Bình Luận

Vượt biên

Wednesday, 01/02/2017 - 07:19:08

Ngay ngày hôm sau, Xiao lên mạng xã hội Ming Pao, đính chánh là ông không hề bị bắt, và cũng không bị giam giữ trong nội địa Trung Quốc; ông cho biết ông đang trị bệnh tại một quốc gia khác, nhưng không tiết lộ danh xưng của quốc gia đó.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Sáu, 27 tháng Giêng, 2017, nhà tỉ phú Xiao Jianhua mất tích, phóng viên truyền thông hỏi cảnh sát Hồng Kông, và được trả lời là ông ta vượt biên sang Tầu.

Hai chữ “vượt biên” gợi cho người Việt Nam nghĩ đến biên giới Hoa-Việt -một lằn ranh thỉnh thoảng lại di động theo hướng tứ Bắc xuống Nam, và thủng như tổ ong, chia đôi hai nước có ngôn ngữ, văn hóa khác nhau, nước Việt đang là chư hầu của nước Tầu.

Hai chữ “vượt biên” còn gợi cho người Việt nghĩ đến những cuộc vượt biên của người Việt, tìm tự do đang sống lén lút, bất hợp pháp trên đất Miên. Họ rời bỏ cọng rau sống Việt Nam vừa có mùi thơm, vừa có vị đắng, rờ bỏ mái nhà lá rách nát mà họ yêu thương, rời bỏ cả thân nhân, thân hữu, để mưu tìm một cuộc sống nghèo khổ trên xứ Chùa Tháp không cộng sản, và hơi an toàn hơn làng thôn của họ, đang quằn quại dưới ách cán bộ ác bà.


Người Việt Nam vượt biên sang Miên sinh sống. (Vì Dân Foundation)


Và tỉ phú Xiao Jianhua “vượt biên” sang Tầu để vào tù

Nhưng trong trường hợp thứ nhì -trường hợp của tỉ phú Xiao, hai chữ “vượt biên” lại nghe chói tai vì không đúng trên cả danh nghĩa lẫn thực tế; trên danh nghĩa thì Hồng Kông và Trung Quốc vẫn tôn trọng quy chế “một nước, hai chế độ,” và trên thực tế, thị trưởng Hồng Kông -mặc dù do cư dân Hồng Kông bầu lên- vẫn thi hành những chỉ thị chính trị của Bắc Kinh.

Một trong những chỉ thị đó là nhắm mắt không thấy cảnh công an Bắc Kinh sang Hồng Kông bắt ông Xiao, áp giải về Tầu; một người thân cận với ông Xiao cho truyền thông biết là ông ta bị cảnh sát lục địa bắt tại phòng riêng của ông trong khách sạn Four Seasons.


Khách sạn Four Seasons

Dĩ nhiên ông Xiao là người Tầu, nhưng trên góc nhìn pháp lý, ông còn là người Canada gốc Tầu nữa; có thể ông ngây thơ nghĩ là cái quốc tịch đó tạo cho ông đôi chút an toàn, ít nhất Bắc Kinh cũng ngại sức phản kháng của Canada mà không “đụng” đến ông.

Người “thân cận” ông Xiao còn tiết lộ là ông vẫn an toàn, mặc dù bị giam giữ; người này chỉ tiếp xúc truyền thông với điều kiện là họ bảo vệ nguồn tin, không tiết lộ tên, họ, và mọi chi tiết về ông ta -cũng có thể là bà ta.

Gia đình ông Xiao yêu cầu chính quyền Hồng Kông và truyền thông quốc tế rút bỏ cái tin ông mất tích. Ông Xiao, 45 tuổi, rời bỏ cố hương Trung Quốc từ nhiều năm nay, và mới trở về Hồng Kông, tin tưởng vào quy chế “một nước, hai chế độ,” và chế độ chính trị tại Hồng Kông tương đối tự do hơn.

Việc công an Tầu bắt cư dân Hồng Kông đem về Trung Quốc giam giữ là hoạt động công khai, đã có tiền lệ từ cuối năm 2015, với việc ông Lee Bo, một nhà bán sách 65 tuổi, bị công an Trung Quốc bắt vào tháng Chạp 2015; ông trở lại Hồng Kông hôm 25 tháng Ba, 2016 sau ba tháng bị giam giữ.


Mất tích 3 tháng, ông Lee trở lại Hồng Kông không tiết lộ về lý do ông “đi vắng”.

Trở lại với trường hợp của ông Xiao; ngày còn nhỏ ông đã nổi tiếng là một học sinh thần đồng; năm 14 tuổi ông được nhận vào học tại Peking University. Ra đời, ông trở thành một doanh nhân vô cùng thành công, với sáng kiến lập ra tổ chức Tomorrow Group -chuyên đầu tư vào thương trường Mỹ và Canada. Ông có nhiều cổ phần trong các công ty Ping An Insurance, the Harbin Bank, the Huaxia Bank và the Industrial Bank. Xiao có nhiều bất động sản tại Hoa Kỳ và một chiếc phi cơ phản lực để sử dụng khi cần di chuyển.

Viện thống kê các tỉ phú Trung Quốc Hurun Report, ước lượng tài sản của ông lên đến 40 tỉ renminbi - $5.8 tỉ Mỹ kim.

Người Tầu cho là con số ước lượng đó dưới tài sản thật sự của Xiao khá xa. Năm 2013, Xiao bỏ ra $2.4 triệu mua cổ phần trong một hãng đầu tư do người em gái của chủ tịch Tập Cận Bình làm chủ.


Xiao đầu tư vào doanh nghiệp do người em gái Tập Cận Bình làm chủ.

Hãng tin Bloomberg News -chuyên viết tin kinh tế- nói việc ông mua cổ phần là để mua cảm tình của họ Tập đối với thân nhân ông, những người vẫn còn sống bên trong Hoa Lục.

Nhân vật “nguồn tin” khẳng định với truyền thông quốc tế là vợ, con ông Xiao vẫn sống an toàn tại quốc ngoại. Bên trong Hoa Lục, Xiao chỉ còn bà con, và vài doanh vụ ông đã đầu tư từ lâu.

Cho đến chiều thứ Ba, 31 tháng 1, cả bộ Nội An Trung Quốc, lẫn sở cảnh sát Hồng Kông đều từ chối không trả lời câu hỏi của truyền thông, “Hồng Kông có đồng lõa với cảnh sát Bắc Kinh trong vụ bắt cóc ông Xiao không?”
Phát ngôn viên của khách sạn Four Seasons cũng từ chối không gặp phóng viên xin phỏng vấn; từ vài năm nay ông Xiao tạm trú trong một căn apartment trên tầng thượng đỉnh của khách sạn đó.

Tờ nhật báo lớn the New York Times viết ông Xiao bị cảnh sát Bắc Kinh bắt đưa vào nội địa Trung Quốc và đang bị giam giữ tại đó.

Ngay ngày hôm sau, Xiao lên mạng xã hội Ming Pao, đính chánh là ông không hề bị bắt, và cũng không bị giam giữ trong nội địa Trung Quốc; ông cho biết ông đang trị bệnh tại một quốc gia khác, nhưng không tiết lộ danh xưng của quốc gia đó.

Trong những năm sống tại Hồng Kông, Xiao được bảo vệ bởi một đoàn nữ cận vệ; những cô cận vệ này cũng không cho truyền thông biết ông bị bắt cóc như thế nào.

Dầy dặn kinh nghiệm về cộng sản, người Việt hải ngoại tiên đoán là Xiao sắp trở lại với thị trường kinh tế hải ngoại -địa bàn mà ông đang thành công. Vị lãnh tụ quyền hành của Trung Cộng -Tập Cận Bình- sẽ trả tự do cho ông ngày nào ông ta hoàn thành công tác cấy sinh tử phù vào não bộ ông Xiao.

Họ Tập không quên cái $2 triệu tư Xiao đầu tư vào doanh vụ của em gái ông, số tiền “biết điều” đó không giúp Tập sai phái Xiao như một công cụ. Ông sẽ làm gì để bắt nhà tỉ phú Xiao làm theo lệnh ông?

Câu hỏi đó chỉ những anh Vi Xi đang nằm vùng trong hàng ngũ Người Việt Hải Ngoại mới trả lời được; tuy nhiên, dù không hỏi ai mọi người đều biết là Xiao không vượt biên: ông ta được công an cõng qua biên giới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT