Lai Rai Chuyện Đời

Vùng Vịnh có gì lạ?

Sunday, 04/12/2022 - 04:15:40

Mỗi lần đến San Francisco tôi đều sống lại cảm giác ngơ ngáo từ Biên Hòa lên Sàigon. Làm việc ở San Francisco sướng ở chỗ là hàng quán khắp nơi giống như Sài Gòn, muốn thứ gì dễ đi bộ kiếm thứ ấy.

 

Hai thành phố Mountain View và Palo Alto phía bên này vịnh, và vùng Oakland-Fremont nằm bên kia là nơi có nhiều trụ sở của các công ty lớn thời “dot com.” (Getty Images)

 

Bài NGUYỄN VỸ

 

Silicon Valley là thung lũng giữa hai rặng núi kéo dài từ đường gãy nứt do hai mảng địa chấn di chuyển ngược chiều nhau tạo thành. Về hướng Bắc là vịnh biển Thái Bình Dương ăn sâu vào đất liền tách làm hai khu vực, hướng Tây là Peninsula và thành phố San Francisco, hướng Đông gồm nhiều thành phố nhỏ được gọi chung là East Bay. Toàn bộ vùng vịnh gọi chung là San Francisco Bay Area, báo chí Việt ngữ mệnh danh là vịnh Cựu Kim Sơn, bao gồm 9 quận hạt hành chánh, dân số cỡ 7 triệu, GDP gần $1 ngàn tỷ, hơn gấp 3 lần GDP của Việt Nam.

 

Fremont là thành phố nhỏ từ chân núi kéo ra vịnh biển vùng East Bay, lưng dựa dãy núi từ hai đường gãy phụ tạo thành hình chữ Y nhưng không nối dính. Phần thung lũng hẹp giữa hai dãy núi chữ Y là xa lộ duy nhất ra khỏi vùng vịnh đi về hướng Đông, vô sâu nội địa Cali hoặc hướng Bắc đến thủ phủ Sacramento.

 

Ven xa lộ nơi cực bắc biên giới hành chánh của vùng vịnh là căn cứ quân đội rất lớn của chính quyền liên bang. Có lần tôi đi làm về khuya thấy đoàn xe quân sự dài hơn 1 mile (dặm), cảnh tượng rất ít người chứng kiến ở nước Mỹ. Họ chạy đúng tốc độ thành một hàng ở lane chạy chậm bên phải, giữ khoảng cách rất kỷ luật. Nếu mình muốn ra khỏi xa lộ thì họ cho chen vô, nhưng nếu qua khỏi exit mà không ra, thì họ nhá đèn đuổi ra khỏi đoàn.

 

Cuối tuần mùa đông hoặc lễ hè là xa lộ đó kẹt xe thê thảm, ai muốn thoát khỏi vùng vịnh qua hướng Đông chơi tuyết, đánh bài, hoặc lên hướng Bắc vùng rượu nho, mà không muốn chạy theo hai cạnh của hình tam giác thì phải đi qua nó.

 

Thời “dot com” bùng nổ thì đất lành của startup là hướng Nam của thung lũng, nơi các công ty Intel, Sun, Cisco, Yahoo, Google… gây nghiệp đế; đến thời mạng xã hội và ứng dụng cloud thì thành phố San Francisco là thánh địa cho tên tuổi của Salesforce, Uber, Twitter, AirBnB làm nghiệp bá... Trong các thời cơn sốt đào vàng, thì Fremont luôn là vùng đất trú chân cho nhiều startup không trả nổi tiền thuê ở hai vị trí đắt địa ấy. Fremont vừa gần Silicon Valley, vừa có tuyến tàu metro (gọi là BART) đến thẳng trung tâm TP San Francisco (SF).

Fremont có một khu đất có thể nói là vị trí đẹp, không hiểu sao lại hấp dẫn với các hãng công nghệ làm ổ cứng. Nếu bạn biết bất kỳ thương hiệu ổ cứng nào, thì xác suất cao là thời cực thịnh của hãng ấy, trụ sở chính (HQ) đặt ở nơi đó. Có thể người Mỹ cũng tin phong thủy, nhiều lần đổi chủ là họ giựt sập building cũ, xây mới. Năm “dot com” bị bể, nguyên dãy phố gần hãng tôi làm đua nhau đóng cửa, nhiều hãng bán tống bán tháo đồ văn phòng, máy móc công nghệ rẻ như đồ lạc xoong. Có một hãng gần đó đóng cửa, chuyển chỗ nhưng không phá sản, tò mò tới coi thì thấy tên hãng là Alibaba.com, lúc đó tôi nghĩ bụng, lại thêm một thằng dot com nữa sắp chết.

 

Trong các thành phố vùng vịnh, tôi làm việc ở Fremont nhiều năm nhất. Có lúc mỗi ngày đi làm tôi chạy ngang nhà máy làm xe của Toyota/GM sau này là của Tesla. Cũng có năm tôi thường đón tàu BART metro mỗi tuần vài ngày từ Fremont lên SF theo lịch làm việc của hãng. Hãng thuê trụ sở gần ga metro ở hai nơi cho nhân viên tiện đi lại. Đi về mỗi chặng khoảng một tiếng, ngồi xe metro làm việc có cái hay của nó, là khoảng thời gian làm việc hiệu quả nhất trong ngày của tôi. Xe metro chạy trên cao nhưng khi qua eo biển và trong thành phố SF thì chạy ngầm dưới đất. Đoạn chạy dưới eo biển dài khoảng 6 km ở nơi động đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng kỹ thuật xây dựng bảo đảm nước biển không lọt vô đường hầm.

 

Mỗi lần đến SF tôi đều sống lại cảm giác ngơ ngáo từ Biên Hòa lên Sàigon (SG). Làm việc ở thành phố SF sướng ở chỗ là hàng quán khắp nơi giống như SG, muốn thứ gì dễ đi bộ kiếm thứ ấy. Ở nước Mỹ hợp chủng quốc, muốn ăn đặc sản của nước nào ở thành phố lớn như SF thì không cần phải đi xa. Cư dân SF tôi thường gặp đa số là giới trẻ, chiều tối đi làm về họ túa ra quán xá nhộn nhịp, đủ thành phần, sở thích. Có lẽ phương tiện đi lại công cộng tốt nên phố xá toàn người đi bộ. So với Silicon Valley hãng xưởng và khu dân cư riêng biệt nhau, đất rộng trải dài, muốn đi đâu bắt buộc phải làm chủ chiếc xe; thành phố SF có sức hấp dẫn đặc biệt với startup thuần túy software. Các hãng startup thuê chỗ làm việc nơi trung tâm thành phố, có đường truyền Internet nhanh, là thu hút nhân tài trẻ mọi nơi trên thế giới kéo đến lập nghiệp, đào vàng. Nhóm sáng lập hãng AirBnB là những người như vậy, đến một thành phố mới đắt đỏ lập nghiệp, họ cần mướn phòng dư từ cư dân. Đó là môi trường thành công nuôi thành công, cơ hội như vậy trên thế giới chỉ có nước Mỹ mới có được.

 

Thành phố Fremont có nơi nổi tiếng là nhà máy của Tesla. Có vài lần tôi cần đi BART qua SF gặp du khách từ Nhật và Âu Châu xuống hỏi đường. Thời đó tuyến BART chưa mở rộng gần nhà máy của Tesla, tôi chỉ bản đồ nói rõ là đi bộ từ ga đến nhà máy khá xa nhưng thấy họ không hề nản lòng. Tự nghĩ bụng, đúng là bụt nhà không thiêng, mười năm trước mỗi ngày tôi chạy ngang cổng nhà máy ấy. Thời đó nhà máy làm xe cho Toyota và GM, họ còn cho công chúng vô thăm viếng dây chuyền làm xe. Thời gian từ thép tấm dập ra khung sườn, cửa… hàn, sơn, lắp ráp thành chiếc xe hoàn chỉnh là khoảng 23 tiếng đồng hồ. Tôi định bụng đợi mấy đứa nhỏ lớn chút dẫn đi coi thì nhà máy đóng cửa, sa thải công nhân thời khủng hoảng tài chính 2008. Nhà máy đó phải sản xuất trên 500,000 xe/năm mới có lời; làm con tính đơn giản thì dây chuyền sản xuất của cả nhà máy 1 phút phải cho ra 1 chiếc xe, làm việc 24/24 cả năm. Tôi coi video youtube nhà máy của Vinfast thấy dây chuyền làm việc không thông suốt, đáng giá nhất là giàn robot hàn sườn xe, nhưng tiến độ làm lại uể oải, chậm chạp. Vinfast trọn năm 2021 chỉ làm ra được 35,000 xe xăng mà vẫn muốn mang tiền qua Mỹ xây nhà máy.

 

Vùng vịnh SF có chuyện lạ đáng học hỏi. Trải nghiệm với nó qua nhiều thời kỳ thăng trầm, từ thời hoàng kim của dot com đến khi tàn mạt khủng hoảng tài chính 2008, mới thấy được sự tương phản như ngày đêm giữa sự linh hoạt của kinh tế tự do và sự phung phí của chính sách công. Đầu nhiệm kỳ một, Tổng Thống Barack Obama có lần ghé thăm Fremont làm lễ khai trương cho công ty Solyndra tại mảnh đất đẹp, vốn là HQ của không biết bao nhiêu công ty làm ổ cứng, có bài diễn văn hùng biện về viễn ảnh của ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo. Vài năm sau Solyndra âm thầm khai phá sản, đốt chục tỷ USD tiền thuế của dân mà không làm ra sản phẩm nào. Sau đó hãng làm ổ cứng mạnh nhất còn lại là Seagate mua lại mảnh đất đó nhưng không giữ lâu. Họ bán miếng đất đó lại cho Tesla, dời HQ xuống 1 block đường về hướng Nam, đập hết xây building mới mang dáng vóc hiện đại. Tesla dùng miếng đất đó làm công xưởng lắp ráp pin cho nhà máy gần đó.

 

Nhiều người thường nghĩ chủ nghĩa tư bản (CNTB) chuyên tàn phá môi trường, ngược đãi nhân công, chỉ biết đến lợi nhuận là chính. Những chuyện đáng học hỏi từ kinh nghiệm của vùng vịnh SF, nơi có nền kinh tế linh hoạt nhất toàn cầu cho thấy bức tranh hoàn khác hẳn. CNTB tồn tại là nhờ khả năng sử dụng tài nguyên hiệu quả nhất, mà con người mới là nguồn tài nguyên đáng giá nhất.

 

Có lý do để hơn 100 năm trước, ông Henry Ford cho công nhân làm việc 5 ngày/tuần và tăng gấp đôi lương cho họ. Ngày nay, công nhân Tesla từ chối công đoàn, làm việc cực nhọc khi họ được chia phần từ cổ phiếu đã tăng 100 lần trong 10 năm qua. Không phải tự nhiên mà nhiều công ty công nghệ cao vùng vịnh gần đây cho nhân viên nghỉ ngày thứ 6 của một tuần trong mỗi tháng. Dân vùng vịnh họ bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ áp đảo nhưng không phải vì thế mà họ thiên về XHCN. Nước Mỹ có nhiều bài học rất hay, không quốc gia nào duy trì được vị trí siêu cường lâu dài nếu sử dụng tài nguyên không hiệu quả.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT