Phóng Sự

Xướng ngôn viên/ MC Uyển Diễm, MC Đại Dương

Monday, 17/08/2015 - 02:51:16

Uyển Diễm cho biết hầu hết chương trình nhạc chủ đề mà Diễm thực hiện đều được thu trước một ngày rồi phát ra vào thứ Tư, còn nếu có ngày lễ đặc biệt trong tuần đó, thì mới thu live để mang tính “sống động” cho chương trình.

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại quận Cam

Bài BĂNG HUYỀN

Với ngoại hình ưa nhìn và giọng đọc thanh thoát, biểu cảm, ngay từ năm 2004, Uyển Diễm đã được các khán giả biết đến trong vai trò MC, dẫn dắt chương trình đầu tiên là đêm nhạc thính phòng chủ đề “Tiếng thời gian”, giới thiệu những tác phẩm của nhạc sĩ Từ Công Phụng diễn ra tại San Jose. Để rồi từ đó Uyển Diễm bắt đầu gắn với công việc MC cho đến nay. Và kể từ năm 2011, trong chương trình nhạc thính phòng “Mưa Hồng Tháng Ba” do nhóm The Friends tổ chức, Uyển Diễm và Đại Dương cùng làm MC dẫn chung với nhau, và từ đó cả hai tiếp tục cộng tác với nhau trong các chương trình thơ nhạc tổ chức trong cộng đồng, trở thành cặp đôi MC được khán giả thương mến.

Hình 3: MC Uyển Diễm và Đại Dương trên sân khấu đêm nhạc Áo Trắng. (Blog Biển's View)



Tuy nhiên xướng ngôn viên đài phát thanh mới là công việc đầu tiên gắn kết Uyển Diễm ngay từ năm 1995, và cũng chính từ mối duyên công việc xướng ngôn viên đã đưa Diễm đến với công việc MC.
Uyển Diễm cho biết tên thật của cô là Diễm Uyển, nhưng khi bước vào ngành truyền thông trong vai trò xướng ngôn viên, cô đã đổi lại thành Uyển Diễm. Cô là con gái duy nhất của nhà văn Bích Huyền và cố Trung Tá Nguyễn Quang Hưng (ông đã mất trong trại tù cải tạo của cộng sản). Uyển Diễm và mẹ đã đến định cư tại Hoa Kỳ vào tháng Tư 1990 theo diện H.O, khi đó cô 14 tuổi và vào học cuối năm lớp 9.
Bấy giờ Uyển Diễm và mẹ sống tại thành phố Visalia gần Fresno. Khoảng ba năm sau, cô cùng mẹ dọn về Quận Cam. Sau bốn năm đại học UCI, Diễm ra trường với bằng cử nhân ngành Sinh Hóa (Biochemistry), sau đó cô tiếp tục lấy Teaching Credentials để dạy học, nhưng chỉ dạy khoảng sáu tháng thì cô kết hôn, và từ đó không đi dạy nữa mà chỉ làm ở đài radio và công việc chính là làm quản lý cho hai văn phòng medical clinic của gia đình.

Cơ duyên trở thành xướng ngôn viên

Kể về cơ duyên đến với công việc xướng ngôn viên, Uyển Diễm tâm sự, “Năm 1995 mẹ của Diễm vào làm tại đài Văn Nghệ Truyền Thanh, Diễm có đến đài chơi và được mấy người trong đài mời Diễm tham gia host một chương trình nhạc chủ đề và nhạc yêu cầu trên đài Văn Nghệ Truyền Thanh (1480 a.m) vào chiều thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần. Khi đó chương trình này đã có xướng ngôn viên Hồng Vân (mới từ Pháp sang), cô có giọng Bắc rất chuẩn, còn Diễm bấy giờ thì nói giọng miền Nam, vì dù có ba mẹ là người gốc Bắc di cư, nhưng Diễm sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, và có Khả Tú cùng giữ vai trò phụ trách của chương trình. Chương trình đó phát live, thính giả gọi vào đài yêu cầu bài hát, xướng ngôn viên hỏi thính giả vì sao chọn bài hát này... khán giả tâm tình, rồi mình phát bài hát lên.”
Uyển Diễm nói, “Khi xuất hiện lần đầu tiên trên radio, hình như Diễm không hồi hộp, vì đó cũng chỉ là buổi trò chuyện đối với Diễm thôi, với lại ngồi bên cạnh mình có những người đã có kinh nghiệm như Hồng Vân, Khả Tú. Bấy giờ Diễm rất vui vì thời gian đó chưa có làn sóng của F.M, nên tất cả mọi người vào cuối tuần thường theo dõi chương trình Văn Nghệ Truyền Thanh 1480 a.m (hiện nay làn sóng này là của đài Little Saigon Radio) rất đông. Có lẽ do thời gian đó khán thính giả không có nhiều chọn lựa như bây giờ.
“Diễm làm cũng được khoảng hai năm rồi nghỉ, sau đó mẹ về làm cho chương trình Diễm xưa, chuyên giới thiệu những dòng nhạc mới hoặc CD mới của trung tâm Diễm xưa. Diễm làm cùng với mẹ, Diễm chỉ làm xướng ngôn viên, đọc những gì mẹ viết ra. Sau chương trình Diễm xưa, năm 1999, mẹ Diễm được lời mời của chú Việt Dzũng và cô Minh Phượng về làm cho đài 106.3 FM Bolsa radio.
“Đài cũng ngỏ ý mời Diễm phụ trách 1 chương trình trên đài từ. Từ đó là Diễm phụ trách riêng một chương trình, không làm chung với mẹ nữa. Diễm phụ trách chương trình Nhạc chủ đề, làm từ năm 1999 đến nay cũng gần cả ngàn chương trình rồi, nhưng chương trình đó chỉ phát trên làn sóng 1430 A.M ở San Jose thôi, vào mỗi trưa thứ tư 11 giờ 40. Cũng nhờ chương trình nhạc chủ đề này, mà năm vào năm 2004 Diễm đã có cơ duyên làm MC, do một bầu show ở San Jose biết và mời Diễm làm MC nhạc thính phòng chủ đề Tiếng Thời Gian.”
Uyển Diễm cho biết hầu hết chương trình nhạc chủ đề mà Diễm thực hiện đều được thu trước một ngày rồi phát ra vào thứ Tư, còn nếu có ngày lễ đặc biệt trong tuần đó, thì mới thu live để mang tính “sống động” cho chương trình.
Theo Uyển Diễm thì với cả hai hình thức này, mỗi cái đều có cái hay riêng. “Nếu thu âm trước thì mình có thời gian để edit lại chương trình trọn vẹn và hoàn hảo hơn, nhưng lại không gần gũi với quý khán giả. Khi Diễm làm live, thì Diễm được trò chuyện trực tiếp với khán giả vì lúc đó họ gọi điện vào. Diễm thích cả hai cách, mỗi cách có cái hay riêng.
“Còn về sự chuẩn bị tài liệu cho phần thu live hoặc thu trước đều như nhau, nhưng thu trước thì Diễm có thể chủ động được, còn thu live thì đôi khi lạc ra ngoài chủ đề, mình phải nói nương theo lời tâm tình của khán giả gọi vào. Nhiều khi mình soạn phần của buổi phát thah đó, nhưng khi thu live, khán giả gọi vào, có thể mình không nói theo đúng những gì mình đã chuẩn bị.”

Kỷ niệm đáng nhớ

Trả lời cho câu hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất khi làm xướng ngôn viên, Uyển Diễm giọng chùng xuống vì xúc động, rồi tâm sự, “Có một lần thu live chương trình về ngày lễ của cha, thật sự thì bố Diễm mất (trong tù cải tạo) từ khi Diễm còn nhỏ, ký ức về cha của Diễm không có gì, vì Diễm mới sinh được một tháng thì bố đã bị đi tù cải tạo, nên Diễm chỉ có duy nhất tấm hình chụp với bố Diễm mà thôi, Diễm không có kỷ niệm nào với ông cả, mà chỉ qua sự kể lại của bà ngoại, của mẹ Diễm. Vì vậy mỗi khi làm chương trình về cha, Diễm luôn muốn nhắc đến những kỷ niệm vui về thời thơ ấu của một đứa con đối với cha (trong trí tưởng tượng của Diễm) hoặc trong những bài viết mà Diễm đọc được.
“Nhưng trong lần thu live đó, có một chị thính giả gọi vào cũng mồ côi cha như Diễm, nên chị tâm sự khác hẳn với bài soạn của Diễm. Đúng trong tâm tình của chị, Diễm cũng trải qua những cảm xúc như vậy, cho nên khi cô khóc bên đường dây bên kia, thì Diễm cũng lặng im vì nấc nghẹn. Thật ra Diễm không bao giờ muốn đưa khán giả vào những kỷ niệm buồn, vào những ngày lễ đặc biệt như lễ cha, lễ mẹ Diễm luôn muốn đưa khán giả vào những kỷ niệm vui. Nhưng không ngờ vị khán giả gọi vào cũng có những tâm tình trải nghiệm giống như Diễm, nên cả hai đều nấc nghẹn.
“Nếu với những xướng ngôn viên khác, có thể sẽ đi theo dòng cảm xúc của thính giả, sẽ nói chêm vào lời chia sẻ khi khán giả nghẹn ngào, nhưng chính vì Diễm cũng đang nấc nghẹn, nên lúc đó trên làn sóng đã im lặng khoảng 60 giây không ai nói gì hết. Đây là một trong những chương trình đáng nhớ của Diễm, vì Diễm làm chương trình luôn đi theo cảm xúc của mình, nên cả những lúc mình không ngờ, thành ra phản ứng của mình cũng không được giỏi.”
Còn với công việc MC, thì cô chia sẻ, “Chương trình làm MC lần đầu tiên, Diễm không hề hài lòng chút nào, vì Diễm nói như một cái máy, chỉ đọc lại những gì Diễm chép xuống từ sách vở. Lúc Diễm nhận lời làm MC, lần đầu tiên trên sân khấu, Diễm sợ lắm. Vì chương trình này lúc bấy giờ toàn những tên tuổi kỳ cựu, có nhạc sĩ Từ Công Phụng, tam ca Tiếng Tơ Đồng (gồm ca sĩ Kim Tước, Quỳnh Giao, Mai Hương) danh ca Tuấn Ngọc, cùng ban nhạc The Friends (Vương Hương, Luân Vũ), ban nhạc Trung Nghĩa ở San Jose. Diễm không hề tự tin chút nào, khi đó mẹ hỗ trợ Diễm hết mình, nhưng thật sự khả năng của Diễm lúc đó không cho phép Diễm làm gì hơn. Diễm hoàn toàn dựa vào từ giấy đã soạn và đọc thôi và không cảm xúc. Đó là kỷ niệm đáng nhớ với Diễm.
Sau chương trình đó, càng ngày Diễm càng học được nhiều bài học, cứ rút kinh nghiệm từ từ từng chương trình một. Dần dần Diễm được mời dẫn trong một số chương trình như thi Hoa Hậu, chương trình “Giã Từ Sân Khấu” của nam danh ca Anh Ngọc. Còn những chương trình như ra mắt tranh, ra mắt sách, Diễm dẫn chung với chú Nam Lộc, chú Việt Dzũng. Còn một vài chương trình gây quỹ thì dẫn chung với Trịnh Hội, ra mắt CD thì dẫn chung với Đỗ Tân Khoa, Đỗ Thanh, Việt Thảo. Nhưng hợp ý nhất với Diễm khi làm MC vẫn là cùng với Đại Dương.
Riêng về công việc của một xướng ngôn viên hay MC, yêu cầu trước tiên là phải có giọng nói dễ nghe, truyền cảm, bắt micro, rõ, chuẩn, không bị đớt hay ngọng, không nói pha nhiều giọng địa phương.
Uyển Diễm chia sẻ, “Chất giọng của Diễm có được là trời cho, theo Diễm dù giọng nói theo miền Bắc, Trung hay Nam, thì người nghe vẫn cảm nhận được hay, nếu người đó nói bằng giọng chân thật, tình cảm, thì khán giả sẽ cảm nhận được nội dung mình muốn truyền tải. Khi nói, giọng của Diễm có một chút lai miền Nam vì Diễm được sanh ra ở Sài Gòn, lúc nói trên đài radio, một vài khán giả không hài lòng khi nghe giọng Diễm lơ lớ, đã gọi vào và nói là tại sao Diễm là người Bắc mà lại nhái giọng miền Nam như vậy? Nhưng Diễm có thưa lại với thính giả là bố mẹ Diễm là người gốc Bắc, nhưng Diễm được sinh ra trong Sài Gòn và khi đi học, xung quanh bạn bè là người nói giọng miền Nam.
“Vì vậy, khi lên sân khấu làm MC, Diễm cố gắng hết sức giữ giọng Bắc chuẩn để không gây khó chịu cho khán giả, vì không ai gần gũi mình như khán giả radio, họ biết mình ở đâu để còn gọi điện vào góp ý, còn khán giả những chương trình Diễm làm MC, có khi chỉ nghe một lần, sau đó có thể không gặp lại Diễm nữa, nên Diễm cố gắng giữ giọng Bắc để không gây sự khó chịu cho khán giả. Làm bất cứ chương trình nào, khi nhận được góp ý của khán thính giả, dù là lời chê, Diễm cũng thấy đó là điều hạnh phúc, vì họ thương mình, họ để ý đến mình thì họ mới góp ý để mình ngày càng hòa thiện hơn.”
Uyển Diễm nói điều thích nhất đối với cô khi làm xướng ngôn viên hay MC, chính là quá trình tìm tài liệu, đọc sách báo để soạn nội dung chương trình. Vì chính quá trình này giúp cô học hỏi để trang bị kiến thức cho mình mỗi ngày thêm đầy đặn hơn.
Khó khăn nhất của một người dẫn chương trình là gì. Uyển Diễm trả lời: “Khi nhận những chương trình không quen thuộc, thì quả đúng là có khó khăn khi dẫn. Với Diễm người MC không làm quen được với chương trình, bỡ ngỡ về nội dung, nên bỏ nhiều giờ để chuẩn bị soạn phần giới thiệu. Lúc đầu có bỡ ngỡ, nhưng sau khi làm xong thì học được rất nhiều từ những sơ suất, để chương trình lần tới làm tốt hơn. Những sai sót của MC là sự chuẩn bị không kỹ, bị bí từ, làm cho mình khựng lại nhiều chỗ khi nói, nếu mình không chuẩn bị kỹ. Những lúc bí từ, không tránh khỏi cười trừ và mong sự thông cảm của khán giả. Thật sự thì có những chương trình mình làm trơn tru vô cùng, nhưng cũng có chương trình thì đôi lúc mình bị “đứng hình”. Khán giả thương thì chấp nhận, còn không thương thì sẽ có những lời phê, mình rút kinh nghiệm cho lần tới thôi. Diễm luôn sẵn sàng đón nhận lời góp ý của mọi người.”
Theo Uyển Diễm yêu cầu cần có của người dẫn chương trình là phải có kiến thức rộng và sâu, vững về kiến thức sẽ giúp tự tin trước mọi người. Kế đến, là khả năng ứng xử với các tình huống trên sân khấu một cách linh hoạt.
Uyển Diễm nói dù từng cộng tác chung với rất nhiều MC, nhưng “Diễm luôn thấy hợp rơ với Đại Dương. Khi nhận lời làm MC cùng Đại Dương, Diễm không cần chuẩn bị nhiều, Diễm rất yên tâm vì anh luôn giúp Diễm khi Diễm lỡ có quên bài. Nhưng cũng chính anh có lỡ “quên bài, thì Diễm cũng dễ dàng hiểu ý anh để cả hai cùng tung hứng. Diễm và anh Đại Dương biết nhau từ năm 2008, Diễm từng xem Đại Dương làm MC nhiều chương trình trước đó, nhưng mãi đến năm 2011 cả hai mới chính thức cùng dẫn chung với nhau trong chương trình “Mưa Hồng Tháng Ba” của nhóm The Friends.
Từ đó đến nay, mỗi khi cả hai được mời dẫn chung với nhau các chương trình, chia ra mỗi người tự soạn phần của mình. Đến trước ngày show diễn ra, Diễm và anh Đại Dương ngồi lại với nhau ít nhất 2 tiếng đồng hồ, để xem lại những phần soạn trước của cả hai, cần bổ sung gì thêm thì bổ sung, để trước khi lên sân khấu thì cả hai đều sẵn sàng.”
Uyển Diễm khen tặng người bạn dẫn cùng mình, “Nhờ cộng tác chung với Đại Dương, Diễm học được từ anh rất nhiều, nhất là qua những chương trình nhạc thính phòng. Đại Dương còn hơn Diễm là Đại Dương hát được, nên sự thẩm thấu về âm nhạc của Đại Dương sâu sắc hơn Diễm, anh cũng đọc rất nhiều, không chỉ đọc sách báo hải ngoại mà anh còn đọc những tài liệu trong nước, vì vậy kiến thức Đại Dương học hỏi và trau dồi trong nghề rất đáng nể, anh cũng giúp Diễm học hỏi được nhiều và sự thẩm thấu về âm nhạc của Diễm cũng cặn kẽ hơn, vì anh hiểu sâu. Khi cùng dẫn với Đại Dương, Diễm có cái nhìn về vấn đề nào đó cũng thoáng hơn, không nhìn một mặt, vì nghệ thuật cần phải luôn khách quan, đón nhận được cái mới, cái hay, còn nếu mình không mở lòng đón nhận thì sẽ bỏ qua những cái hay đó.”
Uyển Diễm cũng cho biết, “Mẹ và chú Việt Dzũng là hai người thầy của Diễm, họ như hai cuốn tự điển sống, khi Diễm cần tìm tới những khúc mắc khi soạn chương trình luôn được sự trợ giúp của họ. Vì vậy khi dẫn chương trình lần đầu tiên năm 2004, Diễm được sự khuyến khích của cả hai tiếp tục học hỏi để làm tiếp những chương trình sau cho tốt hơn.”
Cô kể, “Trong thời gian Diễm làm MC cùng Đại Dương một số chương trình nhạc thính phòng của nhóm The Friends, thì nhận được lời mời của chú Việt Dzũng lập ra nhóm DUK là chữ viết tắt của Đỗ Dzũng, Uyển Diễm và Đỗ Tân Khoa, nhóm chuyên tổ chức những chương trình nhạc chủ đề, giới thiệu cho khán giả tại quận Cam. Chương trình đầu tiên của nhóm DUK làm là 50 Năm Tình Ca Từ Công Phụng tổ chức vào tháng 6 năm 2012 tại hí viện Segerstrom, thành phố Costa Mesa.
“Sau đó DUK mỗi năm làm 3 chương trình, lúc nào Diễm và Đại Dương cũng trong vai trò MC chương trình của DUK. Anh Đỗ Tân Khoa làm nhà sản xuất cho chương trình và vài lần anh cùng dẫn với chị Diệu Quyên trong vai trò MC. Nhưng chương trình của DUK mới được hai năm thì chú Dzũng mất. Chương trình cuối cùng diễn ra vào ngày 19 Tháng Bảy, tại rạp Sai Gon Performing Arts Center, mang tên Áo Trắng.
“Vì đây là chương trình chú Việt Dzũng đã bàn thảo cùng với cả nhóm, với kế hoạch là sẽ thực hiện ngay trong mùa các hội cựu học sinh của những trường trung học họp mặt. Chú đã phác thảo trước ngày chú mất vài hôm từ thời gian, địa điểm đến cách thức tổ chức và ca sĩ nào phải mời. Ban đầu nhóm định hủy bỏ chương trình này rồi, nhưng suy đi nghĩ lại, đây là tâm huyết của chú Dzũng, nên cuối cùng tụi này quyết định thực hiện. Sau chương trình Áo Trắng, nhóm DUK tuyên bố không tồn tại nữa.”
Uyển Diễm giải thích, “Những chương trình nhóm làm chuyên đặt nặng về nghệ thuật, nên về thương mại hoàn toàn thất bại, vì vậy Diễm nghĩ đến lúc mình nên ngừng.”

MC Đại Dương và tình yêu với nghề MC

Riêng về MC Đại Dương, anh cho biết hiện nay anh là giảng viên dạy ngành Thương Mại tại đại học Cal State Long Beach, anh đến với công việc MC cũng chỉ vì đam mê và bắt đầu công việc MC là dẫn chương trình nhạc chủ đề cho nhóm The Friends vào năm 2004. Để rồi cách dẫn của Đại Dương đã nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng, nhận được nhiều ngợi khen, yêu mến của khán giả.
Anh tâm sự, “Tôi yêu công việc MC cũng bắt nguồn từ nhạc Trịnh Công Sơn, sau đó là nhạc Phạm Duy Lê Uyên Phương và các tác giả khác. Vì nhờ những nhạc sĩ này đã đưa tôi đến biết bao ngõ ngách bao la của âm nhạc, từ đó tôi ao ước có người dẫn chương trình làm theo kiểu mẫu mình thích, nghĩa là khi giới thiệu chương trình nhạc chủ đề, luôn chêm vào một chút văn chương, rồi nhẹ nhàng dẫn người nghe vào đề tài, chủ đề đó xuyên suốt chương trình. Theo tôi kiến thức của người MC rất quan trọng, kiến thức về đối tượng mình đang nói, dòng nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ.”
Vì nghệ thuật của MC là nghệ thuật của ngôn ngữ, nên Đại Dương cho rằng: “Giọng nói của MC phải thuần miền Nam hoặc miền Bắc, đừng nên lơ lớ sẽ gây khó chịu cho người nghe, và ngôn ngữ dùng của mình khi diễn đạt đừng nên bắt chước ai đó, dẫu ngôn ngữ có tính chất “copy” chứ không phải là không, nhưng từ đúng thì vẫn dùng, nhưng những cách dẫn riêng của ai đó rồi, thì người MC không nên mắc chước y chang, vì có khi không hợp với mình, sẽ trở thành “lố bịch.” Mình phải biết mình đang nói gì, và thực sự sống với đề tài đó một khoảng thời gian trước khi lên nói trên sân khấu trước các khán giả thì mới truyền được tình cảm cho khán giả khi nghe mình nói.”
Nói thêm về bí quyết của mình, Đại Dương chia sẻ, “Tôi đọc rất nhiều tác phẩm văn chương của tác giả ở hải ngoại và các nhà văn trong nước như Nguyễn Huy Thiệp. Tôi học từ những tác giả này ngôn ngữ văn chương khi dẫn chương trình, nhưng học rất chắt lọc và có sự sáng tạo riêng. Tôi luôn chuẩn bị kỹ những lời giới thiệu của mình với ngôn ngữ êm đềm, mượt mà khi dẫn các chương trình nhạc chủ đề là vì tôi rất yêu tiếng Việt và vẻ đẹp của văn chương, âm nhạc Việt, nên tôi muốn gửi đến các khán giả những điều đó.”
Khi được hỏi Uyển Diễm có muốn tâm sự thêm điều gì với khán giả nữa không, cô cho biết, “Diễm nghĩ ai đến với nghề nào đó cũng phải có cái duyên, hiện giờ với nghề xướng ngôn viên truyền thanh và MC Diễm đều yêu cả hai, nên Diễm luôn hy vọng trụ vững với nghề càng lâu càng tốt, để đem lại cho mọi người những món ăn tinh thần có giá trị, và Diễm cũng luôn tự học hỏi không ngừng để làm tốt công việc để không phụ lòng thương yêu của khán giả.” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT