Phóng Sự

Xướng ngôn viên Thanh Tâm

Monday, 21/09/2015 - 12:04:50

Lúc đó mệt lắm, nhưng cảm thấy rất vui vì mình đang khởi nghiệp một cuộc đời mới, vừa đi học, đi làm, có rất nhiều hoài bão, tương lai đang rộng mở phía trước. Sau đó một năm, tôi vào học ở Golden West College, vì thấy mình bắt đầu trễ hơn người ta, 18 tuổi người ta vào đại học.

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam

Bài BĂNG HUYỀN

Nhu cầu muốn biết những thông tin nóng hổi về các sự kiện đang diễn ra, cập nhật những tin tức mới nhất dường như là thói quen của rất nhiều người khi đọc báo, lướt web, xem truyền hình hoặc nghe radio. Riêng với phần tin tức trên truyền hình nếu được người xướng ngôn viên không chỉ có giọng đọc truyền cảm, đúng chính tả, ngắt câu rõ ràng, mạch lạc, mà còn sôi nổi, thậm chí là hài hước với những lời bình luận thông minh, dí dỏm, sắc sảo tạo sinh khí cho chương trình, thì chắc hẳn sẽ thu hút được người xem nhiều hơn.

Thanh Tâm




Chính từ ý tưởng này mà xướng ngôn viên Thanh Tâm đã chọn làm phong cách riêng cho mình mỗi khi xuất hiện trong vai trò xướng ngôn viên đọc tin tức, kể từ khi anh còn làm tại đài VHN-TV trong phần đọc tin mỗi ngày. Và từ năm 2010 đến nay anh đảm nhận luôn phần biên soạn toàn bộ phần tin cho anh và xướng ngôn viên Khoa Cát cùng đọc, trong phần Tin Tức cuối tuần (phát hình vào chiều tối thứ Bảy và Chủ Nhật) trên đài truyền hình Saigon TV (57.5) kéo dài khoảng 1 tiếng 10 phút).

Nếu người xướng ngôn viên đọc tin tức nắm chắc vấn đề biết mình đang đọc cái gì và biết phải đọc như thế nào, chắc chắn sẽ hay hơn và tự tin hơn. Đó cũng chính là điều mà khán giả cần. Hiểu rõ điều này, nên khi về làm tại đài truyền hình Saigon TV, xướng ngôn viên Thanh Tâm đã xin phép ban giám đốc đài cho anh được đảm nhận việc biên soạn tin tức khi anh đọc.

Thanh Tâm tâm sự, “Phong cách của tôi khi đọc tin tức khác với phong cách của đài Saigon TV từ xưa giờ, nghĩa là xướng ngôn viên phải nghiêm nghị, chững chạc, đạo mạo. Còn phong cách của tôi thì hơi quậy một chút, sống động chút. Tôi rất cảm ơn anh Nam (giám đốc đài Saigon- TV) đã đồng ý cho tôi giữ phong cách này của mình khi đọc tin trên đài Saigon TV. Không ngờ được khán giả đón nhận đến nay luôn.

“Đặc biệt là lần đầu tiên trong phần tin tức cuối tuần trên đài do tôi biên soạn kể từ khi về đài cho đến nay, có thêm phần điểm phim rất hào hứng. Vì theo tôi, tin tức cuối tuần cần phải nhẹ nhàng, vui, chứ không nên quá chú trọng những tin về bạo động, chiến tranh. Đây là một thử nghiệm mới để xem khán giả có đón nhận hay không. Ngoài ra còn có phần tin cuối về tin giật gân, tiếu lâm, để Thanh Tâm và Khoa Cát cùng tung hứng với nhau rất vui, đem lại sự thoải mái cho khán giả.”

Để có thể trở thành một xướng ngôn viên truyền hình nhận được nhiều thiện cảm từ các khán giả, đòi hỏi người đó phải có ngoại hình đẹp, giọng nói hay. Điều này xướng ngôn viên Thanh Tâm hội đủ. Với vẻ ngoài điển trai, bảnh bao, giọng đọc sáng, rõ, giàu biểu cảm. Vì khán giả của truyền hình không chỉ có nhu cầu biết thông tin mà còn có nhu cầu thoải mái khi tiếp nhận thông tin. Thường thì phong cách của một xướng ngôn viên được khán giả yêu mến chính là thể hiện cách giao tiếp ấm áp và tự nhiên như đang nói với một người bạn, người thân. Đây cũng chính là ưu điểm của xướng ngôn viên Thanh Tâm có được khi anh phụ trách mục Tin Tức cuối tuần trên đài Saigon TV.

Không chỉ phụ trách phần tin cuối tuần, anh còn đảm nhận vai trò biên tập chính của chương trình talk show “Ta Chat” trên đài Saigon TV. Có thể nói, phong cách và tiết tấu của tác phẩm truyền hình phụ thuộc rất nhiều vào phong cách và tiết tấu xuất hiện trước ống kính cuả người dẫn chương trình. Chính người dẫn chương trình mới là yếu tố sống động nhất trong chương trình truyền hình. Sự trẻ trung, cách ăn mặc, lối dẫn chuyện của người dẫn sẽ tạo sinh khí cho chương trình. Talk show Ta Chat của Thanh Tâm phụ trách có được những nét hay kể trên.

Anh cho biết, “Khi thực hiện show Ta Chat tôi muốn bày tỏ quan điểm của những người thuộc thế hệ 1.5, 2.0 gốc Việt sống tại Mỹ như cá nhân tôi về những vấn đề trong cuộc sống. Tôi mời những người bạn thuộc thành phần khác nhau, chương trình gồm có bốn người, hai nam, hai nữ, có người độc thân, có người đã có gia đình, để xem quan niệm mỗi người có khác nhau như thế nào về một vấn đề nào đó. Một cái tên gọi nửa nạc nửa mỡ của chương trình là vì mình muốn diễn tả thế hệ của mình, khi sống tại Mỹ. Từ quan điểm của hai nền văn hóa Việt Mỹ, với nhiều đề tài phong phú, dù là bàn thảo về đời sống hay thời sự, chương trình luôn lấy sự cởi mở và thẳng thắn làm chính. Những thành viên xuất hiện trong chương trình Ta Chat không phải là những chuyên gia, mà chỉ đơn thuần biểu đạt tư tưởng của mình.”
Thanh Tâm giới thiệu, “Chương trình này gồm có Thanh Tâm, Trần Tường Huy (anh trai của ca sĩ Trần Thái Hòa) là giáo viên dạy toán, là gương mặt quen thuộc với hội văn học nghệ thuật Việt Mỹ VAALA. Tuyết Lê, và Đan Tâm (là một biên tập của đài Saigon TV). Thỉnh thoảng những người chính này có việc bận, đi nghỉ phép, hoặc gặp đề tài nào gai góc cần những nhận định nhạy bén sắc sảo, thì tôi sẽ mời thế vào chương trình là Orchid Lâm Quỳnh.”

Nói thêm về phân biên tập tin tức cuối tuần trên đài, Thanh Tâm chia sẻ, “Nếu theo dõi Tin Tức Cuối Tuần, khán giả tinh ý sẽ thấy tin của Thanh Tâm khác với tin của các đài khác, từ lời lẽ, cách ngắt đoạn cũng khác. Dù cũng có bao nhiêu đó tin, các đài chắc chắn sẽ trùng nhau. Bản tin sẽ gồm có tin thế giới đầu tiên, tiếp đến là tin Hoa Kỳ và tin Việt Nam. Nếu trong tuần đó có tin cộng đồng nào quan trọng thì tôi sẽ đưa chung vào tin Hoa Kỳ. Còn thường thì không có phần tin cộng đồng.

“Trong phần tin, với tin Việt Nam, tôi luôn dựa vào web site tin bên Việt Nam, nhưng sẽ không biên soạn từ tin của lề phải, mà luôn xem qua phần tin của trang mạng thuộc lề trái tại Việt Nam để biết đâu là sự thật. Vì tin tức của báo lề phải thường chỉ đưa phần có lợi cho chính quyền thôi. Do đó tôi phải tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau để đưa một cách trung thực nhất bản tin đến với khán giả. Còn tin thế giới và tin Hoa Kỳ thì bên đài có mua các nguồn tin của các hãng thông tấn, tôi chỉ lựa ra và dịch lại. Buổi chiều tối thu hình tin tức cuối tuần, thì ban ngày tôi phải biên soạn tin. Nhiều khi tôi mất cả ngày trời để biên soạn tin tức, công sức mình bỏ ra nhiều lắm, nhưng thù lao thì không là bao so với công việc chính hằng ngày. Nhưng vì rất yêu công việc tay trái này, nên tôi không thấy cực nhọc nữa.”

Giới thiệu đôi nét về mình, Thanh Tâm kể, “Tôi qua Mỹ năm 1992, theo diện H.O 10 của bố. Khi đó tôi 19 tuổi, đã học xong trung học ở Việt Nam. Bố tôi là cựu quân nhân VNCH, đơn vị Biệt Động Quân. Bố đi tù cải tạo 10 năm. Tôi có một người em, nhưng em đã bị mất vào năm 1980 khi bố còn trong tù cải tạo. Gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, vì ngày xưa, mẹ cũng chỉ là một cô sinh viên Luật Khoa, không quen buôn thúng bán bưng, còn bố là lính đánh trận, lương bổng tạm thôi, khi mất nước, mẹ tôi phải bươn chải làm đủ mọi người để có thể lo cho con, trong suốt thời gian bố tôi trong tù cải tạo, mẹ đã phải bán hết tất cả mọi thứ chỉ đi thăm bố được có một lần thôi, vì phải lặn lội ở Hoàng Liên Sơn thăm bố, gia đình đã không có tiền, đi chuyến đó là mượn nợ tùm lum. Mãi khi bố được chuyển về trong Nam, thì vài năm mẹ lại đi thăm được một lần.”

Chính vì phải sống trong hoàn cảnh khốn khó, mất tự do khi còn trong nước, nên khi qua đến Hoa Kỳ, anh rất hạnh phúc. Thanh Tâm kể tiếp, “Hồi mới qua, vì chưa đủ một năm là cư dân của California, nên tôi vừa đi học computer và ESL ở trường Lincoln (trung Tâm Giáo Dục Lincoln, ở thành phố Garden Grove), mỗi ngày, từ 8 đến 10 giờ sáng, sau đó đi xe bus đến tiệm McDonald's ở đường Chapman Ave (góc Brookhurst St) để làm từ 11 đến 6 giờ chiều.

Lúc đó mệt lắm, nhưng cảm thấy rất vui vì mình đang khởi nghiệp một cuộc đời mới, vừa đi học, đi làm, có rất nhiều hoài bão, tương lai đang rộng mở phía trước. Sau đó một năm, tôi vào học ở Golden West College, vì thấy mình bắt đầu trễ hơn người ta, 18 tuổi người ta vào đại học.

Mình đến 20 tuổi mới vào, vì sợ thua bạn, nên ngay từ lúc vào học ở college đã nghiên cứu kỹ lấy lớp làm sao để lên học đại học 4 năm, chứ không muốn kéo dài việc học. Sau hai năm ở Golden west, tôi chuyển lên đại học California State Fullerton để lấy bằng bốn năm ngành học kế toán.”
Sau đại học, anh đi làm toàn thời gian về kế toán vào ban ngày, chiều tối thì học thêm bằng MBA ở Cal State Long Beach. Công việc chính của anh là quản lý kế toán cho một công ty tài chánh của chính phủ.

Diễn viên Thanh Tâm

Không chỉ biên soạn và đọc tin, làm host chương trình talk show, khán giả yêu thoại kịch còn biết đến Thanh Tâm trong vai trò diễn viên kịch, dù anh chỉ mới xuất hiện trong vở diễn duy nhất “Lời Thề Định Mệnh” (Kịch bản được nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc dựa theo hai tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Đạo diễn Hùng Lâm) của đoàn kịch sống Túy Hồng, ra mắt khán giả vào tháng 6, 2013. Vai người con trai Lê Thành Nghiệp do Thanh Tâm thể hiện, là một khám phá mới cho sân khấu thoại kịch tại hải ngoại.

Dù với “Lời Thề Định Mệnh” là lần đầu tiên trên sân khấu của Thanh Tâm, nhưng anh đã làm tròn vai diễn của mình hơn cả mong đợi của khán giả. Giọng nói diễn cảm đã giúp Thanh Tâm vào vai Nghiệp thật sinh động, nhẹ nhàng. Đoạn cao trào khi anh chất vấn cha ruột của mình trong nước mắt uất nghẹn “cha đã ở đâu khi con còn nhỏ, luôn đối diện những khó khăn, chỉ có sự chở che, chăm sóc và tình yêu thương vô bờ của bố dượng mà thôi..” Tiếng kêu thảng thốt Cha ơi, khi nhìn thấy cha ngã vật xuống từ giã cõi đời, là tiếng thét xé lòng của sự tha thứ, đã được Thanh Tâm thể hiện rất “đắt.”

Nhắc lại kỷ niệm này, Thanh Tâm bày tỏ, “Đóng kịch là cơ duyên rất lạ. Cô Túy Hồng biết tôi khi tôi còn làm cho VHN-TV, đài có dự án sẽ làm một chương trình sitcom. Khi đó giao cho cô Túy Hồng phụ trách, cô có mời tôi vào vai người con đi học xa mới về, phân đoạn đó cảm động, cô giao cho tôi đóng gặp mẹ. Sau này cô cho biết nhìn tôi diễn đoạn đó thấy tôi có thể khóc được trên sân khấu. Vì vậy khi dựng vở Lời Thề Định Mệnh. Vai người con trai, cần cảm xúc rất nhiều, phải khóc được. Cô sực nhớ đến tôi. Giao cho tôi. Tôi cám ơn cô Túy Hồng, cô rất gan vì từ trước giờ tôi chưa lên sân khấu bao giờ, mà dám giao cho tôi vai diễn như vậy. Thật tình thì khi đóng, màn đầu tôi hơi bị đơ, nhưng đến màn cuối cùng phải bộc lộ tình cảm cha con, tôi đã khóc nức nở luôn, khán giả đã cảm động và cũng thương tôi hơn qua vai diễn đó.”
Tuy nhiên anh nói đây cũng chỉ là một cuộc “dạo chơi” trong nghệ thuật thôi, chứ anh không có ý định đeo đuổi nó, vì “Tôi thấy mình cũng không có tài diễn xuất lắm, cái gì cũng vậy, có công mài sắt có ngày nên kim, không có cơ hội mài dũa từ những vai nhỏ nhiều, thì khó mà xuất sắc được. Thoại kịch ở bên này, lâu lâu mới có một vai, nên khó mà giỏi được.”

Nhưng đóng kịch chưa phải là cơ duyên đầu tiên của anh, mà đóng phim mới là mối duyên đưa anh gắn với nghệ thuật. Thanh Tâm nói, “Năm 2004 tôi có tham gia đóng vai nhỏ xíu thôi trong phim Vượt Sóng của đạo diễn Hàm Trần, nhưng đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong cuộc đời của mình. Tôi qua Thái Lan để đóng phim, thời gian đó vui vô cùng. Sau vai nhỏ xíu này, tôi được đài VNCR mời cộng tác trong chương trình cuối tuần. Ban đầu được mời làm radio tôi thấy bỡ ngỡ lắm, lúc đó tôi thấy công việc này vui quá, gặp gỡ được nhiều người, học hỏi nhiều điều hay. Từ đó mới thấy ngành truyền thông là công việc thật thú vị. Đó là kinh nghiệm để tôi tiếp tục gắn bó với công việc xướng ngôn viên khi có cơ hội.”

Chương trình thử nghiệm cuối tuần của đài VNCR chỉ kéo dài vài tháng, vì thấy tình hình tài chánh không như ý, nên họ quyết định đóng lại chương trình này lại. VNCR lúc đó chỉ phát trong tuần thôi, không có phát cuối tuần. Thanh Tâm cũng chỉ làm vài tháng ở radio VNCR. “Một ngày nọ vào năm 2006, trên đường lái xe đi làm về, tôi nghe trên đài radio thông báo đài VHN-TV tuyển xướng ngôn viên. Thế là tôi lái xe đến đài để thử giọng và được chọn luôn. Đầu tiên là được giao đọc tin tức mỗi ngày trên đài VNH-TV. Sau một thời gian được giao làm thêm talk show Coffee Break.”

Nói về kinh nghiệm buổi đầu mới vào nghề xướng ngôn viên, Thanh Tâm bày tỏ, “Khi còn học ở Việt Nam, có môn tập đọc, tôi luôn được cô giáo khen là đọc rất truyền cảm. Chắc đó cũng là trời cho tôi năng khiếu này. Đây cũng là lợi thế của tôi khi vào làm xướng ngôn viên cho đài Việt ngữ, vì đọc tiếng Việt vững, biết nhấn chỗ nào, ngắt câu ra sao. Tiếng Anh cũng tốt. Có thể đây cũng là ưu điểm để khi thi tuyển tôi được tuyển ngay. Thời gian đầu lúc mới phát hình, tôi còn ngượng ngùng lắm, nhìn không tự nhiên. Tôi xem lại còn thấy kỳ cục nữa là.

“Nhưng có lẽ nhờ đồng hương mình (lúc đó đài VHN-TV phát hệ thống direct TV, chủ yếu đồng hương ở tiểu bang xa xem đài này nhiều). Có lẽ đồng hương ở tiểu bang xa thích xem chương trình của người Việt nên du di hơn. Khi phát hình, tôi không ngờ là đã nhận được rất nhiều những lá thư động viên của các khán giả khắp mọi nơi. Đó là động lực to lớn cho tôi. Vì mới chập chững bước vào nghề, còn nhiều bỡ ngỡ, sợ bị phê bình này kia, mà được nguồn động lực khích lệ này là điều đáng quý.”

Anh nói thêm, “Tôi chỉ ước gì mình được huấn luyện một cách chuyên nghiệp và bài bản thì có thể mình có cơ hội phát triển nhiều hơn nữa. Từ trước đến nay từ đọc tin tức cho đến làm talk show tôi đều tự học, tự bơi thôi. Xem tin tức trên các đài Mỹ để học. Để nghề dạy nghề. Tự đánh giá và tìm những hạn chế để khắc phục thôi, nhưng cũng chỉ dừng lại như hiện tại thôi, chứ không thể phát triển hơn. Cái khó nó bó cái khôn.”

Thanh Tâm cho biết cũng có những lời mời anh làm MC, nhưng anh từ chối “vì tự thấy nếu bản thân làm được gì tốt thì mới nhận lời, chứ không tham laứng trên sân khấu làm điều khiển cả một chương trình, nó không dễ dàng chút nào. Tự thấy mình chưa đủ tài cống hiến khán giả 100 phần trăm vai trò MC nên chưa nhận lời.”

Thanh Tâm bày tỏ ước mơ, “Tôi ước gì nghề truyền thông của Việt Nam tại hải ngoại phát triển mạnh hơn nữa, để có thể thành ngành nghề mà mình có thể sống được. Đại đa số những người làm ngành truyền thông Việt ngữ đều phải có thêm nghề nghiệp khác, ít ai có thể sống được bằng nghề truyền thông. Không thể dấn thân được hết vào nghề, mà phải lo với cơm áo gạo tiền bằng công việc khác, thì sự cống hiến với nghề truyền thông cũng không được như mình mong muốn. Hơi khó khăn cho những người muốn sống bằng nghề truyền thông Việt ngữ, muốn sống được, họ phải đi lấy quảng cáo cho đài.”

“Tôi ước gì nghề truyền thông, xướng ngôn viên… và đi lấy quảng cáo tách biệt với nhau. Vì nếu mình đi lấy quảng cáo, mình sẽ không giữ được sự trung lập của mình. Người đi lấy quảng cáo là phải đặt thân chủ lên hàng đầu, trong khi người xướng ngôn viên, phóng viên thì sẽ đặt khán giả lên hàng đầu. Có ba đối tượng mình phải phục vụ, khán giả, chủ đài và khách hàng quảng cáo.”

“Nếu trong tình huống tuyệt vời thì lợi ích của ba nhóm đối tượng này đều như nhau, thì mình sẽ không có sự mâu thuẫn hay xung đột nào cả. Thực tế thì lợi ích của ba nhóm đối tượng này không giống nhau, thậm chí xung đột lẫn nhau, vậy mình phải đặt đối tượng nào lên hàng đầu để phục vụ đây? Thành ra tôi luôn nghĩ lúc nào khán giả cũng là đối tượng đầu tiên, kế đến là chủ đài và cuối cùng mới là khách hàng quảng cáo. Nếu mình là người phải đi lấy quảng cáo, sống bằng nghề lấy quảng cáo thì mình không thể đặt khán giả lên đầu được, mà là khách hàng quảng cáo. Thành ra có những mâu thuẫn về lợi ích đối với người làm nghề truyền thông.”

Theo xướng ngôn viên Thanh Tâm, “Nếu mình có đam mê thì hãy dấn thân vào công việc này. Một câu nói mà tôi hay nói đi nói lại nhiều lần trong chương trình Talk show là Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ (trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn). Tôi luôn cố gắng sống theo phương châm câu hát này. Vì cuộc đời ngắn ngủi lắm, mình không biết khi nào mình rời khỏi đời này, thành ra mình cứ sống trọn vẹn với đam mê của mình, dĩ nhiên cũng phải lo những trách nhiệm, bổn phận chu toàn. Nhưng khi có cơ hội, dù là cơ hội nhỏ nhất cũng có thể theo đuổi đam mê của mình. Hãy theo đuổi và làm tất cả mọi thứ có thể, chứ không một mai mà cơ hội đã qua, tóc đã điểm sương, lúc đó cứ tiếc nuối mà nói phải chi, thì khi đó đã muộn.”

Anh gửi lời cám ơn của mình đến khán giả, “Nếu không có tình thương mến của khán giả thì đã không có Thanh Tâm ngày hôm nay. Tôi biết những khiếm khuyết của mình, không được huấn luyện bài bản chuyên nghiệp, nhưng tôi có đam mê và cố gắng, luôn tôn trọng khán giả. Ngay cả quần áo khi xuất hiện trên truyền hình, tôi luôn lựa chọn cẩn thận và luôn đặt khán giả lên hàng đầu. Vì biết khiếm khuyết mình có, biết khán giả rộng lượng và luôn tiếp tục thương yêu Thanh Tâm, nên Thanh Tâm sẽ luôn cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự thương yêu đó.” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT