Thế Giới

WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, hơn 4,600 người chết

Wednesday, 11/03/2020 - 07:52:13

Vào thứ Tư, tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đã lần đầu tiên gọi dịch coronavirus là một “đại dịch” (pandemic).


Đá banh không có người xem. Cầu thủ Juan Lucero của đội Defensa y Justicia đang tranh banh với Alfredo Aguilar của Olimpia trong một trận đấu của giải Copa CONMEBOL tại Asuncion ngày thứ Tư, 11 tháng 3, 2020. Vì lo ngại dịch Covid-19 lan tràn, chính quyền Paraguay đã cấm người dân không được tụ tập, và các đội banh vẫn tiếp tục đấu chiếu trực tiếp trên truyền hình. (Luis Vera/ Getty Images)


GENEVA - Vào thứ Tư, tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đã lần đầu tiên gọi dịch coronavirus là một “đại dịch” (pandemic). Lên tiếng trước các ký giả tại Geneva, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Ghebreyesus, nói rằng tổ chức này hết sức lo ngại về mức độ lây lan và sự trầm trọng của dịch bệnh, do đó, WHO muốn đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được coi là một đại dịch toàn thế giới.
Hiện Covid-19 đã lây lan ra 114 quốc gia, với hơn 126,290 người nhiễm bệnh, 4,633 người thiệt mạng, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ngoài Trung Quốc, nơi bắt nguồn của dịch bệnh, các nước khác đang chứng kiến dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất bao gồm Nam Hàn, Ý, và Iran.
Coronavirus đã xuất hiện tại mọi châu lục trên thế giới, ngoại trừ châu Nam Cực. Tiến Sĩ Mike Ryan, lãnh đạo chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết việc sử dụng thuật ngữ “đại dịch” sẽ không làm thay đổi phản ứng của WHO đối với dịch Covid-19.
Vào ngày 30 tháng 1 năm nay, WHO đã gọi Covid-19 là mối đe dọa khẩn cấp quốc tế, và khuyến khích các nước gia tăng hợp tác để đối phó dịch bệnh. Theo giới chuyên gia, việc dùng thuật ngữ đại dịch là nhằm thúc giục các nước tăng cường hợp tác và minh bạch, để cùng tìm cách kiểm soát tình hình hiện nay. Thuật ngữ đại dịch rất ít khi được WHO sử dụng, ngay cả đối với dịch SARS vào năm 2006. Lần gần đây nhất WHO dùng thuật ngữ này là vào năm 2009, đối với dịch cúm H1N1, còn gọi là cúm heo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT