Hoa Kỳ

Vụ sập nhà tại Bangladesh: Liên Hiệp Châu Âu cân nhắc việc kiểm soát thương mại

Thursday, 02/05/2013 - 11:16:36

Bất kỳ hành động nào của EU về thị trường miễn thuế và hạn ngạch xuất cảng của Bangladesh, đều cần phải có sự đồng ý của tất cả 27 nước thành viên của liên hiệp và có thể phải mất hơn 1 năm để thực hiện.

Một phụ nữ Bangladesh đang làm việc trong xưởng may tại Dhaka. Ngành may tại Bangladesh là ngành xuất cảng mang lại lợi nhuận nhiều nhất, với 2 thị trường tiêu thụ chủ yếu là Châu Âu và Hoa Kỳ. (Ảnh: MUNIR UZ ZAMAN/AFP/GettyImages)
 

BRUSSELS, Bỉ - Liên Hiệp Âu Châu (EU) đang xem xét việc sử dụng những biện pháp thương mại nghiêm khắc hơn đối với Bangladesh, một nước lâu nay được ưu đãi trong việc xuất cảng quần áo vào thị trường EU, để gây áp lực buộc chính phủ Dhaka phải nâng cao các tiêu chuẩn an toàn, sau khi xảy ra vụ một nhà máy bị sập tại nước này, làm thiệt mạng hàng trăm công nhân.

Việc được EU miễn thuế cho các mặt hàng quần áo may sẵn xuất cảng, và tiền lương công nhân thấp, đã góp phần biến ngành may của Bangladesh trở thành một ngành kỹ nghệ mỗi năm thu về 19 tỷ Mỹ kim, với 60% quần áo được xuất cảng sang Âu Châu. Bất kỳ hành động nào của EU về thị trường miễn thuế và hạn ngạch xuất cảng của Bangladesh, đều cần phải có sự đồng ý của tất cả 27 nước thành viên của liên hiệp và có thể phải mất hơn 1 năm để thực hiện.
Trong một bản tuyên bố, được đưa ra bởi Karel de Gucht, người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU, và Catherine Ashton ủy viên thương mại của liên hiệp, nói: “Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi các nhà chức trách Bangladesh phải hành động ngay lập tức, để bảo đảm rằng các nhà máy trên toàn quốc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế.”
Hôm 30-4-2013, nghiệp đoàn IndustriAll Global Union, đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, đại diện cho 50 triệu công nhân trên toàn thế giới, đã hợp tác với các hãng bán lẻ Tây phương, để soạn thảo một bản cam kết tuân thủ việc bảo đảm an toàn hỏa hoạn và xây dựng dành cho Bangladesh, với hạn chót để hoàn tất là ngày 15 tháng 5. Nghiệp đoàn này cho biết, “một số ngân quỹ sẽ được cấp cho những cuộc thanh tra, huấn luyện và nâng cao phẩm chất cho những cơ sở có nhiều nguy hiểm”. Nghiệp đoàn cũng kêu gọi các hãng bán lẻ hãy tái đàm phán về các hợp đồng, để trả thêm tiền cho các hãng cung cấp hàng hóa, để bảo đảm công nhân nhận được tiền lương đủ sống và nâng cấp kỹ thuật cho các nhà máy.
Hiện nay có khoảng 3.6 triệu người làm việc trong ngành may của Bangladesh, biến quốc gia này thành nước lớn thứ nhì thế giới về xuất cảng hàng may mặc, đứng sau Trung Quốc. Đa số công nhân ngành này là phụ nữ, trong đó một số người chỉ kiếm được 38 Mỹ kim mỗi tháng.


Sự tức giận
Sự phẫn nộ đang càng lúc càng gia tăng tại Bangladesh, sau khi tòa nhà xây trái phép Rana Plaza đổ sập tại quận Savar, ở khu ngoại ô Dhaka trong tuần qua, khiến 411 người chết trong vụ tai nạn kỹ nghệ tệ hại nhất ở nước này. Có khoảng 3,000 người đang làm việc khi tòa nhà đổ sập. Được biết, tòa nhà 8 tầng này được xây dựng trên một vùng đầm lầy và có nền móng không vững chắc. Khoảng 2,500 người đã được cứu thoát, nhưng vẫn còn rất nhiều người mất tích. Hôm Thứ Tư, nhà chức đã phải chôn cất tập thể khoảng 40 người, vì bị nhiều vết thương hoặc bị phân hủy quá nặng đến mức không thể nhận dạng.
Hàng ngàn công nhân đã biểu tình tại thủ đô Dhaka nhân ngày quốc tế Lao Động, yêu cầu chính phủ phải tử hình những người có trách nhiệm trong vụ tai nạn thảm khốc này. Khoảng 20 người đã bị thương trong ngày Thứ Ba, khi cảnh sát bắn hơi cay, đạn cao su, và xịt nước để giải tán đám đông biểu tình tại Savar.
Chủ tòa nhà Rana, ông Mohammed Sohel Rana, và người cha là Abdul Khalek, nằm trong số 8 người đã bị bắt giữ cho đến nay, và cảnh sát đang truy tìm người chủ xưởng may thứ 5, là ông David Mayor, công dân Tây Ban Nha. Hiện vẫn chưa rõ ông này có mặt tại Bangladesh trong thời gian xảy ra tai nạn hay không.


EU là thị trường lớn nhất
Vụ sập nhà vào tuần trước là tai nạn chết người thứ 3 xảy ra trong vòng 6 tháng tại Bangladesh. Sự việc này đã gây ra nhiều câu hỏi về sự an toàn của công nhân và điều kiện làm việc tại quốc gia Nam Á này. Quần áo may sẵn chiếm 80% lượng hàng xuất cảng của Bangladesh và 5 xưởng may trong tòa nhà Rana cũng là nhà cung cấp hàng cho các hãng bán lẻ tại Châu Âu và Canada.
Thủ Tướng Sheikh Hasina đã nói với giới chủ xưởng may vào hôm Thứ Tư rằng, họ phải chăm sóc cho các công nhân của mình. “Quý vị phải bảo đảm rằng công nhân của mình có mức lương công bằng, và được đầy đủ các quyền lợi. Quý vị phải cho họ chỗ làm việc an toàn nếu quý vị muốn kinh doanh.”
Trong năm 2012, ngành xuất cảng hàng may mặc của Bangladesh sang châu Âu tăng từ 10.52 tỷ Mỹ kim lên 11.37 tỷ Mỹ kim. Trong đó, Đức là thị trường lớn nhất với 3.4 tỷ, theo sau là Anh với 2.13 tỷ, tiếp đó là Tây Ban Nha với 1.71 tỷ và Pháp với 1.27 tỷ.
Thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn thứ 2 của Bangladesh chính là Hoa Kỳ, chiếm 23%, trị giá 4.53 tỷ Mỹ kim.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT