Hôm Nay Ăn Gì

Xáo bò bánh tráng sả

Monday, 12/04/2021 - 07:49:15

Thời kinh tế tập trung bao cấp, tôi còn nhỏ lắm.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Thời kinh tế tập trung bao cấp, tôi còn nhỏ lắm. Thời đó cái ăn đối với mỗi gia đình là một thứ gì đó nghe kinh khủng hơn cả lưu đày. Người ta sợ mất cái ăn, bán rẻ danh dự, lương tri cũng vì miếng ăn, bán tất tần tật những gì thuộc về con người cũng vì miếng ăn. Đói, khủng hoảng tinh thần, chới với trước tương lai đã khiến người ta chỉ còn biết vịn vào cái ăn, thế nhưng cái ăn lại như một giấc mơ đẹp, nó cũng ít hiện thực lắm lắm. Người ta trở nên yếu đuối và bơ vơ, thực sự bơ vơ trong cõi đời. Giữa lúc đó, một tô xáo bò bánh tráng sả bà dành dụm để nấu cho tôi, làm sao tôi có thể quên mùi vị của nó được.

Không biết những ai sinh ra những năm cận kề sau 1975 còn nhớ chữ này không: Lủi? Chữ lủi dành chỉ những đứa trẻ do đói ăn, thiếu chất bổ sau một đêm ngủ, sáng ra ngồi dậy không nổi, người lớn phải đút sữa hoặc nấu cháo loãng pha với một chút muối, chút đường mà mớm. Tôi từng bị lủi vài lần trong đời. Lần đầu tiên, năm tôi tám tuổi, tôi vẫn còn nhớ, bà ngoại tôi phải đi nằm bệnh viện, ở tít tận bệnh viện đa khoa tỉnh, mẹ tôi phải chạy lên để chăm sóc ngoại và ngoại phải phẫu thuật nên cần người chăm sóc. Trước khi đi, mẹ nấu một nồi cơm, để trên bếp, một ít cá kho treo trên chiếc gióng nhỏ, dặn tôi ăn thì nhớ bắc ghế mà lấy xuống, treo vậy để tránh mấy anh chó trong nhà phá. Tôi ăn cơm được bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Vì tôi nghĩ mẹ sẽ về, hơn nữa lần đầu tiên trong đời được “tự do” để ăn uống thoải mái, không cần nhìn trước nhìn sau (thời bao cấp, trẻ con ăn uống được dạy câu “ăn coi nồi ngồi coi hướng,” có thèm, có đói mấy cũng ăn vừa thôi để nhường phần người khác). Tối đó được một bữa no đúng nghĩa nhưng bắt đầu thấy nhớ ngoại, thấy sợ và trông mẹ mau về.

Chờ mãi vẫn không thấy mẹ về, tôi ngồi khóc rồi thắp đèn, rồi lại chờ, đóng cửa ngồi chờ, chờ tới khuya vẫn không thấy mẹ về, tôi ngủ thiếp đi. Đến hôm sau, cả ngày tôi ngồi chờ mẹ, vẫn không thấy mẹ về. Bà cô An gần nhà gọi tôi sang, cho tôi ăn chén cơm. Hồi đó, nhà bà cô An nghèo lắm, chuyện cho tôi chén cơm là có tới mấy người bấm bụng. Tôi ăn chén cơm xong thì về lục gạo nấu nhưng lại không có thức ăn, định ra ổ gà lục trứng vào luộc thì ai đó đã hốt nguyên ổ trứng và gà mẹ đêm qua. Vậy là buồn, lại trông mẹ về và ngồi khóc. Cho đến tối thì lại thắp đèn, nhưng lần này buồn quá, không thấy đói bụng mà chỉ thấy buồn ngủ. Chờ mẹ một lúc, tôi ngủ thiếp đi, quên cả đóng cửa, sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy, thấy mẹ đang lúi húi lau mặt cho tôi bằng khăn ấm, nói tôi hả miệng rồi đút cho tôi từng muỗng cháo loãng ngòn ngọt. Tôi hỏi mẹ về bao giờ, mẹ nói là mẹ về từ sáng sớm. Mẹ xin lỗi tôi vì đã để tôi bị lủi, vì bà phẫu thuật xong cần người chăm sóc nên mẹ phải ở lại, mẹ rất lo lắng vì hai đêm liền tôi ngủ một mình. Mẹ nói cứ như khóc, còn tôi thì không hiểu lúc đó lấy đâu ra suy nghĩ mà lại hỏi thăm sức khỏe của ngoại rồi thầm khấn ngoại mau khỏe để về với tôi. Thú thực, tình thương yêu lúc nghèo khổ đậm đà và sâu lắm. Bây giờ tìm thật hiếm, không phải là không có, tôi tin vậy, nhưng chắc là hiếm lắm.

Sau lần đó, tôi hỏi mẹ sao gọi là lủi, mẹ lắc đầu, nói rằng mẹ cũng không hiểu vì sao người ta gọi việc đói không ngồi dậy nổi của con nít là lủi. Lần hai, tôi bị lủi khi mẹ và bà đi làm đồng, tối đó tôi mệt quá, đi học về lục cơm không có, vậy là lăn ra ngủ, sáng ra cũng lủi. Lần ba, cũng là lần cuối tôi lủi trong đời là ngày bà và mẹ đi cân con heo. Nhà nuôi heo muốn bán phải đăng ký hợp tác xã, đến đợt nhà nước thu mua thì bắt heo vào rọ, chở ra sân phơi hợp tác xã, đậy lá chuối cho heo khỏi bị nắng và chờ người ta gọi tên mới lên cân. Cân xong thì đi về, đến khi nào hợp tác xã gọi lên nhận tiền thì có tiền, giá bao nhiêu do nhà nước qui định. Ai bán heo bên ngoài thì bị thuế vụ bắt, phạt gắt máu.

Mẹ tôi xin phép nghỉ dạy một buổi, sáng sớm mẹ và bà thuê người xúc heo vào rọ, khiêng ra sân hợp tác xã đợi cân, còn tôi đi học. Trưa về, không thấy mẹ và bà, nhìn qua sân hợp tác xã vẫn còn lố nhố người, lục cơm không thấy, tôi chạy lên hỏi mẹ mua gạo nấu cơm vì nhà hết gạo. Mẹ nói thôi ráng chờ mẹ cân xong heo rồi về mua gạo nấu chứ con chưa biết chỗ mua đâu (lúc đó tôi 10 tuổi, hồi đó con nít 10 tuổi nhỏ, khờ hơn con nít 8 tuổi bây giờ). Tôi về lục cuốn sách kể về Nguyễn Trãi ra đọc, cảnh ông đi qua dinh Liễu Thăng để giải hòa thật oai vệ, gươm tuốt sáng lòa, ông ung dung bước đi. Lần đó Liễu Thăng phải rút quân về nước sau khi nghe ông dạy một bài học. Bởi quân Liễu Thăng bị quân Lê Lợi đánh tan tác nhiều nơi… Bữa cơm trưa không có, chiều tôi lại cắp sách đi học. Tối về, bà và mẹ vẫn còn chờ cân heo, hình như là đến 8 giờ tối mới xong. Tôi mệt quá, lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau, lại lủi. Mẹ thì đút cháo loãng, bà thì xắt một lạng thịt bò, ướp hành tiêu tỏi, nước mắm thơm phức rồi chế nước sôi có dập một củ sả vào, đợi tôi khỏe hẳn thì bát xáo bò bánh tráng sả của bà cũng vừa nguội để ăn. Bà bảo tôi ăn cho có chất mà đi học.

Cái mùi vị bánh tráng quyện với nước thịt bò ngọt lịm, bùi bùi, thơm phức hành tiêu tỏi, thêm chút vị sả đánh bay cảm giác mệt mỏi. Giờ nghĩ lại, còn thấy hơi cay sống mũi vì bà đã đi xa nhiều năm. Mà thời tuổi trẻ của tôi chẳng mua được món gì ngon cho bà ăn. Đến khi tôi kiếm được tiền thì bà không còn biết ngon dở nữa. Cuộc đời đôi khi là một chuỗi kỉ niệm ngậm ngùi.

Xin quí vị hãy thử món này, nhìn đơn giản vậy nhưng ngon lắm, cách làm cũng dễ, hãy làm giống như bà tôi đã làm. Xin cầu chúc quí vị hạnh phúc và luôn có món ngon, bổ, mềm để đãi người già thân yêu trong nhà!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT