Đạo và Đời

Xin được thấy

Wednesday, 31/10/2018 - 08:28:09

Khi biết đó là Chúa Giêsu đang đi qua, anh đã la lớn với tất cả sức mạnh của mình: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi.” Người ta càng ngăn cấm thì anh càng kêu to hơn. Tiếng kêu của anh là tiếng kêu thống thiết của một con người đau khổ, nhưng đây là tiếng kêu của niềm tin.



Họa sĩ Duccio di Buoninsegna vẽ câu chuyện Chúa Giêsu làm cho anh mù Bartimaeus được sáng mắt vào năm 1308–1311, trưng bày tại Bảo Tàng Viện Quốc Gia Anh, London. (Wikipedia)



Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này kể lại câu chuyện Chúa Giêsu làm cho anh mù tên là Bartimê ngồi ăn xin bên vệ đường ngoài thành Giêricô được sáng mắt, làm cho chúng ta suy nghĩ tới những con người tàn tật thật đáng thương ở khắp mọi nơi trong xã hội.

Nguyễn Thị Lệ Hằng sinh năm 1987, ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, khi sinh ra đã mang trong mình nhiều khuyết tật. Từ khi chào đời, Hằng đã bị chứng bại não, tứ chi co rút, teo tóp. Từ nhỏ đến lớn Hằng không thể đứng mà chỉ có thể bò lết để di chuyển một quãng ngắn và cũng không thể cầm nắm bằng tay. Mọi hoạt động hằng ngày đều phải có bố mẹ giúp đỡ. Cha mẹ đã cố gắng chạy chữa khắp nơi, nhưng Hằng cũng chỉ ngồi dậy chứ không thể đi lại.

Nhưng đây là một cô gái rất giầu nghị lực, không đầu hàng số phận. Mặc dầu không thoát ra khỏi chiếc giường của mình, Hằng vẫn được những người chung quanh giúp đỡ, để có thể đọc chữ thành thạo và viết chữ bằng chính đôi chân của mình. Cô đã từng tập làm nghề đan mây, đan tre bằng chính bàn chân của mình, nhưng khó quá nên đành phải bỏ. Cuối cùng cô đã thành công trong việc dùng chân của mình, với đá đính và dụng cụ làm tranh đính đá, tạo nên những bức tranh đá rất đẹp, để kiếm chút tiền.

Bài Tin Mừng kể lại cuộc gặp gỡ của anh mù Bartimê với Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khát vọng mãnh liệt của những con người tàn tật, đó là muốn được chữa lành. Chúng ta không biết rõ anh bao nhiêu tuổi, anh đã ngồi bên vệ đường để xin lòng thương xót của những người qua lại bao nhiêu năm rồi? Nhưng chúng ta thấy rõ ở đây là lòng tin và lòng khát vọng mãnh liệt được chữa lành.

Khi biết đó là Chúa Giêsu đang đi qua, anh đã la lớn với tất cả sức mạnh của mình: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi.” Người ta càng ngăn cấm thì anh càng kêu to hơn. Tiếng kêu của anh là tiếng kêu thống thiết của một con người đau khổ, nhưng đây là tiếng kêu của niềm tin.

Chúa Giêsu đã gọi anh lại và anh vui sướng vô cùng, nhảy cẫng lên để chạy tới với Chúa, vứt chiếc áo choàng đang còn vướng víu vào mình. Anh đã tới với Chúa, như một kẻ sáng mắt, và quả thật anh đã được sáng mắt, khi Chúa Giêsu đáp lại lòng mong muốn của anh và nói với anh rằng: “Được, đức tin của anh đã chữa anh.”

Chúng ta thấy những người khuyết tật luôn cố gắng để vươn lên khỏi số phận của mình. Có những người vẫn luôn cố gắng để tìm thấy niềm tin trong những bất hạnh của cuộc sống này. Niềm an ủi lớn nhất của người đau khổ và bất hạnh là biết rằng có những người khác luôn sẵn sàng muốn thông cảm và giúp đỡ họ.
Có hai bài học chúng ta có thể tìm thấy trong câu chuyện Chúa chữa lành cho anh mù thành Giêricô: Thứ nhất, đừng giống như những người chung quanh đã ngăn cản không cho anh mù này đến với Chúa. Người Kitô hữu đừng trở thành những rào cản để người khác không thể đến với Chúa qua đời sống đầy gương mù, gương xấu của chúng ta.

Bài học thứ hai anh mù có thể dạy chúng ta là hãy đến với Chúa là sự sáng của chúng ta, như Ngài đã nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Gioan 8:12).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT