Thế Giới

Xe lao vào người đạp xe trước Quốc Hội Anh

Tuesday, 14/08/2018 - 07:30:05

Vào tháng 3, 2017, Khalid Masood, 52 tuổi, theo Hồi giáo, đã lao xe vào người đi bộ, sau đó đâm dao 1 viên cảnh sát. Bốn người chết trong vụ tấn công, bao gồm cả viên cảnh sát. Masood cũng bị bắn chết sau đó.

LONDON – Cảnh sát London đã bắt giữ một người đàn ông, kẻ đã cố tình lao xe vào một nhóm người chạy xe đạp và tông vào hàng rào bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Anh vào hôm thứ Ba. Sự việc đang bị coi là một vụ tấn công khủng bố. Ông Neil Basu, phụ tá Cảnh sát trưởng thủ đô, cho biết: “Dựa trên hành động cố tình lao xe và địa điểm tấn công là một nơi mang tính biểu tượng, chúng tôi đang coi đây là một vụ khủng bố, và sự việc được điều tra bởi các nhân viên của Bộ Tư Lệnh Chống Khủng Bố.” Ông Basu cho biết thêm rằng nghi can không chịu hợp tác, và cảnh sát đang tìm cách xác định danh tính cùng động cơ gây án của kẻ này.
Hai người, một người đàn ông và một phụ nữ, đã được đưa vào bệnh viện, trong khi một người thứ ba được chữa trị tại hiện trường với các vết thương nhẹ. Không có người nào bị thương nguy hiểm đến tính mạng. Nghi can được mô tả là nam giới trong độ tuổi 20 gần 30, lái chiếc Ford Fiesta màu bạc. Vụ tấn công xảy ra lúc 7:37 sáng giờ địa phương. Chiếc xe không có vũ khí và nghi can cũng không có đồng phạm nào khác.
Thủ Tướng Anh Theresa May đã viết trên mạng Twitter rằng: “Tôi kêu gọi người dân nên luôn luôn thận trọng, nhưng vẫn nên hỗ trợ cho nhau và tiếp tục công việc thường ngày, như mọi người đã làm sau các vụ tấn công bệnh hoạn tại Manchester và London vào năm ngoái. Mục tiêu của những kẻ cực đoan là dùng bạo lực để gây chia rẽ. Chúng sẽ không bao giờ thành công.” Đây là vụ tấn công thứ 2 gần tòa nhà Quốc Hội Anh trong vòng 18 tháng qua. Vào tháng 3, 2017, Khalid Masood, 52 tuổi, theo Hồi giáo, đã lao xe vào người đi bộ, sau đó đâm dao 1 viên cảnh sát. Bốn người chết trong vụ tấn công, bao gồm cả viên cảnh sát. Masood cũng bị bắn chết sau đó.

Congo cho bệnh nhân dùng thuốc thử trị Ebola
BENI – Nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo vào hôm thứ Ba đã bắt đầu dùng thử loại thuốc thử nghiệm trị Ebola- mAb114, để chống lại đợt bùng phát virus mới nhất tại nước này. Đây là lần đầu tiên thuốc mAb114 được sử dụng để chống lại một đợt dịch bệnh đang lan truyền. Năm bệnh nhân đã được cho dùng thuốc mAb114, và được báo cáo là có sức khỏe ổn định. Ngoài ra, nhà chức trách cũng đã chích ngừa cho hơn 200 nhân viên y tế và những người có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. Tính đến thứ Hai, nhà chức trách cho biết đã có 30 ca bệnh Ebola được xác nhận, 27 ca bị nghi ngờ nhiễm bệnh, và 41 người chết.
Việc đối phó bệnh Ebola diễn ra giữa lúc tình trạng an ninh tại Congo đang sụt giảm, do nhiều nhóm phiến quân hoạt động trong khu vực, thường xuyên gây ra các vụ sát hại và bắt cóc thường dân. Vào tuần trước, cơ quan UNICEF thông báo đang chuyển 90 tấn hàng hóa gồm thuốc men, nước sạch, và vật dụng vệ sinh, đến các tỉnh North Kivu và Ituri. Bệnh Ebola, với các triệu chứng như sốt xuất huyết, nôn mửa, tiêu chảy, bắt nguồn từ vùng rừng xích đạo của Congo. Đợt dịch Ebola tại Tây Phi từ năm 2013 đến 2016 đã khiến hơn 11,300 người thiệt mạng.

Iran công bố hỏa tiễn đạn đạo mới
TEHRAN – Chính phủ Iran hôm thứ Ba vừa công bố hỏa tiễn đạn đạo Fateh Mobin mới có tầm bắn khoảng 200-300 cây số, được trang bị nhiều công nghệ tân tiến, trong lúc căng thẳng với Hoa Kỳ đang gia tăng. Đài truyền hình nhà nước Iran IRIB cho biết, hỏa tiễn mới - được gọi là Fateh Mobin - đã vượt qua các cuộc kiểm tra và có thể tấn công mục tiêu trên đất liền lẫn trên biển. Bộ Trưởng Quốc Phòng Iran Amir Hatami nói, không có gì có thể ngăn chặn hỏa tiễn này vì tính linh hoạt cao của nó. Hỏa tiễn Fateh Mobin được sản xuất 100% nội địa với khả năng cơ động cao, tàng hình và hệ thống dẫn đường chính xác.
Thông số kỹ thuật của hỏa tiễn không được công bố, nhưng theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, dựa vào các phiên bản trước đó của hỏa tiễn Fateh, tầm bắn của phiên bản mới dao động từ 200 đến 300 cây số. Chương trình hỏa tiễn của Iran được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực vịnh Persian cũng coi chương trình hỏa tiễn của Iran là mối đe dọa lớn, đặc biệt là Israel.
Tuy nhiên, đối với Tehran, chương trình hoa tiễn là vũ khí cực kỳ quan trọng để bảo đảm an ninh quốc gia dưới sức ép của phương Tây. Iran đã phát triển nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo có tầm bắn từ vài trăm đến hàng ngàn cây số, bao phủ toàn bộ vùng Trung Đông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT