Đạo và Đời

Vua dân Do Thái

Thursday, 18/11/2021 - 08:30:57

Bài Ngày Chúa Nhật hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ,...


Tranh khảm Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (1145-60) tại Nhà Thờ Cefalu, Sicily, Ý.


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Bài Ngày Chúa Nhật hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, quen gọi là Lễ Chúa Kitô Vua. Thánh Lễ ngày hôm nay cũng kết thúc năm phụng vụ, năm tràn đầy hồng ân Thiên Chúa ban cho dân Ngài, đặc biệc qua việc cử hành Thánh Lễ. Chúng ta tạ ơn Chúa và chuẩn bị cùng với Giáo Hội đi vào năm phụng vụ mới.

Không phải vì ngẫu nhiên mà năm phụng vụ được kết thúc với Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, nhưng Thánh Lễ cuối cùng này nhắc nhở chúng ta trong suốt năm vừa qua, Đấng mà chúng ta lắng nghe mỗi ngày và được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu của Ngài, chính là Vua của vũ trụ. Niềm xác tín này giúp chúng ta vững dạ an lòng rằng mình đã và đang bước đi trên con đường của chân lý dẫn đến sự sống viên mãn. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã xác định trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi được điệu đến dinh Philatô để bị thẩm vấn, Chúa Giêsu xác định Ngài là Vua. Trong xã hội thời bấy giờ, người Do Thái hiểu danh xưng “Vua Người Do Thái” khác với những người La Mã đang cai trị họ. Đối với họ “Vua Người Do Thái” phải là đấng được xức dầu thuộc dòng dõi Vua Đavid. Thực ra đây chính là thân phận của Chúa Giêsu, nhưng họ từ chối không chấp nhận. Họ cho rằng ngài chỉ giản dị là Giêsu thành Nazarét, tự xưng là Vua. Không riêng gì Chúa Giêsu mà tất cả những ai thời bấy giờ tự nhận mình là “Vua Người Do Thái” đều bị giới lãnh đạo tôn giáo tố cáo là phạm thượng.

Họ muốn giết Chúa Giêsu, nhưng không có thẩm quyền làm việc đó. Chỉ có vua quan người La Mã mới có quyền cho hành quyết tội phạm. Do vậy họ đã điệu Chúa Giêsu đến Philatô, là quan toàn quyền tại Giuđêa, đại diện cho Hoàng Đế Tiberiô. Khi tố cáo Chúa Giêsu trước Philatô, họ đã không nói rõ lý do tố cáo Ngài đã tự xưng là “Vua Người Do Thái” trên phương diện tôn giáo. Họ chỉ nói trống không, “Người này tự xưng là Vua dân Do Thái.”

Khi Philatô nghe vậy, suy nghĩ của ông hoàn toàn khác với những tư tế, kỳ lão, và Biệt Phái. Philatô cho rằng Chúa Giêsu tự xưng vương trên phương diện chính trị và xã hội. Những ai phạm phải tội này dưới sự cai trị của người La Mã thì sẽ bị kết án ngay lập tức vì họ cho rằng tội phạm muốn gây chiến với người La Mã và lật đổ chính quyền. Do vậy, khi gặp Chúa Giêsu, Philatô đã lập tức hỏi một cách rất trực tiếp: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?” Câu hỏi này rất khó cho Chúa Giêsu trả lời “Có” hay “Không”. Ngài không thể nói rằng“Không” bởi vì Ngài thực sự là Vua người Do Thái trên phương diện tôn giáo. Mặt khác Ngài cũng không thể nói “Có” bởi vì Philatô sẽ hiểu trên phương diện chính trị.

Chúa Giêsu đã khéo léo trả lời để dẫn đến chỗ xác định, “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài thực sự có một vương quốc, nhưng nó không bắt đầu ở thế gian này và cũng không thống trị như một quốc gia trần tục. Do vậy Ngài nói tiếp, “Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái.” Nói đến đây thì Philatô đã hiểu Chúa Giêsu là vua trên phương diện tôn giáo, nên ông chỉ hỏi thêm một câu nữa, “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu liền xác định, “Quan nói đúng.” Sau đó Philatô đã thực sự muốn tha Chúa Giêsu, nhưng vì tiếng la ó của người Do Thái, “Đóng đinh nó vào thập giá,” đã ép ông giao Chúa Giêsu cho vua bù nhìn Hêrôđê.

Ngày hôm nay chúng ta bước theo Chúa Giêsu không phải vì Ngài là vua chúa của trần gian, nhưng vì Ngài là Vua của chân lý. “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi?” Trong suốt năm phụng vụ vừa qua, chúng ta lắng nghe lời Chúa giảng dạy là chúng ta lắng nghe tiếng nói của chân lý và noi gương Chúa làm chứng cho chân lý. Nếu Ngài không thuộc về thế gian này, thì Ngài sẽ dẫn đưa chúng ta vào vương quốc ở trên Trời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT