Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Xem nhạc hội đặc sắc kỷ niệm 25 năm Lạc Hồng

Saturday, 15/11/2014 - 09:29:04

Chương trình là sự hòa quyện giữa âm nhạc và vũ điệu đặc sắc tạo nên một không gian đa âm, đa sắc và để lại cảm xúc đặc biệt đối với khán giả.

Hình do Băng Huyền chụp

Bài BĂNG HUYỀN

Độc đáo, sôi động và hấp dẫn là những gì mà đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng (thuộc Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống) đã cống hiến cho người xem trong buổi diễn vào tối Thứ Bảy, 8-11-2014 tuần qua, tại rạp Saigon Performing Art Center để kỷ niệm chặng đường 25 năm giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ gốc Việt trên xứ người. Đáp lại những nỗ lực mà đoàn đã kỳ công chuẩn bị trong nhiều tháng trời, các tiết mục diễn ra thành công, đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng từ khán giả. Chương trình là sự hòa quyện giữa âm nhạc và vũ điệu đặc sắc tạo nên một không gian đa âm, đa sắc và để lại cảm xúc đặc biệt đối với khán giả.



Các em trong ban vũ Lạc Hồng múa bài “Vũ Nón Quai Thao” (biên đạo múa do cố biên đạo múa Lưu Hồng). (Băng Huyền/Viễn Đông)


Ngay từ màn mở đầu, tiết mục “Hùng Sử Việt Nam” đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Nhịp trống mạnh mẽ, đầy phấn khích của nhóm biểu diễn Trống Lạc Hồng tạo nên những âm thanh hùng vĩ, linh thiêng như tiếng của ngàn xưa vọng lại, nối liền quá khứ oai hùng của ông cha với hiện tại và tương lai, làm rung động con tim của những người dân con cháu Lạc Hồng nơi hải ngoại cùng hướng vọng về đất nước. Sau màn trống giàu biểu cảm này, chương trình đã dành vài mươi phút để các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị lên chào mừng quý vị quan khách và đồng hương, Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (VTADO) Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, đã gửi lời chào mừng và cảm ơn quý vị dân cử, quý vị mạnh thường quân, quý hội đoàn, đoàn thể, quý cơ quan truyền thông và đồng hương đã giúp đỡ cho hội trong 25 năm qua để hội có điều kiện thực hiện hoài bão duy trì nền văn hóa cổ truyền dân tộc trong việc phát triển nền văn hóa Việt tại hải ngoại. Các quý vị dân cử gồm Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Thị Trưởng Thành Phố Westminster Tạ Đức Trí, Nghị Viên Chris Phan thuộc Thành Phố Garden Grove và đại diện Thị Trưởng Thành Phố Fountain Valley Michael Võ đã lên trao tặng bằng tưởng lục cho những đóng góp suốt 25 năm qua của Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng.


2 tiếng hát Hoài Hạnh và Trần Thanh Vân cùng tiếng đàn Đáy của Lê Quân và tiếng Phách của Âu Cơ thể hiện bài “Nước Chảy Đôi Dòng” theo làn điệu xẩm cô đào. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Sự dẫn dắt tinh tế, sâu sắc, lối dẫn chuyện súc tích, đủ các thông tin cần thiết giúp khán giả hiểu và yêu hơn âm nhạc dân tộc của cặp đôi MC Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng đã đưa khán giả lần lượt thưởng thức từng tiết mục đặc sắc của bữa tiệc thịnh soạn, với âm thanh ánh sáng tuyệt đẹp cùng sự kết hợp truyền thống và hiện đại độc đáo, đậm hồn sông nước, quê hương.

Vẻ đẹp đa dạng của chương trình
Trong khoảng 3 giờ đồng hồ, khán giả hài lòng khi được thưởng lãm 19 tiết mục thật sinh động, đầy màu sắc và đa dạng. Khán giả không chỉ được thưởng thức những điệu vọng cổ, các điệu lý mà còn được nghe hát Chèo, hát Xẩm... Từ âm giai réo rắt của đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Nguyệt, tiếng nỉ non của đàn Bầu, đàn Đáy, âm thanh khỏe khoắn, vui tươi, hùng vĩ, trong như tiếng suối reo của đàn T'rưng... đến nhịp oai hùng của trống chiến, nhịp phiêu lãng của đàn guitare phím lõm tấu lên những giai điệu mượt mà, sâu lắng thể hiện giai điệu vọng cổ, cải lương mùi mẫn, trữ tình..., khán giả thấy rõ sự chăm chút tỉ mỉ trong từng chi tiết, tạo nên bức tranh hòa âm đa dạng, sắc thái khác nhau, như kéo người nghe trở về với hồn quê chân chất, vừa gần gũi vừa thân thiết vô ngần.

Ca sĩ Thúy Anh hát Chèo qua bài “Đường Trường Tiếng Đàn,” dàn nhạc đệm cho tiếng hát của Thúy Anh do các em thanh thiếu niên của ban nhạc Lạc Hồng. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Mỗi một tiết mục trong chương trình đều mang những nét đặc trưng khác nhau, phản ánh sắc màu văn hóa của mỗi miền. Vẻ đẹp của hát Xẩm, một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Việt được tái hiện trên sân khấu qua 2 tiếng hát Hoài Hạnh và Trần Thanh Vân cùng tiếng đàn Đáy của Lê Quân và tiếng Phách của Âu Cơ thể hiện bài “ Nước Chảy Đôi Dòng” theo làn điệu xẩm cô đào (hay còn gọi là xẩm huê tình, xẩm nhà trò, xẩm nhả tơ, xẩm ba bậc). Hoài Hạnh và Trần Thanh Vân cuốn người nghe vào làn điệu tiêu biểu của xẩm, thả hồn mình theo từng câu ca nhờ tiếng hát mộc mạc đầy cảm xúc nhưng cũng rất tinh tế, với những luyến láy da diết trong từng câu hát.
“Trên Đỉnh Phù Vân” là ca khúc mang âm hưởng ca trù khá trúc trắc, ca sĩ Bảo Nam thể hiện khá thành công ca khúc này. Minh họa cho tiếng hát của chị, màn múa của đoàn vũ Việt Cầm càng tô đậm thêm nét huyền ảo cho ca khúc.

                          Nghệ sĩ Võ Vân Ánh biểu diễn trên đàn T'rưng. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Sở hữu một chất giọng nữ cao, ngọt ngào, luyến láy, đầy đủ yếu tố: vang, khỏe và truyền cảm, ca sĩ Thúy Anh đã thành công từ cách lấy hơi, nhả chữ, buông câu, đến cách luyến láy trong nghệ thuật hát khi thể hiện nét đẹp trữ tình đằm thắm nhưng thật sâu sắc của hát Chèo qua bài “Đường Trường Tiếng Đàn,” dàn nhạc đệm cho tiếng hát của Thúy Anh do các em thanh thiếu niên của ban nhạc Lạc Hồng với đàn Nguyệt và đàn Nhị, Sáo, trống con dùng để giữ nhịp cho hát và đệm cho câu hát, càng tăng thêm nét hấp dẫn và đa sắc màu cho tác phẩm.
Dù lần đầu tiên thể hiện bài “Lý Qua Đèo” và “Lý Ngựa Ô Huế,” nhưng ca sĩ Lê Hồng Quang cũng đã thể hiện khá tốt chất ngậm ngùi, man mác qua 2 bài lý đặc trưng của Miền Trung nước Việt. Chất mộc mạc, chân tình của điệu lý miền Nam qua bài “Lý Con Sáo Bạc Liêu” (của Phan Ni Tấn) và 1 câu vọng cổ do ca sĩ Duy Trường sáng tác đã được chính Duy Trường gửi đến khán giả, được hỗ trợ thêm với các nhạc khí là kìm, tranh, độc huyền, guitare phím lõm và sáo của ban nhạc tài tử Lạc Hồng. Hai nghệ sĩ cải lương Xuân Mỹ và Minh Hùng cống hiến cho khán giả tiếng hát ngọt ngào của mình qua bài nhạc cảnh cải lương “Công Đức Ơn Thầy” (Bích Thu) với phầm đệm đàn của ban nhạc tài tử Lạc Hồng.
Còn tam ca Thanh Mai, Lam Dung, Ngọc Quỳnh vừa hát, vừa múa thật nhịp nhàng khi thể hiện “Vỗ Cái trống Cơm” (Nguyễn Nghi), với phần minh họa của nhóm múa Việt Cầm, đã làm bùng nổ sân khấu bằng sự sinh động, tươi vui của mình.


Phần chào kết của đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, 2 giáo sư Nguyễn Châu và Nguyễn Thị Mai nhận hoa từ các học trò của mình. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Những vũ điệu đẹp mắt
Chương trình không chỉ khiến khán giả “đã tai” với sự hài hòa tuyệt vời của các ngón đàn, tiếng trống, tiếng hát giàu cảm xúc, mà còn “mãn nhãn” với trang phục và cách thể hiện của các em đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng qua tạo hình tuyệt đẹp trong từng động tác múa, dáng đi, cách chuyển động khi múa minh họa cho bài “Một Mẹ Trăm Con” về huyền sử mẹ Âu Cơ sanh ra bọc trăm trứng. Trên giai điệu của âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Việt, các em trong tà áo tứ thân, áo yếm, nón quai thao đã tái hiện lại vẻ đẹp của bài múa “Vũ Nón Quai Thao” qua phần biên đạo trước đây của cố biên đạo múa Lưu Hồng. Các em trong nhóm múa cũng thật duyên dáng từ cái phẩy tay, uyển chuyển gót chân lúc khoan thai, lúc mạnh mẽ khiến người xem như bị cuốn hút theo từng điệu múa qua bài múa “Koho” (biên đạo múa: Lưu Hồng), với bài múa “Vũ Trống,” các em đem lại cho khán giả sự thích thú qua màn múa Trống vui tươi, sinh động và rất dễ thương với những động tác của cơ thể kết hợp hài hòa với nghệ thuật diễn xuất và nhạc đệm làm nên thành công cho bài múa.



2 MC Y Sa và Nguyễn Hoàng Dũng. (Băng Huyền/Viễn Đông)

 

Và tính biểu cảm của những ngón đàn
Sự thành công của đêm diễn cho thấy âm nhạc dân tộc vẫn có một sức cuốn hút mạnh mẽ trong lòng công chúng, hình ảnh những khán giả ngồi im lắng tai nghe, thỉnh thoảng nhịp chân theo điệu nhạc và những tràng vỗ tay nồng nhiệt mỗi khi các nghệ sĩ biểu diễn xong tiết mục đã minh chứng cho điều đó.
Những âm điệu khi khoan nhặt, lúc trầm bổng réo rắt vang lên những cung bậc âm nhạc với màu sắc vô cùng phong phú trong phần hòa tấu, song tấu của các em trong ban nhạc Lạc Hồng, đã mang đến cho người xem những cảm xúc tuyệt diệu. Tiếng đàn Nhị của Phil Trần réo rắt, da diết cứa vào tận đáy lòng mỗi người nghe khi em thể hiện “Bài Thơ Trên Võng” (sáng tác của giáo sư Nguyễn Châu), hòa điệu cùng tiếng đàn của Phil Trần là tiếng đàn Tranh của Elena Đặng đã vẽ nên một bức tranh thủy mặc thâm trầm u tịch nhưng cũng xiết bao phóng khoáng với tầng tầng lớp lớp mờ ảo chơi vơi tâm tình ẩn kín sau tiếng đàn.
Khả năng diễn tả của đàn bầu dường như là vô biên, khi Cody Trần xuất sắc biểu diễn bài nhạc chủ đề của phim “The Godfather” hòa điệu cùng tiếng đàn keyboard của Tô Minh Hùng qua phần chuyển soạn của giáo sư Nguyễn Châu, đây là tiết mục đem lại sự thích thú cho người nghe bởi qua màn trình diễn này, người ta thấy rằng đàn Bầu Việt Nam không chỉ đánh được nhạc ngũ cung mà còn có thể chơi được nhạc Mỹ, với cách phối khí mới, hiện đại trên nền truyền thống để phả vào tiếng đàn Bầu sự mới mẻ.
Các em trong ban nhạc dân tộc Lạc Hồng và ban Trống Lạc Hồng đã mang đến những cung bậc âm nhạc với màu sắc vô cùng phong phú qua tác phẩm hòa tấu “Chiều Trên Cao Nguyên” (sáng tác của giáo sư Nguyễn Châu), và dàn nhạc dân tộc Lạc Hồng với “Khúc Hoan Ca,” cách các em dồn hết trái tim vào từng nốt nhạc, âm thanh réo rắt từ bàn tay của mình đã khiến cả khán phòng nín lặng và vỡ òa khi tiếng nhạc kết thúc.


 Tiếng đàn Nhị của Phil Trần réo rắt, da diết cứa vào tận đáy lòng mỗi người nghe khi em thể hiện “Bài Thơ Trên Võng” (sáng tác của giáo sư Nguyễn Châu), hòa điệu cùng tiếng đàn của Phil Trần là tiếng đàn Tranh của Elena Đặng. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Độc đáo với khách mời Vân Ánh
Là khách mời đặc biệt của chương trình, nghệ sĩ Vân Ánh đến từ San Jose, là người nghệ sĩ nhạc dân tộc đầu tiên của Việt Nam đoạt được những giải thưởng quan trọng trong dòng nhạc chính thống của Mỹ qua những sáng tác nhạc cho bộ phim “Daughter From Da Nang,” “Bolinao 52,” “A Village Named Versailles,” từng được giải Emmy 2009 nhạc nền cho bộ phim tài liệu Bolianao 52. Chị đã tạo nên dấu ấn khó phai trong trái tim khán giả khi đem đến chương trình 3 tác phẩm “The Legend” (đàn Tranh, kết hợp tiếng hát), “Phong Cảnh Quê Em” (Đàn Tranh, kết hợp nhạc điện tử Hip Hop và tiếng hát của Vân Ánh ngân nga), “Go Hungting” (Đàn T'rưng) do chính chị sáng tác, mang hơi thở thời đại nhưng vẫn dựa trên âm nhạc truyền thống Việt Nam, cuốn hút mọi người đến với những cái mới nhưng vẫn giữ được hồn dân tộc. Khán giả thích thú bởi phong cách trình diễn của Vân Ánh hiện đại, sôi động, nhiều màu sắc. Chị đã đưa người nghe vào thế giới của âm thanh du dương trầm bổng, réo rắt. Các ngón đàn của chị như ngón nhấn, mổ, ngón bấm, day chớp, búng, ngón phi, ngón rải... trên đàn Tranh thật trau chuốt, tạo cho tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt, làm nên tiết tấu xao động hồn người.


Tiết mục Hòa Tấu Hợp Xướng “Hát Chèo Thuyền” và “Tiếng Dân Chài” (Phạm Đình Chương) được dàn dựng thật quy mô với phần hát hợp xướng của ban hợp xướng Lạc Hồng và 2 tiếng hát lĩnh xướng của Ngọc Quỳnh, Lê Hồng Quang trên nền nhạc đệm của dàn nhạc dân tộc dưới sự điều khiển của giáo sư Nguyễn Châu. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Chị đưa người nghe lạc vào “mê trận” của cảm xúc, của sự thăng hoa trong âm nhạc, mang lại cảm giác mới mẻ, cuồng nhiệt, hấp dẫn. Chị thể hiện được sự tươi mới của tiếng đàn tranh, đàn T'rưng, vượt ra khỏi biên giới cũ kỹ, cổ truyền, góp tiếng nói để đối thoại với nhiều thể loại âm nhạc khác trên thế giới, nhưng vẫn được dựa trên gốc rễ là hồn nhạc Việt Nam. Khán giả thật xúc động và hào hứng khi nghệ sĩ Vân Ánh mời gọi mọi người cùng tham gia biểu diễn với chị trong phần tự do biểu cảm “cái tôi” hoàn toàn ngẫu hứng, tự do phô diễn kỹ thuật cá nhân tuyệt hảo của mình và giàu cảm xúc trên đàn T'rưng. Bằng nét nhạc trên cây đàn T'rưng do chị trình tấu, các khán giả trong rạp hát cùng nhịp chân, vỗ tay hòa điệu với nhau thành một bản nhạc giàu nhạc điệu và độc đáo vô cùng, tạo nên một không gian sống động, mang tính “đối thoại” thật “tài tử.”


Tiết mục Hòa Tấu Hợp Xướng “Hát Chèo Thuyền” và “Tiếng Dân Chài” (Phạm Đình Chương) được dàn dựng thật quy mô với phần hát hợp xướng của ban hợp xướng Lạc Hồng và 2 tiếng hát lĩnh xướng của Ngọc Quỳnh, Lê Hồng Quang trên nền nhạc đệm của dàn nhạc dân tộc dưới sự điều khiển của giáo sư Nguyễn Châu. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Kết thúc buổi diễn, là tiết mục Hòa Tấu Hợp Xướng “Hát Chèo Thuyền” và “Tiếng Dân Chài” (Phạm Đình Chương) được dàn dựng thật quy mô với phần hát hợp xướng của ban hợp xướng Lạc Hồng và 2 tiếng hát lĩnh xướng của Ngọc Quỳnh, Lê Hồng Quang trên nền nhạc đệm của dàn nhạc dân tộc dưới sự điều khiển của giáo sư Nguyễn Châu, ông cũng là người đã soạn phần hòa âm cho 2 tác phẩm này. Lẽ ra đây sẽ là tiết mục để lại nhiều cảm xúc cho khán giả hơn nếu phần âm thanh không trục trặc. Vì âm thanh quá nhỏ, nên phần hát của ban hợp xướng đã không phô diễn được hết vẻ đẹp của những tiếng hát, ngay cả tiếng ca của 2 giọng lĩnh xướng cũng bị hạn chế độ vang do thiết bị hỗ trợ âm thanh không tốt.
Buổi diễn kết thúc với rất nhiều dư âm – dư âm về một chương trình tuyệt vời mà ở đó âm nhạc đã nói lên rất nhiều điều, những gì mà các nghệ sĩ đã cống hiến, đã gieo được những hạt mầm nghệ thuật và niềm hy vọng. Hy vọng những tinh tế của văn hóa Việt Nam, sự trong sáng, vẻ đẹp của nhạc Việt Nam sẽ sống dậy thật mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi ở những bạn trẻ gốc Việt tại hải ngoại, để những khán giả trẻ tiếp tục nuôi nấng và phát triển nền âm nhạc ấy. Và một điều tất nhiên, để có được thành quả như thế, không thể thiếu sự chăm sóc, quan tâm của các bậc phụ huynh. Chính những phụ huynh Việt Nam vẫn còn nặng lòng với văn hóa dân tộc đã khuyến khích, ủng hộ và theo sát con em mình trong việc học nhạc dân tộc, để những thầy cô của Lạc Hồng (cụ thể là Giáo sư Nguyễn Châu và Giáo Sư Nguyễn Thị Mai) có cơ hội dìu dắt các em, tận tâm truyền dạy cho các em những thanh âm của nhạc quê hương qua từng ngón đàn, lời ca, khơi gợi tình yêu âm nhạc dân tộc còn đang tiềm ẩn trong tâm thức của các bạn trẻ, đồng thời cũng là nơi để các bạn thể hiện niềm đam mê về với cội nguồn của mình.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT