Bình Luận

Vụ giết người quái gở

Tuesday, 25/07/2017 - 12:11:47

Câu tuyên bố của nhà lãnh tụ da đen này xuề xòa, dễ thương, nhưng không thật và không giúp giải quyết nền “văn hóa cảnh sát kỳ thị.” Sự thật là chưa một cảnh sát viên nào bị truy tố về tội sát nhân, mặc dù anh ta thật sự giết người, nếu người đó da đen.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Tư, 19 tháng 7, Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull, nhận xét trên đài truyền hình Sydney, “Tôi không hiểu tại sao cảnh sát lại có thể bắn chết một người đàn bà, mặc pajamas, chạy ra đường kêu cứu; án mạng đó quả là quái gở.”

Người đàn bà, mặc pajamas, chạy ra đường đón cảnh sát là cô Justine Damond, 40 tuổi, công dân Úc; cô “ đón” cảnh sát, vì trước đó cô đã gọi 911 hai lần để báo động, về những âm thanh nghe như tiếng kêu cứu của một thiếu phụ đang bị cưỡng bức.

Nội vụ xảy ra hôm thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017 tại quận Fulton, thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota; Cảnh Sát Trưởng Janee Harteau từ chức hôm 20 tháng 7, vì thị trưởng Minneapolis -bà Betsy Hodges- yêu cầu bà từ chức.

 

Cảnh sát trưởng Janee Harteau họp báo hôm 20 tháng 7, trình bày việc bà bị bà thị trưởng Betsy Hodges yêu cầu bà từ chức


Nạn nhân Justine Damond, và cảnh sát Mohamed Noor

Đáp ứng cú điện thoại của cô Damond, anh cảnh sát Mohamed Noor lái xe đến địa chỉ cô Damond đọc cho người điện thoại viên 911, và người này chuyển lại cho anh; thấy cô chạy ra đón xe cảnh sát, anh Noor không xuống xe, móc súng bắn qua cánh cửa sổ xe, giết cô chết; án mạng xảy ra theo lời tường thuật của Noor và một cảnh sát viên khác -anh Matthew Harrity; cả hai người cùng không mở máy camera họ đeo trước ngực, nên giới chức trách nhiệm về hành động của họ, không có một tang chứng nào khác, ngoài lời khai của chính họ -hai cảnh sát viên, một trong hai anh là thủ phạm giết người.
Thị Trưởng Betsy Hodges ra tuyên cáo, nói “Tôi không còn tín nhiệm vào khả năng của bà cảnh sát trưởng nữa, và tôi nhận thấy quần chúng Minneapolis cũng mất tín nhiệm đối với bà.”

Cũng như Thủ Tướng Turnbull, gia đình nạn nhân phẫn nộ vì chính quyền Mỹ chỉ cho họ biết rất sơ lược về việc cảnh sát Mỹ giết cô Damond.


Thân phụ cô Damond, ông John Ruszczyk

Cảnh sát viên Harrity khai là con đường xảy ra án mạng rất tối tăm, cảnh sát vừa đến thì có một tiếng ồn ào rất lớn, và cô Damond chạy lại gần xe cảnh sát; cảnh sát viên Noor bắn chết cô.

Noor từ chối không trực tiếp trả lời điều tra viên, anh để luật sư anh mướn, giúp anh tạo ra một bối cảnh để giải thích việc anh bắn cô Damond.

Trong cuộc họp báo Thị Trưởng Hodges bị người biểu tình phản đối; họ hò hét “Bye, bye, Betsy,” “No justice, no peace,” và cầm biểu ngữ với nội dung mang chỉ dấu là chính cảnh sát tổ chức biểu tình.
Sau khi người biểu tình giải tán, bà thị trưởng lên bục thuyết trình tuyên bố, "Tôi không tử chức; và tôi hy vọng công chúng hiểu là không có cái đũa thần nào để chỉ cần gõ đũa là đủ để đem lại an ninh công cộng."

 

Thị Trưởng Betsy Hodges họp báo


Người biểu tình mang khẩu hiệu Harteau bị đuổi, Betsy sắp đuổi anh.

Bà Cảnh Sát Trưởng Harteau đã phục vụ trong sở cảnh sát Minneapolis 30 năm; trong thông cáo tuyên bố từ chức, bà viết, “Chuyện vừa xảy ra không phản ánh chương trình huấn luyện và quy chế làm việc tại sở cảnh sát. Sở dĩ tôi quyết định từ chức là để người thay thế tôi tìm phương thức tạo ra một sở cảnh sát tuyệt hảo cho Minneapolis.”

Năm 2015, cảnh sát Minneapolis cũng đã bắn chết anh Jamar Clark -một cư dân Mỹ đen- nhưng nội vụ bị xử chìm xuồng, vì mầu da anh Clark.

Bà Nekima Levy-Pounds, một luật sư nhân quyền đang ứng cử tranh chức thị trưởng Minneapolis, cho là Cảnh Sát Trưởng Harteau xứng đáng bị sa thải, vì bà ta chỉ lên tiếng khi cảnh sát bắn chết cô Damond, một người da trắng, và không nói gì trong những lần cảnh sát giết Mỹ đen.

Bà Levy-Pounds còn nói, “Cảnh sát Minneapolis đã giết nhiều người, mà Cảnh Sát Trưởng Harteau vẫn không nhìn nhận đó là một tệ tục của sở cảnh sát; lần này bà ta cũng coi như là lỗi của một cá nhân -anh cảnh sát Mohamed Noor.”

Bà Harteau là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cảnh sát trưởng Minneapolis; bà không giấu việc bà là một người “gay” ái nam, ái nữ. Nhiều người nhận định Harteau là một cảnh sát trưởng tốt, quan tâm đến việc cải cách ngành cảnh sát, đòi hỏi cảnh sát viên phải đeo camera trong giờ hành sự, và chủ trương công lý hồi phục. Tuy nhiên, dưới quyền bà, sở cảnh sát Minneapolis đã nhiều lần bị công chúng phản đối vì cảnh sát lạm dụng sức mạnh trong cách đối xử với người Mỹ đen.

Tiểu bang Minnesota đang điều tra về cái chết của cô Damond; Thị Trưởng Hodges và Cảnh Sát Trưởng Harteau đều công nhận là cô bị giết oan; hai nữ viên chức này chỉ không đồng ý với nhau về một điểm: ai chịu trách nhiệm về vụ giết người quái gở đó.

Hodges tin là Harteau thiếu một chương trình huấn luyện nghiêm chỉnh về kỷ luật tác xạ, và không theo dõi việc cảnh sát viên có tuân lệnh mở camera trong lúc hành sự hay không, trong lúc Harteau vẫn quả quyết phản ứng “ bóp cò súng, khi giật mình” vì một tiếng động, chỉ là trách nhiệm cá nhân của cảnh sát viên Noor.

Nhiều người tin là “ vụ giết người quái gở” chỉ quái gở vì nạn nhân là một phụ nữ da trắng, và là người ngoại quốc; nếu cô Damond là một thiếu phụ Mỹ đen, thì cái chết oan uổng của cô chỉ “ lên tin” truyền thông được 48 tiếng đồng hồ rồi chìm lỉm; không một cảnh sát trưởng nào phải từ chức, không một thị trưởng nào phải lo mất ghế.

Chủ tịch NAACP (The National Association for the Advancement of Colored People-Hiệp Hội Mưu Cầu sự Thăng Tiến cho Người Da Mầu) Cornell Williams Brooks không muốn phải chấp nhận sự thật đáng buồn này; ông phủ nhận, “Không cần tìm những cá nhân kỳ thị chủng tộc để vơ đũa cả nắm, kết luận là chúng ta có một nền văn hóa cảnh sát kỳ thị; kết luận như vậy là xát muối vào vết thương Mỹ trắng-Mỹ đen, trong đó, những người Mỹ đen phạm tội nhỏ bị cảnh sát xử tử.”

 

Cornell Williams Brooks


Câu tuyên bố của nhà lãnh tụ da đen này xuề xòa, dễ thương, nhưng không thật và không giúp giải quyết nền “văn hóa cảnh sát kỳ thị.” Sự thật là chưa một cảnh sát viên nào bị truy tố về tội sát nhân, mặc dù anh ta thật sự giết người, nếu người đó da đen.

Bộ máy tư pháp bị mầu da trắng, da đen, bóp méo để diễn dịch tội sát nhân thành quyền tự vệ của cảnh sát. Đó là nguyên nhân tạo ra tệ tục cảnh sát nhậy cò, chỉ cần giật mình vì một âm thanh lớn -như trường hợp anh cảnh sát viên Noor- là nổ súng, giết người.

Nền “văn hóa cảnh sát kỳ thị” đó bắt đầu từ những năm giải phóng nô lệ Phi Châu cho đến nay -thời đại bình quyền giữa mọi người Mỹ -Mỹ đen, Mỹ trắng; nền văn hóa khó thương đó chỉ chấm dứt năm nào truyền thông Mỹ có phản ứng phẫn nộ, như họ đang phẫn nộ vì tư cách lãnh đạo của Tổng Thống Donald Trump. (ndt)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT