì sợ chặt chém mà sợ vợ con mình sẽ thất vọng sau chuyến đi thăm thú, quán tính tiền rất đàng hoàn, thân thiện, thậm chí có rẻ hơn so với các quán ở miền Nam một chút. Sau khi uống trà xong, chủ quán còn mời gia đình chúng tôi uống trà, và ăn bánh khảo (một loại bánh giống như bánh in của người Việt, bằng bột nếp sống, có bọc nhưn bằng mè, trước khi ăn phải nướng trên lửa than, bao giờ mùi thơm tỏa ra thì có thể vừa thổi vừa ăn. Hình ảnh các cụ già người Tày, Nùng ngồi nướng bánh trong cái lạnh co ro, họ vừa nói chuyện, uống trà và ăn bánh nhìn rất dễ thương…) Sau đó, chủ quán còn bày cho bà xã tôi cách làm vịt quay Lạng Sơn.

Nôm na là muốn có món vịt quay Lạng Sơn phải có lá Mắc Mật, nhưng loại lá này chỉ mọc ở núi Mẫu Sơn nên muốn ăn phải đi mua lá Mắc Mật khô mang về. Rất nay là chủ quán khuyên chúng tôi, “Đừng có coi trọng lá Mắc Mật quá mà mất ngon, lá này chỉ giúp cho món thịt trở nên thơm hơn, nhưng nó không phải là gia vị chính. Chỉ cần thay bằng lá chè xanh, hoặc thay bằng lá bưởi, lá chanh, lá nghệ đều ngon cả! Thậm chí là ngon hơn đấy!”

“Thịt vịt bỏ tủ đông càng tốt, lấy ra, rã đông, rửa sạch và giã một ít gừng, xát vào bên trong con vịt, sau đó rửa bằng nước ấm và cho lá Mắc Mật hoặc lá chanh, sả, một trái ớt xanh, tiêu, hành tỏi nhét vào bụng vịt, khâu kín lại, thoa một chút nước ngũ vị hương trộn với muối và màu gấc lên da vịt, để một chút rồi cho lên lò lửa than để nướng, nếu nướng bằng lò điện thì càng tốt, nướng chừng mươi phút thì lấy ra, phết một lớp mật ong ngoài da, sau đó lại cho vào lò nướng tiếp. Thời gian nướng lò điện kéo dài chừng 60 phút chứ không ngắn đâu, để nhiệt độ là 230 độ nhé! Nên nướng bằng lò điện, thịt sẽ thơm và mềm hơn, da lại dòn và dẽo nữa, ngon hơn nướng bằng lò than.”

“Vịt chín rồi thì lấy một ít nước tương, tức xì dầu đấy, sả xắt, bằm nhỏ phi cho thơm thì cho xì dầu vào. Đợi nó sôi lên thì cho một chút tương ớt vào, khuấy đều cho sền, tắt lừa bếp, cho ra chén ngay. Đợi nguội thì có thể chặt vị ra chấm với nó. Kèm theo một ít rau mùi, dưa leo, chuối chát hoặc thân cây chuối sứ xắt mỏng nữa thì rất ngon! Đấy, món các anh chị ăn đấy, thấy ngon không? Phải nói là rất ngon, quán em tự hào về món này, món khâu nhục không phải là món đinh của quán, vịt quay mới là món đinh.”

Dù sao thì giữa thời buổi nhiễu nhương, ngay trên đất Bắc, ngay cái xứ sở mà đi vài bước cũng có thể gặp một anh cò, chị cuốc nào đó xắt tiền trong túi mình không đẹp thì thôi, mà ở đây, lại gặp một chủ quán thân thiện, đối xử chừng mực và ấm áp đã chỉ cho mình cách làm một món ăn thuần Việt. Âu đó cũng là niềm vui sau một chuyến đi!

Có lẽ, giờ mỗi khi nhớ tới Lạng Sơn thì chắc chắn bà xã tôi lại làm món này, vịt quay Lạng Sơn. Xin cầu chúc quí vị có một bữa cơm gia đình ấm áp, vui vẻ!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT