Mẹo Vặt

Vườn cây hảo ngọt!

Thursday, 28/05/2015 - 08:33:18

Thực phẩm mà thảo mộc cần thiết là đường (sugar), không hẳn là thứ đường chúng ta cảm giác được khi ăn kẹo hoặc bánh ngọt, nhưng bản chất nó cũng là đường với tên gọi chính thức là Glucose. Cây không “ăn” glucose qua rễ giống như khi hấp thụ khoáng chất. Vậy cây còn có cái miệng nào khác để ăn?

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đã biết cây cần có đất tốt, đủ dưỡng chất, và đủ nước mới có thể phát triển. Trước nay Hằng vẫn tin như vậy. Cho đến khi nhận được ý kiến của cô giáo: “Biết như vậy là quá tốt, nhưng chưa đủ, bởi vì cây còn đòi … kẹo nữa!” Đòi kẹo? Cây có phải là trẻ con đâu mà đòi kẹo? Nhưng nghĩ kỹ lại một chút thì không chỉ có trẻ con… Ngay cả người lớn, khi đói cũng thích có viên kẹo hay miếng bánh ngọt cho vào miệng …. Nhưng bảo rằng cây cũng hảo ngọt thì quả là hơi lạ! Sau đây là lời giải thích của sư phụ em:

Chỉ là khoáng chất, chưa phải thực phẩm

Trong tiến trình phát triển, cái cây không khác gì một đứa trẻ lúc nào cũng đói bụng, nó cần được ăn. Thì chúng ta đã chẳng tiếp dưỡng chất cho cây hấp thụ qua rễ đó sao? Nhưng cô giáo em giải thích, những gì đất và phân bón cung cấp cho rễ, mà chúng ta gọi là dưỡng chất, chẳng hạn như N (nitrogen), P (phosphorous), K (Potassium)… và nhiều thứ phụ thuộc khác nữa, thực ra chỉ là “khoáng chất” (minerals), chứ không phải thực phẩm đúng nghĩa. Thực phẩm mà thảo mộc cần thiết là đường (sugar), không hẳn là thứ đường chúng ta cảm giác được khi ăn kẹo hoặc bánh ngọt, nhưng bản chất nó cũng là đường với tên gọi chính thức là Glucose. Cây không “ăn” glucose qua rễ giống như khi hấp thụ khoáng chất. Vậy cây còn có cái miệng nào khác để ăn?


                                   Cây lá rực rỡ, tưng bừng chế biến “thực phẩm” trong mùa xuân

Thưa đó là những cái lá! Những cái lá? Hãy cứ tin như vậy, nhưng đường ở đâu ra? Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm làm vườn ít nhiều, nhưng chưa ai từng mang đường ra mà đổ vào “miệng” lá cả. Thực ra, lá không phải là miệng, nhưng chúng là những “nhà máy làm đường”. Chúng ta không mang đường ra bón cho lá, mà cần phải tạo điều kiện để “nhà máy” gom góp đủ vật liệu chế ra đường, rồi khi đã có đường, lá sẽ đẩy nó đi cùng khắp - vào cành, vào thân, và cả xuống rễ nữa - để nuôi cây. Không có đường là đồ ăn cần thiết, cây sẽ chết ngắc dù có đủ phân bón hoặc đất tốt. Công việc chế biến đồ ăn trong “nhà máy” này được gọi là “tiến trình quang hợp” (photosynthesis). Cái tên nghe đẹp thật nhưng rắc rối, chúng ta chẳng cần biết gì hơn ngoài một điều: Phải cung cấp những nguyên vật liệu gì cho “nhà máy” làm đường?

Vật liệu chế thực phẩm

Nói là vật liệu, nhưng chúng ta chẳng cần nhọc công tìm kiếm, vì chúng vốn có sẵn trong thiên nhiên, đó là:
- Ánh nắng mặt trời,
- Carbon Dioxide,
- Chlorophyll,
- Và nước.
Có đủ vật liệu, “nhà máy” lá sẽ trộn chúng với nhau để làm ra glucose, một thứ đường thích hợp với khẩu vị của cây, giúp cây trổ giò lớn lên. Xin nói thêm về vai trò của từng “món” ấy:
- Nước: Do thiên nhiên, hoặc do chủ vườn tưới vào cho rễ. Rễ hút lấy, đưa lên lá. Xin quí bạn xem lại bài trước để biết nên tưới vào giờ nào là tốt nhất và tưới bao nhiêu cho đầy đủ.
- Chlorophyll: Là diệp lục tố, tạo màu xanh cho lá cây, do ông Trời sinh ra, có sẵn trong lá cây.
- Carbon Dioxide: Chính là cạc-bô-níc, một độc khí do sinh hoạt của con người thải ra, phả vào không khí, lá cây sẽ hút lấy để chế biến ra thực phẩm nuôi cây.
- Ánh nắng mặt trời: Vốn là ánh nắng bình thường mà vạn vật vẫn có vào ban ngày. Nhà máy lá không chế được thực phẩm vào ban đêm vì không có mặt trời. Đó là lý do tại sao cây lớn lên thấy rõ trong những tháng xuân hè, là thời gian có nhiều ánh nắng.

Thực phẩm và màu lá

Trong xuân hè, cây cỏ thường mượt mà xanh lá, là dấu hiệu cho thấy cây đang “ăn” glucose. Nhưng xin đừng nghĩ rằng đồ ăn làm cho lá xanh, mà chính là chất chlorophyll có sẵn trong lá. Khi trời đất chuyển mùa, bước vào thu đông, lá cây đổi sang màu đỏ, hoặc màu vàng, là vì khi đó trời kém nắng, công việc “chế đường” khựng lại, chất chlorophyll không còn cần thiết nữa, nên từ từ biến mất kéo theo cả màu xanh. Nhưng nói rằng, cây lá “chuyển” màu cũng không đúng, bởi vì màu lá vàng hoặc lá đỏ thường gặp trong mùa thu cũng có sẵn trong lá cây rồi, có điều là mùa hè chúng bị chlorophyll lấn át, nên không khoe sắc được mà phải chờ cho đến khi màu xanh tự biến mất vào mùa thu. Sang đông, không còn ánh nắng để chế biến đồ ăn thì cây cối đã có sẵn thực phẩm tích lũy để dành từ 2 mùa xuân hạ…. Thực ra, mùa đông là thời gian cây cối ngủ vùi…. Nhưng khác với muôn loài khi ngủ thì nằm, còn cây ngủ vẫn… đứng. Có người bảo rằng, cũng giống như con công nó ngủ vậy, không biết có đúng không? Lạ héng! Nhưng chuyện cây ngủ thế nào, có giống con công ngủ hay không… thì chờ đến mùa đông mình mới quan sát tiếp được.
Bây giờ là mùa xuân, cây lá đang xanh màu. Trong vai trò chủ vườn, chúng ta chẳng cần làm gì nhiều ngoài việc tạo điều kiện cho cây có đủ nước và đủ ánh nắng. Rồi thiên nhiên sẽ làm những việc còn lại để đáp ứng cái tính “hảo ngọt” của vườn cây.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT