Hoa Kỳ

Xi Jinping, Phó Chủ Tịch Nước của Trung Cộng đã bị đột quị

Hoài Mỹ/Viễn Đông Tuesday, 11/09/2012 - 07:32:07

Bởi vậy Hồ Cẩm Đào đưa được 3 cộng sự viên của ông vào hội kín lãnh tụ: Li Keqiang, Li Yuanchao và Wang Yang”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

BẮC KINH - Như hôm qua Viễn Đông đã đăng tin về “hiện tượng” Xi Jinping (Tập Cận Bình), Phó Chủ Tịch Nước của Trung Cộng, người sẽ nắm chức vị Tổng Bí Thư Đảng kiêm Chủ Tịch Nước vào mùa thu này, bỗng dưng “biến mất” sau khi đương sự hủy bỏ các cuộc gặp gỡ quan trọng, chẳng hạn với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, với Thủ Tướng Singapore Lee Hsien Loon và nữ Thủ Tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schidt... Ông Xi đã không xuất hiện công khai kể từ ngày 1 tháng 9. Sự “vắng mặt” khác thường và lâu dài của ông Xi đã gây bộc phát những tin đồn trong dư luận không chỉ ở quốc nội mà cả trên trường quốc tế. Một trong những “tin đồn” nghiêm trọng hơn cả - đồng thời lại do trang mạng thông tin boxun.com của những người Trung Hoa lưu vong ở Hoa Kỳ xác nhận - là ông Xi Jinping đã bị thanh toán bằng hình thức một tai nạn xe hơi.
Nay Viễn Đông đã nhận được một nguồn khả tín: Willy Lam, Giáo Sư giảng dạy môn Lịch Sử Trung Quốc tại trường Đại Học Hong Kong - và là một trong những người được xem là có những sự liên hệ gần gũi và tốt đẹp nhất với giới lãnh tụ thượng đỉnh của đảng Trung Cộng.
Hôm qua Thứ Ba, Giáo Sư Lam xác quyết: “Ông ấy (Xi Jinping) bị bệnh nặng sau một lần đột quị (stroke) và hiện ông đang được điều trị ở một bệnh viện tại Beijing”.
Giáo Sư Willy Lam xác tín về các nguồn của ông: “Tôi đã được nghe trực tiếp sự việc này từ chính người trong gia đình của ông Xi lẫn từ người trong giới lãnh đạo đảng. Tôi không có lý do gì để ngờ vực về sự thật cả”.

Cơ may cho Hồ Cẩm Đào
Theo Giáo Sư Lam, trận đột quị của ông Xi không đe dọa tính mạng và cũng không đến nỗi gây cản trở cho việc tiếp quản quyền hành vào mùa thu này, “nhưng ông ấy có những dấu tích rõ rệt trên mặt về bệnh hoạn; điều này khiến ông... ngại xuất hiện công khai”.
Ông Willy Lam nhấn mạnh bổ túc rằng một trong những hệ quả bệnh tật của ông Xi có thể là Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí Thư Đảng hết nhiệm kỳ, sẽ ngồi lại làm Chủ Tịch của Hội Đồng Quân Sự của đảng - một chức vị rất quyền lực - thêm vài năm nữa sau khi ông ta chấm dứt làm Tổng Bí Thư Đảng.
Giáo Sư Lam kết luận: “Bằng cách ấy ông Hồ sẽ bảo vệ ở một mức độ lớn lao ảnh hưởng của ông ta kể cả sau khi ông Xi đã tiếp quản”.

Tai họa cho việc tuyên truyền
Như trên đã nhắc lại, cơn bão tin đồn bao quanh việc “vắng mặt” của ông Xi Jinping, kể cả các câu chuyện về việc ông ta bị chấn thương lưng trong lúc bơi lội và việc ông ta bị mưu sát - tất cả đều do nhóm “tay chân” của Bo Xilai, cựu “siêu sao” của đảng vốn đã bị loại trừ hồi tháng Tư, chủ động thực hiện.
Về phía chính quyền, mọi sự vẫn im lặng như tờ. Trong một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao Trung Cộng hôm Thứ Ba, 11-10-2012, đã hoàn toàn không có câu trả lời nào cho các câu hỏi của giới truyền thông về tình trạng của “đồng chí Phó Chủ Tịch Nước Xi Jinping”. Sự khiếm khuyết thông tin đã đưa đến sự bất trắc trong một thời gian khi giới lãnh đạo đảng đang chuẩn bị một đại hội toàn quốc mà 70 phần trăm của tổng số lãnh tụ đảng sẽ “được” thay đổi hay phải về “phục viên”.
Sự kiện chắc chắn là một đại họa về tuyên truyền đối với bất cứ đảng Cộng Sản nào, đặc biệt với đảng Trung Cộng. Giới lãnh tụ thấu hiểu điều này, tuy nhiên dưới con mắt họ, họ không có sự lựa chọn nào khác. Theo lẽ thường thì Phó Chủ Tịch Nước của Trung Cộng Xi Jinping phải khỏe lại trước đã trước khi ông ta có thể “tái xuất giang hồ”. Nhưng tới bao giờ?
Giáo Sư Willy Lam đoán: “Có thể một, hai tuần nữa”.

“Hội kín lãnh tụ” tối cao đã hình thành
Vị Giáo Sư đầy uy tín của trường Đại Học Hong Kong này trong thời gian gần đây đã nhận được những dấu hiệu là “hội kín” trong giới ưu tú của đảng đã xếp đặt xong xuôi phần chính yếu. Ban lãnh đạo thượng đỉnh của đảng, tức Ủy Ban Thường Vụ của Bộ Chính Trị, xem như đã sẵn sàng.
Giáo Sư Willy Lam minh xác: “Gần như đã chắc chắn là từ 9 thành viên được giảm xuống còn 7” - rồi ông Lam nêu tên thứ tự những người mà nhà giáo này tin là đã hiện diện trong danh sách ban lãnh đạo mới: “Xin Jinping, Li Keqiang, Yu Zhengsheng, Zang Dejiang, Li Yuanchao, Wang Qishan và Wang Yang. Bởi vậy Hồ Cẩm Đào đưa được 3 cộng sự viên của ông vào hội kín lãnh tụ: Li Keqiang, Li Yuanchao và Wang Yang”.

Không có cải tổ chính trị
Giáo Sư Willy Lam không mấy tin là ban tân lãnh đạo đảng sẽ “tốt hơn” so với nhóm tiền nhiệm trong việc khởi sự thực hiện các cuộc thay đổi chính trị: “Không, sẽ chẳng có gì xẩy ra cả. Đảng được điều hành bởi một số gia tộc. Các gia tộc này nắm độc quyền vừa về quyền lực lẫn các phần lớn của nền kinh tế. Họ không muốn làm gì để bị mất những gì họ vẫn sở hữu. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ phản ứng về sự kiện ấy, nhưng lâm thời thì ít có gì cho thấy là hiện tình chính trịnh ở Trung Quốc không ổn định”.

Cánh của Bo Xilai biểu dương sự chống đối
Chưa bao giờ như hiện nay đảng Trung Cộng lại phải đối đầu kịch liệt với những cuộc “phản động” nội bộ. Điển hình là những người ủng hộ Bo Xilai vốn được mệnh danh là “tả khuynh cực độ”, cáo buộc giới lãnh tụ đảng đã gài bẫy để thanh toán một phần tử thách đố lộ liễu.
Sự chống đối này khởi sự ngay sau ngày tòa án ở thành phố Hefei kết án tử hình bà Gu Kailai, vợ ông Bo Xilai, về tội cố sát thương gia người Anh Neil Heywood hồi tháng 11 năm 2011. Theo những người ủng hộ ông Bo thì vụ án này không gì khác ngoài là một mưu toan nhằm đánh phá chính cá nhân ông Bo Xilai đồng thời làm mất uy tín cho kế hoạch gọi là “Chonqing-model” của ông này. Chính sách của Bo Xilai dành cho thành phố đông cả triệu cư dân này bao gồm một sự hỗn hợp các kế-hoạch-phúc-lợi cho người nghèo với sự tái lập ý thức hệ và văn hóa của Mao.
Vận động: Những người chỉ trích trong nhóm “tả khuynh cực độ” này qua e-mail và internet đã cho luân lưu lời yêu cầu đưa Thủ Tướng Ôn Gia Bảo ra tòa. Trong bản yêu cầu vốn đã thu được 1.644 chữ ký, có câu: “Ôn Gia Bảo đã phạm những lỗi lầm nghiêm trong và những tội phạm nặng nề khác”. Trong số những người ký tên có cả những người cao cấp cũ ở trong đảng. Lời cáo buộc trong bản yêu cầu: “Ôn Gia Bảo đã trở thành đại biểu thượng đỉnh của giới lãnh đạo trung ương đảng vốn là phe cánh chủ trương sự Tây phương hóa trọn vẹn”.
Ngày 21-08-2012, thông tấn xã Reuters thú nhận đã không liên lạc được với hai cựu lãnh tụ Ma Bin và Li Chengrui, nhưng viết là “nhiều người ký tên đã xác nhận chữ ký của mình”.
Nghi ngờ: Nhà khoa bảng Han Deqiang nói là “trong mỗi vụ thất sủng cho tới nay tôi vẫn cho là có những điểm khả nghi trong nội vụ”. Ông từ lâu đã là người bảo vệ mạnh mẽ chính sách của ông Bo Xilai ở Chongqing, một thành phố với cả triệu dân số và với một khu đô thị mà diện tích bằng cả nước Áo với 30 triệu dân số.
Ông Han Deqiang, Giáo Sư môn Quản Trị Thương Mại tại viện Đại Học Beihang, phát biểu: “Tôi cho là toàn thể chiến dịch này đã chỉ có mục đích duy nhất là hủy diệt Chonqing-model của ông Bo Xilai mà thôi”.
Và nhà giáo này nhấn mạnh bổ túc: “Họ đã phá hủy một tia hy vọng của đảng Cộng Sản Trung Quốc”.
Những tên tư bản: Phe chống đối vụ thanh toán ông Bo Xilai cho biết là giới lãnh đạo đảng không chỉ phải đối đầu với cánh cấp tiến mà còn cả với nhóm cực tả cương quyết vốn vẫn xem đảng như bị trói buộc làm nô lệ cho các quyền lợi của tư bản. Các nhà phê bình tả khuynh - vốn thường bị sử dụng như những con chó tấn công các tay ly khai cấp tiến và các nhà phê phán Tây phương - đe dọa khai trương một chiến tuyến với phe đối lập bất mãn. Họ có thể sẽ dùng Bo Xilai như một lá cờ chống lại giới thượng đỉnh của đảng. Nếu giới lãnh đạo này đập thật mạnh ông Bo thì họ có nguy cơ lâm vào vực thẳm phân rẽ sâu rộng. Nhưng nếu Bo tránh khỏi dễ dàng thì họ cũng có nguy cơ bị tố cáo là đã chấp nhận chương trình nghị sự tả khuynh của ông ta.
Sử gia Xiao Gongqin tại Normal University of Shanghai cho rằng cánh tả khuynh đã từ lâu được công nhận và được trung tâm chính trị ở Bắc Kinh o bế. Nay phe đối lập cánh tả cảm thấy là họ đã bị mất cơ hội để đạt được các mục tiêu của họ xuyên qua các lãnh tụ cỡ như Bo Xilai.
Giáo Sư Xiao nói với thông tấn xã Reuters: “Bởi vậy nay họ trở thành một sức mạnh ở bên ngoài hệ thống”. Ông còn tin là sự bất ổn xã hội rộng lớn hơn có thể mang lại sự “thuận buồm xuôi gió” cho khuynh-hướng-Mao.
Âm mưu: Rất nhiều giả thuyết lưu hành trên internet cho là có âm mưu trong vụ xét xử bà Gu Kailai, vợ ông Bo. Trong số này có “tác giả” quả quyết rằng người đàn bà đẫy đà và cao ngạo ở vành móng ngựa và nhận bản án không phải là bà Gu Kailai nhưng là một người giống bà ta như đúc để đóng vai “con vật tế thần”.
Những nhà công kích “hiền dịu” hơn chỉ nói là những bản cáo trạng bà Gu không đáng khả tín và đầy mâu thuẫn.
Nhiều bài viết và kêu gọi trên internet vốn nhằm bênh vực ông Bo và tấn công các lãnh tụ trung ương, cho thấy là “sì-căng-đan” của đảng đã “được” đón nhận khác hẳn với các vụ tương tự trước đây. Thời đó dường như không có đối lập. Nay phe đối lập vừa có tính công khai lại có tư tưởng bất chấp biện pháp kiểm duyệt internet rộng lớn và chặt chẽ của đảng. Nhà khoa bảng Han Deqiang cho là tình trạng cũng tách ra khỏi các giai đoạn cũ theo một phương cách khác: “Trước đây chúng tôi chỉ là những người khoa bảng mà thôi. Nhưng nay chúng tôi có một lãnh tụ vốn được dân chúng công nhận ở cả bên ngoài lẫn bên trong hệ thống”.

Giới lãnh đạo đảng Trung Cộng lãnh đủ một... “sao quả tạ” nữa
Giới lãnh tụ chóp bu của đảng Trung Cộng lại bị điên đảo bởi một “sì-căng-đan” mới. Một trong những đồng minh thân cận của Hồ Cẩm Đào vừa bị trừng phạt bởi vì quí tử của ông này gây ra tai nạn giao thông khi đương sự chạy chiếc xe thể thao “hàng xịn”.
Thông tấn xã Reuters viết là ngày 18 tháng 3 vừa rồi, “cậu ấm” lái chiếc Ferrari “cáo chỉ”, tông vào một bộ hành ở giữa thủ đô Bắc Kinh. Theo các tin tức chưa được xác nhận, vụ này đã vén màn cho thấy thói quen sử dụng đủ loại xa xỉ phẩm của giới ưu tú của đảng.
Tuy không có sự xác nhận nạn nhân có bị tử vong hay không, nhưng vụ này dù sao cũng gây hệ lụy về chính trị. Các bình luận gia Trung Hoa ẩn danh đã nói với Reuters: “Giới lãnh tụ đảng rất nhậy cảm đối với các thông tin về con cái của các nhân viên cao cấp trong guồng máy đảng sống như những thành phần giầu sang được đặc quyền và đã mất hết sự liên hệ với tập thể”.
Theo các tin đồn, chiếc xe gây tai nạn do con trai của ông Ling Jihua lái. Con gây tội thì ông bố bị cách chức Chủ Tịch Ban Thư Ký trong Hội Đồng Trung Ương Đảng Trung Quốc. Với chức vụ này ông Ling có quyền hạn như một Đổng Lý Văn Phòng ở các nước Tây phương.
Đảng Trung Cộng đang chuẩn bị cho việc thay đổi giới lãnh tụ chóp bu. Tuy nhiên, tiến trình đã bị rắc rối bởi cơn bất ổn bộc phát ác liệt khi chính khách hàng đầu Bo Xilai bị trục xuất khỏi ngôi vị lãnh tụ đảng ở thành phố Chongqing, trong khi vợ của đương sự bị kết án tử hình về tội sát nhân.

Hiện tượng kỳ lạ ở Trung Cộng: Nước sông bỗng đỏ như máu
Chính quyền Trung Cộng vẫn tiếp tục ngỡ ngàng trước hiện tượng dòng sông Yangtze bỗng đổi màu trong tuần lễ vừa qua. Họ thật sự bối rối.
Yangtze là dòng sông dài nhất ở Á Châu và là dòng sông lớn thứ ba trên thế giới. Bắt nguồn từ châu thổ Tây Tạng, dòng sông chảy suốt 6.400 cây số để rồi đổ ra biển ở Shanghai.
Sự kinh ngạc lên đến cực độ khi cư dân ở Chongqing thức giấc sáng Thứ Tư tuần trước, thấy dòng sông đã mang một màu sắc mới: Đỏ! Theo nhật báo Anh Daily Mail, trong số 6 triệu cư dân của thành phố này, ngoài những ngư phủ thì vẫn giữ được thái độ thản nhiên như chẳng có sự gì xẩy ra, còn những người khác thì đã vội vàng lao mình ra bờ sông để múc đầy một chai thứ nước đỏ ấy. Trong khi nhiều người đã không giấu nổi sự lo âu khi nghĩ đây là một điềm trời tiên báo những sự chẳng lành.
Chính quyền vẫn chưa biết rõ nguyên nhân hiện tượng nước đổi màu này. Mặc dù màu nước đỏ tập trung ở khúc sông tại thành phố Chongqing, nhưng báo cáo cũng ghi nhận màu đỏ ở nhiều khúc sông khác. Đây không phải lần đầu tiên dòng sông ở Trung Cộng đổi màu. Tháng 12 năm ngoái, sông Jian ở mạn Bắc tỉnh Henan, cũng bỗng trở nên đỏ sau khi hai xưởng làm pháo bất hợp pháp đã đổ phẩm xuống dòng sông
Có thể người là nguyên nhân: Nữ Giáo Sư Emily Stanley tại University of Wisconsin, cho là nguyên nhân vừa kể trên cũng xẩy ra lần này. Bà nói với trang mạng Live Science: “Xem ra giống như một hiện tượng ô nhiễm. Nước nhiễm màu đỏ rất nhanh như trước đây là hệ quả việc người ta đã đổ chất màu xuống dòng sông”.
Nguyên nhân khác có thể là vi khuẩn tạo màu vốn xẩy ra ở trong nước nơi có ít dưỡng khí hơn nơi bình thường. Tuy thế, hiện tượng này có nhiều khả năng ở hồ hơn là ở sông.
Hiện tượng mặc khải? Một dòng sông đỏ ngầu vẫn thích hợp với những sự tích trong sách Khải Huyền (Apocalyptic - thuộc phần Cựu Ước trong Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo). Khi ông Moses dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập để về Đất Hứa, đả xẩy ra nhiều tai họa trước khi vua Farao để cho họ ra đi, chẳng hạn dòng sông Niles đã trở thành máu.
Trong tập cuối cùng của Thánh Kinh, sách Khải Huyền của thánh Gioan, có đoạn kể là biển và sông trở thành máu khi cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống trái đất này.
Theo trang mạng Live Science, ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, mùa hè năm ngoái nước hồ đã tạo ra màu đỏ-máu gây nên nỗi so sợ ngày tận thế.
Thế nhưng ở Trung Cộng, các dòng sông không biến thành máu; dòng sông chỉ có một màu mới (đỏ) trong nước mà thôi. – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT