Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Vở cải lương “Câu Thơ Yên Ngựa” lần đầu tiên tại hải ngoại

Friday, 30/09/2011 - 08:35:33

Ngày 23-10-2011 sắp tới, tại rạp Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley, lần đầu tiên tại hải ngoại, khán giả yêu mến cải lương, đặc biệt là cải lương tuồng cổ, sẽ được thưởng thức trọn vẹn vở diễn “Câu Thơ Yên Ngựa”.

Hướng về Biển Đông

Băng Huyền/Viễn Đông

Poster “Câu Thơ Yên Ngựa” do nghệ sĩ Phượng Liên cung cấp.
 

Ngày 23-10-2011 sắp tới, tại rạp Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley, lần đầu tiên tại hải ngoại, khán giả yêu mến cải lương, đặc biệt là cải lương tuồng cổ, sẽ được thưởng thức trọn vẹn vở diễn “Câu Thơ Yên Ngựa”. Đây là một trong những vở diễn tiêu biểu của nghệ thuật cải lương tuồng cổ, từng thu hút rất đông khán giả một thời tại Sài Gòn những năm của thập niên 1980.

* Không đơn thuần là tìm về một chút hương xưa

“Câu Thơ Yên Ngựa” (Kịch bản của Hoàng Yến-Ngọc Vân-Thanh Tòng) là một vở diễn cũ từng được các nghệ sĩ cải lương của đoàn tuồng cổ Minh Tơ gặt hái thành công và vang xa trên cả nước.
Năm 2010 vừa qua, ngay tại Sài Gòn, các thế hệ con cháu dòng họ Minh Tơ, Huỳnh Long với những tên tuổi như Thanh Bạch, Bạch Lê, Thanh Tòng, Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến, Điền Thanh, Thành Lộc… đã dựng lại “Câu Thơ Yên Ngựa”, do đạo diễn trẻ Vũ Minh dàn dựng trong chương trình “Gìn Vàng Giữ Ngọc” tạo được những thành công đáng kể.
Lần này, tại hải ngoại, cũng với kịch bản trên, được nghệ sĩ Phượng Liên đảm nhận vai trò dàn dựng, cùng các nghệ sĩ tài danh Văn Chung, Hương Huyền (vào vai tên gián điệp Vệ Uông), Phượng Liên (Nguyên Phi Ỷ Lan), Ngọc Đáng (Hoàng Hậu Thượng Dương), Linh Tâm (Lý Ngân), Hòai Trúc Linh (Thái Úy Lý Thường Kiệt), nghệ sĩ trẻ Mai Thế Hiệp (Lý Đạo Thành), Tuấn Minh, Xuân Mỹ, Hồng Loan, Thanh Vũ, Hoàng Dũng… thể hiện. Cùng sự góp mặt của các em đoàn vũ Việt Cầm.
Hai MC của chương trình là Mai Chân và Thanh Tùng.
Mặc dù là vở diễn cũ, câu chuyện cũ, nhưng nội dung của vở diễn vẫn còn hấp dẫn khán giả bởi ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
“Nhất là trong thời điểm hiện nay, trước tình hình Biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Quốc hăm he xâm chiếm. Là người Việt, dẫu không còn ở trong nước, nhưng với các nghệ sĩ chúng tôi, Việt Nam vẫn là quê hương của mình. Cũng như toàn bộ người Việt trên khắp thế giới, đều sôi sục tinh thần yêu nước, chống Trung Quốc, nên tôi quyết định lấy vở diễn này dàn dựng. Để nói lên tiếng nói của người Việt mình, hướng về Việt Nam và Biển Đông” là những lời nghệ sĩ Phượng Liên đã chân thành chia sẻ với phóng viên nhật báo Viễn Đông trong buổi tập cùng các nghệ sĩ.
“Câu Thơ Yên Ngựa” là vở diễn hay, khai thác những sự kiện xảy ra trong thời Lý. Giai đoạn nhà Lý rối ren vì vua Lý Thánh Tông mới băng hà, nguyên phi Ỷ Lan phải lên ngôi thái hậu, buông rèm nhiếp chính cho vua Lý Nhân Tông vừa lên 7 tuổi.
Tang chồng còn đó, mà quân Tống lăm le xâm lược. Ỷ Lan cùng triều đình bàn mưu chống giặc. Vậy mà nội bộ bên trong vẫn không yên, Thượng Dương hoàng hậu ghen tị, luôn luôn tìm cách chiếm lại ngai vàng. Những xung đột đó đã làm đau đầu thái hậu và thái úy Lý Thường Kiệt.
Hoàng hậu Thượng Dương mang án phản quốc, vì âm thầm cấu kết với nhà Tống, đã bị thái sư Lý Đạo Thành xử tội chết…
Vở diễn mang lại cho người xem những thông điệp giàu ý nghĩa về lòng yêu nước đồng lòng từ triều đình cho đến muôn dân. Kịch bản nhấn mạnh thông điệp muốn chống giặc ngoại xâm và các thế lực thù địch, trước hết phải đoàn kết từ nội bộ bên trong.


Các nghệ sĩ đang tập thoại và ca vở “Câu Thơ Yên Ngựa”, trước khi
lên sàn tập vũ đạo – ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

* Khi nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật dân tộc
Đây là một cố gắng rất đáng trân trọng của các nghệ sĩ và cần được sự ngợi khen, ủng hộ của khán giả.
Tại hải ngoại, để dàn dựng được trọn vở cải lương, mà lại là tuồng cổ “Câu Thơ Yên Ngựa”, thì không đơn giản chút nào. Theo lời nghệ sĩ Phượng Liên, “khó khăn lắm, bên này thiếu thốn đủ thứ, về phương tiện tiền bạc eo hẹp. Vở diễn này cần nhiều phục trang xưa, đạo cụ, dàn dựng sân khấu. Cần rất nhiều diễn viên, mà vai nào cũng hay, nói lên tình tự quê hương, một vai nhỏ cũng nói được tâm huyết của người Việt xưa chống ngoại xâm. Hơn nữa, bên này đào chánh, kép chánh thì có, nhưng quân sĩ, tỳ nữ thì không có. Vì vậy vở diễn sẽ phải sắp xếp cho gọn, không ‘hoành tráng’ như ở Việt Nam. Nhưng bằng hết tấm lòng của mình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cống hiến cho khán giả vở diễn hay, đặc sắc”.
Quả thật, để có trọn một vở cải lương dài hơn 3 tiếng đồng hồ lên sân khấu trình diễn cho khán giả, thật chẳng đơn giản. Mà với hải ngoại, vở diễn chỉ được “sáng đèn” có một suất hát, nhưng là nghệ sĩ, trót “ăn cơm tổ”, phải chấp nhận hy sinh, để phụng sự khán giả tác phẩm hay, với ước mong sẽ kéo khán giả đến xem cải lương thêm đông hơn.
Và nhất là nơi hải ngoại, nghệ sĩ cải lương càng cố gắng nhiều hơn trong việc gìn giữ nghệ thuật dân tộc. Bởi đó là “tiếng nói của quê hương”. Là vốn quý của văn hóa cha ông, cần lưu giữ cho con cháu nơi xứ người.
Mỗi nghệ sĩ cải lương khi diễn tuồng cổ đều là những tài năng đặc biệt. Họ phải vừa nhớ lời tuồng, hát theo nhạc, phối hợp động tác vũ đạo theo nhạc, theo lời và vừa diễn tả tâm lý nhân vật… Đây là một lao động nghệ thuật rất nặng và cao quý biết bao.
“Một câu nói của nhân vật đâu phải nói sao cũng được, ra lệnh thì nói thế nào, giận dữ thì ra sao… vở này là tuồng cổ, với văn chương xưa, các em nghệ sĩ trẻ nếu lỡ nói trật một chữ, thì trật hết ý nghĩa, vì vậy khó lắm, phải tập luyện thật kỹ.
“Hơn nữa, cách nói trong ‘Câu Thơ Yên Ngựa’ khác với tuồng xã hội, phải nhấn nhá lên xuống rất khó. Dù là người hát lâu năm, nhưng khi nhận vai mới, tôi vẫn phải nghiên cứu vai diễn rất nhiều, không thể khinh xuất được”. Nghệ sĩ Phượng Liên đã tâm sự về những khó khăn và trăn trở của cô khi thực hiện vở diễn này.

* Những tâm tình của nghệ sĩ tham gia
Khác với những vai từng tạo dấu ấn riêng cho nghệ sĩ hài Văn Chung trong các vở tuồng xã hội, với “Câu Thơ Yên Ngựa”, ông đảm nhận một vai nhỏ, vai một bô lão yêu nước, giúp sức với triều đình xây dựng chiến tuyến phòng thủ trên sông Như Nguyệt.
Nghệ sĩ Văn Chung chia sẻ: “Năm nay Văn Chung đã 84 tuổi rồi. Lẽ ra với tuổi này, tôi đã nghỉ hưu, nhưng vì ánh đèn sân khấu là cuộc sống của nghệ sĩ, khi mình nằm nhà, nhớ khán giả lắm. Lần này được cô Phượng Liên mời tham gia, tôi vui lắm.
“Tôi nhận với tấm lòng yêu mến nghệ thuật, chứ không phải nhận như với sức lực hồi còn trẻ. Dù đây chỉ là vai khiêm nhượng thôi. Nhưng sẽ không phụ lòng khán giả yêu mến Văn Chung, đó là tâm niệm của tôi”.
Nghệ sĩ Văn chung nói thêm: “Nghệ thuật cải lương đã có từ 1916 tại miền Nam nước Việt, còn vài năm nữa cải lương sẽ kỷ niệm 100 năm có tại Việt Nam. Nếu nói về nghề, tôi luôn luôn tâm niệm phải có lớp kế thừa để giữ gìn nhạc cổ truyền Việt Nam, và sân khấu cải lương. Vì vậy, nếu có ai đứng ra làm những vở diễn hay, thì tôi rất hoan nghênh. Tôi rất cám ơn người đó, vì đã đứng ra bảo tồn nền cổ nhạc nước nhà.
“Mong sao khán giả hãy đến ủng hộ, đông chừng nào, thì nghệ sĩ chúng tôi sẽ đủ sức bật để diễn hay hơn”.
Nghệ sĩ Hương Huyền tâm sự: “Trước đây, tôi thường thủ diễn những vở tuồng xã hội ở đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, hoặc một số tuồng sử. Thường sở trường của tôi là vai mùi lẳng. Đối với ‘Câu Thơ Yên Ngựa’, tôi có nghe tiếng tăm của vở tuồng và các nghệ sĩ tài năng đóng, nhưng tôi chưa được xem bao giờ.
“Lần này, tôi được phân vai Vệ Uông, nghe nói nghệ sĩ cải lương hồ quảng Công Minh từng thể hiện rất thành công, và cả nghệ sĩ Bảo Quốc cũng từng đóng vai này. Hiện giờ Hương Huyền vừa tập, vừa nghiên cứu vai diễn, để tạo nét riêng cho mình khi vào vai Vệ Uông”.
Nghệ sĩ Hương Huyền bùi ngùi: “Với tuổi đời chồng chất, thì trí nhớ cũng suy giảm, mòn bớt rồi. Khi xưa còn trẻ, tôi học tuồng dễ nhớ, nay đọc 10 lần mà vẫn còn nhá nhem.
“Dù vậy, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn, vì lớp nghệ sĩ già của chúng tôi vẫn mê nghề cho tới lúc tàn hơi thở. Rất mong đàn em, cháu nối bước, nhìn tấm gương cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, mà hãy vững vàng bước tiếp”.
Ông dí dỏm nói: “Vai Vệ Uông rất mưu sĩ, lập mưu kế gây bối rối triều đình bên Nam cho bên Tống quốc có lợi. Đây là vai diễn không ai thương đâu. Nhưng nếu khi xem, khán giả càng ghét nhân vật này, thì Hương Huyền thành công rồi”.
Nghệ sĩ Linh Tâm kể: “Trước đây, tôi có xem đoàn Minh Tơ hát ‘Câu Thơ Yên Ngựa’. Khi đó tôi xem, háo hức lắm. Vì khi ấy tôi về Sài Gòn, được nghệ sĩ Thanh Tòng mời về đoàn, sẽ thế vai Lý Ngân do nghệ sĩ Ngân Giang đóng. Nhưng tôi chưa kịp thế vai, thì vì lý do riêng, tôi không về đoàn Minh Tơ nữa.
“Và thật ngẫu nhiên, sau bao năm, nay tôi lại nhận vai này.
“Mà khi nhận vai này cũng bầm dập lắm. Ban đầu chị Phượng Liên giao tôi vai này, sau đó chị mời được Vũ Luân qua đảm nhận Lý Ngân, thì chị kêu tôi chuyển qua vai Lý Thường Kiệt. Nhưng gần đây, vì thời hạn visa, Vũ Luân không thể nhận vai Lý Ngân được, nên tôi được nhận lại vai này”.
Nghệ sĩ Linh Tâm nói thêm: “Khi tôi đọc kịch bản xong, tôi rất thích vai Lý Ngân, thích hơn vai Lý Thường Kiệt nhiều.
“Vì Lý Thường Kiệt chỉ là vai trung dũng một chiều. Còn Lý Ngân là vai có nhiều biến đổi tâm lý rất hay.
“Anh là nhân vật rất trung với nước, tạo ra những chiếc mộc xa bằng cây để xây thành Như Nguyệt, nhưng vì mưu gian của kẻ thù cho biết cha anh đã bị Lý Thường Kiệt giết chết. Anh đã thù Lý Thường Kiệt, và tìm cách giết Lý Thường Kiệt trả thù. Nhưng rồi hiểu chuyện, anh là người làm chuyện khác có ý nghĩa. Với Thượng Dương Hoàng Hậu là bá mẫu của anh, nhưng chuyện nước lớn hơn, chính anh đem bức mật thư của bá mẫu bán nước, vạch trần âm mưu của bá mẫu… Có nhiều đất diễn lắm, nên tôi rất thích”.
Nghệ sĩ Linh Tâm nói: “Trước đây vai Lý Ngân do Điền Thanh và Ngân Giang đóng rất hay, nay tôi đảm nhận vai này, sẽ cố gắng tạo một dấu ấn riêng của mình, bên cạnh đó, tôi có nhiều trăn trở, đây là tuồng cổ, phải vũ đạo nhiều. Nếu vũ đạo tập một sớm một chiều, không tập nhiều sẽ khó phát huy được tốt sự nhịp nhàng”.
Nghệ sĩ Ngọc Đáng trong vai hoàng hậu Thượng Dương, sẽ là người giúp nghệ sĩ Phượng Liên dàn dựng vũ đạo cho các nghệ sĩ, cô chia sẻ: “Tôi đã từng xem Thanh Loan, và lớp đàn cháu Trinh Trinh, Tú Sương diễn. Nói đúng ra, đây không phải là vở diễn sở trường của Ngọc Đáng. Vì khó khăn của sân khấu hải ngoại, nên theo tình huống sân khấu cần vai nào, thì nghệ sĩ sẽ hóa thân vai đó. Mong sao tôi thể hiện được tròn vai, chứ không dám so sánh hơn với những nghệ sĩ khác, từ đàn chị, cho đến bạn trang lứa và con cháu của mình, luôn luôn được tôi trân trọng tài diễn”.
Nghệ sĩ Ngọc Đáng nói: “Rất mong khán giả đến xem thật đông, vì nghệ sĩ chúng tôi là những người duy trì nghệ thuật cải lương, mà khán giả chính là những người hà hơi, tiếp sức cho nghệ sĩ thêm nhiều nghị lực duy trì bộ môn này nơi hải ngoại. Để không phụ lòng khán giả, nghệ sĩ rất chăm chút cho vai diễn của mình”. – (BH)

Vở cải lương “Câu Thơ Yên Ngựa”
sẽ mở màn lúc 6 giờ 30 chiều Chủ Nhật 23-10-2011
tại rạp Saigon Performing Arts Center, 16149 Brookhurt St., Fountain Valley, CA 92708.
Giá vé: $75 VIP, $55, $45, $30.
Liên lạc mua vé: Mai Chân (714) 883-2791; Mai Thế Hiệp (714) 265-9988; Chí Tâm Production (714) 596-8636; Tú Quỳnh (714) 531-4284.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT