Phóng Sự

VNHELP và những chương trình từ thiện (kỳ 3 và hết)

Sunday, 24/02/2019 - 09:24:55

Cô Anh Thư cho biết, các thành viên trong Ban Điều Hành của VNHELP đều không có lương. Các thiện nguyện viên của VNHELP ở Mỹ và ở Việt Nam cũng không có lương.


Các bệnh nhân chờ được mổ mắt từ thiện do VNHELP tài trợ. (vnhelp.org)

Bài BĂNG HUYỀN

Ban Điều Hành của Hội Từ Thiện VNHELP có sáu người, là những người làm những ngành nghề khác nhau. Người thì làm chủ hãng, người thì làm kế toán, kỹ sư, vân vân…Họ cùng nhau sắp xếp những chủ trương, luật lệ trong Hội, lên những kế hoạch, chương trình từ thiện. Tuổi của những người trẻ nhất trong Ban Điều Hành cũng gần 50 tuổi.
 

Chương trình mổ mắt từ thiện cho người nghèo tại Việt Nam do VNHELP tài trợ. (vnhelp.org)

Cô Đỗ Anh Thư là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành VNHELP cho biết VNHELP rất mong có những người trẻ tham gia vào Ban Điều Hành, nhưng VNHELP vẫn tìm chưa ra. “Mặc dù trong công việc hằng ngày của VNHELP và những lần tổ chức gây quỹ, VNHELP luôn có người trẻ đến giúp, họ chỉ là thiện nguyện viên. Nhưng trong Ban Chấp Hành thì vẫn đang tìm người trẻ để kế thừa chúng tôi trong tương lai, khi chúng tôi đến tuổi cần nghỉ ngơi, không còn sức khỏe để giúp VNHELP phát triển mạnh hơn nữa.”

Những kế hoạch để phát triển

Theo cô Đỗ Anh Thư, “VNHELP gần 28 tuổi kể từ khi ra đời đến nay, có cách làm việc rất vững vàng. Những chương trình từ thiện của VNHELP phụ thuộc vào sự đóng góp của quý ân nhân. Vì vậy chúng tôi luôn có kế hoạch trước, để kế hoạch tài chính luôn quân bình chứ không trồi sụt lên xuống.
“Tài trợ của VNHELP chủ yếu là các ân nhân ở bên Mỹ và có thêm ân nhân từ Canada, Úc, Châu Âu. Có năm sự đóng góp của ân nhân ít đi, vì kinh tế suy thoái, nhiều ân nhân mất việc, kinh doanh giảm sút. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng gây quỹ năm này bằng hoặc hơn năm ngoái. Khi chúng tôi thấy năm này kinh tế kém, có thể một số anh chị em ân nhân mất việc sẽ không đóng góp nhiều hơn, thì chúng tôi phải gây quỹ bằng cách khác.
 
 
Các học sinh nghèo, hiếu học, nhận học bổng do VNHELP tài trợ. (vnhelp.org)

“Ở bên Việt Nam cũng vậy, những chương trình Từ Thiện được đặt ra có tính cách lâu dài, nên VNHELP không thể giúp giữa chừng hết tiền, rồi bỏ họ. Ví dụ một viện mồ côi, VNHELP đang giúp các cháu, không gây quỹ được nhiều thì vẫn tiếp tục giúp, chứ không bỏ được. Vì vậy chúng tôi phải có kế hoạch, luôn giữ một phần dự trữ. Ngân sách luôn chia ra, năm nay gây quỹ được nhiêu đây, lấy ra bao nhiêu phần trăm để dự trữ, bao nhiêu phần trăm dùng cho những dự án. Có quỹ dự trữ đó, mục đích để năm nào gây quỹ hơi thấp đi, quỹ dự trữ sẽ được sử dụng, để các chương trình từ thiện của VNHELP không bị gián đoạn.”
 

Bệnh nhân được bác sĩ khám để mổ mắt cườm. (vnhelp.org)

Cô Anh Thư khẳng định, “Đó là cách VNHELP giữ uy tín đối với những nơi, những người được giúp tại Việt Nam. Họ là những người nhận được sự trợ giúp của VNHELP. Họ là những thiện nguyên viên của chúng tôi bên Việt Nam. Họ thấy chúng tôi làm đều đặn, có tiến chứ không có lùi. Thì họ sẽ tin tưởng mình hơn, và khi họ tin tưởng mình, thì họ càng giúp đỡ mình nhiều hơn.

“Nếu một Hội Từ Thiện giúp năm có năm không, năm nhiều năm ít, không có kế hoạch rõ ràng, uy tín không vững vàng, thì sẽ không được tin tưởng. Vì khi Hội VNHELP muốn giữ uy tín, mình phải giữ uy tín ở bên Mỹ và bên Việt Nam. Cả hai bên cùng tin tưởng VNHELP thì giúp đỡ của mọi người mới có nhiều.”
Cô Anh Thư giải thích, “Mình là người đem cho cũng phải giữ uy tín với người nhận. Chứ không phải vì cho, mình muốn làm gì thì làm. Giữ uy tín với người nhận, thì người nhận mới thực hiện theo đúng lời mình yêu cầu. Chứ người cho mà ba hồi cho, ba hồi không, nói không giữ lời, thì người nhận cũng không giữ lời với mình.”

Cô Anh Thư cho biết, các thành viên trong Ban Điều Hành của VNHELP đều không có lương. Các thiện nguyện viên của VNHELP ở Mỹ và ở Việt Nam cũng không có lương.

Cô nói, “ Trong cộng đồng người Việt chúng ta chưa quen, VNHELP đã gần 28 tuổi rồi, suốt khoảng 16 năm tất cả là thiện nguyên viên hết, đến lúc Hội phát triển đủ. Có nghĩa là công việc càng ngày càng nhiều hơn, các dự án từ thiện bên Việt Nam càng ngày càng nhiều hơn. Gây quỹ bên Mỹ càng ngày gây quỹ càng nhiều hơn. Thì phải có người làm việc. Vì các thiện nguyện viên khi nào rảnh thì giúp, khi nào bận chuyện gia đình, công ăn việc làm thì sẽ không có mặt. Do đó hơn 10 năm nay, VNHELP có nhân viên.
 

Các bệnh nhân chờ được mổ mắt từ thiện do VNHELP tài trợ. (vnhelp.org)

“Ở Mỹ, VNHELP có một nhân viên làm việc toàn thời gian, một nhân viên bán thời gian, vì nhân viên VNHELP lương khiêm nhường lắm, nên phải là những người rất có lòng mới làm được. Gọi là lương, nhưng so với đi làm những nơi khác không so sánh được, vì rất khiêm tốn. Nhưng VNHELP có trả lương để có nhân viên thường xuyên. Do công việc hằng ngày rất nhiều. Nếu chỉ có thiện nguyên viên thôi, thì có ngày không có ai đến làm hết. Tổ chức VNHELP phát triển tốt để có nhân viên, và càng ngày càng phát triển hơn.

“Thật sự VNHELP mong muốn có thêm nhân viên, nhưng chưa có khả năng. Tại Việt Nam, VNHELP có hai người nhân viên có lương, một người ở Hà Nội, một người ở Sài Gòn. Còn thiện nguyện viên bên Việt Nam và những người cộng tác với Hội, ở tại địa phương, giúp Hội chăm sóc các chương trình từ thiện tại địa phương, thì cũng không có lương.”

Mong ước trong tương lai

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua của VNHELP, cô Anh Thư cho rằng, “Điểm tốt là VNHELP đã phát triển đủ, có nhân viên thì mới có cơ hội phát triển thêm. Được sự tin tưởng của mọi người để trở thành một tổ chức thiện nguyện chuyên nghiệp, không phải vừa làm vừa chơi, không phải làm vì vui, mà làm từ thiện với tính cách chuyên nghiệp và thường xuyên, thì mới phát triển được.”

Tuy nhiên, “Hội VNHELP vẫn chưa xin được từ chính phủ Mỹ tiền gì hết. Lương nhân viên của VNHELP có bằng cách, khi chúng tôi viết đơn xin tiền các ân nhân cho số tiền lớn, chúng tôi nêu rõ các kế hoạch tài chánh, bao nhiêu tiền cho dự án, bao nhiêu tiền cho nhân viên… vân vân, gửi xin các công ty, các ân nhân đều đặn. Văn phòng của VNHELP cũng là do một ông chủ building giúp để VNHELP có văn phòng.
“Phía Bắc California nơi trụ sở của Hội nhận được nhiều trợ giúp lắm. Công việc hành chánh, kế toán, sổ sách giấy tờ, gây quỹ, báo cáo gửi đến các ân nhân hằng tháng một bản tin ngắn, một năm gửi hai bản tin dài, phải có người viết nắm đủ thông tin để viết báo cáo gửi các ân nhân. Phải có
người lay out, người tổ chức chương trình gây quỹ, kế toán.”

Cô Anh Thư nói, “Khi một Hội Từ Thiện phát triển, là phải có nhân viên. Vì những lý do: công việc càng ngày càng nhiều, cần phải có người làm. Nếu mình muốn nộp đơn xin tiền từ những công ty lớn, mà Hội không có nhân viên, thì các công ty lớn sẽ không cho. Một trong những điều kiện những công ty lớn cho tiền Hội Từ Thiện, Hội phải có nhân viên. Đây là điều mà nhiều người trong cộng đồng chúng ta không hiểu.

“Ví dụ một công ty đồng ý cho Hội $100,000 để làm dự án từ thiện, nhưng Hội chỉ toàn thiện nguyện viên, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn thành dự án này. Vì họ không tin thiện nguyện viê
n sẽ điều hành được những dự án lớn, vì họ biết thiện nguyện viên khi bận thì không làm, rảnh mới làm.
“Hồi 15 năm đầu, chúng tôi nộp đơn xin tiền từ các công ty lớn của Mỹ, họ hay hỏi Hội có bao nhiêu nhân viên, chúng tôi đề là không nhân viên. Chính vì vậy mà họ bỏ tên Hội VNHELP ra, không cho tiền. Nhiều người Việt thì nghĩ rằng đã là Hội Từ Thiện, thì phải thiện nguyện hết, không có lương.”

Cô Anh Thư giải thích thêm, “Đa số những nguồn tiền chính phủ Mỹ giúp cho những công trình, dự án từ thiện tại Mỹ là nhiều, chứ còn Hội chuyên giúp những dự án ở ngoài Mỹ nên VNHELP không xin được tiền của chính phủ Mỹ. Chính phủ sẽ cho những số tiền lớn, cả triệu dollar, mà khả năng Hội VNHELP thực hiện những dự án xin cả triệu dollar thì Hội vẫn chưa đủ điều kiện để được cho. Nên dù đã gần 28 tuổi, đã có uy tín rồi, nhưng VNHELP vẫn chưa thể xin được.

“Nhiều người nghĩ rằng những Hội Từ Thiện nhỏ, ít tiền thì xin những công ty lớn hoặc của chính phủ sẽ được cho tiền. Nhưng thật ra không phải vậy. Họ chỉ cho những Hội lớn. Hồi đầu khi mới hiểu điều này, tôi rất buồn, vì nghĩ rằng mình là Hội nhỏ thì mới cần giúp tiền hơn những Hội lớn mới đúng chứ. Nếu Hội lớn có ngân quỹ $10 triệu dollar, thì khi xin 2- 3 triệu là rất dễ dàng. Vì họ thấy Hội lớn có khả năng. Còn mình chỉ có $1 triệu dollar, mà mình xin $1 triệu dollar thì đâu được cho. Họ thường nhìn theo ngân sách của mình để đánh giá khả năng mình đến đâu. Nếu một Hội Từ Thiện ngân sách $100,000 dollar thì họ chỉ cho Hội 10,000 dollar thôi. Còn Hội có $10 triệu dollar, thì họ cho Hội đó $2, $3 triệu dollar.
“Vì vậy nên VNHELP muốn xin những món tiền khá khá thì chính Hội phải phát triển để chứng tỏ cho họ thấy khả năng mình có. Khả năng đó chính là ngân sách khá khá, vững vàng, có quá trình làm việc được, có nhân viên làm việc, những dự án từ thiện phải có kết quả tốt, sự tín nhiệm tốt. Hội VNHELP vẫn chưa xin được tiền từ chính phủ Mỹ, vì họ đòi hỏi những điều kiện vô cùng gắt gao. Chẳng hạn như khả năng tài chính của Hội tới đâu, có nhân viên hay không, vì nguồi tiền từ thiện của chính phủ Mỹ có rất nhiều Hội Từ Thiện nộp đơn xin. Nên những Hội Từ Thiện lớn của người Mỹ xin dễ hơn là những Hội Từ Thiện của người Mỹ gốc Việt, vì so với những Hội của Mỹ, VNHELP chỉ là một Hội nhỏ.”

Cô Anh Thư nói, “So với những Hội Từ Thiện của người Việt tại Mỹ, thì VNHELP là một Hội lớn, lâu đời nhất và có ngân sách cao nhất. Tuy nhiên so với những tổ chức của Mỹ thì VNHELP còn nhỏ bé lắm. Vì vậy ước mơ của Ban Điều Hành VNHELP phát triển để đứng ngang hàng với những tổ chức Từ Thiện của dòng chính. Chứ mình nhỏ nhỏ hoài thì mình làm việc ít hơn, trong khi mình vô được dòng chính, thì gây quỹ cũng sẽ nhiều hơn, nhận được nhiều nguồn tiền từ nhiều nơi giúp và làm được nhiều việc hơn.”
Cô Anh Thư khẳng định, “Tiền của ân nhân đóng góp cho VNHELP để Hội đem về Việt Nam đến trực tiếp những nơi cần giúp đỡ. Không có qua trung gian, vì chúng tôi có thiện nguyện viên tại địa phương, có nhân viên tại Việt Nam và giúp nơi nào thì làm việc trực tiếp với nơi đó. Ví dụ giúp trường học, thì chúng tôi đến tận trường học, làm việc với hiệu trưởng. Giúp bệnh viện thì đến bệnh viện để làm việc với bác sĩ. Giúp trẻ mồ côi thì đến viện mồ côi. Người trao tiền tận nơi là người của VNHELP, người nhận tiền là người Hội chọn để giúp và chúng tôi không phải đóng tiền cho chính phủ Việt Nam để trao tiền cho người cần giúp.

“Chúng tôi chỉ làm việc với những nơi không làm khó dễ mình. Vì ở Việt Nam có rất nhiều nơi cần được giúp đỡ từ những tổ chức nước ngoài. Nơi nào đàng hoàng, nghĩa là cần sự giúp đỡ của Hội, vui mừng khi có một Hội Từ Thiện nước ngoài đến giúp họ. Tạo điều kiện cho mình làm việc thì mình tới mình làm.
“Còn những địa phương không tốt, chẳng chào đón mình, vì mình chẳng cho họ đồng nào hết, họ chẳng được hối lộ đồng nào cả, họ không được tiền bỏ túi riêng thì thái độ kiếm chuyện này kia với Hội. Gặp những địa phương với người đại diện không tốt, thì chúng tôi chuyển sự giúp đỡ qua nơi khác.
“Vì mình có quyền chọn lựa nơi mình giúp, những nơi VNHELP giúp là những nơi do VNHELP chọn chứ không phải do ai chỉ định hết.”

Cô Anh Thư nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển đến độc giả và quý ân nhân lời tri ân của VNHELP, “Anh Thư xin thay mặt Ban Điều Hành VNHELP cảm ơn tất cả những nhà hảo tâm đã đóng góp cho VNHELP về mọi mặt, tài chính, những lời khuyến khích động viên tinh thần của anh chị em thiện nguyện viên. VNHELP xin cảm ơn các thiện nguyện viên đã đồng hành với VNHELP luôn bao năm qua. VNHELP không thể phát triển nếu không có sự giúp tay của các thiện nguyện viên.

“Quý vị ân nhân hãy yên tâm, những đóng góp của quý vị được chúng tôi quản lý tài chính rất kỹ càng. Đồng tiền quý vị luôn đến tận tay những người cần giúp tại Việt Nam. Không qua trung gian nào, xin quý vị hãy tiếp tục đóng góp. Còn quý vị chưa biết đến VNHELP, xin hãy cho Anh Thư một lời làm quen, quý vị có dịp, hãy đến với VNHELP gần hơn, hãy tìm hiểu VNHELP kỹ hơn, để quý vị cũng mở rộng tấm lòng và tiếp tay với chúng tôi.”

Hội Từ Thiện VNHELP, tên viết tắt của Việt Nam Health, Education and Literature Projects – Quỹ Y tế Giáo dục Văn hoá VNHELP. Là Hội Từ Thiện được chính thức thành lập vào tháng 7 năm 1991 tại vùng vịnh San Francisco và San Jose do những người Mỹ gốc Việt sáng lập. Đối tượng nhận được giúp đỡ của VNHELP là người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật, người già yếu neo đơn tại Việt Nam.

Trụ sở của VNHELP tại 500 East Calaveras Boulevard, Suite 235; Milpitas, CA 95035.
Qúy vị có thể tìm hiểu thêm về VNHELP tại trang web http://vnhelp.org, hoặc liên lạc số điện thoại (408) 586 - 8100. Email info@vnhelp.org.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT