Chuyện Nước Pháp

Xe điện ngầm – métro Paris (kỳ 2, hết)

Monday, 08/01/2018 - 09:15:35

Trong nhiều lần tới lui có việc riêng, tôi thường xuyên dùng đường xe điện ngầm số 4. Đường dây số 4 này cùng với số 5 và số 7 là ba tuyến métro đông nghẹt khách thường xuyên, đứng hạng nhì sau đường số 1 đi đoạn Tây-Bắc qua tới Đông-Nam với hàng trăm triệu khách trong năm.

Trong bài trước, vào đoạn cuối tôi có nhắc đến kiến trúc sư cá tính đặc biệt Guimard đã thực hiện khoảng 167 công trình lối vào hầm xe điện ngầm Paris. Đáng buồn thay là nhiều công trình nghệ thuật của ông bị hư hỏng theo thời gian, chỉ còn khoảng 70 cái chịu đựng nổi. Ông sinh vào thế kỷ 19 và mất năm 75 tuổi qua thế kỷ 20 tại New York, Hoa Kỳ với nỗi buồn chán người Paris đã lãng quên ông. Phu nhân của ông thấy tinh thần phu quân xuống dốc nên đã đề nghị đưa ông sang Mỹ sống nốt chuỗi ngày cuối đời. Hiện nay, trên mạng vẫn còn vài trạm thông tin của người ái mộ tài năng thể hiện cung cách Tân Nghệ Thuật của Guimard.


Nghệ thuật Đóng và Mở của Guimard khi thực hiện cổng vào hầm métro.

Hình lớn cổng vào có chữ Metropolitain thuộc loại đóng với vật liệu bao quanh che chở, ảnh nhỏ bên trong là kiểu mở trống hông ngoài trời. Trở lại với métro Paris và 16 đường xe điện ngầm mà dân thổ địa tại đây và ngoại ô cũng như người ở tỉnh thành có việc lên thủ đô đều phải biết cách sử dụng. Chưa kể du khách quốc tế cũng cần dùng đến nó thường xuyên để khám phá thắng cảnh Paris mà không phải tốn kém quá lớn với xe tắc-xi cho nhiều lần di chuyển.

Trong nhiều lần tới lui có việc riêng, tôi thường xuyên dùng đường xe điện ngầm số 4. Đường dây số 4 này cùng với số 5 và số 7 là ba tuyến métro đông nghẹt khách thường xuyên, đứng hạng nhì sau đường số 1 đi đoạn Tây-Bắc qua tới Đông-Nam với hàng trăm triệu khách trong năm.


Dấu hiệu métro với chữ M trong vòng tròn bọc ngoài là ba đường 4, 5 và 7 (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Đi tới mấy ngã rẽ, dân Paris nhắm mắt nhắm mũi vẫn đi ào ào còn tôi phải nhìn kỹ vì đến số 4 rồi lại còn phải coi đúng hướng nào kẻo đi ngược chiều như chơi. Hai lối vào khác nhau cho cùng số 4, dễ vậy mà cũng phải dòm chừng. Dần dần quen rồi thì cũng đi cái rẹt như dân địa phương!


Quang cảnh bên dưới mặt đất đèn sáng trưng trong hầm xe điện ngầm Paris (Ngọc Diễm/Viễn Đông)


Trên trần một đơn vị xe điện ngầm số  4 (rame) có sơ đồ chỉ dẫn tên các trạm (Ngọc Diễm/Viễn Đông).

Khi đi métro, khách dùng phải chú ý đến phương hướng bắt đầu và chấm dứt từ chỗ nào để không lên nhầm chuyến ram đi ngược chiều hoặc sẽ đến một nơi khác tuy cùng tuyến đường. Trên sơ đồ nơi đây, chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy trên đoạn màu đỏ từ trái sang phải là đầu và đuôi cách nhau 25 chỗ ngừng tự động trừ nơi dán băng keo xanh lá cây hủy bỏ. Chiều đi là toà đô sảnh thị trấn lớn Montrouge ở ngoại ô Paris, số 92 (xem bài trước), bắt đầu từ đường số 4 ở cửa Clignancourt. Đó là khi tôi đến ga miền Đông và phải chọn métro số 4, chiều đi là vậy, chiều về sẽ ngược lại phải biết rẽ sang nơi khác. Đi và về cùng đường rầy song song và lối vào cũng song song nhưng nằm hai bên phải và trái tùy theo. Khi ta phân biệt cái một thì dễ vô cùng nhưng lúc đầu lớ ngớ tôi cũng đi lầm hướng phải trở lại mất thì giờ và học thuộc bài học thực tế thêm rõ ràng. Khi có hai ram cùng chạy trên một tuyến đường nhưng chỗ ngừng khác nhau, sẽ có một giọng nói thu thanh trước phát ra báo động cho hành khách biết. Yên vị, tôi nhìn chừng sơ đồ thì biết đến trạm nào mình xuống. Dân Paris ngồi ngủ gục mà vẫn tỉnh dậy đúng lúc đến trạm họ phải xuống rất thần kỳ! Lại còn chỉ dẫn cho tôi lúc nào phải lần hồi xuống nơi đầu xe hay cuối xe để khỏi đi bộ quá xa lê theo cái ba-ga nặng nề mệt muốn chết. Đầu xe là một lối ra với tên đường ghi sẵn trên vách, cuối xe là một lối ra khác cũng thế với tên đường rõ ràng. Chúng ta nhìn bản đồ thấy nhỏ xíu nhưng phải ý thức rằng lên trên đường cái mới thấy Paris rộng mênh mông phát khiếp luôn. Vì vậy, nhờ những cái điện thoại thông minh hiện nay tôi chứng kiến nhiều du khách (cũng như tụi tôi khi đi đông hơn và có smartphone hộ tống tìm đường xá) không còn loay hoay lạc đường ngơ ngác nhìn bản đồ nữa. Cũng như vào xe lửa hay métro, ai nấy chúi đầu vào màn ảnh điện thoại cá nhân di động, tiếng nói rì rầm hay ồn ào bớt đi thật nhiều! Đúng là thế kỷ 21 có một điều lợi khỏi làm phiền thanh nhĩ con người. Nhiều tiếng ồn ào quá gây nên trầm cảm cho ai mà yếu bóng vía nếu phải chịu đựng nó hàng ngày. Hoan hô cái smartphone luôn cả về chuyện tìm đường xá vừa mau lẹ vừa tiện lợi. Trừ phi lỗi người quên sạc bình điện nên có lần cháu gái tôi bị lạc đường ngay trong Paris mà cái smartphone chết queo vì hết điện làm nó tá hoả tam tinh! Thế rồi cũng chẳng biết cô bé xoay sở ra sao nữa mà nó vẫn tới chỗ thực tập được, bingo!    



Chỗ hợp lại giữa mép xe điện và bờ lề rất khít khao, có nơi để hở ra gần 10 phân (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Một chi tiết khác cũng khá ghê gớm cho trẻ con, người già và phụ nữ đẩy xe chứa hài nhi. Đó là khoảng trống giữa bờ lề và bên trong mép xe điện (viết là ram, rame). Mỗi đường xe điện có từ tám chiếc ram chạy thi nhau làm việc để khách đứng chờ chừng vài phút là nó đến. Bước lên là nghe tiếng nói nhắc nhở ngay coi chừng cái khoảng trống này mà chớ có đặt chân lên hay bất kỳ đồ vật nào lọt vào đó. Tôi nhớ lại chuyến đi Anh quốc mà hết hồn vì có một lần tôi thấy nó rộng chừng 10 phân tây! Chỗ hở ghê thật nếu đặt chân trúng là có tai nạn liền. Vì vậy, mà có tiếng nói liên miên nhắc nhở mỗi lần xe vừa khởi động.
Nhà ga miền Đông còn phục vụ hành khách với chuyến xe điện chạy nước rút RER tên E - có năm nhánh A, B lớn nhất và C, D, E nhỏ hơn), các xe buýt số 30, 31, 32, 35, 38, 39, 46, 47, 56, 65, 350 và Open Tour. Lại còn chuyến đêm của xe buýt (16 đường với chữ hoa lớn N…) giúp hành khách trở tay cho kịp lúc métro đã ngừng hẳn lúc 1 giờ 15 khuya sáng tên là Noctilien. Đúng ra, métro ngừng trễ hơn một tiếng lúc cuối tuần và vào dịp lễ lớn là 2 giờ 15, sau đó buýt khuya chạy từ 0 giờ 30 cho đến khoảng 5 giờ rưỡi sáng sớm. Có 11 chỗ buýt đêm phục vụ rất tiện lợi cho du khách đi từ Paris toả ra bốn phía Đông Tây Nam Bắc và bốn nhà ga lớn nhất thủ đô cộng với hai phi trường Charles-de-Gaulle và Orly.



Lộ trình xe buýt ngày và đêm đưa khách đến nơi và thời gian chờ đợi (Ngọc Diễm/Viễn Đông).

Những chuyến xe lửa ngày phục vụ thủ đô và ngoại ô với 15 đường sắt chạy rất nhanh 160 cây số giờ (so với TGV tốc hành thần khốc là 300) tên gọi là Transilien không có trạm đậu nơi nhà ga miền Đông. Một số thắc mắc của khách hàng được thỏa mãn khi họ biết rằng vài chữ hoa lớn và con số không được dùng bởi RATP và SNCF (quản lý RER cộng tác với sncf) như xe lửa chạy đến Montparnasse không có tên là đường M mà là N vì chữ M để chỉ métro. Chữ T chỉ tramway bị tránh dùng luôn cũng như chữ I dễ lầm với số 1 được bỏ đi. Tương tự, chữ O hay bị lầm với số zéro 0 nên cũng xếp qua một bên.


Chương trình diễn ra tại cung văn hoá Villette với Việt Nam là một trên tám (Ngọc Diễm/Viễn Đông)



Phim bạo lực xã hội ly kỳ dựa trên thực tế ghê gớm làm người xem kinh hãi (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Đến đây, tôi xin mở dấu ngoặc về tài chính quảng cáo mang lại cho RATP nơi các hành lang métro. Cuốn phim The Foreigner của Thành Long-Jacky Chan sản xuất và đóng vai chính với Pierce Brosnan là một cuốn phim bạo lực ly kỳ ghê gớm tôi thấy và đã đi xem. Không có quảng cáo này là mất đi một số khách thiếu theo dõi thông tin xi nê ma. Vì vậy, quảng cáo chiếm 10% nguồn tiền bạc cho nhà nước đảm trách phần giao thông xe điện ngầm. Dân chúng kêu ngạo RATP thành ra RATPub cũng không sai vì bích chương khổ lớn đủ thứ màu sắc và hình ảnh chữ nghĩa kèm theo nhan nhãn đập vào mắt nhìn. (nd)


Trông vui mắt hơn là hai bên vách trống lổng và có thêm tài chính hỗ trợ (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT