Thể Thao

Vụ khủng hoảng về giá vé xem đá bóng ở Liverpool

Friday, 12/02/2016 - 10:38:18

Phản đối bằng miệng xong xuôi rồi thì các “fans” bèn chuyển qua hành động. Trong trận Liverpool đấu với Sunderland, có không dưới mười nghìn người chờ cho đến phút thứ 77 bèn kéo nhau ùn ùn ra về!


Các "fans" của đội Liverpool căng biểu ngữ trong trận Liverpool với Sunderland với hàng chữ "Bóng đá không có các "fans" là kể như không có nghĩa lý gì hết"

 

Phút thứ 77 của trận giữa Liverpool với Sunderland, hơn mười nghìn khán giả bỏ ra về để phản đối việc tăng giá vé.

 

Vụ khủng hoảng về giá vé xem đá bóng ở Liverpool

Bài THANH NGUYỄN

Rốt cuộc thì sau khi giới hâm mộ bóng đá của đội Liverpool tại thành phố Liverpool đã phản đối dữ dội về việc tăng giá vé xem đá bóng thì giới chủ nhân của câu lạc bộ bóng đá này đã phải hủy bỏ kế hoạch tăng giá vé vào cổng tại sân Anfield của đội.

Đầu đuôi phát xuất từ chuyện chi phí trong việc tu bổ lại sân đấu. Sức chứa hiện nay của nó là 44,742 người, kể cả khu vực khán giả đi xem chỉ có đứng chứ không có ghế ngồi. Bởi thế mà tử giá biểu cho mỗi trận không nằm trong khuôn khổ các giải quốc nội hay quốc tế thì vé vào cổng cho mỗi trận trung bình là 77 đồng Bảng Anh, tương đương $112 USD, và giá vé cho tất cả những trận không thuộc diện tranh giải nếu mua cho trọn năm là 1,029 đồng Bảng Anh, tương đương $1,496! Trước khi có kế hoạch tăng giá vé như trên thì giá cho mỗi loại là 59 đồng Bảng Anh, tương đương $86, và 869 đồng Bảng Anh, tương đương $1,263.

Nhóm chủ nhân của đội Liverpool đã cho công bố dự án tăng giá vé như thế từ hơn mười ngày nay. Và ngay từ ngày đầu, giới hâm mộ bóng đá đã kịch liệt lên tiếng phản đối. Họ phản đối trên mạng cũng như trên báo và các hệ thống truyền hình. Các nhà báo, các phóng viên truyền hình được dịp có đề tài để đưa tin cho nên sẵn sàng nghe ngóng và ghi nhận các ý kiến phản đối. Hai điều được hệ thống truyền thông đúc kết qua hàng trăm nghìn ý kiến phản đối có thể được gói gọn trong hai câu mà khi chuyển ngữ cho thật thoát ý là: “Giới lao động đi xem đá bóng mà lại phải mua vé theo giá biểu dành cho giới giàu tiền lắm của.”

Và: “Qúy vị chủ nhân của câu lạc bộ bóng đá nên coi chúng tôi như những người hâm mộ bóng đá, như các ‘fans’, chứ không phải một nhóm người tiêu thụ một món hàng gì đấy.”

Phản đối bằng miệng, bằng chữ viết xong xuôi rồi thì các “fans” bèn chuyển qua hành động. Trong trận Liverpool đấu với Sunderland vào Chủ Nhật tuần rồi ở sân Anfield, có không dưới mười nghìn người chờ cho đến phút thứ 77 bèn kéo nhau ùn ùn ra về! Chuyện chưa từng có xưa nay trong lịch sử bóng đá bên Anh. Người không suy nghĩ cho thật kỹ thì sẽ nêu luận điểm là tại sao một khi đã phản đối thì lại không phản đối ngay từ đầu trận đấu mà phải đợi cho đến phút thứ 77, và trận hôm đó thì đội Liverpool đâu có thua?

Nhưng đấy chính mới là ý nghĩa của vấn đề! Họ xem cho đến phút thứ 77 vì họ muốn được xem bóng đá! Rồi họ đùng đùng ới nhau ra về, cho dù đội nhà không thua, là bởi họ ..muốn tỏ rõ thái độ!

Trước tình hình đó thì đương nhiên là giới chủ nhân của câu lạc bộ bóng đá Liverpool không thể xem thường được vấn đề. Và bởi thế mà chỉ mấy chục tiếng đồng hồ sau vụ hôm Chủ Nhật đã vội vàng lên tiếng xin lỗi mọi người, rằng, tóm lược cái ý, “Chúng tôi đã biết lỗi của mìtnh rồi và xin giữ nguyên giá vé ít ra cho cả đến mùa bóng 2016-17!”

Có điều là bên Anh đâu phải chỉ có mỗi một sân bóng? Và Âu châu đâu có phải chỉ là nước Anh? Hôm thứ Ba 2/9 có trận vòng tứ kết của giải German Cup, tức giải Pokal giữa Borussia Dortmund với đội Stuttgart tại sân ở Stuttgart dưới cơn mưa tầm tã vào đầu hiệp 1. Các “fans” của đội Borussia từ thành phố Dortmund ở hướng Tây Bắc phải lặn lội đi xuống hướng Tây Nam để ủng hộ gà nhà. Nhưng giá vé vào cổng tại Stuttgart nay đã tăng. Được chừng vài chục phút thì từ khu khán đài nơi cánh nhà Dortmund “đóng chốt” có hàng tá quả banh tennis được ném tán loạn trên sân cỏ. Trọng tài phải thổi còi tạm ngưng trận đấu để cầu thủ của cả hai đội đi nhặt cho bằng hết những quả banh tennis phản đối việc tăng giá vé đó. Và rồi bên Anh thì cái vụ phản đối việc tăng giá vé đó cũng bắt trớn qua những sân đấu khác. Giới hâm mộ bóng đá của đội Arsenal và những đội khác cũng bắt đầu lên tiếng phản đối kế hoạch tăng giá vé tại sân đấu nhà của mình.

Vậy thì cội nguồn của vấn đề là gì? Có gì khác hơn là một cái vòng luẩn xoay quanh tiền bạc, doanh thu, vốn dĩ đã là nền tảng của bóng đá từ bấy lâu nay? Phải có đội ngũ cho thật ngon lành để đứng vào nhóm hàng đầu củả liên hiệp câu lạc bộ bóng đá thì bấy giờ mới có đông khán giả đi xem, mới có được tiền do các hệ thống truyền hình người ta chi trả để tiếp vận các trận đấu. (Các hệ thống truyền hình cần tiếp vận những trận đấu của các đội danh tiếng để có điều kiện thu tiền quảng cáo của các cơ sở kinh doanh muốn quảng cảng hàng hóa, dịch vụ).

Muốn có đội ngũ cho ngon lành thì phải có các cầu thủ thuộc loại ‘đắt giá” nhất thế giới, tức là tài năng đi đôi với lương bổng. Từ đó lại phải cần có một sân đấu cho thật bề thế, cho thật nhiều chỗ ngồi để bán vé, kiếm tiền. Kiếm là kiếm thế nào? Chẳng hạn như đội Liverpool thì doanh thu từ vé bán hàng năm, gì thì gì,cũng phải từ 35 triệu đồng Bảng Anh trở lên, tương đương $51 triệu. Riêng tiền thu được từ hệ thống truyền hình 3 năm tới đây cho toàn thể các đội bóng của Premier League sẽ lên đến 8.3 tỷ đồng Bảng Anh, tương đương $12 tỷ để tùy mức độ cao thấp của mỗi câu lạc bộ mà cùng nhau chia chác.

Nếu như mùa này có người hâm bóng đá nào từ Mỹ tính an Tết muộn mà qua du lịch bên Anh rồi nhân thể ghé thành phố Manchester để xem đội Manchester City (hạng ba trong Premier League hiên nay) đấu với Tottenham (hạng nhì) vào ngày 14/2 thì giá vé vào cổng ở sân Etihad của M.C. chỉ có $132. Nếu ở nán lại bên ấy qua tháng Ba rồi đi Liverpool xem M.C đấu với Liverpool ngày 2/3 ở sân Anfield thì giá vé sẽ là $209.

Còn nếu không muốn đến tận nơi để hò hét như người ta, mà chỉ muốn ngồi nhà xem TV nó tiếp vận thì tiền hàng tháng cho một kênh truyền hình “cable” có tiếp vận các trận bóng đá quốc tế cũng không thể dưới $70 một tháng. Tốn kém mọi đàng, nhưng chắc chắn vẫn rẻ hơn nhiều so với không ít hàng nghìn món “giải trí kém lành mạnh” khác trong đời!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT