Đạo và Đời

Ý nghĩa ngày rằm thượng nguơn Thiên Quan Tứ Phước

Wednesday, 08/02/2017 - 06:50:14

Đối với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày Thiên Quan Tứ Phước là một lễ trọng và có ý nghĩa to tát. Ý nghĩa này liên quan tới hình tượng vua Nghiêu là vị Thiên Quan Tứ Phước.

Bài HUỆ KHẢI


(Nhân ngày rằm tháng Giêng âm lịch sắp đến cuối tuần này, của năm Đinh Đậu 2017, xin trích đoạn sau đây từ một bài viết của tác giả Huệ Khải đăng trên trang Thiên Lý Bửu Tòa, www.thienlybuutoa.org ngày 15 tháng 12, 2007, hầu giúp độc giả có thêm khái niệm về ngày lễ đầu năm này.)

Phép làm âm lịch thời xưa gọi ngày rằm tháng Giêng là thượng nguyên, rằm tháng Bảy là trung nguyên, rằm tháng Mười gọi là hạ nguyên. Đó là ba ngày rằm lớn trong năm. Người miền Nam đọc nguyên chệch đi là nguơn.

Ở Trung Quốc, đêm rằm thượng nguơn cũng gọi là (đêm) nguyên tiêu (tiêu là ban đêm). Người ta mở hội hoa đăng, tức là giăng dây treo đèn lồng rất nhiều. Tương truyền tục này có từ thời Hán Minh Đế (trị vì 58-76).
Lời truyền rằng một đêm Hán Minh Đế nằm mộng thấy một vị mình vàng, cao lớn, tỏa sáng hào quang hiện ra trên không trung. Sáng hôm sau, vua hỏi các quan xem giấc mộng đó có ý nghĩa gì. Quan Thái sử bói xong, quỳ tâu: “Thần nghe rằng ở Tây Vức có Đức Phật. Bệ hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là Đức Phật vậy.”

                                                       Vua Nghiêu trong tranh Trung Hoa


Sau đó, Hán Minh Đế phái đoàn sứ giả mười tám người qua Ấn Độ cầu Phật pháp. Họ gặp được đại sư Ca-diếp Ma-đằng (Kasyapa-Matanga), bèn thỉnh về Trung Quốc hoằng giáo. Đại sư nhận lời, cùng đi có bạn đạo thân thiết là đại sư Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa). Hán Minh Đế mời hai vị về tu ở chùa Bạch Mã tại thành Lạc Dương.

Các đạo sĩ không hài lòng khi thấy vua sùng thượng đạo Phật. Năm 72, ngày đầu xuân, các đạo sĩ dâng sớ xin Hán Minh Đế cho phép họ cùng tranh tài với hai đại sư. Vua thuận, cho tổ chức tranh tài ở chùa Bạch Mã. Theo truyền tụng, cuộc đấu phép rất ly kỳ, cuối cùng hai đại sư đã đánh bại hơn sáu trăm đạo sĩ. Nhân chiến thắng đó, vua Hán Minh Đế xuống chiếu cho thắp đèn suốt đêm rằm thượng nguơn. Sau này họ còn đốt thêm pháo bông.

Nhưng đối với phần đông người Hoa và Việt thì rằm thượng nguơn cũng là ngày Thiên Quan Tứ Phước.

Thiên Quan Tứ Phước trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Từ xưa đến nay, đồng bào Việt và Hoa đến ngày rằm tháng Giêng, nhân tiết xuân còn đượm, thường hay tổ chức hành hương các chùa để cầu phước, mong được mua may bán đắt, danh lợi hanh thông.
Tục này đi kèm theo câu nói dân gian: “Ăn chay cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.” Một trong những điểm hành hương tiêu biểu tại miền Nam là chùa Bà (chùa Thiên Hậu) ở số 18 đường Hùng Vương, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Thật ra, phần đông đều không hiểu đấy là tập tục của đạo Lão Trung Quốc nhưng trải qua lâu đời đã trộn lẫn vào tín ngưỡng dân gian và hòa vào đạo Phật của quần chúng bình dân.
Lễ rằm tháng Giêng chính là lễ Thiên Quan Tứ Phước (vị quan nhà Trời ban phúc lành cho dân chúng). Ở các khu người Hoa, phía trước nhà luôn có bàn thờ nho nhỏ để ở cửa, chỗ hàng ba (sát bậc thềm), hoặc gắn trên tường, rất đơn giản, kèm theo một linh vị (tablet) nền đỏ son, viết bốn chữ Hán bằng sơn nhũ vàng: Thiên Quan Tứ Phước.

Ngày Thiên Quan Tứ Phước trong đạo Cao Đài

Trong huyền sử Trung Quốc có ba vị thánh vương là vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ được gọi là Tam nguyên Đại đế (hay Tam quan Đại đế).
Huyền sử chỉ ghi vua Nghiêu lên ngôi 2356 trước Công nguyên (TCN), vua Thuấn 2255 TCN, vua Vũ 2205 TCN. Không thấy nói ba vị sinh ngày nào. Nhưng người Trung Quốc cứ theo thứ tự mà xếp ba vua lần lượt vào ba ngày rằm. Thế là: Vua Đường Nghiêu sinh vào thượng nguơn nên được tôn làm Thiên Quan. Vua Ngu Thuấn sinh vào trung nguơn nên được tôn làm Địa Quan. Vua Đại Vũ sinh vào hạ nguơn nên được tôn làm Thủy Quan. Ba vị này trông coi việc thưởng phạt tội phước thiện ác của người đời. Tam Quan Đại Đế cũng gọi là Tam Giới Công (các vị coi ba cõi).

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh tại Wichita, Kansas. (Hình của Cơ Quan Đại Diện Cao Đài Hải Ngoại)

Đối với Vĩnh Nguyên tự

Người xưa tôn vua Nghiêu là Thiên Quan Tứ Phước. Theo Kinh Thư do Đức Khổng Tử san định (551-479 TCN), vua Nghiêu không xem ngôi báu là của riêng, nên thay vì truyền ngôi cho con ruột là Đan Chu (kém tài đức) lại chọn người kế vị là ông Thuấn, một nông dân có đức có tài. Do tích này mà trong kinh sách có năm chữ “truyền hiền bất truyền tử.”
Noi theo gương truyền hiền bất truyền tử của vua Nghiêu, Đức Thái lão sư Lê Đạo Long (1843-1913) trước ngày thoát xác về trời đã để lời dặn dò môn đệ và gia tộc rằng ngôi Vĩnh Nguyên tự do Ngài sáng lập năm 1908 là của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chứ không phải là tài sản riêng của dòng họ Lê ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Do đó, ai đáng bậc hiền đức thì được cai quản Vĩnh Nguyên tự phụng sự cho Đạo. Năm 1961, Đức Như Ý Đạo thoàn Chơn nhơn (quả vị của Đức Thái lão sư) giáng đàn nhắc lại di ngôn của Ngài khi xưa như sau:

Lão nhắc lại cái ngày thoát xác,
Lời di ngôn ký đạt Vĩnh Nguyên,
Không truyền tử, chỉ truyền hiền,
Chọn người đức hạnh vẹn tuyền mới nên.

Đối với Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý Đại Đạo

Tiền thân của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý. Đức Chí tôn đã chọn ngày rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ (thứ Ba 16 tháng 2, 1965) để khai mạc Văn Phòng. Trước ngày trọng đại này, Đức Chí Tôn giáng đàn dạy: “Hỡi các con! Thầy đã chọn ngày Thiên Quan Tứ Phước mở Văn phòng để các con nhờ hồng ân của Thầy mà lập công với Đạo.”

Mười hai năm sau đó, nhân ngày Thiên Quan Tứ Phước năm Đinh Tỵ, Đức Chí tôn nhắc lại: “Năm xưa, Thầy vì tâm đạo chí thành của các con, nên chọn ngày Thiên Quan Tứ Phước thành lập Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý Đại Đạo để các con có cơ hội bồi công lập đức, lần lên thượng thừa phụng hành thiên đạo, hiệp cùng thần thánh tạo đời thánh đức cho vạn linh.”

Đối với Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày Thiên Quan Tứ Phước là một lễ trọng và có ý nghĩa to tát. Ý nghĩa này liên quan tới hình tượng vua Nghiêu là vị Thiên Quan Tứ Phước.

Đạo Cao Đài ra đời với mục đích thế đạo là xây dựng lại thế gian cho thành một cõi mà thánh giáo gọi là “trời Nghiêu đất Thuấn.” Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là bộ máy sau cùng của Đại Đạo góp phần tác động vào sứ mạng tái tạo lại đời Nghiêu Thuấn (thượng nguơn thánh đức). Đó là lý do Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý được Đức Chí Tôn ban ơn cho ra đời vào ngày vía của vua Nghiêu.

Đối với toàn đạo

Đối với đạo Cao Đài, trong ngày rằm thượng nguơn các thánh sở đều thượng sớ cầu nguyện Đức Chí tôn và chư thần, thánh, tiên, Phật ban ơn cho cửu huyền thất tổ và các chiến sĩ trận vong cùng các vong linh được siêu rỗi. Chẳng hạn, trong sớ rằm thượng ngươn của Hội thánh Tây Ninh có đoạn như sau:

“Ngưỡng nguyện vô trung Từ phụ phát hạ hồng ân, hóa sanh đại đức, tùy nguơn vận hội, ân xá chư linh hữu công hành đạo, tế độ nhơn sanh, cập tiền vãng thất tổ, hậu vãng cửu huyền, do tử tôn lập thân hành đạo dĩ hiến phụ mẫu hiếu nghĩa vi tiên, chư chiến sĩ trung thành dũng cảm vị quốc vong thân, dĩ chí toàn thể lê dân thống khổ chiến tranh đồng thời tử nạn. Nguyện cầu các đẳng linh hồn, cập chư chiến sĩ vị quốc vong thân tảo đắc siêu thăng tịnh độ.”

(Ngưỡng nguyện Đức Từ phụ trong cõi hư vô ban xuống hồng ân, hóa sanh đức lớn, tùy theo nguơn hội, ân xá các linh hồn có công hành đạo, cứu giúp nhơn sanh, cho tới cửu huyền thất tổ đã qua, do con cháu lập thân hành đạo để hiến dâng lên cha mẹ vì hiếu nghĩa làm đầu, các chiến sĩ trung thành dũng cảm vì nước mạng vong, cho đến toàn thể dân chúng đau khổ vì chiến tranh tử nạn tập thể.)

Lời sớ như trên có ý nghĩa nhắc nhở tín đồ Cao Đài rằng mỗi khi cúng rằm thượng nguơn, mỗi người nhớ siêng năng lập thân hành đạo, tu tam công (công quả, công trình, công phu) để báo hiếu và hồi hướng về cho những người đã khuất bóng. Nói cách khác, tu hành không phải chỉ cho bản thân mà còn tu cho người khác.
Để tu học và hành đạo, người tín đồ phải nương vào một tập thể tức là thánh sở. Nhân một lễ Thiên quan Tứ phước, Đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh dạy Cơ quan Phổ thông Giáo lý, nhưng cũng nên xem là lời dạy chung cho mọi thánh sở Cao Đài: “Đến đây Bần đạo để lời chúc chư hiền đệ hiền muội trong năm Mậu Ngọ tâm đức chói ngời, đạo hạnh tròn sáng như ngày Thiên quan Tứ phước Thượng đế ban cho (…). Mỗi người phải tự cầu, tự kiểm, tự khép mình trong kỷ luật để mỗi mỗi đều được chánh vị chánh danh. Như thế mới kính mến nhau mà giữ lễ với nhau. Có lễ thì trật tự được an bài và sứ mạng mới hoàn thành được vậy.”
Tóm lại, tu theo Cao Đài là góp phần với Thiên cơ để thực hiện công cuộc cứu độ kỳ Ba. Vì thế, mỗi khi dâng lễ rằm thượng nguơn, từ người tín đồ Cao Đài đến hàng chức việc, chức sắc đều nên ghi nhớ lời dạy của Đức Giáo tông Đại đạo:

Tứ phước Thiên quan để những lời,
Hỡi chư đệ muội lánh trần vơi,
Nêu gương cứu thế trong mai hậu,
Sử Đạo ngàn thu chói rạng ngời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT