Phóng Sự

Xem tranh của Họa Sĩ Nguyễn Việt Hùng trong triển lãm Paths

Friday, 27/07/2018 - 11:56:41

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết 35 bức tranh ông đem đến triển lãm lần này đủ size, size lớn 60 x 48, nhỏ nhất là 8 x 10, trung bình 30 x 24, 40 x 30. Đa số là tranh sơn dầu trên vải, hoặc sơn dầu trên gỗ, có một số tranh nhỏ chất liệu hỗn hợp mix media.

Bài BĂNG HUYỀN

Vào lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 14 tháng 7, 2018 tại hội trường của Việt Báo, đã diễn ra triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, triển lãm mang tên Paths, do Hội VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music- Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt) tổ chức. Triển lãm tranh kết hợp trong buổi trình diễn các ca khúc của các học viên theo học lớp Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật do soạn nhạc gia P.Q Phan hướng dẫn. Dù triển lãm chỉ diễn ra vài giờ ngắn ngủi ngay trong chiều tối thứ Bảy, nhưng có rất đông người đến xem tranh, trong đó có những họa sĩ là bạn hữu của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng và có vài khán giả yêu tranh đã chọn một số tác phẩm của họa sĩ Việt Hùng mà họ yêu thích, đem về lưu lại trong bộ sưu tập của mình để tiếp tục chiêm ngưỡng thêm.
Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng đã thể hiện được cái “tôi” của mình qua từng tác phẩm. Xem tranh của họa sĩ Việt Hùng tựa như mình nhìn vào một chiếc kính vạn hoa. Chỉ cần nhìn sang góc độ khác, người xem sẽ thấy một tác phẩm hoàn toàn khác biệt với góc nhìn trước đó. Sự biến hóa không chỉ ở các thành tố riêng lẻ: hình, màu hay nhịp điệu của một tác phẩm mà nó là một tổng hòa các yếu tố. Và điều thú vị nhất là họa sĩ Việt Hùng đã làm điều đó thật là nhẹ nhàng, dễ dàng, chính điều đó tạo nên sự tò mò, hấp dẫn đối với người xem.
 

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng bên tác phẩm ưng ý nhất Sacred Landscape III # 46. Tranh khổ lớn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người xem cảm nhận được bút pháp, nội lực và sức truyền thụ cảm xúc của họa sĩ Việt Hùng trên từng tác phẩm với một sức hút lạ kỳ. Kỹ thuật dùng bút và dao vẽ nhuần nhuyễn bằng chất liệu sơn dầu cùng sự sáng tạo trong từng nét vẽ, mảng màu, cách thể hiện khiến mỗi bức tranh của hoạ sĩ Việt Hùng có những nét chấm phá mạnh mẽ, linh hoạt. Người xem triển lãm không chỉ yêu thích tranh Hoạ sĩ Nguyễn Việt Hùng với điểm riêng mà họ còn cảm nhận được cách chọn tông màu nguyên sắc, hút hồn người xem đến từng chi tiết. Vì thế mà tranh của ông có vẻ biến ảo. Điều đó làm nên thiên hình vạn trạng cho tác phẩm.
 

Những tranh Linh Cảnh và Nhân Vật (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết 35 bức tranh ông đem đến triển lãm lần này đủ size, size lớn 60 x 48, nhỏ nhất là 8 x 10, trung bình 30 x 24, 40 x 30. Đa số là tranh sơn dầu trên vải, hoặc sơn dầu trên gỗ, có một số tranh nhỏ chất liệu hỗn hợp mix media. Những tranh này là một số tác phẩm ông vẽ trong vòng ba năm gần đây, có những đề tài khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là tranh phong cảnh. Những phong cảnh được tổng hợp lại từ việc ông đi khắp nơi để tạo nên phong cảnh riêng mình qua từng tác phẩm, và một số tranh về Cổ Tùng, tranh nhân vật là những loại tranh vẽ hơi trừu tượng.

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng nói, “Kỳ này tôi và ban tổ chức quyết định chọn chủ đề của triển lãm là Paths, nghĩa là những con đường, những lối đi. Để nói rằng người họa sĩ có những con đường để bước đi không đơn giản, nó rất phức tạp, là những con đường tạo ra những cá tính của người họa sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.”
 

Khán giả cùng xem tranh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vài nét về tiểu sử họa sĩ Nguyễn Việt Hùng

“Họa Sĩ Nguyễn Việt Hùng sinh tại Việt Nam, theo học ngành Sinh Vật tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1982, ông chuyển sang ngành họa sĩ minh họa, đồ họa và thiết kế. Từ năm 2015, ông đã dành toàn thời gian cho sáng tác hội họa và đã tham dự hơn 100 đợt triển lãm. Ông theo đuổi con đường nghệ thuật một cách độc lập, nghiên cứu nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống của cả Đông lẫn Tây. Các tác phẩm của Nguyễn Việt Hùng có ảnh hưởng của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, như tranh khắc gỗ, nghệ thuật gốm sứ, chạm khảm, tranh kính màu, tranh thủy mạc Á Đông,… cùng với nền nghệ thuật Hiện Đại như trường phái Ấn Tượng, Siêu Thực, Biểu Hiện, Trừu Tượng,...Tất cả kết hợp thành nét vẽ rất riêng biệt và Đương Đại. Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng liên tiếp đoạt hai giải thưởng hạng nhất trong kỳ "Triển Lãm Quốc Tế Lưỡng Niên" 2013 và 2015 của Viện Nghệ Thuật Tạo Hình San Diego (Juror's Choice Awards 2013 & 2015, San Diego Art Institute Biennial International Awards Exhibition). Và có tác phẩm tham gia triển lãm Hội Chợ Nghệ Thuật Tạo Hình (Art Fairs) Art Context New York, Palm Beach Art Miami, Los Angeles Contemporary Art, Palm Springs Fine Art, Fabrik Expo Los Angeles (2016). Spectrum Miami Art Show, Art Silicon-San Francisco, Houston Fine Art Fair, Art San Diego, WestEDGE Design Fair-Santa Monica (2015).''
 

Khán giả cùng xem tranh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Có mặt tại phòng triển lãm từ rất sớm để ủng hộ họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, họa sĩ Nguyễn Đồng nhận xét, “Cái hay của họa sĩ Việt Hùng là giữ được bút pháp riêng của anh. Mặc dù triển lãm kỳ này so với những lần triển lãm trước đề tài có thay đổi, màu sắc cũng có thay đổi, màu sắc có tối đi so với những lần trước nhưng anh vẫn giữ được bút pháp riêng, và cũng chính có sự thay đổi đó nên triển lãm này khiến người ta thú vị hơn.”

Là thành viên trong ban tổ chức triển lãm lần này và là một trong những người sáng lập của Hội Vascam, soạn nhạc gia P.Q.Phan chia sẻ: “Tôi rất yêu mến tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng. Tôi thích nhất tranh của anh Việt Hùng phần tạo độ nhám trên mặt phẳng bức tranh. Kỹ thuật của anh Việt Hùng rất cao. Trong triển lãm lần này tôi rất thích bức tranh Cổ Tùng # 20 (Ancient Pine # 20, khổ tranh 48 x 60). Vì nó có ý tưởng và kỹ thuật vẽ rất cao, màu sắc rất đặc biệt, cấu trúc của tranh, lối chơi màu sắc và cái lối sáng tác rất lạ.
 

Tranh khổ lớn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Soạn nhạc gia P.Q Phan cho biết Hội Vascam thật ra không có chương trình phụ giúp các họa sĩ trong vùng Nam California triển lãm trong vùng Nam California. Vì ở đây có rất nhiều tổ chức đã làm rồi. nên Hội Vascam cảm thấy là không cần nữa. “Nhưng Hội Vascam từng hứa tổ chức cho anh Việt Hùng triển lãm tại San Jose. Tuy nhiên năm nay Hội Vascam có một trở ngại tìm nơi tổ chức triển lãm tại San Jose. Vì vậy nhân tiện dùng dịp trình diễn các tác phẩm của học viên lớp dạy Sáng Tác Ca Khúc Nghệ Thuật do Vasam tổ chức để xin lỗi họa sĩ Việt Hùng. Và lần triển lãm này chúng tôi rất vui được anh Hùng chấp nhận. Thật ra chúng tôi hơi mắc cỡ đã không làm được điều mình rất muốn làm. Triển lãm cũng chỉ diễn ra được vài tiếng đồng hồ, vì phòng sinh hoạt của Việt Báo đã được book hết, chỉ có thời gian vài tiếng của buổi chiều này. Đây là điều chúng tôi không được vui lắm.”
 

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng và vợ chồng soạn nhạc gia P.Q. Phan bên tác phẩm Ancient Pine # 20 (Cổ Tùng số 20) Tranh khổ lớn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tranh Sacred Landscape II #13 (Linh Cảnh đợt 2, số 13) Tranh khổ lớn (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Những tranh khổ nhỏ 8 x 10, 12 x 12, là những tranh mix media, nhìn tựa như tranh tranh sơn mài, tranh trên gốm với những vết nứt khác nhau, rất độc đáo (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cô An Vi là vợ của soạn nhạc gia P.Q. Phan và là thành viên của Vascam dành những lời khen tranh vẽ của họa sĩ Việt Hùng, “Tôi thích tranh vẽ của họa sĩ Việt Hùng từ lâu rồi. Tranh anh Việt Hùng rất đặc biệt, lối vẽ của anh rất độc đáo, tôi không thấy ở những họa sĩ khác. Đó là điều đáng hãnh diện khi mua tranh của anh. Kỹ thuật vẽ của anh rất đặc biệt, những đường nét dùng dao tạo ra, những lớp sơn dầy, có những màu sắc đậm nhưng tươi. Nhà tôi có một bộ tranh khổ nhỏ của anh Việt Hùng. Mỗi ngày đều nhìn và mỗi ngày đều thích, đó là dấu hiệu tốt. Tranh đã treo mấy năm rồi, mà đến bây giờ tôi xem vẫn thích. Mình nhìn hiện tại nhưng vẫn muốn thấy tương lai, thì tranh phải trừu tượng đến mức cho trí tưởng tượng của mình phát triển, còn với trường phái vẽ tả thực thì mình không thích. Tôi thích tranh phải có ý tưởng để mình xem có thể tưởng tượng. Nếu họa sĩ có ý tưởng mà kỹ thuật vẽ thấp sẽ không diễn đạt được ý tưởng đó. Nên phải hội đủ ý tưởng tốt và kỹ thuật cao. Kỹ thuật càng cao thì có khả năng diễn đạt tốt ý tưởng. Tranh anh Việt Hùng hội đủ hết những điều trên.”   
 

Tranh khổ lớn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cô An Vi chia sẻ thêm, “Mình thấy nhiều người Mỹ gốc Việt mua tranh của họa sĩ Mỹ chẳng hạn, cái đó cũng hay, nếu người ta yêu thích nghệ thuật. Nhưng mình thấy chúng ta nên ủng hộ cộng đồng họa sĩ người Mỹ gốc Việt của mình trước. Vì thật ra cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở California rất mạnh, nhưng mà vẫn có những mảng mình cần tiếng nói mạnh mẽ hơn. Tiếng nói mạnh mẽ nhất là bằng cách mỗi một người dân ủng hộ sản phẩm về văn hóa trong nhà của mình. Nếu nhìn trong nhà mình tranh của người Mỹ gốc Việt là niềm tự hào. Đây là điều rất cần ủng hộ, vì có nhiều họa sĩ gốc Việt rất có tài. Nếu Vascam có điều kiện giúp họa sĩ gốc Việt triễn lãm tranh thì cũng chỉ triển lãm của họa sĩ còn sống. Bản thân An Vi có mua tranh cũng chỉ mua của những họa sĩ còn đang sống, chứ không mua tranh của người đã mất. Vì họa sĩ có tài và đang tiếp tục vẽ, thì mình nên ủng hộ. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với mảng văn hóa mới như hội họa mình nên giúp để phát huy nhiều hơn.”
 

Khán giả cùng xem tranh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vài tác phẩm tiêu biểu trong triển lãm
Họa sĩ Việt Hùng cho biết trong triển lãm lần này, tác phẩm nào ông cũng yêu, nên mới đem ra chia sẻ với mọi người. Nhưng nếu hỏi ông yêu nhất bức tranh nào, thì ông cho biết tranh mà ông hài lòng nhất là tác phẩm mới nhất, vẫn còn mùi sơn. Bức tranh mang tên Sacred Landscape III # 46.

Giải thích tên gọi của bức tranh, họa sĩ Việt Hùng nói, “Vì tôi là họa sĩ, không phải văn sĩ, thi sĩ nên chữ nghĩa không nhiều. Tôi vẽ cả ngàn tấm thì làm sao đặt tên được, nên tôi chọn một tên, sau đó là đánh số từng đợt vẽ tranh. Loạt tranh vẽ Sacred Landscape, dịch sang tiếng Việt nghĩa là Linh Cảnh, là những cảnh thiêng liêng. Tôi thường vẽ tranh thành từng đợt cùng chủ đề và được đánh số. Bức này là Linh Cảnh đợt 3, số 46. Đợt một thì cách nay bốn năm, đợt hai là hai năm trước, đợt ba là thời điểm hiện tại. Ngoài những tranh phong cảnh tôi đặt là Sacred Landscape (Linh Cảnh), còn có những tranh vẽ cây thì tôi đặt là Cổ Tùng, hay Tranh Nhân Vật, những tranh mix media thì đặt tên là Nơi Chốn…”

Chia sẻ về bức tranh Sacred Landscape III # 46, họa sĩ Việt Hùng cho biết đây là tranh được ông vẽ lại từ khung cảnh thiên nhiên cách nay vài tháng ông đi du lịch Brazil và Argentina, ông thấy có một thác nước đẹp lắm. Ông vẽ lại thác nước và vẽ thêm khung cảnh quanh thác nước là phong cảnh ông từng thấy ở California, ở vùng Nam Mỹ, ở Alaska… ông đã trộn lẫn những cảnh sắc thật để thành cảnh sắc tươi mới cho Sacred Landscape III # 46. Họa sĩ Việt Hùng nói, “Điều tôi thích bức tranh này vì nó mới, có những nét làm cho sống động hơn. Bức tranh này tôi muốn diễn tả những tầng lớp khác nhau, có một độ sâu tuy là trên mặt phẳng. Tôi dùng kỹ thuật vẽ tranh thủy mặc Á Đông của người Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam. Tranh thủy mặc rất đặc biệt, người ta vẽ bằng mực. Còn với bức vẽ này, tôi dùng kỹ thuật vẽ tranh thủy mặc để vẽ tranh sơn dầu. Tôi thích nhất tác phẩm này vì nó đạt được những kỹ thuật và kinh nghiệm tôi đã tích lũy từ trước đến nay. Thường những bức tranh vẽ sau là những tinh túy mình có được. Nhưng có thể hai năm sau lại khác, tôi không còn ưng ý bức tranh này nữa.”

Họa sĩ Việt Hùng nói, ông rất yêu thích cảnh sắc thiên nhiên, cây cỏ, biển khơi…, chúng đã gây cảm xúc mạnh mẽ cho ông. Ông luôn chú trọng trong tranh vẽ của mình sự hài hoà, tương hợp, màu sắc Á và Âu. Với bức tranh Sacred Landscape II #13 (Linh Cảnh đợt 2, số 13) được ông vẽ cách nay 2 năm. “Khuynh hướng khi tôi vẽ tranh phong cảnh, khi ra ngoài thiên nhiên, tôi thấy các phong cảnh mà tôi đi qua, về tôi tổng hợp lại. Nhưng ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là bở biển California, khi vẽ tranh này là tôi tái hiện lại vùng biển gần phía Long Beach, nơi đó có vách núi, tôi vẽ và tổng hợp những vách núi từ nhiều cảnh khác nhau để mô phỏng thiên nhiên thực tế đưa vào tranh theo cách cảm nhận của mình. Khi vẽ dòng nước, tôi có ảnh hưởng từ cách thiết kế Zen Garden của người Nhật, họ dùng cát hay những viên sỏi cào ra tạo thành dòng nước, hoặc hình dáng con sông, Khi vẽ dòng nước, tôi dùng sơn dầu, những vật liệu khô để tạo cho người xem tranh hình dáng của dòng nước chảy. Khi vẽ nước, người ta thường vẽ cái gì đó thật là mềm mại, đó là khuynh hướng bình thường. Còn tôi thì dùng những gì khô, cằn cỗi để tạo thành dòng nước.”

Còn với bức tranh Ancient Pine # 20 là tranh Cổ Tùng số 20, khổ tranh 48 x 60, được rất nhiều khán giả xem tranh yêu thích, dừng lại chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu lại, đây cũng là tác phẩm thứ hai mà họa sĩ Việt Hùng thích, ông chia sẻ, “Bức tranh này là một trong hàng loạt tranh tôi vẽ về cổ tùng. Cổ tùng có tên khoa học Pinus longaeva, tên thông dụng là Ancient Bristlecone pine thuộc họ nhà thông (pine). Cây thông này đặc biệt sống ở vùng sa mạc trên cao, sống rất lâu. Có ở vùng núi tại California và Utah. Có nhiều cây sống trên 4000 năm. Tôi đã đi xem những cây thông này từ năm 2003, mỗi mùa hè đều đi hết. Nhờ đi nhiều lần, tiếp xúc với nó mới có cảm hứng. Trước khi vẽ cây cổ tùng này, khoảng 7, 8 năm trước tôi đã vẽ chân dung tự họa của tôi trên tranh vẽ này. Điều này nói lên người họa sĩ có bản ngã, cái tôi rất lớn. Sau đó tôi suy nghĩ, bản ngã mình lớn quá, nhưng làm sao mình bằng được thiên nhiên. Từ đó tôi vẽ cây cổ tùng chồng lên bức tranh, che lấp đi chân dung tự họa của mình. Bức tranh này tôi chỉ vẽ thân cây thôi, tôi thích thú khi tạo cho tranh vẽ này nhiều lớp sơn dầu dày cộm. Những gì mình biểu lộ, cảm xúc ra thì bỏ vào tranh thôi. Tôi muốn tự mỗi người xem tranh cảm nhận tranh tôi vẽ theo cảm xúc của họ.”

Những tranh khổ nhỏ 8 x 10, 12 x 12, là những tranh mix media, nhìn tựa như tranh tranh sơn mài, tranh trên gốm với những vết nứt khác nhau, rất độc đáo. Đây là hình ảnh họa sĩ Việt Hùng vẽ lại từ những bức ảnh được ông chụp trong những chuyến đi khắp nơi trên thế giới. Ông nói, “Tôi đi tới đâu thì đều chụp hình phong cảnh lại. Khi về, tôi vẽ lại và trong thời gian vẽ thì rất lâu, chính thời gian vẽ lại phong cảnh mình từng chụp, giúp tôi thêm nhiều cảm xúc với phong cảnh mà tôi từng lưu lại trong bức ảnh. Vẽ những tranh này, trước tiên tôi phải vẽ bằng bút chì, sau đó vẽ sơn màu nước, tiếp theo là sơn lớp varnish, là loại sơn phủ, vừa tạo cho bức tranh độ bóng đồng đều, vừa ngăn được mặt sơn tiếp xúc với bụi và các ô nhiễm trong môi trường. Varnish còn khiến hoà sắc của bức tranh trở nên trong và sâu hơn. Tôi dùng hai, ba loại sơn phủ khác nhau, trong đó có loại sơn phủ làm nứt, nhìn tựa như gốm. Chính những lớp phủ khác nhau, lớp này phủ lớp kia, tự nó sẽ tạo ra đường nứt, những đường nứt này mình không tạo ra được, mà chỉ tùy theo nhiệt độ, tùy theo độ ẩm lúc làm, tự nó sẽ tạo nên các đường nứt đủ loại khác nhau. Sau khi có những đường nứt rồi, tôi sẽ tạo thêm nhiều lớp phủ lên nữa để bảo vệ vừa tạo cho bức tranh độ bóng đồng đều. Để làm một bức tranh nhỏ như vậy khoảng 10 tiếng đồng hồ cộng lại thực hiện trong một tuần lễ.
 

Tranh khổ lớn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Xem các tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, người xem cảm nhận được sự biến hóa của hình, của màu đã được chắt lọc đầy tinh tế đem lại hiệu ứng thị giác lạ lẫm, cứ thế từ từ mê dụ người xem vào "mê cung" của cảm xúc, của thông điệp nào đó mà mỗi người sẽ ngầm suy và cảm nhận theo cách riêng của mình. Vì trong mắt người xem, ẩn kín nơi tâm hồn mỗi người là vốn sống, vốn văn hoá và kiến thức khác nhau. Mỗi người sẽ thấy ở tác phẩm hội hoạ những sắc thái và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Mỗi bức tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng không còn giá trị độc bản, mà với mỗi người xem tranh, sẽ có riêng những dị bản của riêng mình và chẳng có cái nào giống cái nào.

Sau khi kết thúc triển lãm, người viết có hỏi họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, với nhiều họa sĩ, hội họa là một cách nhận thức thế giới, còn với họa sĩ Nguyễn Việt Hùng thì sao?

Họa sĩ Việt Hùng chia sẻ, “Tôi là người thích diễn tả cảm xúc, ý tưởng của mình, mà hội họa là việc tôi làm tốt nhất. Rồi những sáng tác của mình có người thích, và được sưu tập, làm mình thêm hứng khởi. Trước đây mình vẽ trước tiên là cho nhu cầu của mình, sau đó triển lãm như cách khoe khoang với bạn bè thiên hạ. Giờ trầm tính hơn thì cố gắng vẽ cho đẹp, trước tiên cũng là cho mình, nhưng triển lãm là cách chia sẻ cái hay, đẹp, mới đến với mọi người."

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT