Chuyện Nước Pháp

Xe tải thức ăn lưu động kiểu Mỹ trên đất Tây

Thursday, 11/09/2014 - 07:47:44

Chưa hết, những blog báo phê bình thức ăn tại Paris bằng tiếng Anh đã xúm nhau khen tặng, làm quảng cáo không công cho cô: Hip Paris, David Lebovitz, Paris by Mouth và Lost in Cheeseland.

Vào tháng 7 năm nay, đài truyền hình số 2 mở cuộc thi làm bếp chưa từng có trước đây mang tên là “Thức ăn trên xe tải của tôi” phỏng theo chương trình tương tự của Mỹ do Tyler Florence giới thiệu từ năm 2010 (”The Great Food-Truck Race”, đài Network về bếp núc). Đề tài nhấn mạnh đến sự kiện sau đây: có tài nấu ăn chưa đủ, vua hay hoàng hậu đầu bếp còn phải chứng tỏ khả năng điều hành làm chủ cơ sở sản xuất thức ăn. Điều này rất khó chịu cho các thí sinh vì họ phải chứng tỏ có thêm chất xám liên quan đến công cuộc thành công hay thất bại của nguyên đoàn thể cùng làm việc. Thường khi, người đầu bếp giỏi chỉ làm công việc chuyên môn nấu nướng nguyên liệu do kẻ khác mang về chứ không hề biết tính toán tiền bạc. Vì thế, các thí sinh phải chứng tỏ họ là những ông bà chủ thực thụ kiêm thêm nghề làm bếp cao tay ấn.

Sau khi lăng xê hai đề tài “Trong vai trò chủ nhân” và “Ai sẽ là vị thầy làm bánh tương lai?”, đài này sẽ quay phim mỗi tuần một lần các thí sinh đang trổ tài bếp núc và quản lý mọi chuyện cùng lúc cho khán thính giả màn ảnh nhỏ thưởng thức. Hai nhóm chuyên gia sẽ lần lượt thi đấu với nhau xuyên qua nhiều đề thi, ai góp nhặt được nhiều điểm nhất sẽ đậu trong vòng không gian “Vùng” và được giữ lại để tề tựu với 10 người tài ba nhất trong “Nước”. Giải thưởng là một chiếc xe tải khổng lồ dùng làm quầy bán thức ăn lưu động luôn thể. Chúng ta không khỏi nghĩ đến những chiếc xe đẩy thức ăn lưu động bên nhà với kích thước quá khiêm tốn nhưng đã là "di sản quốc gia" như: xe hủ tíu với chú bé đi rao trước gõ nhạc gỗ đều đều dễ nhận ra "cóc cóc cóc ". Xe bánh mì gà thời Việt Nam Cộng Hòa chỉ bán về đêm mà tôi thường chạy đi mua ở đường Hiền Vương với vị ngon độc nhất vô nhị, tuy là thịt gà hộp của quân đội Hoa Kỳ “chui” ra vào túi dân chúng mua lại. Xe bánh mì pa-tê gan Ba Lẹ, mà chính ông chủ cư ngụ trong xóm tôi ở, với mùi thơm đặc biệt của món này bốc ra nghi ngút khắp nơi mà không ai than phiền. Xe bò bía hay xe bánh cuốn - hai món tuyệt vời của bọn thanh thiếu niên thời đại - đẩy bởi những người bán hàng gốc Tàu. Tôi còn nhớ xe bánh cuốn tuyệt diệu ở rạp xi nê Huỳnh Long, buổi tối xem phim ra khách hàng trong đó có đám anh chị em nhà tôi mỗi đứa bưng một đĩa bánh cuốn nóng hổi vừa thổi vừa ăn với vị ớt cay xé họng nhớ mãi muôn đời khi cho vào miệng nhiều lượn bánh mềm mại mỏng tanh, thanh thoát hiền hòa vị nhạt hợp với chả lụa mặn mà cùng giá luộc, rau tươi, hành chiên thêm vào cùng nước mắm pha đỏ hồng màu vô số mảnh ớt. Món gì đơn sơ đến vậy mà vị ngon cùng cực! Sau này mới hay, khâu làm bột và tráng chín trên nồi hấpđặc biệtđúng là một kỳ công. Theo đà tiến của thế giới nhờ Internet, tôi nghĩ rằng sớm muộn chắc sau khi các tiệm thức ăn nhanh Mac Donal và Kentucky Fry Chicken đã bão hòa ở Việt Nam, sẽ có hiện tượng food truck Mỹ gia nhập...
Xứ sở ta chật hẹp đã đành, Pháp rộng hơn nửa triệu cây số vuông thì tha hồ xài xe “truck” để chuyên chở và bán thức ăn như Mỹ. Paris đã là thủ đô kinh tế muôn thuở nay có thêm sự xuất hiện của những chiếc xe hàng lớn sơn phết bảng hiệu màu sắc vui tươi bắt mắt ngay trên sườn xe hay trên mui với các nhân viên bán thức ăn nhanh cho người qua lại đông đảo. Hiện tượng này bắt nguồn từ Hoa Kỳ, với mục tiêu nhắm vào giới trung lưu đi làm. Loại xe cam-nhông hàng ăn lưu động này hơn hẳn loại thức ăn nhanh như Mắc-Đô hay thức ăn đơn sơ đường phố (fast food, street food) vì tính chất cao cấp như trang trại nuôi thú, trồng trọt theo mốt thiên nhiên (Bio) và thực hiện tại chỗ bằng tay người. Chủ xe hàng ăn phải thông báo hàng ngày cho khách biết xe đậu tại đâu qua Mạng Thông Tin hay trên các hệ thống xã hội ảo Facebook, Tweeter...
Kiểu làm ăn tương đối dễ đầu tư này xuất hiện ở Mỹ từ thế kỷ thứ 19 (Lunch Wagons) và hoạt động mạnh hơn nhờ sự tân trang qua thế kỷ 20. Tại Pháp, nó chỉ du nhập vào đây từ năm 2011, mới được 3 năm mà thôi nhờ một nữ chuyên gia đầu bếp là kiều dân Mỹ tên Kristin Frederick. Cô này làm chủ chiếc "Cam nhông bốc khói thơm mùi thức ăn nghi ngút" được giải thưởng canh tân hay nhất trong năm. Thoạt đầu, loại thương mại nhỏ này chỉ có ở thủ đô Paris, hiện nay nó lan tràn khắp nước Pháp với khoảng 40 chiếc xe quán ăn lưu động như vậy tới lui khắp các phố phường lớn có nhiều dân tiêu thụ ưa thích. Theo các tài liệu về kinh tế thì vốn đầu tư mua xe và dụng cụ bếp núc trong đó khoảng 100.000 Âu kim, và có thể thu vốn và lời rất nhanh là 70.000 đồng mỗi tháng nếu các điều kiện buôn bán thuận lợi như chỗ tốt, khách đông, hàng ăn ngon, thời tiết không quá xấu.
Trở lại chuyện cô Kristin. Thật đúng như lời đồn, Mỹ và Pháp là hai dân tộc thuộc chủng da trắng, có ít nhiều liên hệ thân quyến trong ngôn ngữ nhưng phong tục khác xa. Cô chủ trẻ 31 tuổi khi đó nói rằng theo lời đồn đại bên Mỹ thì :
1. Người Pháp không có thói quen ăn hàng ngoài đường phố.
2. Người Pháp không ăn thức ăn bằng tay.
3. Người Pháp không bao giờ bỏ tiền nhiều ra mua thứcăn (dù ngon) bán ra từ xe vận tải.
4. Người Pháp ở thủ đô chê đồ ăn nhanh đến từ giới bình dân, họ thích thứ sang kiểu “Brooklyn” nghĩa là món ăn sáng tạo, không giống ai, và tính chất cao.
Thật vậy, phải chi ra những 13 đồng Ơ rô để mua một thứ bánh mì xăng-uých kiểu Mỹ là không tưởng. Đã thế, người ta còn hăm he rằng giới chức trách sẽ không bao giờ cấp giấy phép cho cô hành nghề (Kris có bằng cấp Đầu Bếp hợp pháp)! Cuối cùng cô đã mạo hiểm và chiến thắng tất cả những thành kiến đôi bên với chiếc food truck đầu tiên xuất hiện tại thủ đô Paris năm 2011 vào một buổi chiều chủ nhật chạng vạng tối ở về phía Bắc cuối bên bờ kinh đào Saint Martin. Sự thành công ngoài mơ ước đã tới: những chiếc bánh mì thịt kiểu Mỹ (burger) đã bán hết không còn một cái nào mỗi lần cô cho mở cửa hàng “thức ăn-xe tải “ từ ngày khai trương đến nay! Chưa hết, những blog báo phê bình thức ăn tại Paris bằng tiếng Anh đã xúm nhau khen tặng, làm quảng cáo không công cho cô: Hip Paris, David Lebovitz, Paris by Mouth và Lost in Cheeseland.
Đa số những chủ nhân ông xe tải thức ăn kiểu Mỹ đều là người Hoa Kỳ chính tông nhưng cũng có vài người là dân bản xứ yêu thích thứ văn hóa ăn vặt kiểu New York này. Họ đã dùng thứ “taco” nhồi thịt bò hay thịt heo nuôi trong những trang trại hoàn toàn thiên nhiên bán cực kỳ đắt giá (organic meat), rau cải cũng được tuyển chọn kỹ như thế, ngay từ Pháp, chỉ trừ vài món gia vị phải nhập sang từ Mễ Tây Cơ.
Chính thế, một trong những thí sinh người Pháp (gốc Việt) của đài truyền hình số 2 tên Nathalie Nguyễn là chủ nhân chiếc “Xe Tải Chén Sài Gòn Paris” (le Camion Bol Food-Truck Saigon Paris). Cô còn là tác giả của vài quyển sách dạy nấu ăn đã xuất bản.

Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT