Hoa Kỳ

Vụ cô dâu người Úc chết bí ẩn tại Minnesota: cảnh sát viên gốc Somalia bắn từ trong xe

Monday, 17/07/2017 - 10:07:05

Trong năm nay Mohamed Noor đã hai lần bị khiếu nại bởi người dân. Qua lời luật sư, anh đã xin lỗi gia đình cô Damond và đang cầu nguyện cho cô và gia đình.




Cảnh sát viên Mohamed Noor (Minnesota Star Tribune)


MINNEAPOLIS - Một vụ gọi số 911 đã đưa đến cái chết cho chính người phụ nữ đã gọi số khẩn cấp này. Khi tới nơi, cảnh sát viên đã ngồi trong xe và bắn xuyên qua cửa sổ.

Vì anh cảnh sát đang bị điều tra và sở cảnh sát cũng không tiết lộ gì thêm, cũng không cung cấp bất cứ hình video nào, dư luận tại thành phố Minneapolis chưa biết tại sao cảnh sát viên đã bắn người phụ nữ. Họ rất phẫn nộ. Đau đớn hơn, vụ bắn gây tan nát cho một gia đình đang sống hạnh phúc ở tiểu bang Minnesota và gây chấn động cho các thân nhân tại Sydney, Úc.


Cô Justine Damond với chồng sắp cưới Don và con của chồng Zach. Cô là một hướng dẫn viên về môn yoga và thiền. (Don Miller Damond Facebook)

Vụ bắn này đã gây hoang mang tại Úc, nơi mà người dân muốn biết tại sao một công dân của họ đã bị thiệt mạng vô cớ tại nước Mỹ. Nạn nhân là cô Justine Damond, 40 tuổi, người sắp thành hôn với người đàn ông mà cô đã nhận tên họ mặc dù chưa làm đám cưới.

Kẻ nổ súng là anh Mohamed Noor, một cảnh sát viên có kinh nghiệm mới có hai năm. Noor đã ngồi ở ghế khách, cầm súng bắn xuyên qua cửa sổ bên tài xế, khiến cô Justine thiệt mạng ở bên ngoài. Chiếc điện thoại được tìm thấy cạnh xác của Justine.

Trong năm nay Mohamed Noor đã hai lần bị khiếu nại bởi người dân. Qua lời luật sư, anh đã xin lỗi gia đình cô Damond và đang cầu nguyện cho cô và gia đình.

Câu chuyện thương tâm xảy ra vào tối thứ Bảy, 15 tháng 7. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc Justine Damond gọi cho 911, sau khi cô nghe tiếng động trong một con hẻm gần ngôi nhà mà cô sống chung với chống sắp cưới. Nhưng ngay sau khi hai cảnh sát tới khu nhà sang trọng ở Minneapolis để điều tra, cuộc gọi hóa thành vụ nổ súng chết người, khi một cảnh sát nhắm bắn vào cô.

Justine, một hướng dẫn viên Yoga và thiền, vừa từ Úc đến Mỹ và dự định sẽ tổ chức đám cưới vào tháng Tám. Cái chết của cô mau chóng thu hút sự quan tâm về việc nhân viên công lực sử dụng vũ khí sát thương khi tiếp xúc thường dân.

Minneapolis là một trong rất nhiều thành phố trên toàn quốc diễn ra những cuộc tranh cãi nóng bỏng, yêu cầu cảnh sát phải đeo camera trên người trong lúc đi tuần tra. Cái chết của cô Justine là một trong số hơn 500 vụ cảnh sát bắn chết người ở Hoa Kỳ từ đầu năm tới nay, cũng làm dấy lên mối lo ngại ở nước Úc. Thông tin về cái chết của cô được đăng tải trên tất các các trang web, được tất cả các hãng thông tấn Úc loan báo. Gia đình và bạn hữu cô Justine yêu cầu một cuộc điều tra liên bang, mang công lý lại cho người vô tội.

Theo giới truyền thông, hai nhân viên cảnh sát có mặt sau cú gọi 911 của cô Justine, tấp xe vào con hẻm gần nhà cô. Lúc đó là 11 giờ rưỡi khuya thứ Bảy. Nạn nhân bước ra ngoài trong bộ pyjamas, đứng nói chuyện với cảnh sát bên cánh cửa phía tài xế. Sau đó, cô bị bắn xuyên qua cánh cửa. Sau đó các điều tra viên không tìm thấy vũ khí nào ở hiện trường.

Hiện thời, nhóm điều tra đang tìm kiếm xem có video giám sát nào được gắn phía trước các nhà trong khu vực, ghi lại được khoảnh khắc khi vụ nổ súng xảy ra không. Một khi cuộc điều tra của tiểu bang hoàn tất, kết quả sẽ chuyển sang văn phòng Công Tố Viên Michael O. Freeman (thuộc Hennepin County) để xem xét. Tại buổi họp báo ngày thứ Hai, một phát ngôn viên của ông Freeman từ chối bình luận về vụ bắn súng.

Theo hội đồng thành phố, tất cả nhân viên Sở Cảnh sát Minneapolis phải đeo camera trên người từ cuối năm 2016. Quyết định được đưa ra sau vụ một người da đen tên Philando Castile, nhân viên một trường học địa phương, bị cảnh sát bắn chết trong khi cảnh sát dừng xe ông này để kiểm tra. Video trên xe tuần tra cho thấy một cảnh sát bắn nhiều lần vào xe của ông Castile, nhưng không cho thấy chuyện gì đang xảy ra trong xe. Cảnh sát bắn vào chiếc xe nói rằng lúc đó ông Castile đang tìm một vũ khí. Bạn gái ông Castile cũng là hành khách trong xe, bác bỏ lời cáo buộc đó.

Trở lại vụ bắn chết cô Justine, nhà chức trách cho biết hai cảnh sát có liên quan tới vụ nổ súng đã bị nghỉ phép có lương, trong khi cuộc điều tra đang tiến hành. Ba người biết rõ câu chuyện nói với Minneapolis Star Tribune rằng trong khi cô Justine đứng nói chuyện với cảnh sát ngồi sau tay lái, thì cảnh sát ngồi bên ghế hành khách bắn chết cô qua cánh cửa chỗ tài xế.

Cũng tại buổi họp báo, phát ngôn viên Jill Oliveira thuộc Văn phòng Điều tra tội phạm Hình sự Minnesota, gọi tắt là BCA, từ chối trả lời mọi câu hỏi của báo chí. Phát ngôn viên này nói rằng cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu, và văn phòng chỉ cung cấp thông tin sau khi cuộc điều tra hoàn tất và có kết luận. Ngay cả tổng đài 911 cũng từ chối phát hành đoạn ghi âm ghi lại giọng nói của cô Justine, khi cô gọi 911 để báo cáo về tiếng động trong hẻm.

Theo phát ngôn viên Jill Oliveira, các nhà điều tra tiểu bang cam kết cung cấp thêm nhiều chi tiết sau khi họ thẩm vấn hai cảnh sát có dính líu vào vụ nổ súng. Tuy nhiên, cho đến sáng thứ Ba, họ sẽ không có gì cho giới báo chí. Nhân viên BCA cho biết hai cảnh sát có dính líu vào vụ nổ súng tỏ ra rất cộng tác với nhà chức trách, tuy nhiên, họ còn phải chờ ý kiến của luật sư bào chữa.

Anh Zach Damond, 22 tuổi, con trai của chồng sắp cưới của cô Justine, cho biết gia đình và bạn hữu không chỉ tức giận mà còn hoang mang, lo sợ, trước cái chết vô lý của nạn nhân. Zach cho biết anh muốn nói chuyện với người cảnh sát đã bóp cò súng, bắn chết người mẹ tương lai. Anh nói, "Tôi quá chán ghét tình trạng bạo lực ở Hoa Kỳ. Cuộc sống ở đây thật ghê tởm. Cảnh sát cần phải được đào tạo lại. Tôi không muốn ở nước này nữa."

Sáng thứ Hai, khi Zach đứng tưới cây phía trước nhà, một người hàng xóm tới ôm Zach và đề nghị giúp đỡ. Lề đường phía trước nhà Zack phủ đầy thông điệp được viết bằng phấn trắng. Hoa tươi, nến trắng, thiệp chia buồn và hình ảnh, được đặt dọc theo hàng rào bên hông nhà. Trong khi đó, tại trung tâm cộng đồng nơi ông Don Damond làm việc, người quen biết và người không quen biết đều ghé vào, nói lời chia buồn, để lại một dòng chữ hoặc để lại một món đồ nhỏ, để chia buồn cùng gia đình.

Vụ cảnh sát bắn chết người khuya thứ Bảy càng khiến cư dân Minneapolis mất tin tưởng vào nhân viên công lực. Bà Lois và ông John Rafferty cho biết họ hiếm khi gọi 911 để xin giúp đỡ. Nếu có gọi, họ không bước ra khỏi nhà để nói chuyện với cảnh sát, vì không biết chuyện gì xảy ra nếu họ đứng gần cánh cửa xe tuần tra. John nói, "Đây là Minneapolis, không phải là Syria. Người dân có quyền dắt chó đi dạo vào lúc nửa đêm. Chẳng lẽ đó là lý do để bị bắn chết?"

Bà Bethany Bradley, chủ tịch tổ chức Womens March ở Minnesota, nhận xét cảnh sát không minh bạch về vụ nổ súng. Bà thắc mắc tại sao tổng đài 911 không công bố đoạn băng ghi âm khi cô Justine gọi đến. Bà Bethany cho rằng điều này không thể xảy ra ở bất cứ thành phố nào, cũng như bất cứ tiểu bang nào ở Hoa Kỳ. Nhưng chuyện tương tự vẫn xảy ra khiến bà tức giận.

Trong một bài viết đăng trên Facebook trong đêm Chủ Nhật, nữ Thị Trưởng Betsy Hodges của thành phố Minneapolis, đồng thời là thành viên đại diện cho khu vực này tại Hội đồng thành phố, viết rằng bà cảm thấy bực bội trước cái chết của cô dâu tương lai người Úc, kêu gọi nhóm điều tra làm việc cật lực hơn và cung cấp thông tin chi tiết nhiều hơn. Bà Betsy gọi đây là "bi kịch" cho một gia đình, cho một người hàng xóm mà bà quen biết, và cho cả thành phố.

Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Jeff Sessions cũng có mặt ở Minneapolis trong ngày thứ Hai, phát biểu đôi điều trước hiệp hội các công tố viên. Bộ Trưởng Sessions nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của nhân viên thực thi pháp luật trong cộng đồng, nhưng cũng cho rằng Bộ Tư Pháp sẽ truy tố bất cứ ai vi phạm luật pháp.

Cô Justine Damond theo học ngành bác sĩ thú y ở Sydney trước khi bay sang Hoa kỳ, sống chung với chồng chưa cưới Don Damond, tại thành phố Minneapolis. Mặc dù hai người lên kế hoạch sẽ cưới nhau trong tháng 8, cô Justine đã mang họ của chồng khi cô vẫn còn ở Úc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT