Người Việt Khắp Nơi

Vụ án Jennifer Pan: Vì sao con thực hiện âm mưu giết cha mẹ gốc Việt?

Tuesday, 28/07/2015 - 08:45:33

Thế nhưng cảnh sát đã mau chóng nhìn ra sự thật trong vòng vài tuần. Họ khám phá vụ cướp gia cư giả mạo này là lời nói dối cuối cùng của Jennifer Pan trước khi cô bị đưa vào nhà giam.

TORONTO - Trong nhiều năm, một cặp vợ chồng tị nạn từ Việt Nam tưởng rằng con gái của họ là một đứa con chăm chỉ học hành theo đúng lời chỉ dạy của cha mẹ. Thế rồi một ngày kia họ biết sự thật và rồi lãnh một hậu quả tang thương cho cả gia đình. Con của họ là cô Jennifer Pan, nay đã 28 tuổi, là một trường hợp mà nhiều bậc cha mẹ gốc di dân Á Đông cần phải xét nghiệm, suy nghĩ sâu xa hơn về mối quan hệ với con, cách giáo dục và áp lực mà họ đặt lên trên các con. Câu chuyện của Jennifer Pan là một thảm kịch mà trong mấy ngày qua báo chí tại Canada cũng như tại Hoa Kỳ đều nhắc đến, một phần vì thảm kịch này bắt nguồn từ những quan điểm mà di dân mang theo từ quê hương ở Châu Á đến xứ sở Bắc Mỹ.

Nhìn từ quan điểm của cha mẹ khi sự thật chưa được biết rõ, Jennifer Pan là một cô gái Canada gốc Việt tương đối thành công và đang có một tương lai xán lạn. Cô sống ở thị xã Markham thuộc vùng ngoại ô phía bắc Toronto, thành phố lớn nhất Gia Nã Đại. Jennifer Pan là học sinh với học lực khá, gồm toàn điểm A tại một trường đạo Công Giáo. Cô thắng nhiều học bổng và được nhận vào một trường đại học khá sớm.

Jennifer Pan khi bị bắt năm 2010.


Vài năm sau, đúng như sự mong đợi của cha, Jennifer Pan tốt nghiệp bằng dược sĩ tại Đại Học Toronto, một trường có uy tín lớn. Cô đã bắt đầu làm việc tại phòng thử máu tại bệnh viện SickKids.
Thành quả của Jennifer Pan đã làm cho cha mẹ của cô, là ông Huei Hann Pan và bà Bích Hà, rất hãnh diện. Họ xứng đáng được hãng diện vì bản thân họ đã đến xứ sở Canada này với hai bàn tay trắng. Họ là người tị nạn công sản từ Việt Nam, làm lao động ở một xưởng sản xuất đồ phụ tùng xe hơi để cho hai con của họ có được một tương lai sáng sủa hơn.
Thế nhưng trong trường hợp của Jennifer Pan, phần lớn những gì mà cha mẹ từng biết về cô đều là những lời nói dối, những điều không đúng sự thật. Cô đã không tốt nghiệp trung học chứ đừng nói gì đến việc lấy được bằng dược sĩ ở Đại Học Toronto, như cô đã từng báo cho cha mẹ biết.
Vào tháng Giêng đầu năm nay, 2015, sau 10 tháng xét xử, Jennifer Pan bị kết tội thuê hai kẻ giết mướn để thanh toán cha mẹ của cô, và vì thế Jennifer lãnh một bản án tù dài nhiều năm. Án mạng xảy ra vào tháng 11, 2010, khi Jennifer được 24 tuổi.
Lúc bấy giờ người ta chưa biết hết các chi tiết trong thảm kinh hoàng này, cho đến trung tuần tháng Bảy vừa qua thì nguyệt san Toronto Life đăng một bài phóng sự điều tra của Karen Ho, một phụ nữ cũng gốc Á Đông và dành nhiều thời giờ đào sâu vào cuộc đời của Jennifer với lời kể của một người rất thân cận với cô. Câu chuyện của Jennifer không chỉ cho thấy một cuộc sống đầy bất an, và cũng rất đau thương, được che phủ bởi những lớp nói dối mỗi lúc một dày hơn cho đến khi xảy ra hậu quả tang thương cho cha mẹ cũng như cho Jennifer.
Ký giả Karen Ho đã viết bài dựa theo lời kể của một người bạn học của Jennifer tại trường đạo Mary Ward Catholic Secondary School ở Scarborough. Người bạn này đã giúp Jennifer thêu dệt những lời nói dối để che đậy một sự thật mà cô không muốn cha mẹ nhìn thấy: đó là đứa con gái cưng như trứng vàng của họ đã không học giỏi tại trường đạo như sự mong đợi của cha mẹ.
Bài báo đã chắp nối các chi tiết thu thập được trong suốt 10 tháng xét xử để cho thấy Jennifer rơi rớt xuống vực sâu từ một học sinh trường tiểu học trở thành một kẻ hầu như lúc nào cũng phải nói dối. Cô đã làm giả mọi thứ từ học bạ của trường, giấy ban khen, giấy chứng nhận học bổng cho đến học bạ từ trường đại học. Tất cả chỉ nhằm duy trì một ấn tượng về sự hoàn hảo của cô con gái cưng dưới mắt cha mẹ.


Ông bà Huei Hann Pan và Bích Hà là di dân từ Việt Nam đến Canada lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Bà bị thiệt mạng, ông bị thương nặng trong một vụ cướp gia cư do chính con gái dàn dựng để giải quyết sự xung đột bắt nguồn từ nhiều năm trước. (Hình trưng bày trong tòa được cung cấp cho báo chí)

Bài phóng sự trên nguyệt san đã được đăng với hàng tít: “Sự trả thù của Jennifer Pan: câu chuyện đằng sau một đứa con cưng như vàng, những sát thủ mà cô đã thuê, và cha mẹ mà cô muốn họ chết.”
Trường trung học của Jennifer và người bạn thân, theo bài viết của Karen Ho, là “một cộng đồng hoàn hảo cho một học sinh như Jennifer. Cô vui vẻ tung tăng như một cánh bướm với tiếng cười lớn, dễ dàng nói chuyện với các bạn bất kể họ là nam, nữ, Á Châu, da trắng, đẹp trai, cù lần, nghệ sĩ. Ngoài trường học, Jennifer học bơi và tập võ wushu.”
Dọc theo cuộc sống xem có vẻ tươi trẻ, hồn nhiên đó, ký giả Karen cũng “khám phá đằng sau khuôn mặt thân thiện, tự tin của Jennifer là một tâm hồn bị xâu xé bởi nỗi lo lắng vì chưa làm đủ bổn phận, tự ngờ vực khả năng của mình, và sự xấu hổ.”
Một trong những dấu hiệu của sự bất an là những vết cắt do chính Jennifer tự cắt trên cánh tay mà rất ít người nhìn thấy.
Jennifer chưa bao giờ được nhận vào trường đại học, chưa tốt nghiệp trung học.
“Cha mẹ tưởng Jennifer là học sinh A ưu tú,” Karen viết. “Thật sự thì hầu hết điểm học của Jennifer là điểm B, cũng là khá rồi đối với hầu hết các học sinh khác, nhưng chưa đủ đối với một gia đình rất nghiêm khắc. Thế nên Jennifer tiếp tục sửa học bạ trong suốt thời gian học trung học.” Cô được nhận vào trường Ryerson University tại Toronto, “nhưng lại bị rớt môn toán calculus trong năm học cuối cùng nên không được nhận bằng tốt nghiệp trung học. Trường đại học rút lại giấy nhận học. Trong nỗ lực giữ cho cha mẹ không đào sâu vào hồ sơ trung học của mình, cô nói dối rằng cô sẽ bắt đầu học ở Ryerson trong mùa thu. Cô báo cho cha mẹ biết cô sẽ học hai năm môn khoa học, rồi sau đó chuyển qua ngành dược tại Đại Học Toronto, điều mà cha của Jennifer mong muốn. Biết điều này, ông Hann rất vui mừng và mua cho con gái một máy laptop. Jennifer thu thập những sách sinh học và vật lý học cũ và mua dụng cụ đi học. Đến tháng Chín, cô giả bộ như đến trường để dự buổi giới thiệu dành cho tân sinh viên. Khi có thư từ về học phí, cô sửa những lá thư và nói rằng cô được vay tiền học theo chương trình OSAP và thuyết phục cha rằng cô được $3,000 tiền học bổng. Sau đó cô đeo túi sách, đi xe bus đến trường ở dưới phố. Trong khi cha mẹ tưởng con mình đi học, Jennifer đến các thư viện cộng đồng.”
Thế rồi sau đó cô giả mạo chuyện chuyển vào trường University of Toronto, đến cuối cùng là tốt nghiệp ngành dược tại trường này. Trước ngày lễ ra trường, Jennifer nói rằng trường đã không có đủ vé dành cho hết mọi người, nên cha mẹ của cô không thể dự lễ.
Đến một lúc nào đó, theo bài viết của Karen Ho, cha mẹ của Jennifer bắt đầu nghi ngờ. Họ theo dõi con gái và rồi biết được sự thật.
Khi Jennifer Pan thú nhận sự gian dối mà cô đã dàn dựng trong suốt mấy năm, cuộc sống tưởng chừng êm đềm trong gia đình họ Pan đã mau chóng tan vỡ.
Bà Bích Hà và ông Hann đã nuôi Jennifer và em trai Felix của cô với niềm tin đặt hết vào tầm quan trọng tối thượng ở thành quả học vấn, và họ giới hạn các sinh hoạt chỉ nhằm bảo đảm con của họ đạt được mức cao đó. Ngoài giờ học, các sinh hoạt của Jennifer gồm có đi trượt băng, học đánh đàn dương cầm, tập võ và bơi lội, cộng thêm học bài suốt đêm. Cô bị cấm đi dự tiệc với các bạn, và chắc chắn bị cấm có bạn trai. Trong nhà của họ, tủ kiếng trưng bày nhiều bằng khen, cúp thưởng của Jennifer.
Khi biết được sự thật về con gái, về những nỗ lực mà nay không mang lại một kết quả nào hết, ông bà Hann và Bích Hà đã đặt thêm vòng kiểm soát vào đầu con gái mà nay là một người lớn. Họ không cho cô có điện thoại, máy laptop, và cấm liên lạc hoặc đi ra ngoài chơi với bạn trai Daniel Wong.
Đến khi có thêm sự tự do, Jennifer trở thành một con người với đầy nỗi tức giận. Cô nghĩ đến một cuộc đời khá hơn nếu không có cha mẹ. Và với sự trợ giúp của anh bạn Daniel, Jennifer thực hiện âm mưu sát hại cha mẹ, hai người mà cô cho là đã “quản chế” cuộc đời cô.
Cảnh tượng án mạng được nguyệt san Toronto Life mô tả và được tường thật trong tòa đã cho thấy sự hãi hùng của sự thả thù. Án mạng được dàn xếp như một vụ cướp gia cư diễn ra không đúng kế hoạch. Jennifer Pan đóng vai một nhân chứng thoát chết sau khi ba kẻ giết mướn gồm David Mylvaganam, Lenford Crawford và Eric Carty, bắn chết bà Bích Hà và gây thương tích trầm trọng cho ông Hann Pan. Với giọng của người bị sợ hãi, Jennifer gọi số 911 cho cảnh sát.
Trong thời gian đó, các tờ báo ở Toronto đã đăng những bài báo với những hàng chữ gây chấn động dư luận. Tờ Markham Economist & Sun viết: “Bà Bích Hà Pan bị bắn gục trong nhà trong một vụ cướp gia cư ngẫu nhiên.” Tờ Toronto Star viết: “Án mạng tại Markham gây chấn động những người hàng xóm,” “Những nghi can trong vụ cướp gia cư này rất nguy hiểm; cảnh sát Markham báo động người dân sau khi một vụ phụ nữ bị giết trong một vụ tấn công ngẫu nhiên.”
Thế nhưng cảnh sát đã mau chóng nhìn ra sự thật trong vòng vài tuần. Họ khám phá vụ cướp gia cư giả mạo này là lời nói dối cuối cùng của Jennifer Pan trước khi cô bị đưa vào nhà giam.
Trong tháng Giêng, tòa án tại tỉnh bang Ontario đã kết tội Jennifer cùng ba người đồng lõa (bạn trai Daniel Wong, Crawford và Mylvaganam). Họ bị kết tội sát nhân và mưu sát. Tất cả bốn người bị án chung thân và không được hưởng sự khoan hồng cho đến khi ở tù ít nhất 25 năm. Chỉ có nghi can Eric Carty không nhận tội và sẽ bị xử riêng trong năm nay.
Vụ án trước tòa chỉ là một phần trong bài tường thuật của Karen Ho, một người từng học chung với Jennifer Pan và hiểu rõ cuộc sống của bạn. Chính Karen Ho cũng có cha mẹ là di dân, từ Hồng Kông đến Canada với hai bàn tay trắng để lập nghiệp.
Bài đăng trên nguyệt san Toronto Life đã rọi chiếu vào một cuộc đời rất phức tạp của Jennifer, đồng thời khơi dậy những nỗi niềm cực mạnh trong giới trẻ người Canada hoặc người Mỹ gốc Á Châu. Kể từ khi bài viết được đăng vào ngày ngày thứ Tư, 22 tháng Bảy, 2015, trên các mạng xã hội như Facebook, giới trẻ đã không ngớt bàn tán và chia sẻ những kỷ niệm thời niên thiếu mà họ đã trải qua dưới sự giáo dục rất nghiêm khắc của cha mẹ trong cộng đồng di dân gốc Á.
Câu chuyện của Jennifer Pan cho thấy những ước mơ của di dân có thể trở thành một cơn ác mộng đau thương. Trong những cuộc thảo luận trên các diễn đàn mạng, xuất phát từ bài viết của báo Toronto Life, có người chỉ trích phương pháp nuôi dưỡng và giáo dục con quá khắt khe với mức tiêu chuẩn học vấn đặt quá cao mà họ cho là phổ biến trong hầu hết các gia đình Mỹ gốc Á. Cũng có những người cho rằng những vụ án như của Jennifer Pan chỉ là vài trường hợp cá biệt, không hoàn toàn đúng như trong hầu hết gia đình gốc Á.
Bạn nghĩ sao?
Nếu có ý kiến, xin gởi về địa chỉ email của nhật báo Viễn Đông (baoviendong@gmail.com)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT