Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Xem cải lương cùng đoàn nghệ thuật ca cổ Hương Sen

Băng Huyền/Viễn Đông Friday, 06/01/2012 - 11:45:29

Cái tình của những mạnh thường quân dành cho đoàn, cứ đều đặn có mặt trong các suất hát, để ủng hộ tinh thần và đóng góp vật chất thật nhiệt tình.

Băng Huyền/Viễn Đông


Những khán giả trẻ hiếm hoi trong đêm diễn của đoàn nghệ thuật
ca cổ Hương Sen - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Sau gần 3 tháng tập luyện, đoàn nghệ thuật ca cổ Hương Sen thuộc Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam, gồm những nghệ sĩ Bình Trang (trưởng đoàn), Thành Đạt (thủ quỹ), Tuyết Nga (hội trưởng của hội), Tuấn Minh (đạo diễn của đoàn), Ái Linh, Ngân Linh, Minh Hùng, Mộng Nguyệt, Tuấn Hải, Ngọc Hà, Lệ Chi... các nhạc sĩ Minh Đức, Huy Thanh, Lê Khiêm, Văn Kha… đã tổ chức chương trình gồm các trích đoạn cải lương và tân cổ nhạc để kỷ niệm một năm thành lập đoàn và cũng là suất hát gây quỹ Cây Mùa Xuân Nghệ Sĩ, giúp nghệ sĩ nghèo neo đơn ở hải ngoại và Việt Nam, vào tối Chủ Nhật, 1-1-2012 vừa qua, tại hội trường Văn Lang (phòng sinh hoạt nhật báo Việt Herald cũ) trên đường Moran, thành phố Westminster.


Nghệ sĩ Tuấn Minh (Từ Hải) và Bình Trang (Thúy Kiều) trong
trích đoạn “Từ Hải Hội Ngộ Thúy Kiều” - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Đến với đêm diễn, chắc hẳn mọi người sẽ đồng ý với nhận định của người viết, cải lương hiện nay sống được ở hải ngoại là nhờ một chữ tình.
Cái tình của những nghệ sĩ cải lương biết trân quý và gìn giữ nghệ thuật cha ông. Cái tình của khán giả đã thủy chung son sắc, trọn vẹn trước sau.
Cái tình của những nghệ sĩ “đi trước” như Tuấn, Bình Trang truyền lại những kinh nghiệm của mình trong từng câu thoại, từng động tác diễn xuất cho những nghệ sĩ “đi sau”.
Cái tình của những mạnh thường quân dành cho đoàn, cứ đều đặn có mặt trong các suất hát, để ủng hộ tinh thần và đóng góp vật chất thật nhiệt tình.

Nếu không có chữ tình, thì giữa thời buổi khó khăn, ai ai cũng “thắt lưng buộc bụng”, khó mà sáng lập viên của Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam- nghệ sĩ Tuyết Nga, trưởng đoàn cải lương Hương Sen - nghệ sĩ Bình Trang, nghệ sĩ Thành Đạt (thủ quỹ của đoàn), cùng các nghệ sĩ cộng tác, vẫn dám lao vào việc gìn giữ sân khấu cải lương được sáng đèn.
Trong đêm diễn, ngoài những ca khúc tân nhạc, tân cổ giao duyên của các nghệ sĩ Ngân Linh, Duy Tôn - Xuân Thảo, Mộng Nguyệt, Tuấn Hải, Bách Thanh, Ngọc Hà… là 4 trích đoạn cải lương xen kẽ.


Nghệ sĩ Tuấn Minh (Thái Sư Bàng Hồng) và nghệ sĩ Ái Linh (Công Chúa Phi Long)
trong “Cửu Nhỉ Phi Long Báo Phu Cừu” - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Buổi diễn phong phú với các trích đoạn cải lương

Mở đầu là “Từ Hải Hội Ngộ Thúy Kiều” (của cố soạn giả Đức Phú) với một Từ Hải của nghệ sĩ Tuấn Minh, từ hóa trang cho đến cách ca, diễn đã thể hiện được khí phách của “một đấng anh hùng đầu đội trời chân đạp đất” và một tình yêu vị tha quảng đại, tri kỷ tri âm với nàng Kiều (nghệ sĩ Bình Trang) tài sắc, đã bị đẩy vào thanh lâu lần thứ hai, đã trải qua biết bao chìm nổi trong bể dâu cuộc đời.
Trích đoạn thứ hai là vở tuồng kinh điển “Tiếng Trống Mê Linh” (cố soạn giả Thế Châu) qua lớp diễn Trưng Trắc (nghệ sĩ Tuyết Nga) tế sống phu quân Thi Sách (nghệ sĩ Ngân Linh) để phất cờ khởi nghĩa. Khi thấy vợ mình do dự, chưa muốn xuất binh, Thi Sách đã phải thốt lên: "Đầu ta rơi nhưng máu vẫn trào tuôn uất hận, tuy bị băm ra làm muôn vạn mảnh nhưng hồn dân Nam sẽ mãi mãi trường tồn". Đây là một lớp diễn rất hay của vở, nghệ sĩ Tuyết Nga cho biết đoàn Hương Sen chọn trích đoạn này vì hưởng ứng phong trào chống Trung Quốc của đồng hương hải ngoại, cùng hướng về Biển Đông, trước họa xâm lăng của Trung Cộng.
Nghệ sĩ Tuyết Nga có chất giọng, làn hơi hao hao giống cố nghệ sĩ tài hoa Thanh Nga. Nhưng nét diễn của chị vẫn chưa thể đạt đến độ tinh tế như hóa thân của nghệ sĩ Thanh Nga, của một nữ tướng với gánh nặng giang san trên vai và nỗi lòng của một người vợ phải đội khăn tang để tế lạy chồng mình, khi chồng còn sống. Trưng Trắc của nghệ sĩ Thanh Nga vốn đã in sâu vào lòng của khán giả biết bao nhiêu năm thật khó phai mờ.
Tiếc thay khi kết thúc cao trào của lớp diễn, phải là tiếng trống hào hùng, thúc giục tinh thần các nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa, nhưng trong trích đoạn này lại chỉ là tiếng trống rời rạc được phát ra từ máy CD, và người đánh trống (nghệ sĩ Ngọc Hà) chỉ giơ tay đánh trống “tượng trưng” trên mô hình chiếc trống được làm bằng giấy, đã giảm nhiều cảm xúc cho người xem.
Đã đem lại thích thú cho khán giả trong đêm diễn phải kể đến trích đoạn cải lương Hồ Quảng “Cửu Nhỉ Phi Long Báo Phu Cừu” (của cố soạn giả Minh Tơ và nghệ sĩ Thanh Tòng) do nghệ sĩ Tuấn Minh trong vai Thái Sư Bàng Hồng và nghệ sĩ Ái Linh trong vai Công Chúa Phi Long. Là vở tuồng do chính ba anh và anh trai thứ năm của anh viết, nghệ sĩ Tuấn Minh đã thật xuất sắc khi diễn lại vai diễn cũ.
Từ cách hóa trang, điệu bộ, biểu cảm trên nét mặt, cách đi đứng, đảo tròng mắt, kiểu cười nghe thật đáng sợ, hay chỉ có vài câu thoại nhấn nhá trọng âm, nhưng nghệ sĩ Tuấn Minh tạo được cảm giác cho người xem căng ra như sợi dây đàn. Nghệ sĩ Tuấn Minh không hát nhiều, anh chỉ để Thái Sư Bàng Hồng nói, hoặc lách mặt sang bên khiến người xem phải hồi hộp dõi theo hướng nhìn ấy. Đó là thủ thuật gây chú ý của anh. Ngay cả dáng đi như một con báo, rất nhẹ nhưng giấu sức mạnh bên trong, sẵn sàng vồ mồi bất cứ lúc nào đã giúp Bàng Hồng của Tuấn Minh thật sống động. Anh cũng là người đã hướng dẫn cho nghệ sĩ trẻ Ái Linh (vốn là một bác sĩ Đông Y có phòng mạch tại Quận Cam) những vũ đạo của cải lương Hồ Quảng, để cô tạo được sự nhịp nhàng trong ca, diễn cho vai diễn Công Chúa Phi Long.


Nghệ sĩ Minh Hùng (vai Luân) và nghệ sĩ Thành Đạt (vai Minh Thành) trong trích
đoạn “Đời Cô Lựu” - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Với trích đoạn “Đời Cô Lựu” (của cố soạn giả Trần Hữu Trang), nghệ sĩ Thành Đạt trong vai Võ Minh Thành, nghệ sĩ Mộng Nguyệt vai bà Hai Hương, nghệ sĩ Minh Hùng vai Võ Minh Luân đã khá tròn vai trong ca, diễn. Nhất là nghệ sĩ Thành Đạt đã diễn được những cơn giằng xé, đớn đau của Hai Thành khi nghe tin vợ mình đã đi bước nữa với kẻ đã đẩy ông vào tù oan biệt xứ 20 năm, để đứa con của ông trở nên côi cút cả mẹ lẫn cha ngay khi mới lọt lòng. Nghệ sĩ Thành Đạt và Minh Hùng đã tạo được cảm xúc khi hai cha con nhìn nhau, cùng nỗi nghẹn ngào hạnh phúc khi cả hai bật lên tiếng gọi “ba ơi”, “Luân, con của ba”. Minh Hùng đã thể hiện được nét dễ thương ngây ngô của một đứa trẻ lớn lên mồ côi mồ cút, khiến người ta phải xót xa.
Dù vẫn chưa đủ lực để thay thế được thành công của Minh Thành do nghệ sĩ Thành Được và Minh Luân của nghệ sĩ Minh Vương trước đây. Nhưng nghệ sĩ Thành Đạt và Minh Hùng đã tiếp bước nghệ thuật và đóng vai diễn trong khả năng của mình để phục vụ khán giả. Cả hai đều chỉ mới gắn bó với cải lương khoảng hơn 10 năm nay.
Nghệ sĩ Thành Đạt quê ở Long Xuyên, cha của ông vốn là thầy đờn (đờn kìm). Ông mê cải lương từ nhỏ, nhưng không có điều kiện phát triển, vì trước 1975, ông là một người lính VNCH thuộc quân đoàn 4. Khi ra hải ngoại theo diện H.O, sau khi ổn định cuộc sống, ông đã bắt đầu tham gia ca tài tử, rồi học cách ca diễn để trở thành nghệ sĩ cải lương.
Còn nghệ sĩ Minh Hùng thì sanh ra và trưởng thành tại đảo Phú Quý, một hòn đảo ở miền Trung, anh xuất thân trong gia đình nghệ thuật hát bội, nhưng vì quá mê cải lương và thần tượng cách ca của nghệ sĩ Thanh Tuấn, anh đã tự học ca qua băng cassette những bản vọng cổ, vở cải lương có nghệ sĩ Thanh Tuấn hát. Năm 2000, nhờ được nhạc sĩ Ngọc Thanh hướng dẫn cách ca cho đúng nhịp nhàng những bài bản cải lương, anh đã tự tin dự thi tuyển chọn giọng ca cổ nhạc do Hội Ai Hữu Gò Công tổ chức và đạt huy chương vàng. Từ đó đến nay, được sự dìu dắt của soạn giả Thái Quốc Nam (nay đã mất) và soạn giả Yên Lang, từ cách nói và hát theo âm miền Nam, cách diễn xuất, anh đã có vốn liếng kha khá trong hành trang nghề nghiệp.
Kết thúc đêm diễn là trích đoạn “Người Tình Trên Chiến Trận” (của soạn giả Mộc Linh-Nguyên Thảo). Là một vở tuồng hương xa với nghệ sĩ Bình Trang trong vai A Khắc Thiên Kiều, Minh Hùng vai Cổ Thạch Xuyên, Ngân Linh vai A Khắc Chu Sa. Nghệ sĩ Bình Trang trong lối ca rất trong, cao vút, làn hơi thật dài, kỹ thuật luyến láy gợi nhớ lối ca của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, chị đã nhận được những tràng pháo tay khen ngợi của khán giả khi chị vô vọng cổ một hơi hơn một trăm chữ thật ngọt ngào theo kiểu ca vọng cổ dài hơi của hai nghệ sĩ Châu Thanh và Phượng Hằng, dù nay tuổi của chị không còn trẻ.

Nuôi dưỡng để bảo tồn
Đêm diễn chỉ thu được một số tiền khiêm tốn, khán giả đến xem vẫn chưa ngồi kín hết hội trường, nhưng bên cạnh những mái đầu bạc, vẫn có những mái tóc xanh, trong đó có một nhóm bạn trẻ sanh tại Mỹ, nhưng nhờ hiểu và nói khá thông thạo tiếng Việt và từng nghe cải lương từ nhỏ trong gia đình, nên đến xem để biết cải lương có hay không? Nhưng tiếc rằng các bạn ngồi xem chừng 2 trích đoạn, sau đó đã rủ nhau về hết.
Dù đoàn cải lương ca cổ Hương Sen còn thiếu thốn nhiều lắm, thế nhưng các nghệ sĩ này lại rất dư dả tình yêu và trách nhiệm làm nghề. Cái còn lại là nguồn năng lượng nào để tiếp sức cho hành trình nghệ thuật của họ được thăng hoa và về đích? Điều này vẫn luôn luôn là những mối trăn trở với những người nặng tình với cải lương.
Nghệ sĩ Tuyết Nga (người sáng lập ra Hội Bảo Tồn Nhạc Cổ Truyền Việt Nam) chia sẻ: “Là tổ chức bất vụ lợi, hội được hình thành để bảo lưu vẻ đẹp cổ truyền của cải lương, đây là vốn quý của Việt Nam, nếu mà để mất tại hải ngoại thì uổng quá. Tôi rất cám ơn các nghệ sĩ gắn bó với đoàn, từ nghệ sĩ nổi tiếng như Bình Trang, Tuấn Minh, Ngân Linh… đến những nghệ sĩ chưa nổi tiếng, tất cả không nề hà thời gian, công sức, không hề đòi hỏi thù lao, thậm chí còn phải tốn tiền xăng để đến tập tuồng. Đây là những tấm lòng thật trân quý của đoàn Hương Sen và của nền cải lương hải ngoại”.


Đoạn kết của trích đoạn “Tiếng Trống Mê Linh” - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Nghệ sĩ Tuyết Nga nói thêm: “Khi thành lập hội, tôi mong phổ biến cổ nhạc đến với người Mỹ, và để những bạn trẻ Việt Nam sanh ra tại hải ngoại hãnh diện vì người Việt nền cổ nhạc độc đáo. Nhiều người Mỹ cứ nghĩ opera của Việt Nam (cải lương) giống như opera của Trung Quốc. Chính vì vậy, Tuyết Nga luôn giới thiệu cho bạn bè người Mỹ biết âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn là đặc sản riêng của người Việt, từ phục trang cho đến âm nhạc. Hội mong sẽ đưa được cổ nhạc, cải lương Việt Nam vào được thư viện của Mỹ, để các sắc dân khác biết đến cổ nhạc của mình, biết được Việt Nam có nét văn hóa âm nhạc cổ truyền riêng, chứ không bị lai Trung Quốc như người ta tưởng”.
Nghệ sĩ Tuyết Nga cho biết năm ngoái, nhờ mối thân quen với một số nghệ sĩ Hollywood, do chị từng tốt nghiệp Cal State Long Beach, ngành điện ảnh-sân khấu, nên đoàn Hương Sen đã được trình diễn cho hơn 1.000 khán giả Mỹ trong buổi trao giải Eworld Music tại Los Angeles, với trích đoạn cải lương “Huyền Trân Công Chúa” dài hơn 10 phút.


Trích đoạn “Người Tình Trên Chiến Trận” với các nghệ sĩ Bình Trang, Ngân Linh,
Minh Hùng - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông
Nghệ sĩ Tuyết Nga nói: “Sau buổi diễn, một số người Mỹ cho biết rất thích cải lương của mình. Họ khen những trang phục cổ trang của mình đẹp hơn của Trung Quốc, nó mềm mại, dịu dàng, mảnh khảnh, còn đồ của Trung Quốc nặng nề, rườm rà hơn. Nhiều người nhìn thấy đàn guitar phím lõm của mình đã rất thích thú, vì âm thanh rất đặc biệt, khán với guitar chơi tân nhạc. Họ khen người Việt mình thông minh, biết tạo được nét riêng từ cây guitar để phục vụ cho cổ nhạc Việt Nam. Sắp tới chúng tôi sẽ liên lạc một số trường học để nói về cổ nhạc và diễn một số trích đoạn cải lương cho các em học sinh xem. Để ban đầu cho các em thích từ trang phục cổ trang của cải lương, rồi đến giai điệu và tuồng tích cải lương. Tôi ước mong sẽ mở được nơi dạy cổ nhạc miễn phí, khuyến khích các bạn trẻ tìm đến học. Quý vị hãy vào trang nhà của hội www.huongsen.us để biết rõ hơn về hội”.


Tiến Sĩ Anthony Collins, cùng các con từ Los Angeles đến dự buổi diễn của đoàn
nghệ thuật ca cổ Hương Sen - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Từ sự giới thiệu của một giáo sư cũ trong trường Cal State Long Beach, nghệ sĩ Tuyết Nga đã mời được Tiến Sĩ Anthony Collins, là nhà làm phim tài liệu và giảng dạy cách làm phim tài liệu, chủ tịch của hội bất vụ lợi IE Film Co. đến dự buổi diễn của đoàn. Ông đã chia sẻ với người viết: “Đối với tôi, việc bảo tồn nền văn hóa cổ truyền Việt Nam của hội rất hữu ích và hứng thú, vì nó giúp cho những người già nhớ lại truyền thống âm nhạc thời trước và những người trẻ học hỏi thêm về truyền thống âm nhạc của ông cha để lại. Tôi hy vọng sẽ làm được gì đó cho các bạn, vì tôi rất hứng thú về những giai điệu âm nhạc, cùng những tiết tấu đặc biệt của dụng cụ âm nhạc độc đáo. Tôi nghĩ, tôi sẽ thực hiện một phim tài liệu về những giai điệu và tiết tấu của thể loại âm nhạc độc đáo này để phổ biến. Trước đây tôi có nghe một số giai điệu nhạc cải lương tiết tấu của Việt Nam, nhưng hầu hết tôi nghe thể loại nhạc cổ truyền của Trung Hoa. Thật sự tôi không biết nhiều về cải lương, nhưng tôi sẽ tìm hiểu thêm về loại nhạc này”.
Nghệ sĩ Thành Đạt tâm sự: “Tôi nghĩ khi cải lương tại hải ngoại có nguy cơ mất đi, mình càng phải ra sức vực nó dậy chứ không thể buông xuôi theo. Không làm được lớn thì mình làm nhỏ, các suất hát của chúng tôi đều phục vụ miễn phí, tạo mọi điều kiện để bà con đến xem cải lương. Tùy hỉ bà con ủng hộ bao nhiêu cũng được. Thú thật từ một năm qua, đoàn Hương Sen diễn được 6 suất rồi, nhưng chỉ lỗ ít hay lỗ nhiều mà thôi, chứ chưa huề vốn. Nhưng chúng tôi vẫn tập tuồng và biểu diễn, chỉ mong bà con xem đông thì tinh thần anh em nghệ sĩ cũng lên. Dù khó khăn lắm, nhưng chúng tôi luôn muốn khôi phục nơi bà con thói quen xem cải lương và hy vọng sẽ tạo được một điểm diễn cải lương đáng tin cậy cho những người yêu nó”.
Dẫu biết khó, nhưng các nghệ sĩ đoàn Hương Sen vẫn “liều mình”. Ví thử không có những người "liều mình" như họ, và các nghệ sĩ, các đoàn cải lương khác tại hải ngoại… có thể hình dung được cải lương sẽ còn vắng vẻ đến mức nào. Nhưng cứ để họ tự "bơi" hẳn sẽ có ngày đuối sức. Vả lại những nỗ lực của họ đến nay vẫn chỉ dừng ở mức đáp ứng nhu cầu xem lại tích xưa của một thành phần khán giả cũ. Dầu sao, nếu có sự tiếp sức của nhiều người, của khán giả, hy vọng nắng Xuân sẽ về và lung linh ngoài ngõ. Sẽ có một niềm tin, một tia hy vọng cho cải lương! - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT